Viêm mũi họng cấp khá thường gặp khi trời lạnh hoặc thời tiết chuyển mùa, hầu hết bệnh sẽ khỏi sau một vài ngày được nghỉ ngơi, điều trị tốt. Tuy nhiên, biến chứng viêm mũi họng cấp có thể xảy ra nếu người bệnh sức khỏe yếu, chăm sóc không tốt khiến nhiễm khuẩn nghiêm trọng.
08/05/2021 | Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ bị viêm mũi họng đúng khoa học 17/04/2021 | Chuyên gia chỉ cách chấm dứt phiền toái do viêm mũi họng mạn tính 29/03/2021 | Chuyên gia giải đáp: Bà bầu bị viêm mũi dị ứng có sao không?
1. Triệu chứng và biến chứng viêm mũi họng cấp
Triệu chứng viêm mũi họng cấp rất đặc trưng, đầu tiên là khiến sức khỏe của người bệnh giảm sút, cảm giác thiếu năng lượng và hứng thú trong công việc hàng ngày. Sau đó, các triệu chứng viêm mũi họng cấp sẽ xảy ra nhanh chóng và đột ngột như: đau họng, ho, sổ mũi,…
Lúc đầu, ho và đau họng xảy ra do chất nhầy đờm bị đọng trong họng. Sau đó, dịch phía sau mũi có thể chảy xuống cổ họng, vi khuẩn càng có điều kiện sinh sôi gây bệnh hơn. Lúc này, bệnh nhân sẽ có triệu chứng vướng họng, ngứa họng, ho liên tục.
Tai mũi họng có cấu tạo thông nhau, vì thế viêm mũi họng cấp có thể gây viêm lan rộng, ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác như xoang, đường phế quản, xoang, tai,… Các biến chứng viêm mũi họng cấp có thể gặp bao gồm:
Hen suyễn
Ở những trẻ có cơ địa hô hấp nhạy cảm, viêm mũi họng cấp có thể kích hoạt cơn hen suyễn xảy ra.
Viêm tai giữa
Từ viêm mũi họng cấp có thể biến chứng thành viêm tai giữa nếu virus hoặc vi khuẩn gây bệnh xâm nhập vào không gian phía sau màng nhĩ. Bệnh nhân có triệu chứng điển hình là đau tai, tiết dịch màu vàng hoặc xanh lá cây từ mũi. Viêm tai giữa có thể xảy ra sau triệu chứng viêm mũi họng cấp, vì thế có thể khiến trẻ sốt cao trở lại.
Viêm mũi họng cấp có thể biến chứng thành viêm tai giữa
Viêm xoang cấp tính
Ổ nhiễm trùng do viêm mũi họng cấp có thể phát triển mạnh nếu không điều trị, chăm sóc tốt và gây viêm nhiễm rộng hơn, dẫn đến viêm và nhiễm trùng xoang. Viêm xoang là bệnh lý khó điều trị dứt điểm, dễ kéo dài dai dẳng nếu không điều trị tốt.
Nhiễm trùng thứ cấp
Biến chứng của viêm mũi họng cấp có thể gây nhiễm trùng thứ phát như: viêm phổi, viêm họng liên cầu khuẩn, viêm thanh khí phế quản, viêm tiểu phế quản (ở trẻ nhỏ), viêm phế quản,…
Những biến chứng này đều khó điều trị, ảnh hưởng nhiều hơn đến sức khỏe của người bệnh. Do đó, viêm mũi họng cấp nên điều trị nghiêm túc ngay từ khi xuất hiện triệu chứng.
2. Nguyên nhân gây viêm mũi họng cấp
Viêm mũi họng cấp, hay nhiều người thường gọi là cảm lạnh hầu hết do virus gây ra. Vì thế bệnh rất dễ lây lan qua đường hô hấp. Đến nay, các nhà khoa học đã tìm ra hơn 100 loại virus khác nhau gây ra bệnh viêm mũi họng cấp, phổ biến nhất vẫn là nhóm Rhinovirus. Các loại virus này không ngừng tiến hóa, thay đổi cấu trúc và xuất hiện nhiều chủng mới khiến việc điều trị khó khăn hơn, nguy cơ biến chứng cao hơn.
