Khó thở gây ra cảm giác vô cùng khó chịu, mệt mỏi cho những ai mắc phải triệu chứng này. Điều đáng nói hơn nữa là nó có thể xuất phát từ những bệnh lý bên trong cơ thể dễ gây hại cho sức khỏe. Vậy khi bị khó thở phải làm sao?
30/08/2020 | Khi chưa thể gọi tên tức ngực, khó thở là bệnh gì chớ nên chủ quan 30/08/2020 | Nguyên nhân gây ra triệu chứng khó thở là gì, chẩn đoán bằng cách nào 21/08/2020 | Muốn cải thiện triệu chứng ho, khó thở, nên làm ngay điều này
1. Triệu chứng khó thở xuất phát từ nguyên nhân nào?
khó thở thường miêu tả thông qua cảm giác hít vào không đủ O2 và thở ra không hết CO2, ngực như bị bóp nghẹt. Người bị khó thở luôn phải cố gắng hít thở nhiều hơn mức bình thường để cung cấp đủ lượng oxy cho cơ thể.
Khó thở là hiện tượng thường gặp ở nhiều người nhưng nguyên nhân không giống nhau
Triệu chứng khó thở có thể xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau, phổ biến nhất là do bệnh lý hô hấp. Đa phần các nhà khoa học cho rằng cốt lõi của hiện tượng này trong các bệnh lý hô hấp là do tái cấu trúc đường thở.
Điều này được giải thích như sau: ở những người bình thường thì không khí đi vào sẽ qua phế quản để đến phế nang trao đổi khí. Không khí muốn đi vào được thì khi hít vào cần phải có sự mở ra để tạo áp suất âm của cơ hoành, lồng ngực và phế nang. Ngược lại, muốn đẩy không khí ra ngoài thì quá trình thở ra cần có sự đóng lại để tạo áp suất dương của cơ hoành, lồng ngực, phế nang và phổi xẹp.
Ở những người bị khó thở xuất hiện tình trạng tái cấu trúc đường thở tức là có sự bất thường so với quá trình hô hấp được nói đến ở trên. Nói cụ thể hơn thì bệnh lý hô hấp khiến cho phổi và thành phế quản bị dày lên, xảy ra quá trình xơ hóa và tái cấu trúc các tế bào niêm mạc đường thở. Hệ lụy của những điều này chính là khả năng đàn hồi, co kéo của các cơ hô hấp dần mất đi; độ giãn nở của phế nang bị suy giảm và người bệnh khó thở là bởi hít vào không đủ O2, thở ra không hết CO2 và khí bị đọng trong phế nang.
2. Khi bị khó thở phải làm sao?
2.1. Gặp bác sĩ chuyên khoa
Trước tiên, khi lần đầu cơn khó thở xuất hiện, hãy từ từ ngồi xuống, tìm một điểm vững chắc để tựa vào rồi dùng tay vuốt nhẹ lồng ngực và vùng lưng ở phía sau ngực. Tiếp sau đó, hãy hít vào từ từ và thở ra thật sâu để điều hòa hơi thở bình thường trở lại.
Khám bác sĩ là cách tốt nhất để giải đáp băn khoăn khó thở phải làm sao
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra triệu chứng khó thở nên nếu chỉ quan sát đơn thuần thì rất khó xác định được chính xác bạn có đang mắc bệnh lý gì không. Vậy bị khó thở phải làm sao? Phương án tốt nhất trong tình huống này là hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa tại cơ sở y tế uy tín khi thấy cơn khó thở kéo dài. Nhờ việc làm này, bạn sẽ biết được nguyên nhân, mức độ bệnh cũng như phương hướng điều trị cụ thể cho mình.
