Tràn dịch não thất hay còn được gọi là tình trạng não úng thủy bắt nguồn từ dị tật ống thần kinh, đa phần các trường hợp mắc phải bệnh lý này là do bất thường bẩm sinh. Nếu bệnh không được phát hiện và điều trị sớm sẽ gây ra hệ quả nghiêm trọng đối với sức khỏe và cuộc sống của trẻ sau này.
09/09/2022 | Thiếu oxy lên não - bệnh lý nguy hiểm không được chủ quan! 26/08/2022 | Cách tăng tuần hoàn máu não an toàn và hiệu quả 22/08/2022 | Những thông tin cơ bản bạn cần biết về xuất huyết não
1. Tràn dịch não thất là gì?
Hộp sọ có cấu trúc bao gồm một hệ thống não thất có vai trò như các bể chứa dịch não tủy. Chất dịch này sẽ tự tiết ra, lưu thông từ não xuống vùng thắt lưng rồi tự tái hấp thu. Nó tồn tại ở dạng chất lỏng trong suốt, bao bọc bên ngoài não và tủy sống, giữ nhiệm vụ bảo vệ hệ thần kinh trung ương khỏi các sang chấn và tác động cơ học, cung cấp dưỡng chất cho não, điều chỉnh áp suất trong cơ quan này.
Tràn dịch não thất hay não úng thủy là một dạng bệnh lý thuộc hệ thần kinh trung ương. Bệnh là hệ quả của tình trạng dịch não tủy bị tích tụ quá nhiều trong não thất do sự rối loạn của quá trình hình thành, lưu thông và hấp thụ dịch não tủy.
Hiện tượng tràn dịch não thất hay não úng thủy
Não thất của người bệnh sẽ gia tăng kích thước vì chứa một lượng dịch đọng dư thừa trong não do chất dịch tăng tiết nhiều, tái hấp thu ít hoặc bị tắc nghẽn lưu thông. Vì vậy nên đầu của những trẻ bị tràn dịch não thất sẽ ngày càng to dần và làm tổn thương nhu mô não.
Bệnh có thể tiến triển với tốc độ từ từ hoặc rất nhanh, hình thành bẩm sinh hoặc là xuất phát từ di chứng của tình trạng xuất huyết não, viêm màng não. Đây được coi là bệnh lý phức tạp và nghiêm trọng ở trẻ em vì nếu không được điều trị sớm thì trẻ sẽ phải đối mặt với những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ của trẻ sau này.
Đối tượng dễ bị não úng thủy nhất là trẻ em và người lớn ở độ tuổi ngoài 60. Theo số liệu thống kê từ Viện Quốc gia về Rối loạn thần kinh và Đột quỵ Hoa Kỳ, cứ khoảng 1.000 trẻ sơ sinh thì sẽ có từ 1 - 2 trẻ bị tràn dịch não thất.
2. Nguyên nhân gây tràn dịch não thất là gì?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh tràn dịch não thất nhưng tựu chung có thể phân thành 2 loại cơ bản là do bẩm sinh và do mắc phải. Mỗi nguyên nhân lại gây ra mức độ thương tổn khác nhau cho não, chẩn đoán hình ảnh cũng khác nhau nên khiến công tác chẩn đoán, điều trị gặp nhiều khó khăn.
2.1. Tràn dịch não thất bẩm sinh
Tình trạng này xuất hiện từ khi trẻ còn là bào thai hoặc tháng đầu tiên trẻ vừa chào đời, bao gồm các nguyên nhân như thoát vị màng não - tủy, hẹp cống não, nang dịch bẩm sinh, chảy máu não thất ở những trẻ sinh non, nhiễm Toxoplasma bẩm sinh, dị tật Arnold-Chiari loại II, hội chứng Bicker-Adams, hội chứng Dandy-Walker, nhiễm virus đại cự bào bẩm sinh (Cytomegalovirus-CMV),...
Đặc biệt cần lưu ý với những dị tật bẩm sinh và biến cố thai kỳ như sau:
-
Hẹp cống não: các não thất được nối thông với nhau qua các cống não. Nếu bộ phận này bị hẹp sẽ làm cản trở và tắc nghẽn dòng chảy của dịch não tủy;
-
Giãn não thất: xảy ra khi não thất lớn hơn bình thường làm rối loạn, biến đổi dòng chảy dịch não tủy;
-
Nứt đốt sống: một dạng khuyết tật ống thần kinh, biểu hiện là đốt sống bị hở hoặc bị nứt khiến các bộ phận còn lại của hệ thần kinh hình thành, phát triển một cách bất thường, trong đó có hiện tượng tràn dịch não thất;
-
Nang màng nhện: màng nhện là lớp màng bao phủ ngoài não, nếu trong màng nhện hình thành các túi nang chứa dịch não tủy sẽ làm thay đổi áp lực trong não;
-
Mẹ bị nhiễm trùng trong giai đoạn thai kỳ: nếu mẹ bị rubella, sởi, quai bị,... trong thời gian mang thai thì nguy cơ trẻ sẽ bị não úng thủy là rất cao.
