Bệnh đái tháo đường type 2 là hiện tượng cơ thể vẫn sản xuất được insulin, nhưng sản xuất với lượng không đủ dùng hoặc do tế bào không sử dụng được insulin hoặc do cơ thể sinh ra kháng thể kháng insulin. Bệnh nhân tiểu đường type 2 không bắt buộc phải tiêm insulin ngoại sinh như type I nhưng phải sử dụng đến các thuốc hạ glucose đường máu.
12/01/2023 | Những lưu ý khi sử dụng thuốc Metformin trong điều trị tiểu đường 04/11/2022 | Dấu hiệu tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối mẹ bầu chớ nên bỏ qua 28/10/2022 | 7 loại quả có chỉ số đường huyết của thực phẩm tốt cho bệnh nhân tiểu đường
1. Bệnh tiểu đường hình thành như thế nào?
Sau khi thức ăn được đưa vào cơ thể, bộ máy tiêu hóa sẽ chuyển đổi một phần chất dinh dưỡng thành đường glucose. Loại đường này sẽ được hấp thu vào máu và theo hệ tuần hoàn vận chuyển đến các tế bào, cung cấp năng lượng cho các hoạt động sống của cơ thể.
Tuyến tụy với chức năng sản xuất ra insulin có vai trò điều hòa lượng đường huyết. Cụ thể, insulin chính là chất xúc tác giúp cho đường có thể đi vào bên trong tế bào, từ đó chuyển hóa đường thành năng lượng.
Ở người khỏe mạnh bình thường, khi glucose đi vào tế bào thi insulin sẽ giúp điều chỉnh lượng đường sao cho phù hợp mà cơ thể vẫn có đủ năng lượng để hoạt động.
Đối với bệnh nhân bị đái tháo đường thì quy trình này sẽ có bất thường. Khi đó tuyến tụy mất khả năng sản sinh insulin (tiểu đường type 1) hoặc cơ thể không đủ khả năng để sử dụng insulin đưa đường vào tế bào (tiểu đường type 2). Đường do không thể đi vào tế bào nên sẽ làm tăng đường máu, dẫn đến bệnh đái tháo đường. Khi đường huyết vượt quá ngưỡng an toàn, thận không thể giữ đường lại được nữa nên phải bài tiết đường qua nước tiểu.
Nguyên nhân khiến đường huyết tăng cao trong tiểu đường type 2
2. Các thuốc trị tiểu đường type 2
Dựa trên cơ chế hình thành bệnh, những người bị tiểu đường type 1 sẽ điều trị bằng cách bổ sung insulin đường tiêm vì tuyến tụy mất chức năng sản xuất hoạt chất này. Còn tiểu đường type 2 thì là do ngoại sinh tác động, ảnh hưởng từ thói quen, lối sống của người bệnh nên là loại phổ biến nhất, chiếm đến 90% các trường hợp bị đái tháo đường.
Cách điều trị tiểu đường type 2 đó là sử dụng thuốc hạ đường huyết dạng viên kết hợp với việc thay đổi lối sống và chế độ ăn uống hợp lý, khoa học.
Sau đây là thông tin chi tiết về các nhóm thuốc trị tiểu đường phổ biến hiện nay:
2.1. Nhóm Sulfonylurea
Trong nhóm này bao gồm các thuốc như: Glyburide, Gliclazide, Glipizide, Glimepiride, Chlorpropamide, Acetohexamide, Tolbutamide, Tolazamide.
Thuốc có tác dụng kích thích tuyến tụy sản sinh thêm insulin, hỗ trợ cơ thể sử dụng insulin một cách hiệu quả và ngăn không để gan chuyển glucose dự trữ vào trong máu.
Ưu điểm của thuốc là có thể dùng được trong thời gian dài, hạn chế nguy cơ biến chứng tim mạch, biến chứng trên các mạch máu nhỏ và tử vong ở người bệnh. Tuy nhiên nhóm thuốc này lại có nhược điểm là có thể dẫn tới tăng cân và hạ đường huyết.
