Hắt xì ra máu là hiện tượng không hiếm gặp vì nó xảy ra ở nhiều người. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta trong trường hợp ấy đều băn khoăn không biết vì sao mình bị như vậy và không biết phải xử trí thế nào. Bài viết dưới đây hy vọng sẽ giúp bạn tìm ra lời giải đáp cho những câu hỏi ấy.
03/06/2021 | Triệu chứng thường gặp và biến chứng viêm mũi họng cấp 03/06/2021 | Top 6 nguyên nhân thường gặp nhất dẫn đến khô mũi 25/08/2020 | Hiện tượng hắt xì xảy ra liên tục có đáng lo hay không?
1. Vì sao lại hắt xì ra máu
1.1. Thế nào là hắt xì ra máu
Hắt xì ra máu là hiện tượng khi bạn hắt xì thì sẽ nhìn thấy có lẫn một ít máu trong dịch mũi bị bắn ra ngoài.
1.2. Nguyên nhân gây ra hiện tượng hắt xì ra máu
Thực tế cho thấy có rất nhiều lý do có thể gây ra hiện tượng hắt xì ra máu, phổ biến nhất là:
- Viêm mũi
Nếu mũi bị viêm sẽ có hiện tượng xung huyết, phù nề niêm mạc mũi và mao mạch mũi bị giãn ra, yếu ớt, dễ bị vỡ. Việc hắt hơi quá mạnh dễ khiến cho tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn nên trong dịch mũi bắn ra bên ngoài sẽ thấy có lẫn máu. Thường thì viêm mũi có thể do viêm xoang, nhiễm khuẩn, cảm cúm,...
Viêm mũi dị ứng là một trong các nguyên nhân gây hắt xì ra máu
- Thời tiết khô lạnh
Thời tiết khô lạnh thường có độ ẩm thấp nên dịch tiết sinh lí của niêm mạc mũi dễ bị bay hơi và vì thế mà mũi bị khô. Đây cũng là lý do khiến cho mao mạch thiếu độ ẩm để bảo vệ trở nên dễ vỡ. Bên cạnh đó, mảng dịch tiết ở trên niêm mạc mũi bị khô nứt, cong vênh sẽ làm rách mao mạch dính ngay dưới nó nên khi hắt xì gây chảy máu.
- Thói quen ngoáy mũi
Thường xuyên ngoáy mũi dễ làm tổn thương mao mạch ở trước hốc mũi nên khi bị hắt xì sẽ có máu trong dịch mũi.
- Mũi có dị vật
Trường hợp này dễ xảy ra ở trẻ nhỏ do độ tuổi này chưa ý thức được sự nguy hiểm nên hay tự nhét vật thể nhỏ vào lỗ mũi làm cho mũi bị tổn thương. Khi trẻ hắt xì vì thế mà thấy có lẫn máu.
- Thuốc xịt mũi
Dùng thuốc xịt mũi chứa corticoid không đúng cách như thay vì xịt hướng ra thành phía ngoài thì lại xịt vào vách ngăn mũi làm mỏng niêm mạc, mao mạch bị tổn thương nên gây chảy máu. Hoặc cũng có trường hợp khi xịt chọc đầu bình xịt làm tổn thương mũi nên sau đó hắt xì thì bị ra máu.
- Dị hình cấu trúc mũi
Các trường hợp gai xương vách ngăn, lệch vách ngăn hay thủng vách ngăn mũi có thể gây hắt xì ra máu. Nguyên nhân của tình trạng này là do niêm mạc ở vùng nhô nhiều nhất bị luồng khí khi hít thở thường xuyên va chạm vào nên khô và mỏng đi, mao mạch cũng bị ảnh hưởng và vỡ theo nên khi hắt xì là có kèm theo máu.
- Tiếp xúc hóa chất
Hít phải hơi hóa chất, đặc biệt là amoniac hoặc dùng các loại bột hít như cocaine dễ khiến cho mao mạch trong mũi bị tổn thương.
- Mũi từng phẫu thuật hoặc bị chấn thương
Mọi chấn thương hay phẫu thuật can thiệp tại mũi đều có nguy cơ gây chảy máu khi hắt xì quá mạnh.
Uống thuốc Aspirin dễ làm chức năng tự bảo vệ của mao mạch nên hắt xì mạnh có thể gây chảy máu
- Uống thuốc
Một số loại thuốc uống như warfarin, aspirin,… có khả năng làm giảm chức năng tự bảo vệ của mao mạch khi bị tổn thương nên có thể gây chảy máu khi hắt xì mạnh.
