Tiểu đường thai kỳ là bệnh lý thường xảy ra ở các mẹ bầu và có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé. 3 tháng cuối là thời kỳ “nước rút” khiến thai phụ luôn thường trực mọi nỗi lo, trong đó có cả tiểu đường thai kỳ. Vậy dấu hiệu tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối được nhận biết qua các triệu chứng nào? Làm sao để phòng ngừa tình trạng này? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc này.
27/10/2022 | Tìm hiểu về chi phí xét nghiệm tiểu đường thai kỳ 27/10/2022 | Lên danh sách các loại trái cây dành cho bà bầu bị tiểu đường thai kỳ 23/09/2022 | Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ tại nhà có được không?
1. Tổng quan về bệnh tiểu đường thai kỳ
Bệnh tiểu đường thai kỳ xảy ra do cơ thể người mẹ bị rối loạn chức năng dung nạp glucose làm tăng lượng đường trong máu hơn mức bình thường. Nếu chỉ số đường huyết nằm trong mức cho phép dưới đây thì tức là mẹ bầu đang không bị tiểu đường thai kỳ:
-
Đường huyết khi đói: < 5.1 mmol/l (92 mg/dl);
-
Đường huyết sau khi ăn 1 giờ: < 10 mmol/l (180 mg/dl);
-
Đường huyết sau khi ăn 2 giờ: ≤ 8.5 mmol/l (153 mg/dl).
Các chỉ số đường huyết sẽ cho biết người mẹ có đang bị tiểu đường thai kỳ hay không
Tiểu đường thai kỳ có thể phát triển ở bất kỳ giai đoạn nào nhưng hay gặp nhất ở 3 tháng cuối. Vì vậy ở thời kỳ này các mẹ cần lưu ý quan sát các thay đổi của cơ thể và duy trì khám thai định kỳ để phát hiện bệnh ngay từ sớm, từ đó kịp thời điều chỉnh chế độ ăn và có phương án xử trí phù hợp.
2. Tiểu đường thai kỳ là do nguyên nhân gì gây nên?
Tuyến tụy là cơ quan tiết ra insulin có tác dụng điều hòa đường huyết. Trong thời gian mang thai, cơ thể mẹ cần tiêu hao năng lượng nhiều hơn nên sẽ dùng nhiều đường hơn. Lúc này cơ thể sẽ tiết thêm insulin giúp cân bằng lượng đường tăng cao đó nhưng không phải cơ thể của ai cũng hoàn thành được chức năng này.
Trong giai đoạn thai nghén, nhau thai tiết ra nội tiết tố để thai nhi phát triển nhưng điều này lại tác động đến quá trình sản xuất insulin. Khi lượng insulin do tuyến tụy tiết ra không đủ sẽ dẫn tới sự gia tăng của lượng đường trong máu và đây chính là nguyên nhân gây bệnh tiểu đường thai kỳ.
Theo số liệu của Bộ Y tế ghi nhận năm 2017, tỷ lệ thai phụ mắc phải căn bệnh này đã đạt mức 20% và tập trung chủ yếu ở những đối tượng sau:
-
Phụ nữ mang thai ở độ tuổi từ 35 trở lên;
-
Mẹ bầu bị thừa cân, béo phì sẽ xuất hiện tình trạng tăng tiết insulin hoặc kháng insulin gây rối loạn chuyển hóa glucose;
-
Trong gia đình có người từng bị tiểu đường;
-
Trước đây có tiền sử bất dung nạp glucose;
-
Thai phụ đã từng sinh con trên 4kg trước đó;
-
Mẹ bầu mắc hội chứng buồng trứng đa nang;
-
Thai phụ có tiền sử sản khoa bất thường như từng bị sảy thai, thai lưu, sinh non, đã từng bị tiền sản giật, con sinh ra bị dị tật bẩm sinh,...
3. Tổng hợp các dấu hiệu tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối
Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ ở tam cá nguyệt thứ 3 sẽ có những biểu hiện như sau:
-
Thường xuyên cảm thấy khát nước và khô miệng mặc dù không ăn uống đồ mặn hay vận động thể lực nhiều;
-
Cơ thể mệt mỏi: mệt mỏi khi ở giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ là chuyện bình thường nhưng nếu để ý kỹ hơn, mẹ bầu khi bị tiểu đường sẽ cảm thấy uể oải thường trực mặc dù không vận động nhiều. Nguyên nhân của hiện tượng này là vì các tế bào không được nhận đủ lượng đường cần thiết để duy trì hoạt động hàng ngày khiến mẹ luôn cảm thấy mệt mỏi;
-
Tiểu nhiều: bên cạnh nguyên nhân tiểu nhiều do chèn ép của thai nhi lên bàng quang thì đây cũng là một trong các dấu hiệu tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối mẹ cần hết sức lưu ý;
-
Triệu chứng khác: mắt mờ, sụt cân không rõ lý do, ngứa ngáy vùng kín,...
