Khó thở khi nằm ngửa là hiện tượng không hiếm gặp, xảy ra ở nhiều đối tượng, do những nguyên nhân khác nhau. Cần lưu ý rằng đây không phải là một bệnh mà chỉ là một triệu chứng được thể hiện ra bên ngoài của một vấn đề nào đó. Vì thế chỉ khi tìm ra được nguồn cơn gây nên triệu chứng và xử lý dựa trên nguồn cơn ấy thì hiện tượng này mới chấm dứt được.
30/08/2020 | Khi chưa thể gọi tên tức ngực, khó thở là bệnh gì chớ nên chủ quan 30/08/2020 | Nguyên nhân gây ra triệu chứng khó thở là gì, chẩn đoán bằng cách nào
1. Nguồn cơn của hiện tượng khó thở khi nằm ngửa
1.1. Nguyên nhân không do bệnh lý
- Nằm ngay sau khi vận động mạnh
Với nhiều người, ngay sau khi vừa thực hiện những hoạt động mạnh như: thể dục thể thao, vận động, khiêng vác,... do thể trạng kém nên bị mất sức và phải dùng miệng để hít thở nhiều hơn bình thường. Đây chính là lý do khiến cho lượng khí hít vào khô hơn, độ ẩm bị thiếu và dẫn đến hô hấp bị cản trở, phế quản bị co thắt. Hệ lụy khó tránh từ những điều này là họ thở gấp, thở dồn, khó thở khi nằm ngửa ngay sau khi có những hoạt động này.
Nằm xuống ngay sau khi vận động quá sức khiến nhiều người bị khó thở
- Yếu tố tâm lý
Khi tâm lý trải qua tình trạng stress, mệt mỏi, lo âu, căng thẳng trong một thời gian dài cũng có thể sinh ra hiện tượng nằm ngửa bị khó thở, giật mình, tim đập nhanh, đổ mồ hôi,... Điều này được sinh ra phần lớn là do tâm lý không ổn định khiến tinh thần bị chịu áp lực, dễ bị hoảng loạn.
- Mang thai
Từ tuần thứ 12 của thai kỳ, tử cung của thai phụ sẽ ngày càng lớn dần lên và ra khỏi khung chậu để vào ổ bụng. Sự thay đổi về kích thước ấy gây chèn ép, làm cản trở quá trình đưa máu từ tĩnh mạch chủ dưới về tim nên thai phụ dễ bị khó thở khi nằm ngửa.
1.2. Nguyên nhân bệnh lý
- Rối loạn chức năng cơ hoành
Cơ hoành có dạng dẹt, hình vòm, đóng vai trò quan trọng đối với hô hấp. Rối loạn chức năng cơ hoành có rất nhiều mức độ, trường hợp liệt cơ hoành có thể gây ra triệu chứng khó thở khi nằm ngửa với mức độ ngày càng trầm trọng.
- Viêm xoang, viêm mũi
Khi thời tiết thay đổi, những người bị viêm mũi, viêm xoang sẽ bị sổ mũi, ho, hắt hơi, khó thở nhiều khi nằm ngửa. Sở dĩ họ bị như vậy là do nước mũi chảy xuống họng và chặn đường hô hấp khiến cho oxy không thể đưa đến phổi.
- Viêm phế quản
Viêm phế quản khiến cho niêm mạc đường thở bị co thắt, sưng phồng, tăng tiết đờm dãi, ho nhiều, khó thở khi nằm ngủ ở tư thế ngửa.
- Giãn phế quản
Đây là bệnh lý tương đối nguy hiểm, gây nên các triệu chứng: khó thở, thở hụt hơi, đặc biệt trầm trọng khi nằm ngửa. Ngoài ra, người bệnh còn bị chán ăn, giảm cân không kiểm soát, ho kéo dài,...
- Viêm phổi
Người bị viêm phổi thường cảm thấy mệt mỏi, khó thở là do thành phế nang dày lên và xơ cứng, lượng O2 mà người bệnh hít vào không đủ đồng thời lượng CO2 thở ra cũng không hết. Những triệu chứng này sẽ đặc biệt nghiêm trọng khi thời tiết trở lạnh, lao động hoặc vận động quá sức, nằm ngủ,...
Phù phổi thường khiến người bệnh khó thở khi nằm ngửa
- Phù phổi
Phù phổi khiến cho chất lỏng dư thừa tích tụ tại các túi khí trong phổi, nên cũng dẫn đến tình trạng khó thở khi nằm ngủ, nhất là khi nằm ngửa.
