Hàng ngày, do rất nhiều yếu tố khác nhau mà ai trong chúng ta cũng có thể bị gãy xương mũi. Điều đáng nói là hầu hết chúng ta không nhận biết được tình trạng này, không biết cách xử trí gãy xương mũi sao cho đúng nên dễ phải đối mặt với những hệ lụy xấu cả trên phương diện thẩm mỹ lẫn sức khỏe.
27/01/2022 | Polyp mũi là gì, cách điều trị và phòng ngừa bệnh hiệu quả 06/01/2022 | Trẻ ngạt mũi về đêm: Nguyên nhân, cách xử lý và phòng ngừa! 04/01/2022 | Bác sĩ hướng dẫn cách chữa viêm mũi họng tại nhà
1. Như thế nào là bị gãy xương mũi?
1.1. Gãy xương mũi là gì?
Chảy máu cam thường xuyên và kéo dài sau một chấn thương ở mũi là một trong các dấu hiệu cảnh báo xương mũi bị gãy
Xương mũi gồm hai xương nhỏ nằm ở phần trên mũi. Bộ phận này kết hợp cùng sụn mũi để tạo nên bộ khung định hình mũi. Gãy xương mũi là tình trạng phần xương của mũi bị vỡ, nứt hoặc gãy do sự tác động của yếu tố nào đó.
Nguyên nhân dẫn tới xương mũi bị gãy chủ yếu do:
- Đập, ngã làm mũi bị chấn thương.
- Ẩu đả, chơi thể thao gây ra một lực tác động rất mạnh và mũi.
- Tai nạn.
1.2. Dấu hiệu nhận biết xương mũi bị gãy
Muốn tìm cách xử trí gãy xương mũi thì trước tiên cần phải nhận diện được như thế nào là đã gặp phải tình trạng này. Một người bị gãy xương mũi thường sẽ gặp các hiện tượng sau:
- Tắc một hoặc hai bên lỗ mũi.
- Lệch vách ngăn mũi.
- Xung quanh vùng mũi bị sưng, bầm tím, đau nhức.
- Chảy máu mũi.
- Mũi bị xoắn, biến dạng.
- Đổi màu vùng da ở dưới mắt.
2. Xử trí gãy xương mũi như thế nào mới đúng?
2.1. Tầm quan trọng của việc xử lý gãy xương mũi đúng cách
Xử trí gãy xương mũi kịp thời và đúng cách là rất cần thiết bởi nếu điều này không diễn ra, người bệnh có thể sẽ phải đối mặt với những biến chứng rất nặng như:
- Nhiễm trùng.
- Não tủy bị chảy dịch.
- Sẹo co rút khiến cho người bệnh bị nghẹt mũi, sống mũi bị sụp nên mũi bị dị dạng, thủng vách ngăn mũi, dính cuốn mũi,…
2.2. Cách xử trí khi bị gãy xương mũi
Tùy thuộc vào các triệu chứng gặp phải mà người bệnh có thể xử trí gãy xương mũi theo cách sau:
Người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được đánh giá đúng tình trạng tổn thương và biết cách xử trí gãy xương mũi phù hợp
- Sơ cứu ngay tại nhà
Nếu thấy mũi bị chảy máu, hãy từ từ ngồi xuống rồi hãy dùng miệng để hít thở và nghiêng dần người về phía trước. Thao tác này sẽ giúp cho máu ở trong mũi không bị chảy xuống họng. Trường hợp không có máu mũi chảy ra, hãy ngửa đầu ra sau để cảm giác đau nhói được giảm bớt.
Tiếp sau đó, hãy lấy một viên đá lạnh đặt vào khăn sạch rồi chườm lên mũi trong khoảng 15 - 20 phút, mỗi ngày 3 - 4 lần. Để giảm đau tại nhà, có thể dùng thuốc acetaminophen hoặc ibuprofen.
- Can thiệp y tế
Về cơ bản, tất cả các chấn thương vùng mặt nói chung trong đó có gãy xương mũi nói riêng tốt nhất đều nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để đánh giá chính xác mức độ tổn thương, vừa giúp tránh được những hệ lụy xấu vừa tăng hiệu quả điều trị vì xử trí ngay từ đầu.