Mệt mỏi liên tục, thường xuyên khát nước là dấu hiệu tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối
Tiểu đường thai kỳ có thể dẫn đến những biến chứng sản khoa nghiêm trọng và làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé nên bất cứ mẹ bầu nào cũng cần phải cảnh giác trước căn bệnh này.
4. Biến chứng nguy hiểm của bệnh đái tháo đường thai kỳ
4.1. Những ảnh hưởng đối với sức khỏe người mẹ
Rủi ro về sức khỏe ở những mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ bao gồm:
-
Tăng huyết áp: tình trạng này nếu xảy ra trong thời gian mang thai có thể khiến mẹ bầu đối diện với nguy cơ tai biến mạch máu não, tiền sản giật và sản giật,...;
-
Sinh non: rối loạn kiểm soát glucose trong máu dẫn đến nhiễm trùng tiết niệu, huyết áp tăng và chứng tiền sản giật là nguyên nhân gây sinh non;
-
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu: mất cân bằng glucose huyết nếu không được điều trị đúng cách, kịp thời còn gây ra biến chứng nhiễm khuẩn tiết niệu, suy giảm chức năng bài tiết, viêm đài bể thận cấp, nặng hơn nữa là nhiễm trùng ối và sinh non,...;
-
Tăng nguy cơ đẻ mổ và biến chứng tiểu đường type 2 sau sinh;
-
Tiểu đường thai kỳ còn gây ảnh hưởng tới cả thần kinh và thị lực.
4.2. Những ảnh hưởng của tiểu đường thai kỳ đến thai nhi
Ngoài những tác động tiêu cực nêu trên đối với sức khỏe của mẹ, căn bệnh này còn ảnh hưởng đến thai nhi:
-
Thai to vượt mức: lượng glucose dư thừa trong máu của người mẹ sẽ được vận chuyển vào thai nhi trong giai đoạn 3 tháng cuối, tương tự để giải quyết lượng đường này, tuyến tụy của bé sẽ phải hoạt động chuyển hóa năng lượng quá mức khiến thai nhi có kích thước lớn hơn bình thường;
-
Trẻ sơ sinh mắc phải các bệnh lý về chuyển hóa khi chào đời;
-
Tình trạng tăng hồng cầu ở trẻ dẫn đến vàng da và bệnh lý đường hô hấp, gây hậu quả nghiêm trọng đối với sự sinh trưởng và phát triển bình thường của trẻ sau này.
Sinh non là biến chứng nguy hiểm do tiểu đường gây ra vì lúc này cơ thể của bé chưa sẵn sàng để chào đời
5. Mẹ bầu nên làm gì khi có dấu hiệu tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối?
Nếu đã được chẩn đoán bị tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối, mẹ bầu cần tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ chuyên khoa. Để giảm thiểu các triệu chứng và tác động của bệnh, mẹ nên:
-
Chú ý cập nhật chỉ số đường huyết hàng ngày: mẹ có thể dùng máy đo đường huyết tại nhà để theo dõi lượng đường trong máu. Từ đó điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt sao cho phù hợp để chỉ số này luôn ở mức ổn định;
-
Áp dụng thực đơn dinh dưỡng khoa học, lành mạnh: mẹ bầu nên điều tiết hàm lượng tinh bột và đường khi dung nạp vào cơ thể. Không nên ăn quá nhiều cơm trắng, bánh mì, bún phở,... và thay thế các loại nước ngọt, nước ép trái cây bằng nước lọc để giảm bớt lượng đường không cần thiết;
-
Nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc và vận động nhẹ nhàng: những thói quen này giúp ích rất nhiều cho sức khỏe của mẹ và bé, đồng thời còn giúp duy trì sự ổn định của đường huyết.
Trên đây là tổng hợp các dấu hiệu tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối cũng như một số lưu ý về việc phòng tránh nguy cơ mắc phải căn bệnh này. Nếu mẹ bầu có nhu cầu thăm khám thai định kỳ và lắng nghe tư vấn từ các chuyên gia Sản phụ khoa, hãy liên hệ đặt lịch khám qua tổng đài 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC ngay từ hôm nay!