- Béo phì
Sở dĩ người mắc bệnh béo phì hay cảm thấy khó thở khi nằm ngửa là bởi tư thế này khiến cho mô mỡ dư thừa quanh vùng cổ chặn đường thở của họ.
Nhìn chung, có rất nhiều yếu tố có thể trở thành nguồn cơn của hiện tượng khó thở khi nằm ngửa nhưng cốt lõi lại chúng đều giống nhau ở tái cấu trúc đường thở. Nói cụ thể hơn thì tình trạng viêm nhiễm đường thở lâu ngày sinh ra hiện tượng tái cấu trúc, làm cho phổi và thành phế quản dày lên, khả năng co giãn giảm đi, đường kính lòng ống chít hẹp dần lại khiến cho khí bị đọng trong phế nang. Mặt khác, tái cấu trúc đường thở làm cho tăng nhạy cảm của niêm mạc phổi, phế quản trước các tác nhân có hại, kích thích viêm nhiễm trầm trọng hơn và tế bào tăng tiết nhầy làm đờm dãi bít tắc sâu trong phổi, phế quản. Sự kết hợp của những điều này khiến người bệnh cảm thấy khó thở, nhất là khi nằm ngửa.
2. Phương hướng khắc phục hiệu quả, an toàn
Như đã đề cập ở trên, căn nguyên chính gây nên triệu chứng khó thở khi nằm ngủ là do tái cấu trúc đường thở. Do đó, muốn chấm dứt tình trạng này điều cơ bản phải làm đó là giảm tổn thương niêm mạc hô hấp đồng thời ngăn chặn quá trình xơ hóa cũng như tái cấu trúc của phổi và phế quản. Chỉ khi việc điều trị tác động được vào nguồn gốc của triệu chứng này thì mới sớm chấm dứt được sự tái diễn của những cơn khó thở.
Muốn làm được điều ấy, trước tiên, bạn cần đến cơ sở y tế thăm khám để tìm ra căn nguyên của vấn đề và tuân thủ theo phác đồ điều trị do bác sĩ chuyên khoa đưa ra (nếu có). Bên cạnh đó, bạn cũng nên kết hợp thực hiện một số biện pháp sau để cải thiện tình trạng khó thở khi nằm ngửa:
- Ngay khi cảm nhận được cơn khó thở xuất hiện, hãy từ từ ngồi dậy, hít thật sâu và nhẹ nhàng thở ra để điều hòa lại hơi thở của mình.
Duy trì bài tập hít thở sâu là việc làm cần thiết với những người thường xuyên bị khó thở
- Tăng cường các bài tập thể dục vừa sức để nâng cao sức đề kháng từ đó cải thiện bệnh đường hô hấp, cải thiện tinh thần giúp giấc ngủ trở nên ngon và sâu hơn.
- Nếu mắc bệnh béo phì, hãy thực hiện chế độ giảm cân một cách khoa học.
- Thực hiện bài tập hít thở sâu, thở đều mỗi ngày để cải thiện tình trạng khó thở.
- Nói không với thuốc lá, đồ ăn cay nóng và chất kích thích.
- Xây dựng thực đơn ăn uống lành mạnh, chế độ làm việc và nghỉ ngơi khoa học.
Hãy nhớ rằng không ai có thể biết chắc chắn được triệu chứng khó thở khi nằm ngửa xuất hiện ở mình có phải do nguyên nhân bệnh lý hay không. Vì thế, để tránh những tác động xấu đến sức khỏe do sự kéo dài của hiện tượng này, hãy chủ động đến gặp bác sĩ khi cơn khó thở ngày càng tăng về tần suất và độ trầm trọng, đau tức ở ngực, nhịp tim nhanh,... Đây là giải pháp tốt nhất để bạn biết chính xác được tình trạng sức khỏe của mình và có phương án đối phó kịp thời trước khi xảy ra các biến chứng không đáng có.
Nếu đang đắn đo chưa biết phải làm sao khi khó thở ngày càng nhiều, bạn có thể đến trực tiếp Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để thăm khám. Tại đây, các bác sĩ chuyên khoa với kinh nghiệm lâu năm và trình độ chuyên môn vững vàng sẽ trực tiếp thăm khám và giải thích cặn kẽ để bạn biết mình cần phải làm gì. Hoặc bạn cũng có thể liên hệ tổng đài 1900565656 để được chuyên viên y tế của chúng tôi chia sẻ những thông tin cần thiết về vấn đề mà bạn đang gặp phải.