2.2. Nhóm ức chế men Alpha-glucosidase
Nhóm thuốc này gồm các thuốc như Glyset và Acarbose. Cơ chế tác dụng là chuyển hóa carbohydrate thành glucose tại ruột, làm chậm quá trình glucose được hấp thu vào máu và kiểm soát tình trạng đường huyết gia tăng sau ăn.
Khi dùng đơn độc nhóm Alpha-glucosidase sẽ không gây hạ đường huyết, tác dụng tại chỗ khi dùng sau ăn. Tuy nhiên trong quá trình sử dụng thuốc bệnh nhân cũng có thể đối diện với một số tác dụng phụ như đầy hơi, chướng bụng, rối loạn tiêu hóa, phân lỏng. Vì vậy để hạn chế tác dụng phụ của thuốc, trong thời gian đầu bệnh nhân nên dùng thuốc với liều lượng thấp, đặc biệt những ai đang có vấn đề về đường ruột thì tốt nhất không nên dùng nhóm thuốc này.
2.3. Nhóm thuốc trị tiểu đường Biguanid
Dạng duy nhất của nhóm Biguanid được cấp phép lưu hành tại Hoa Kỳ đó là Metformin. Thuốc có cơ chế hoạt động là kích thích cơ thể sử dụng tốt insulin, đồng thời ức chế gan chuyển glucose dự trữ vào máu.
Ưu điểm nổi bật của thuốc là không gây hạ đường huyết khi dùng đơn độc, có thể điều trị lâu năm với thuốc này, không ảnh hưởng đến cân nặng, đồng thời hỗ trợ làm giảm nồng độ các chất có hại trong máu như triglycerides, LDL-cholesterol, hạn chế gây biến chứng tim mạch và tử vong.
Tuy nhiên, thuốc không được sử dụng cho người bị suy thận, đôi khi có thể gây rối loạn tiêu hóa với các triệu chứng như tiêu chảy, đau bụng, nhiễm acid lactic.
2.4. Meglitinide
Dạng duy nhất của nhóm thuốc Meglitinide được sử dụng hiện nay đó là Repaglinide. Thuốc giúp kích thích tuyến tụy tiết thêm insulin và cho tác dụng sớm hơn so với nhóm sulfonylureas.
Nhìn chung nhóm thuốc này có ưu điểm là kiểm soát tốt lượng glucose máu sau bữa ăn nhưng lại phải dùng nhiều lần, gây hạ đường huyết và tăng cân.
Cách điều trị tiểu đường type 2 đó là dùng thuốc hạ đường huyết kết hợp với thay đổi lối sống
2.5. Nhóm thuốc trị tiểu đường Thiazolidinedione
2 thành viên chính của nhóm Thiazolidinedione là Rosiglitazone và Pioglitazone. Các thuốc này khi được đưa vào cơ thể sẽ kích thích cơ bắp tăng sử dụng insulin, tiết chế quá trình vận chuyển glucose vào máu.
Thuốc nhóm Thiazolidinedione có ưu điểm là không làm hạ đường huyết khi dùng đơn độc và giúp kiểm soát tốt lượng triglycerides. Trái lại, thuốc có thể khiến bệnh nhân bị đau cơ, tăng cân, rủi ro biến chứng phù/suy tim, ung thư bàng quang, dễ gãy xương. Đặc biệt nguy cơ gây tổn thương gan do dùng các thuốc này cũng rất cao, vì vậy FDA Hoa Kỳ khuyến cáo bệnh nhân trước khi điều trị tiểu đường bằng nhóm thuốc Thiazolidinedione cần kiểm tra chức năng gan và năm đầu dùng thuốc phải làm điều này định kỳ 2 tháng/lần.
Một số triệu chứng tổn thương gan bệnh nhân cần hết sức lưu ý: vàng da, vàng mắt, nước tiểu đậm màu, chán ăn, mệt mỏi, đau bụng, nôn mửa. Phụ nữ có thai và bệnh nhân mắc bệnh về gan tốt nhất không nên dùng Thiazolidinedione để điều trị tiểu đường.
Ngày nay thuốc Rosiglitazone đã không còn được sử dụng trong điều trị tiểu đường do nguy cơ dẫn đến các vấn đề về tim mạch, trong khi đó Pioglitazone cần cân nhắc, thận trọng khi kê đơn.
2.6. Thuốc đồng vận thụ thể GLP-1
Nhóm thuốc này bao gồm Exenatide, Liraglutide và Semaglutide. Cơ chế hoạt động chính của nhóm thuốc là thúc đẩy tăng tiết insulin nhất là những khi lượng đường trong máu gia tăng, hạn chế sản xuất glucagon, làm chậm nhu động ruột để tăng cảm giác no lâu, giảm cảm giác thèm ăn.
Thuốc có một số ưu điểm đó là hỗ trợ kiểm soát cân nặng và giảm đường huyết sau ăn. Khi dùng riêng lẻ hầu như không gây hạ đường máu, hạn chế nguy cơ tử vong do vấn đề về tim mạch.
Tuy vậy các thuốc này cũng tồn tại một số tác dụng phụ không mong muốn như khiến người bệnh cảm thấy buồn nôn, ói mửa hoặc dẫn tới viêm tụy cấp. Thuốc không phù hợp cho những bệnh nhân tiền sử gia đình bị đa u tuyến nội tiết loại 2 hoặc ung thư giáp dạng tủy.
2.7. Thuốc ức chế men DPP-4
Nhóm thuốc trị tiểu đường này bao gồm: Saxagliptin, Vildagliptin, Linagliptin và Sitagliptin.
Cơ chế hoạt động của thuốc: làm tăng GLP-1, ức chế men DPP-4, ức chế tiết glucagon và tăng tiết insulin. Dùng thuốc theo liều chỉ định là 1 lần/ngày. Khả năng dung nạp thuốc nhìn chung là khá tốt, ngoài ra không gây hạ đường huyết khi dùng đơn lẻ. Tuy nhiên bệnh nhân cần chú ý đến tác dụng phụ là khả năng gây ngứa, dị ứng, phù, viêm, nổi mề đay ngoài da trong quá trình sử dụng thuốc.
3. Bệnh nhân cần lưu ý gì khi sử dụng thuốc trị tiểu đường?
Để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả trong quá trình dùng các thuốc trị tiểu đường, người bệnh cần lưu ý:
-
Tuân thủ đúng lịch trình uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không được tự ý ngừng thuốc, điều chỉnh liều lượng hoặc dùng theo đơn kê của người khác;
-
Không tự ý kết hợp thuốc trị tiểu đường với các loại thuốc khác nằm ngoài danh mục thuốc do bác sĩ cung cấp;
-
Tái khám định kỳ theo lịch hẹn;
-
Nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào xảy ra khi đang dùng thuốc, người bệnh nên thông báo ngay cho bác sĩ;
-
Bên cạnh việc uống thuốc, bệnh nhân cũng cần xây dựng một lối sống với chế độ ăn uống và vận động lành mạnh để hạn chế nguy cơ biến chứng do bệnh gây ra.
Bệnh nhân nên theo dõi đường huyết hàng ngày để đảm bảo xử trí kịp thời khi đường huyết tăng cao
Trên đây là danh sách các nhóm thuốc trị tiểu đường đang được chỉ định phổ biến hiện nay. Nếu bạn có bất kỳ băn khoăn nào hoặc đang có kế hoạch thăm khám, chẩn đoán hay điều trị bệnh tiểu đường, hãy liên hệ đặt lịch khám ngay với các chuyên gia Khoa Nội tiết của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC theo hotline 1900 56 56 56.