2.2. Kết hợp một số biện pháp hỗ trợ tại nhà
Bên cạnh việc tuân thủ hướng dẫn điều trị do bác sĩ chuyên khoa cung cấp thì việc thực hiện một số biện pháp sau tại nhà cũng sẽ hỗ trợ điều trị đạt kết quả tốt hơn. Bị khó thở phải làm sao trong trường hợp này chính là:
- Đối với người bị hen suyễn, cơn khó thở thường đến trong thời gian lên cơn hen cấp nên lúc này hãy dùng ngay thuốc xịt cắt cơn để nhanh chóng thoát khỏi sự khó chịu này. Nếu đã dùng thuốc xịt mà không cải thiện thì cần đến bệnh viện ngay.
- Đối với bệnh nhân mắc bệnh hô hấp mạn tính tình trạng khó thở xảy ra tương đối thường xuyên vì niêm mạc đường thở bị viêm, phù nề, bít tắc bởi chất nhầy và đờm khiến cho khả năng trao đổi khí ở phổi giảm. Những bệnh nhân này cần phải tuân thủ đúng chỉ định dùng thuốc của bác sĩ để ngăn ngừa các đợt cấp.
- Đối với những người bị lên cơn đau tim khiến ngực bị đau thắt cần phải cấp cứu ngay để tránh nguy hiểm đến tính mạng.
- Lưu ý một số điều:
+ Có một chế độ ăn thực sự khoa học, trong đó đặc biệt chú ý hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ và cholesterol đồng thời tăng cường bổ sung thực phẩm tốt cho tim mạch như cá hồi, các loại đậu, cải bó xôi, dầu oliu, bơ,…
Tập thể dục vừa sức, giữ tinh thần thoải mái giúp cải thiện tình trạng khó thở
+ Tập thể dục thể thao đều đặn nhưng hãy lựa chọn môn tập, bài tập vừa sức để vừa góp phần cải thiện chức năng hô hấp tuần hoàn vừa không khiến triệu chứng khó thở trở nên trầm trọng hơn. Nếu có kế hoạch giảm cân hoặc bắt đầu một môn thể thao mới, hãy tham vấn bác sĩ để có được lời khuyên đúng đắn.
+ Không nên vận động, làm việc quá sức và tránh để đầu óc căng thẳng, mệt mỏi.
+ Tuyệt đối không được hút thuốc lá bởi khói thuốc chính là một trong các tác nhân cơ bản gây nên các bệnh lý có triệu chứng khó thở.
+ Khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện các bệnh lý có liên quan đến triệu chứng khó thở. Đây cũng là cách giúp bạn không phải rơi vào tình huống phải băn khoăn bị khó thở phải làm sao.
+ Người có triệu chứng khó thở kèm cơ địa dị ứng cần tránh tiếp xúc với hóa chất độc hại, phấn hoa, khói bụi, lông động vật, thực phẩm có khả năng gây dị ứng,...
+ Tránh ăn muối và chú ý theo dõi tình trạng ứ dịch, dùng thuốc đều đặn nếu bị khó thở do suy tim.
2.3. Biện pháp phòng ngừa tình trạng khó thở trở nên trầm trọng hơn
Bên cạnh những việc đã nói ở trên, người bệnh bị khó thở phải làm sao để cho triệu chứng này không trở nên trầm trọng hơn. Rất đơn giản, việc bạn cần làm là:
- Hãy có một chế độ giảm cân khoa học nếu đang trong tình trạng thừa cân.
- Tránh tiếp xúc với người đang ốm và hãy nhớ rửa tay thường xuyên.
- Theo dõi sức khỏe cẩn thận và thực hiện đúng hướng dẫn điều trị của bác sxi nếu đang bị dị ứng.
Những thông tin được chia sẻ trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Thăm khám và tham vấn bác sĩ chuyên khoa mới được xem là đáp án cho băn khoăn bị khó thở phải làm sao. Hoặc nếu còn điều gì thắc mắc về triệu chứng này, bạn đọc có thể gọi đến tổng đài 1900 56 56 56 để được chuyên viên y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC giải đáp miễn phí.