- Có khối u trong mũi
Một số ít trường hợp có khối u trong mũi có thể gây ra nhầy mũi có máu và khi hắt xì thì nhầy này bắn ra bên ngoài. Khối u trong mũi thường sẽ gây nên các triệu chứng như: nghẹt mũi ngày càng nặng, khứu giác kém, hốc mắt đau,...
2. Biện pháp xử lý khi bị hắt xì ra máu
2.1. Một số vấn đề cần thận trọng
Từ những nguyên nhân gây hắt xì ra máu trên đây có thể thấy một số trường hợp bị hiện tượng này không thể chủ quan. Điển hình nó có thể dẫn đến các hệ lụy như:
- Luôn cảm thấy khó chịu, đau nhức vùng mũi, hắt xì nhiều nên chất lượng cuộc sống suy giảm, hiệu quả công việc giảm sút.
- Hắt xì kéo dài gây tổn thương mũi họng, làm nên chứng ngáy ngủ, não bị thiếu oxy nên chất lượng giấc ngủ bị giảm sút.
- Nếu hắt xì ra máu nhiều và kéo dài dễ gây thiếu máu não làm cho người bệnh khó tập trung cho học tập và làm việc.
- Trường hợp hắt xì ra máu do bệnh lý nếu không được điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến thị lực, gây viêm đường hô hấp, viêm màng não,...
2.2. Thời điểm cần đến gặp bác sĩ
Hắt xì ra máu nếu có thêm các dấu hiệu sau tốt nhất nên gặp bác sĩ chuyên khoa ngay:
Khám ngay bác sĩ chuyên khoa nếu có hiện tượng hắt xì ra máu kèm sốt, nhức mắt
- Lượng máu chảy nhiều và thời gian chảy máu thường xuyên.
- Sốt.
- Bị nhức hốc mắt, nhức đầu, ù tai.
- Mắt sưng lồi, thâm quầng.
- Tăng nhạy cảm ánh sáng.
- Nổi hạch ở cổ.
- Đau sau gáy.
- Gây mệt mỏi kéo dài.
- Nôn mửa thường xuyên không rõ căn nguyên.
Bằng việc đến gặp bác sĩ chuyên khoa thăm khám bạn sẽ được làm những kiểm tra cần thiết để chẩn đoán nguyên nhân chính xác gây ra hiện tượng hắt xì ra máu, từ đó có biện pháp can thiệp kịp thời và ngăn ngừa được hệ lụy xấu cho sức khỏe.
2.3. Biện pháp phòng tránh hắt xì ra máu tái phát
Để hạn chế bị hiện tượng hắt xì ra máu tốt nhất bạn nên tránh tiếp xúc với các chất gây dị ứng như: nước giặt, phấn hoa, đồ ăn gây dị ứng, vải bông, lông động vật,... Những chất này rất dễ gây hắt xì ở người bị viêm xoang, viêm mũi dị ứng. Ngoài ra, khi thời tiết lạnh, nếu bị viêm mũi dị ứng thì trước khi ra khỏi giường nên đeo khẩu trang để tránh hít phải khí lạnh gây hắt xì vì khí thở ra làm khẩu trang ấm lên, khí hít vào đi qua khẩu trang cũng sẽ được làm ấm.
Trường hợp hắt xì ra máu mũi nhiều cần ngồi cúi người ra phía trước, lấy ngón tay bóp chặt 2 cánh mũi trong khoảng 5 - 10 phút, há miệng để thở sau đó theo dõi lượng máu chảy ra. Nếu sau khi thực hiện động tác này vẫn thấy máu chảy nhiều thì nên đến ngay cơ sở y tế.
Không phải trường hợp bị hắt xì ra máu nào cũng xuất phát từ một nguyên nhân. Vì thế khám bác sĩ chuyên khoa được xem là khuyến cáo nên làm để tìm ra và xử lý dứt điểm tình trạng này. Nếu bạn đang gặp khó khăn trong vấn đề xử lý với hiện tượng hắt xì ra máu, hãy liên hệ tổng đài 1900 56 56 56, chuyên viên y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC sẽ lắng nghe chia sẻ từ bạn và gửi tới bạn lời khuyên xác đáng.