Người bệnh cũng ghi nhớ những triệu chứng cần ưu tiên để đến gặp bác sĩ ngay lập tức:
- Sau khi xảy ra một chấn thương nào đó nhận thấy mũi bị biến dạng.
- Sau 3 ngày không giảm sưng, đau.
- Dùng thuốc giảm đau không có hiệu quả.
- Mặc dù mũi đã hết sưng nhưng vẫn cảm thấy khó thở bằng mũi.
- Thường xuyên bị chảy máu cam sau chấn thương tại mũi.
- Bị run, tăng thân nhiệt hoặc sốt cao.
- Có dịch trong giống nước chảy từ mũi ra.
- Nhìn đôi, mắt mờ, đau đầu dữ dội.
- Mắt bị đau.
- Cổ đau hoặc cứng kèm theo cảm giác ngứa ran hoặc tê ở cánh tay.
- Khó hoặc tắc thở.
- Nói khó, ngất.
Bằng việc đến thăm khám tại cơ sở y tế chuyên khoa ngay khi nghi ngờ bị gãy xương mũi, người bệnh sẽ được bác sĩ tiến hành những kiểm tra cần thiết để xác định đúng bệnh. Bên cạnh thăm khám lâm sàng, bác sĩ cũng sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện một số biện pháp chẩn đoán hình ảnh như: chụp X-quang, CT scan .
Không phải mọi trường hợp gặp phải tình trạng này đều cần phải điều trị y tế. Để xử trí gãy xương mũi với những trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ sẽ lựa chọn một trong các phương pháp như:
- Đặt lên trên mũi một tấm gạc sạch, nếu cần thiết có thể sẽ dùng thêm nẹp mũi.
- Kê đơn thuốc cho người bệnh: thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau.
- Phẫu thuật cắt giảm khép kín thông qua gây tê vùng mũi rồi phẫu thuật bằng tay.
- Phẫu thuật chỉnh vách ngăn mũi.
Những hình thức phẫu thuật xử trí gãy xương mũi này đều chỉ thực hiện sau khi chấn thương xảy ra 3 - 10 ngày vì người bệnh cần phải có thời gian để giảm bớt tình trạng sưng phù. Sau phẫu thuật, người bệnh sẽ cảm thấy khó chịu nhưng điều này sẽ giảm đi trong 72 giờ.
Nếu người bệnh chỉ bị một vết gãy nứt nhỏ ở xương mũi, vị trí xương mũi không di chuyển thì thường sẽ không cần phải điều trị. Phẫu thuật là phương pháp được dùng cho những trường hợp bị chấn thương mức trung bình hoặc nặng.
3. Biện pháp phòng tránh gãy xương mũi
Để không phải rơi vào tình thế đi tìm cách xử trí gãy xương mũi, mỗi người trong chúng ta đều có thể chủ động phòng tránh tình trạng này bằng cách:
Chọn đi giày có lực bám tốt giúp giảm thiểu nguy cơ gãy xương mũi do ngã
- Đi giày có lực bám tốt để tránh bị ngã.
- Mặc đồ bảo hộ khi tham gia các môn thể thao tiếp xúc để tránh chấn thương cho mũi.
- Khi trượt ván, đi xe đạp hoặc xe máy, hãy nhớ đội mũ bảo hiểm.
- Luôn đeo dây an toàn khi ngồi ô tô.
Về cơ bản, việc xử trí gãy xương mũi là không khó. Quan trọng là chúng ta phải nhận diện được tình trạng của mình để biết cách ứng phó phù hợp. Hầu hết các trường hợp bị gãy xương mũi không hề nguy hiểm đến tính mạng. Có những trường hợp nhẹ, chỉ sưng đau mà không bị biến dạng mũi thì không cần điều trị.
Nếu biết để đến cơ sở y tế sớm thì người bệnh sẽ tìm được hướng xử trí an toàn, giúp bảo tồn được chức năng hô hấp mà vẫn không ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ. Ngược lại, người bệnh có thể sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ như đã nói đến ở trên.
Ngoài những chia sẻ trên đây, mọi băn khoăn khác về tình trạng gãy xương mũi, bạn đọc có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 hoặc đến trực tiếp chuyên khoa Ngoại của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để có được sự trợ giúp chính xác.