Tràn dịch não thất là dị tật có thể phát triển ngay từ khi trẻ còn là một bào thai
2.2. Tràn dịch não thất mắc phải
Cũng có trường hợp những trẻ khi chào đời hoàn toàn khỏe mạnh nhưng về sau lại xuất hiện tình trạng tràn dịch não thất. Đây được gọi là não úng thủy mắc phải, khi bệnh xảy ra do trẻ bị nhiễm khuẩn hệ thần kinh trung ương, u não, chảy máu nội sọ, viêm màng não, chấn thương đầu,... Cụ thể như sau:
-
Tình trạng viêm: đối với những ca bị viêm màng não mủ, lúc này dịch não tủy sẽ trở nên đặc quánh hơn và lưu thông chậm lại, dính bết và tạo nên các mô xơ gây cản trở dòng chảy của dịch. Khi đó dịch não tủy sẽ bị bít tắc hoàn toàn;
-
Nhiễm trùng hệ thần kinh: có thể làm bít tắc các nút mạch, từ đó dẫn đến giảm hấp thu dịch não tủy hoặc tăng tiết dịch não tủy do viêm đám rối mạch mạc;
-
Hấp thu dịch não tủy kém: khuyết tật trong não thất sẽ gây giảm khả năng hấp thụ lượng dịch não tủy dư thừa;
-
Chấn thương vùng đầu: gây phù nề nhu mô não dẫn tới chèn ép và chảy máu trong hệ thống não thất;
-
Chảy máu màng nhện (chảy máu nội sọ): do chấn thương sọ não, vỡ dị dạng mạch máu não, chảy máu khi thực hiện phẫu thuật. Khi theo dõi thường xuyên bằng chụp CT có thể phát hiện rất nhiều bệnh nhân bị vỡ dị dạng mạch máu dẫn đến chảy máu gặp phải biến chứng tràn dịch não thất. Tuy nhiên hầu hết người bệnh có thể ổn định lại sau một thời gian;
-
Dị tật màng nhện: ví dụ như u nang dạng biểu bì, viêm màng nhện xơ hóa cũng là các yếu tố dẫn đến tình trạng não úng thủy;
-
Phản ứng phụ do dùng thuốc cản quang trong điều trị bệnh.
3. Triệu chứng cảnh báo tràn dịch não thất
Phụ thuộc vào nhiều yếu tố và tùy từng trường hợp khác nhau mà biểu hiện của bệnh cũng khác nhau.
3.1. Đối với trẻ sơ sinh
Vòng đầu trung bình của các bé trai khi mới sinh thường là 37 - 38cm, khi 6 tháng tuổi là 42 - 45cm. Ở bé gái chỉ số này khi mới sinh là 35 - 38cm và 6 tháng tuổi là 41 - 44cm. Như vậy trung bình đầu của các bé sẽ tăng lên khoảng 1cm/tháng, nếu tăng 2 - 3cm thì nguy cơ cao là bị tràn dịch não thất.
Sự bất thường về chu vi đầu là dấu hiệu ngầm cảnh báo tràn dịch não thất
Trẻ sơ sinh mắc bệnh này sẽ có các đặc điểm như:
-
Đầu biến dạng, da đầu sáng bóng và mỏng bất thường, giãn các khe khớp xương sọ;
-
Thóp rộng, mềm và căng phồng, trán dô ra;
-
Mắt nhìn xuống (có thể trợn ngược và hơi lồi nhẹ);
-
Chán ăn, nôn mửa, bú kém, hay bị nôn vọt và sặc sữa;
-
Dễ kích động, động kinh, co giật, giật mình ngay cả khi nghe thấy âm thanh rất nhỏ;
-
Khó ngủ, hay quấy khóc;
-
2 chân kém linh hoạt, mềm nhũn, bàn tay hay nắm chặt, vận động chậm;
-
Đầu ngoẹo sang một bên khi nằm, trương lực và sức mạnh cơ thấp.
3.2. Đối với trẻ lớn hơn
Ở những trẻ lớn hơn, lúc này một phần khớp sọ đã đóng kín nên khó phát hiện bệnh hơn. Tuy nhiên những trẻ khám muộn thường có biểu hiện đầu to bất thường với các triệu chứng đi kèm như:
-
Hay cáu gắt, khó chịu, dễ bị kích thích, chán ăn, mệt mỏi, nhức đầu, nôn mửa nhiều nhất là vào buổi sáng;
-
Cấu trúc gương mặt thay đổi, đầu to lớn hơn 2 độ lệch chuẩn, dấu hiệu vỏ bình vỡ (Macewen sign);
-
Thay đổi về tri giác: lú lẫn, ngủ gà, buồn ngủ cực độ, thậm chí là hôn mê;
-
Đau cổ: thường xuất phát từ nguyên nhân thoát vị hạnh nhân tiểu não;
-
Rối loạn điều phối, dáng đi bất thường;
-
Hội chứng não giữa gây mờ mắt, nhìn đôi, teo gai thị;
-
Co giật, co thắt cơ bắp, chậm phát triển vận động - tâm lý;
-
Không kiểm soát được bàng quang;
-
Rối loạn về phát triển thể chất: chậm dậy thì, dậy thì sớm, béo phì,...
Vì là bệnh lý nghiêm trọng xảy ra ở hệ thần kinh trung ương nên tràn dịch não thất có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời, trẻ sẽ dễ bị điếc, mù, viêm màng não mủ, động kinh, chậm phát triển, tàn phế hoặc tử vong. Chính vì vậy các bậc phụ huynh hãy nhớ đi khám thai kỳ định kỳ, sàng lọc các bệnh lý dị tật bẩm sinh, tiêm chủng khi mang thai, tiêm chủng cho trẻ đầy đủ, bảo vệ trẻ trước nguy cơ chấn thương sọ não,... Phòng tránh và điều trị bệnh ngay từ sớm sẽ giúp trẻ có được một cơ thể khỏe mạnh và cuộc sống bình thường.
Để được chẩn đoán, sàng lọc bệnh lý tràn dịch não thất, quý bạn đọc có thể liên hệ ngay tới tổng đài 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Tổng đài viên sẽ tư vấn dịch vụ thăm khám phù hợp và hỗ trợ bạn đặt lịch khám một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất!