Uốn ván là bệnh nhiễm khuẩn nguy hiểm, có thể gây tỉ lệ tử vong lên tới 95% ở trẻ sơ sinh do lây nhiễm từ mẹ. Tiêm vắc xin uốn ván cho bà bầu được khuyến cáo với cả những mẹ từng tiêm phòng nhưng chưa đủ kháng thể hoặc chưa tiêm đủ mũi.
23/10/2020 | Bệnh uốn ván và những thông tin có thể bạn chưa biết 20/10/2020 | Bệnh uốn ván nguy hiểm như thế nào? Liệu có cách phòng bệnh không? 04/07/2020 | Một số thông tin về bệnh bạch hầu ho gà uốn ván bạn nên biết
1. Tiêm vắc xin uốn ván cho bà bầu có cần thiết không?
Khi chưa có vắc xin uốn ván, mỗi năm thế giới có đến 500 nghìn trẻ sơ sinh chết vì mắc phải vi khuẩn này. Tỷ lệ trẻ sơ sinh mắc uốn ván tử vong rất cao, lên tới 95% khi lây nhiễm từ mẹ do bệnh có thời gian ủ bệnh ngắn, biến chứng nặng và sức đề kháng của trẻ sơ sinh còn rất non nớt.
Bệnh uốn ván có thể lây dễ dàng qua vết thương hở
Vi khuẩn gây uốn ván là Clostridium Tetani, có khả năng tiết độc tố protein mạnh gây tăng trương lực cơ và các cơn co cứng, đi vào máu và tấn công hệ thần kinh. Kể cả trẻ nhỏ lẫn người trưởng thành mắc uốn ván nếu không điều trị kịp thời thì nguy cơ tử vong rất cao. Vi khuẩn này dễ dàng đi vào cơ thể qua vết thương hở, với phụ nữ sinh con, khuẩn gây bệnh dễ dàng xâm nhập trong quá trình sinh nở.
Phụ nữ mang thai cũng có thể mắc uốn ván qua các vết thương hở, lây truyền sang thai nhi và trẻ sơ sinh gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Nhiễm trùng sơ sinh cũng có thể xảy ra khi dụng cụ cắt rốn cho trẻ chưa tiệt trùng hoặc vi khuẩn xâm nhập qua gốc dây rốn chưa lành.
Tiêm vắc xin uốn ván là cách phòng bệnh tốt nhất cho mẹ bầu và trẻ sơ sinh
Mầm mống vi khuẩn gây bệnh uốn ván luôn tồn tại trong tự nhiên, có thể lây nhiễm và gây bệnh cho chúng ta bất cứ khi nào. Do hậu quả nặng nề gây ra, vắc xin uốn ván đã được phổ biến trong các chương trình tiêm chủng toàn cầu, được khuyến cáo nên thực hiện với mọi đối tượng. Trong đó phụ nữ mang thai là đối tượng đặc biệt vì trẻ sơ sinh dễ mắc uốn ván trong quá trình mang thai và sinh nở tự nhiên khi mẹ không có kháng thể truyền miễn dịch cho con.
Vì thế tiêm vắc xin uốn ván cho bà bầu để bảo vệ chủ động cho cả mẹ lẫn trẻ sơ sinh là điều hết sức cần thiết.
2. Liều vắc xin uốn ván cho mẹ bầu như thế nào?
Phụ nữ mang thai chưa từng tiêm vắc xin, tiêm chưa đủ mũi hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng phải tiêm nhiều mũi (5 mũi), còn người đã có kháng thể thì chỉ cần tiêm nhắc lại.
Trong đó, cần sắp xếp sao cho mũi tiêm cuối trước ngày dự sinh ít nhất 1 tháng sẽ đảm bảo kháng thể được truyền tốt nhất cho trẻ ngay sau khi sinh ra. Nhiều người mẹ lo lắng việc tiêm vắc xin trong thai kỳ có thể nguy hiểm cho thai nhi, tuy nhiên vắc xin uốn ván đã được các tổ chức Y tế quốc tế và Việt Nam kiểm tra hiệu lực, độ tinh khiết và tính an toàn có thể dùng cho cả phụ nữ mang thai.
Cụ thể số mũi tiêm và liệu trình với mẹ bầu như sau:
Vắc xin uốn ván là an toàn với mẹ bầu và thai nhi
Phụ nữ chưa từng tiêm phòng, chưa tiêm đủ 3 mũi hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng
Cần tiêm đủ 5 mũi gồm:
- Mũi thứ nhất: Tiêm khi mang thai lần đầu tiên, nên tiêm sớm.
- Mũi thứ 2: Tiêm nhắc lại sau ít nhất 1 tháng, nên trước ngày dự sinh ít nhất 1 tháng.
- Mũi thứ 3: Tiêm nhắc lại khi thai kỳ sau hoặc sau mũi tiêm 2 là 6 tháng.
- Mũi thứ 4: Tiêm nhắc lại khi thai kỳ sau hoặc sau mũi tiêm 3 là 1 năm.
- Mũi thứ 5: Tiêm nhắc lại khi thai kỳ sau hoặc sau mũi tiêm 4 là 1 năm.
Phụ nữ đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin uốn ván liều cơ bản
Nên tiêm đủ 3 mũi:
- Mũi thứ nhất: Tiêm khi mang thai lần đầu tiên, nên tiêm sớm.
- Mũi thứ 2: Tiêm nhắc lại sau mũi 1 ít nhất 1 tháng, nên trước ngày dự sinh ít nhất 1 tháng.
- Mũi thứ 3: Tiêm nhắc lại khi thai kỳ sau hoặc sau mũi tiêm 2 ít nhất 1 năm.
Phụ nữ đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin uốn ván liều cơ bản và 1 mũi nhắc lại
Nên tiêm 2 mũi:
- Mũi thứ nhất: Tiêm khi mang thai lần đầu tiên, nên tiêm sớm.
- Mũi thứ 2: Tiêm nhắc lại sau mũi 1 ít nhất 1 năm.
Cần tiêm đủ mũi vắc xin đúng thời điểm trong thai kỳ
Khi tiêm các mũi vắc xin uốn ván cho bà bầu đúng thời điểm, cơ thể mẹ sẽ tạo ra kháng thể đủ để bảo vệ cơ thể và một phần được chuyển cho thai nhi trước khi sinh. Kháng thể uốn ván nhận được từ mẹ sẽ giúp trẻ sơ sinh bảo vệ trong thời kỳ đầu đời, khi đã đủ tuổi thì cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm vắc xin uốn ván để tạo miễn dịch chủ động.
3. Các loại vắc xin uốn ván dùng với mẹ bầu
Vắc xin uốn ván cho phụ nữ mang thai hiện nay gồm 2 loại bạn có thể lựa chọn là vắc xin VAT (do Việt Nam sản xuất) hoặc vắc xin Boostrix (của Bỉ). Cả hai loại vắc xin này đều giúp cơ thể mẹ bầu tạo kháng thể chống lại vi khuẩn gây uốn ván và truyền 1 phần cho thai nhi, được cung cấp tại các Trung tâm tiêm chủng bệnh viện trên cả nước.
Tuy nhiên lịch tiêm của 2 loại vắc xin là khác nhau, do đó mẹ bầu cần lưu ý để tiêm đúng thời điểm và đủ số mũi tiêm như sau:
Nên lựa chọn đúng loại vắc xin tiêm cho bà bầu
3.1. Vắc xin VAT
Với thai phụ chưa từng tiêm phòng, chưa tiêm đủ mũi hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng cần tiêm đủ 2 mũi VAT:
Mũi 1: Tiêm khi phát hiện có thai (nên tiêm vào 3 tháng giữa của thai kỳ).
Mũi 2: Tiêm trước ngày dự sinh ít nhất 1 tháng hoặc sớm hơn.
Với phụ nữ đã từng tiêm vắc xin uốn ván dưới 5 năm chỉ cần tiêm 1 mũi nhắc lại trong 3 tháng giữa thai kỳ. Các trường hợp khác vẫn cần tiêm 2 mũi vắc xin này.
3.2. Vắc xin Boostrix
Vắc xin này chỉ cần tiêm 1 mũi trong 3 tháng cuối thai kỳ, có thể tiêm nhắc lại sau mỗi 10 năm để đảm bảo cơ thể đủ kháng thể chống lại tác nhân gây bệnh.
Như vậy, tiêm vắc xin uốn ván cho bà bầu là rất cần thiết, kể cả với người đã có kháng thể do từng tiêm phòng trước đó. Vì thế mẹ bầu nên sắp xếp lịch và thời gian để tiêm đủ số mũi vắc xin cần thiết trước khi sinh, đảm bảo sức khỏe chính bản thân thai phụ cũng như thai nhi.