Ốm nghén là triệu chứng được mong đợi ở nhiều cặp vợ chồng, bởi nó gợi ý rằng bạn đang mang thai. Cùng với niềm hạnh phúc, chờ mong thì nghén đôi khi cũng khiến mẹ bầu gặp nhiều vấn đề sức khỏe. Tình trạng còn nghiêm trọng hơn nếu mẹ nằm trong nhóm khoảng 3% bị nghén nặng. Vậy thực tế nghén là gì? Có thể điều trị ốm nghén hay không?
06/08/2020 | Nghén nên ăn gì mẹ bầu đỡ buồn nôn mà bé vẫn đủ dinh dưỡng? 06/08/2020 | Bỏ túi 5+ các cách giảm nghén bầu cực hiệu quả 06/08/2020 | Giải đáp: nghén ngủ có tốt không và các câu hỏi liên quan
1. Ốm nghén là tình trạng gì?
Nghén là triệu chứng rất phổ biến của thai kỳ, biểu hiện sự thay đổi của cơ thể mẹ khi mang thai gồm:
- Buồn nôn và nôn ói.
- Thay đổi khẩu vị: hầu người mẹ bị giảm cảm giác thèm ăn, ăn uống kém ngon miệng, một số người bị thèm ngọt, thèm chua,…
- Giảm cân: Thường gặp ở thai phụ Ốm nghén nặng.
- Cơ thể mất nước: Khi mẹ bị nôn ói quá nhiều mà không có can thiệp kịp thời.
- Mệt mỏi: Ốm nghén Buồn nôn kéo dài khiến sức khỏe của mẹ cũng gặp nhiều vấn đề.
Ốm nghén là dấu hiệu mang thai được nhiều người mong đợi
Thông thường, triệu chứng ốm nghén xuất hiện nhiều hơn vào buổi sáng, vì thế tên tiếng Anh thường gọi là “Morning Sickness”. Tuy nhiên, nghén cũng có thể gặp phải ở bất cứ thời gian nào trong ngày.
Ốm nghén thai kỳ không kéo dài lâu, ở một số người nó xuất hiện sớm từ tuần thai thứ 5 - 6 nhưng chủ yếu xảy ra vào trước tuần thai thứ 9. Nghén kéo dài khoảng 3 - 4 tuần, nghĩa là kết thúc trước tuần thai thứ 14, có thể sớm hoặc muộn hơn. Các trường hợp nghén nặng có thể kéo dài qua vài tháng hoặc đến hết thai kỳ.
Nghén nặng xảy ra ở khoảng 3% thai phụ với các triệu chứng nặng, đặc biệt là nôn ói. Nôn ói không kiểm soát gây nhiều biến chứng sức khỏe nghiêm trọng cho cơ thể mẹ như: Suy dinh dưỡng, sụt cân, mất nước cơ thể. Lúc này cần sớm điều trị giảm nôn ói, bổ sung nước và điện giải.
Nghén nặng sẽ cần can thiệp y tế để đảm bảo sức khỏe của mẹ và bé
Mặc dù không có nhiều nhưng một số trường hợp ốm nghén nặng cần chấm dứt thai kỳ.
2. Thai phụ không có triệu chứng ốm nghén có sao không?
Mặc dù nghén xảy ra ở hầu hết phụ nữ mang thai song ở một số người không gặp tình trạng này hoặc quá nhẹ khiến họ không chú ý. Nguyên nhân gây nghén vẫn chưa được xác định rõ, nhưng bắt nguồn từ sự thay đổi nội tiết sinh dục của phụ nữ trong thời gian thai kỳ. Không loại trừ một số trường hợp nôn ói do bệnh lý đường tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm, bệnh túi mật hoặc bệnh tuyến giáp kết hợp.
Một số thai phụ sau có nguy cơ bị ốm nghén nặng hơn:
- Có tiền sử nghén nặng ở thai kỳ trước.
- Có mẹ hoặc chị em gái cũng nghén nặng.
- Mang đa thai.
- Mang thai lần đầu.
- Thai nhi giới tính nữ.
- Người sức khỏe yếu, đặc biệt người hay bị say xe, chóng mặt hoặc đau đầu Migraine.
- Bệnh lý nguyên bào nuôi thai kỳ.
- Mang thai là kết hợp của biện pháp hỗ trợ điều trị hiếm muộn.
Nghén không phải là dấu hiệu cho thấy thai nhi bình thường hay gặp phải vấn đề, nên không cần quá lo lắng. Ngược lại, đây còn là dấu hiệu cho thấy thai nhi đang phát triển tốt, các vấn đề nội tiết tố trong cơ thể mẹ cũng thay đổi phù hợp để trẻ có điều kiện phát triển tốt nhất. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, những thai phụ bị nghén thai kỳ có tỷ lệ sảy thai thấp hơn người không gặp triệu chứng này.
