Có đến 80% phụ nữ trong thời kỳ đầu mang thai đều trải qua cảm giác ốm nghén. Tuy nhiên rất nhiều trường hợp mẹ bầu không bị ảnh hưởng bởi hiện tượng này, tuy nhiên lại có người kiệt sức vì ốm nghén.
26/06/2021 | Mách bạn những cách hữu hiệu giảm buồn nôn ốm nghén hiệu quả 15/08/2020 | Một số biện pháp hỗ trợ giảm ốm nghén hiệu quả 06/08/2020 | Ốm nghén là gì và cần làm gì để giảm tình trạng này?
1. Vì sao mẹ bầu lại bị ốm nghén?
Nghén khi mang thai được biết đến với các dấu hiệu đặc trưng như: buồn nôn, nôn ói, mất nước, giảm cân, mệt mỏi, ăn uống không thấy ngon miệng,... Đặc biệt hiện tượng này rất hay xảy ra vào buổi sáng sớm, có khi bất chợt kéo đến vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày.
Thông thường khoảng thời gian trước tuần thai thứ 9 dễ có hiện tượng ốm nghén. Mẹ bầu thường hết nghén trước khi bước sang tuần thứ 12 - 14. Tuy nhiên có những thai phụ bị nghén kéo dài tới vài tháng, hoặc thậm chí là trong suốt thai kỳ.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngày là gì?
Trên thực tế vẫn không có lý do rõ ràng nào giải thích cho hiện tượng này, nhưng cũng tồn tại những khả năng như sau:
-
Do khi mang thai, hệ thần kinh của người phụ nữ nhạy cảm với mùi vị và các loại thực phẩm nhất định, dẫn tới cảm giác buồn nôn và nôn.
-
Mẹ bầu có thói quen ăn uống thất thường, lượng đường trong máu thấp.
-
Trong 3 tháng đầu thai kỳ, nồng độ nội tiết tố tăng cao, trong đó phải kể đến hormone progesterone khiến các cơ của hệ tiêu hoá giãn ra làm cho thức ăn ở dạ dày bị đẩy lên khiến mẹ bầu có giảm giác bị buồn nôn. Ngoài ra hormone này còn khiến cho thức ăn tiêu hoá chậm hơn bình thường, gây nên chứng khó tiêu ở mẹ bầu.
-
Phụ nữ mang thai lần đầu. Những người đã từng mang thai sẽ ít bị ảnh hưởng bởi ốm nghén hơn những chị em mang thai tập đầu.
-
Phụ nữ phải làm các công việc nặng, áp lực: truyền thông, tổ chức sự kiện,...
Phụ nữ mang thai dễ nhạy cảm với mùi vị dẫn tới cảm giác buồn nôn
Đối với trường hợp mẹ bầu bị ốm nghén nặng sẽ làm giảm trên 5% cân nặng, ngoài ra còn gây nên những biến chứng của tình trạng mất nước trong cơ thể. Khi đó mẹ bầu cần được điều trị nhằm bù nước và điện giải, giảm chứng nôn ói, thậm chí cần phải nhập viện để theo dõi. Dưới đây là những yếu tố làm gia tăng mức độ nghén nặng ở mẹ bầu:
-
Mẹ bầu mang đa thai (song thai, đa thai,...).
-
Đã từng ốm nghén ở thai kỳ trước.
-
Hay bị chóng mặt khi thay đổi tư thế, say xe, say sóng.
-
Trong gia đình có mẹ hoặc chị em gái cũng từng bị nghén nặng khi mang bầu.
Ngoài ra, bên cạnh lý do mang thai thì mẹ bầu cũng có thể bị buồn nôn do các nguyên nhân khác như: bệnh túi mật, bệnh tuyến giáp, ngộ độc thực phẩm, viêm dạ dày - tá tràng,... với các biểu hiện khác so với nghén do bầu:
-
Buồn nôn và nôn sau tuần thứ 9.
-
Buồn nôn và nôn kết hợp với các dấu hiệu: sốt, đau đầu, đau bụng, bướu cổ.
2. Thai nhi có bị ảnh hưởng gì không khi mẹ nghén nặng?
Mẹ bầu bị ốm nghén thường lo lắng điều này sẽ làm ảnh hưởng tới thai nhi do các biểu hiện khi nghén ngẩm dễ khiến thai phụ cảm thấy chán ăn, mệt mỏi, thậm chí là sụt cân.
Tuy nhiên các mẹ không cần phải quá lo lắng nếu bị nghén bình thường. Một thực tế thú vị đó là thai nhi sẽ tự biết cách hấp thụ các chất dinh dưỡng cần thiết từ mẹ. Phần lớn thai nhi sẽ không bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi ốm nghén, thậm chí đây còn là tín hiệu tốt cho thấy thai nhi đang phát triển bình thường do bánh nhau đang gia tăng tiết các nội tiết tố như estrogen, Beta hCG vào máu mẹ làm cho mẹ bị nghén.
Ốm nghén bình thường không gây hại cho sự phát triển của thai nhi
Chỉ khi mẹ bầu nghén quá nặng, bị vắt kiệt sức vì ốm nghén, không thể ăn uống và mất nước nhiều thì thai nhi mới bị ảnh hưởng nếu không kịp thời can thiệp.
Thực tế cũng cho thấy những mẹ bầu trải qua ốm nghén khi mang thai sẽ cho tỷ lệ sảy thai thấp hơn so với những người không nghén. Nhưng nếu mẹ nghén nặng dẫn tới rối loạn nước điện giải gây ảnh hưởng tới cả mẹ và thai nhi. Những mẹ bầu đang nghén, nghén nặng mà đột nhiên hết nghén thì cũng khuyến cáo nên đi kiểm tra lại tình trạng thai nhi.