Bệnh viêm mũi họng cấp do virus thường diễn biến nhanh hơn, nguy hiểm hơn là do vi khuẩn gây ra như: tụ cầu, phế cầu, Hemophilus influenzae,… Nguy hiểm nhất là viêm mũi họng cấp do liên cầu khuẩn nhóm A, nếu không điều trị tốt, bệnh có thể tiến triển gây biến chứng như: viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, viêm cầu thận cấp, thấp khớp cấp,…
Vi khuẩn thường gây viêm mũi họng cấp nặng hơn
Hiếm gặp hơn là viêm mũi họng cấp do nấm, điển hình như nấm Candida. Bệnh cũng thường diễn biến nặng hơn so với tác nhân là virus song điều trị sớm vẫn đem lại hiệu quả tốt.
Ngoài tác nhân trực tiếp gây bệnh là vi sinh vật, một số yếu tố nguy cơ cao sau khiến bạn dễ mắc bệnh viêm mũi họng cấp hơn:
Thời tiết chuyển mùa
Thời tiết chuyển mùa là lúc trẻ nhỏ dễ mắc viêm mũi họng cấp nhất do virus và vi khuẩn phát triển mạnh trong điều kiện này, khả năng lây lan lại nhanh khi trẻ tiếp xúc với nhiều người trong môi trường nhà trẻ hoặc lớp học. Giữ ấm cơ thể và nâng cao sức đề kháng cho trẻ là cần thiết để phòng ngừa viêm mũi họng cấp khi giao mùa.
Sức đề kháng yếu
Bệnh viêm mũi họng cấp có thể gặp ở bất cứ ai, song trẻ em và người có sức đề kháng yếu có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Nếu không điều trị tốt, bệnh dễ tiến triển nặng gây biến chứng. Những đối tượng này cần lưu ý giữ ấm, tăng cường dinh dưỡng và luyện tập để tự nâng cao sức khỏe, phòng tránh bệnh tốt hơn.
Vệ sinh răng miệng không tốt
Môi trường răng miệng là nơi vi khuẩn gây hại dễ phát triển và sinh sôi, trong đó có vi khuẩn gây viêm mũi họng cấp. Nên tập thói quen vệ sinh răng miệng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ. Súc miệng bằng nước muối có thể làm sạch, sát khuẩn tự nhiên rất tốt trong mùa dịch.
Khói thuốc lá khiến hệ hô hấp yếu hơn, nguy cơ mắc bệnh cao hơn
Khói thuốc lá và môi trường ô nhiễm
Môi trường ô nhiễm nhiều khói bụi, hóa chất hoặc khói thuốc lá đều có tác dụng xấu, khiến hệ hô hấp trên trở nên yếu ớt, nhạy cảm hơn. Vì thế nguy cơ mắc viêm mũi họng cấp hay các bệnh đường hô hấp khác cũng cao hơn. Vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo môi trường sống thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với khói thuốc và tránh hút thuốc sẽ giúp bảo vệ đường thở của chúng ta.
3. Điều trị và chăm sóc cho bệnh nhân viêm mũi họng cấp
Điều trị viêm mũi họng cấp còn phụ thuộc vào tác nhân gây bệnh, nếu do virus thì không thể điều trị bằng kháng sinh. Kháng sinh sẽ hiệu quả với trường hợp viêm mũi họng cấp do vi khuẩn hoặc viêm mũi họng cấp do virus nhưng xuất hiện tình trạng bội nhiễm.
Bên cạnh điều trị theo tác nhân, bác sĩ sẽ tập trung vào các biện pháp, thuốc hỗ trợ để giảm nhẹ triệu chứng. Nếu không dùng thuốc, với sức khỏe thông thường, triệu chứng viêm mũi họng cấp thường tự biến mất hoàn toàn sau khoảng 2 tuần. Nếu muốn triệu chứng nhanh chóng biến mất, một số thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau, thuốc giảm ho, thuốc thông mũi,… sẽ có tác dụng song cần dùng theo hướng dẫn của bác sĩ.
Thuốc điều trị viêm mũi họng cấp ở người lớn khác với trẻ nhỏ do cân nặng trẻ thấp, liều lượng và tác dụng thuốc sẽ khác. Vì thế nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ dùng bất cứ loại thuốc hay thực phẩm bổ sung nào.
Súc họng nước muối giúp giảm cảm giác đau rát cổ họng
Để giảm cảm giác khó chịu do khô họng, đau rát họng, nghẹt mũi, bạn có thể thử các biện pháp như: Súc miệng bằng nước muối, sử dụng máy tạo độ ẩm, máy xông hơi, tránh xa khói thuốc và không khí ô nhiễm, uống mật ong pha nước ấm,…
Nếu xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ biến chứng viêm mũi họng cấp, cần sớm đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế để thăm khám và điều trị sớm. Những biến chứng bệnh có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe nên không nên chủ quan.