Không phải tất cả phụ nữ mang thai đều bị ốm nghén
Vì thế nếu không thấy triệu chứng nghén, bạn không nên quá lo lắng mà cần thực hiện kiểm tra khám thai, siêu âm thai định kỳ. Nếu thai nhi vẫn phát triển bình thường, bạn có thể yên tâm chuẩn bị chào đón bé con rồi.
Cần đặc biệt lưu ý đến trường hợp mẹ đang bị nghén nhưng trong thời gian ngắn, chưa hết kỳ nghén thông thường đã đột ngột biến mất. Rất có thể tình trạng phát triển của thai nhi đang gặp vấn đề, khám và điều trị giúp bác sĩ có thể can thiệp kịp thời nếu gặp phải trường hợp này.
3. Có thể điều trị ốm nghén không?
Ốm nghén là triệu chứng thai kỳ, không phải bệnh lý nên hầu hết trường hợp không cần can thiệp điều trị. Chỉ khi mẹ bầu bị nghén nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống và cả sự phát triển của thai nhi thì bác sĩ sẽ xem xét can thiệp y tế.
Ngoài ra, nếu nghén khó chịu thì một số biện pháp an toàn không dùng thuốc cũng giúp mẹ bầu cải thiện tình trạng.
3.1. Biện pháp an toàn giúp mẹ cải thiện ốm nghén
Tình trạng quá no hay quá đói đều tăng cảm giác buồn nôn, nôn ói của mẹ bầu. Vì thế các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng, thai phụ nên chia nhỏ các bữa ăn đều trong ngày thay vì chỉ ăn bữa chính. Có thể thêm các bữa xế trưa, xế chiều hoặc tối trước khi đi ngủ. Ở các bữa phụ, đặc biệt là buổi sáng khi vừa thức dậy, lát bánh mì khô, vài cái bánh quy hoặc snack sẽ giúp trung hòa acid, hạn chế cảm giác buồn nôn.
Bánh mì giúp trung hòa acid dạ dày, hạn chế cơn buồn nôn
Các thực phẩm ăn trong thời gian này nên chú ý tránh quá ngọt, nhiều dầu mỡ hoặc nặng mùi vì có thể kích thích cơn buồn nôn. Thay vào đó là các thức ăn đơn giản dễ tiêu như: Chuối, cơm, mỳ, bánh mì, ngũ cốc, khoai tây, trái cây, cà chua, súp lạnh,…
Gừng và các thức uống, mứt kẹo từ loại gia vị này có khả năng giảm cảm giác buồn nôn và nôn rất tốt. Cùng với đó các loại nước có vị chua nhẹ như nước cam, nước chanh, bạc hà, trà xanh cũng giúp khẩu vị của thai phụ bị nghén trở nên tốt hơn.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, uống Vitamin E 3 tháng trước khi mang thai giúp giảm tình trạng nghén. Thuốc bổ sung sắt lại gây kích thích dạ dày, tăng cảm giác buồn nôn, vì thế mẹ nên hạn chế bổ sung chất này trong giai đoạn nghén nặng.
3.2. Thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm ốm nghén
Sử dụng thuốc với thai phụ cần vô cùng cẩn trọng, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc theo kinh nghiệm, không có chỉ dẫn của bác sĩ. Thuốc không phù hợp có thể gây tác dụng không mong muốn đến thai nhi.
Đa phần trường hợp nghén đều có thể giảm đáng kể với các biện pháp không dùng thuốc trên, song nếu vẫn không cải thiện tốt, thai phụ cần khám tìm nguyên nhân khác có thể gây nôn, buồn nôn. Biện pháp điều trị giảm nghén cuối cùng là dùng thuốc như Vitamin B6, Doxylamine hay thuốc chống nôn chuyên dùng an toàn cho thai kỳ.
Vitamin B6 giúp giảm cơn ốm nghén hiệu quả
Như vậy, ốm nghén là dấu hiệu đáng vui mừng, cho thấy thai nhi đang phát triển tốt nếu nó không quá nặng nề, mẹ hãy cố gắng vượt qua giai đoạn này nhé. Ngoài ra, sản phụ cần lưu ý các dấu hiệu nguy hiểm của tình trạng ốm nghén hay thai nhi để kịp thời tìm đến bác sĩ.
Các chuyên gia sản khoa khuyên rằng, cần khám xét nghiệm và siêu âm thai định kỳ kiểm tra sức khỏe thai nhi, mẹ bầu cũng nhận được những lời khuyên phù hợp để vượt qua giai đoạn nhạy cảm khó khăn này. MEDLATEC chúc mẹ bầu có một thai kỳ khỏe mạnh.