Ngoài ra, ốm nghén còn có tác dụng giúp thai nhi được bảo vệ khi còn non nớt nhờ sự tăng cao của các nội tiết tố trong thời kỳ đầu mang thai. Bên cạnh đó khi mẹ bầu bị nghén sẽ hạn chế tiêu thụ nhiều loại thực phẩm, nhạy cảm hơn với mùi vị, từ đó giúp tránh các rủi ro truyền bệnh cho thai nhi qua đường thực phẩm.
3. Cách giúp mẹ bầu tránh bị kiệt sức vì ốm nghén tại nhà
-
Mẹ bầu cần kiên nhẫn do thường thì ốm nghén sẽ chấm dứt hoặc đỡ hẳn sau khoảng 3 tháng đầu. Vượt qua thời kỳ này mẹ sẽ cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều.
-
Lựa chọn món ăn yêu thích trong danh sách các thực phẩm bà bầu nên ăn, thay vì ép mình phải ăn những món bắt buộc.
-
Không nên tiêu thụ những loại đồ ăn thức uống hương vị mạnh như rượu, cà phê, đồ chứa nhiều dầu mỡ,... Nên ăn những loại thức ăn dễ làm, đơn giản, dễ tiêu hoá như súp, sữa chua, salad, trái cây tươi, sữa ít béo ăn kèm ngũ cốc, mỳ ý, khoai tây, bánh mỳ,...
-
Luôn đem theo bên mình nước lọc và đồ ăn nhẹ. Buổi sáng sau khi thức dậy nên uống nhiều nước và ăn ít bánh quy, điều này giúp làm giảm lượng axit có trong dạ dày. Ngoài ra kẹo ngọt cũng giúp lượng đường trong máu tăng và giảm cảm giác buồn nôn. Tuy nhiên không nên ăn quá nhiều kẹo để tránh nguy cơ tiểu đường thai kỳ.
-
Trong ngày nên chia khẩu phần ăn ra thành nhiều bữa nhỏ, không nên để bụng trống quá lâu vì khi đói sẽ khiến mẹ bầu gia tăng cảm giác buồn nôn.
-
Uống nước chanh hoặc nước pha gừng, ăn thực phẩm cho thêm gừng giúp giảm nghén.
-
Không tiếp xúc nhiều với những sản phẩm nồng mùi như nước hoa, chất tẩy rửa, nước xịt phòng,... Giữ cho phòng ốc luôn thông thoáng. Thỉnh thoảng có thể tản bộ, hít thở không khí trong lành.
-
Vệ sinh răng miệng sạch sẽ.
-
Thuốc sắt có thể kích thích dạ dày khiến mẹ bầu cảm thấy buồn nôn. Nếu mẹ bầu bị nghén quá nặng thì có thể ngưng sử dụng hoặc bù đắp bằng cách khác, khi nghén giảm dần thì hãy uống lại sắt. Tuy nhiên không được loại bỏ axit folic ra khỏi danh sách các chất cần bổ sung.
Luôn mang đồ ăn nhẹ và chia nhỏ bữa ăn để giảm triệu chứng buồn nôn
Nếu tình trạng kiệt sức vì ốm nghén, không thể ăn được gì kéo dài, mẹ bầu cần tìm đến sự tư vấn từ bác sĩ. Thai phụ có thể cần sử dụng tới thuốc chống nôn để hạn chế hiện tượng nghén ngẩm nghiêm trọng. Nhưng tốt hơn hết là mẹ bầu không nên lạm dụng thuốc nếu không thật sự cần thiết trong giai đoạn mang thai.
4. Kiệt sức vì ốm nghén có thể được cải thiện bằng thuốc
Trường hợp mẹ bầu sau khi đã thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt những tình trạng nghén nặng vẫn không khả quan hơn, đồng thời sau khi đã loại trừ các nguyên do khác dẫn tới hiện tượng buồn nôn thì bác sĩ có thể chỉ định mẹ bầu dùng thuốc sau:
- Vitamin B6 và Doxylamine:
-
Vitamin B6 là loại thuốc an toàn nhưng tác dụng khá yếu. Nếu đã dùng mà không cải thiện, thai phụ có thể kết hợp với Doxylamine.
-
Vitamin B6 và Doxylamine đã được FDA của Mỹ công nhận không gây nguy hiểm tới thai nhi, được chỉ định dùng rộng rãi cho mẹ bầu từ năm 2013 tới nay.
- Thuốc chống nôn: nếu 2 loại thuốc trên không “xi nhê" gì đối với mẹ bầu nghén nặng, thuốc chống nôn có thể được dùng thêm. Mặc dù được khuyến cáo là an toàn nhưng mẹ bầu cần cân nhắc kỹ lưỡng, đặc biệt chỉ nên dùng nếu lợi ích lớn hơn rủi ro và cần nghe tư vấn từ bác sĩ chứ nên không tự ý mua về uống.
Như vậy, tuỳ từng thể trạng của mẹ bầu mà có người thì nghén nhẹ, có người thậm chí không bị nghén ngẩm gì nhưng cũng có trường hợp mẹ bầu kiệt sức vì ốm nghén. Đây thực chất là một trong những hiện tượng bình thường phổ biến ở giai đoạn đầu của thai kỳ. Nếu tình trạng này kéo dài và ngày càng nặng, thai phụ cần nhập viện để điều trị.
Tổng đài 1900565656 của BVĐK MEDLATEC luôn sẵn sàng lắng nghe những băn khoăn, thắc mắc của khách hàng. Nếu bạn hoặc người thân cần tư vấn chuyên sâu hơn về các dịch vụ thăm khám của MEDLATEC, đừng ngần ngại hãy liên hệ qua hotline trên và hẹn lịch ngay hôm nay nhé!