Số liệu thống kê cho thấy những năm gần đây, số người mắc bệnh tiểu đường ở nước ta đang tăng lên nhanh chóng. Vì thế mà không ít người thắc mắc bệnh tiểu đường có lây không và lo ngại về việc tiếp xúc gần hay sống chung với người bệnh.
01/07/2022 | Góc giải đáp: tiểu đường ăn khoai lang được không? 14/06/2022 | Chuyên gia dinh dưỡng giải đáp: Tiểu đường uống nước cam được không? 30/05/2022 | Phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ ăn khoai lang được không?
1. Cơ chế gây bệnh tiểu đường
Tiểu đường là căn bệnh xảy ra khi cơ thể không sử dụng glucose đúng cách, điều này khiến glucose trong máu tăng cao. Với cơ thể, glucose là loại đường chính trong máu, có vai trò cung cấp năng lượng trực tiếp cho các tế bào trong cơ thể.
Số bệnh nhân mắc tiểu đường đang tăng lên nhanh chóng
Cơ thể có thể sử dụng được glucose là nhờ insulin - chất cơ vai trò như chìa khóa mở cửa tế bào để glucose đi vào và tế bào có thể sử dụng glucose tạo năng lượng. Insulin được tuyến tụy sản xuất và kiểm soát để sử dụng hiệu quả.
Tuy nhiên ở người bệnh tiểu đường, do cơ thể không tạo ra đủ insulin hoặc insulin hoạt động không đúng cách khiến tế bào ít hoặc không sử dụng được glucose, từ đó làm nồng độ chất này tăng cao trong máu. Lượng đường trong máu cao cùng với tế bào không được cung cấp đủ năng lượng sẽ gây bệnh cho cơ thể.
Theo cơ chế gây bệnh, tiểu đường được chia thành 2 nhóm chính bao gồm:
Cơ chế tiểu đường type 1
Nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường type 1 là do hệ thống miễn dịch gặp bất thường, nhận diện và tấn công nhầm các tế bào trong tuyến tụy. Từ đó cơ thể không sản sinh đủ lượng insulin để sử dụng glucose theo nhu cầu, khiến đường bị tích tụ cao trong máu.
Tiểu đường type 1 và 2 có cơ chế gây bệnh khác nhau
Cơ chế tiểu đường type 2
Ở bệnh nhân tiểu đường type 2, tuyến tụy vẫn có thể tạo ra insulin nhưng insulin hoạt động không hiệu quả, có thể do cơ thể bị kháng insulin hoặc không thể sử dụng insulin.
Như vậy, nguyên nhân gây bệnh tiểu đường bắt nguồn từ bất thường trong cơ thể, bao gồm hoạt động của hệ miễn dịch hoặc insulin mà tuyến tụy tạo ra.
2. Bác sĩ tư vấn: bệnh tiểu đường có lây không?
Do số ca bệnh tiểu đường trong những năm gần đây tăng nhanh chóng, không ít người băn khoăn bệnh tiểu đường có lây không? Thực tế, tiểu đường là bệnh không lây nhiễm bởi nguyên nhân gây bệnh không phải là vi sinh vật mà do rối loạn chuyển hóa bên trong cơ thể.
Qua tiếp xúc trực tiếp, sinh sống gần, hắt hơi, qua đường máu hay đường tình dục, bệnh tiểu đường đều không có khả năng lây nhiễm. Thực tế nhiều người cùng sinh sống, đặc biệt là gia đình có thể cùng mắc bệnh không phải do lây nhiễm mà do chế độ ăn uống và sinh hoạt thiếu lành mạnh.
Chế độ ăn uống là nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, những người thường xuyên ăn chung một thực đơn có nguy cơ cùng mắc bệnh. Ngoài ra, bạn cũng có thể mắc bệnh tiểu đường type 2 do lối sống ít vận động, béo phì, thừa cân, chế độ ăn uống thiếu khoa học trong thời gian dài.
Chế độ ăn uống thiếu lành mạnh cũng là nguyên nhân gây tiểu đường
Bệnh tiểu đường type 1 được các nhà khoa học nghiên cứu chứng minh có liên quan đến gen và môi trường sống. Điều này lý giải tại nhà nhiều người trong gia đình có thể bị di truyền gen bệnh và cùng mắc tiểu đường.
Các con đường lây nhiễm bệnh thông thường như sinh hoạt chung, sử dụng chung vật dụng cá nhân, đường truyền máu hay sinh hoạt tình dục đều không gây lây nhiễm bệnh tiểu đường. Do vậy bạn không nên quá lo lắng nếu sinh hoạt hay ở chung với người bệnh tiểu đường, tuy nhiên cần lưu ý về chế độ ăn uống, sinh hoạt của mình.
3. Làm gì để phòng ngừa bệnh tiểu đường?
Với bệnh tiểu đường type 1, nguyên nhân là do rối loạn miễn dịch và có liên quan đến gen di truyền, vì vậy không có cách nào giúp bạn phòng ngừa bệnh. Thực tế bất cứ ai cũng có thể mắc căn bệnh này, điều mỗi chúng ta nên làm là thường xuyên theo dõi sức khỏe, đi khám nếu có dấu hiệu bất thường để kịp thời điều trị bệnh.
Bệnh tiểu đường không lây nhưng bất cứ ai cũng có thể mắc phải
Với bệnh tiểu đường type 2, nguyên nhân gây bệnh có liên quan đến lối ăn uống, sinh hoạt nên có thể chủ động phòng ngừa bệnh, hạn chế nguy cơ mắc bệnh bằng những biện pháp sau:
3.1. Hạn chế thực phẩm có đường
Việc tiêu thụ quá nhiều thực phẩm và thức uống có đường khiến cơ thể phải tiết ra lượng insulin nhiều hơn và có thể gây quá tải. Điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và biến chứng nguy hiểm khi đường huyết tăng cao. Do vậy, hãy tập thói quen hạn chế dùng thực phẩm, thức uống chứa nhiều đường, đặc biệt là đường tinh chế.
3.2. Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh
Chế độ ăn của bạn không những phải kiểm soát lượng đường trong thực phẩm một cách hợp lý mà cũng cần chú ý đến những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ làm tăng đường huyết nhanh cũng như biến chứng bệnh như: tinh bột, chất béo xấu,... Thay vào đó, nên tăng cường các thực phẩm tốt như protein nạc, sản phẩm từ sữa ít béo, rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt,...
3.3. Tăng cường hoạt động thể chất
Lười hoạt động thể chất là nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, trong đó có bệnh tiểu đường. Bạn cần duy trì thói quen tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, hạn chế dành thời gian cho các hoạt động ít vận động như chơi game, xem Tivi, xem phim,...
Tăng cường hoạt động thể chất để tăng sức khỏe và ngăn ngừa tiểu đường
Hi vọng qua bài viết này, MEDLATEC đã giúp bạn đọc tìm hiểu bệnh tiểu đường có lây không cũng như giải đáp những hiểu lầm về căn bệnh này. Hiểu rõ về bệnh là chìa khóa giúp bạn và gia đình phòng ngừa bệnh tiểu đường hiệu quả. Nếu có các dấu hiệu nghi ngờ bệnh, hãy sớm đi khám tại cơ sở chuyên khoa để được chẩn đoán, theo dõi và hướng dẫn điều trị bệnh.
Tổng đài 1900 56 56 56 của MEDLATEC sẵn sàng hỗ trợ bạn 24/7 nếu có bất kỳ thắc mắc nào khác cần giải đáp.