Giãn tĩnh mạch thực quản là một hiện tượng còn lạ lẫm với nhiều người nhưng mức độ nguy hiểm lại rất cao. Bệnh có thể khiến người bệnh tử vong do các biến chứng nghiêm trọng. Bài viết sau đây sẽ giải thích giãn tĩnh mạch thực quản là gì, mức độ nguy hiểm cũng như cách điều trị bệnh đang được áp dụng hiện nay.
17/11/2021 | Quá trình cắt thực quản để điều trị ung thư như thế nào? 25/08/2021 | Giải đáp thắc mắc: có nên phẫu thuật chống trào ngược dạ dày thực quản không 12/08/2021 | Tìm hiểu chế độ ăn sau khi cắt bỏ thực quản chuẩn khoa học
1. Giải thích giãn tĩnh mạch thực quản là gì?
Giãn tĩnh mạch thực quản là khi các tĩnh mạch ở khu vực thực quản bị giãn ra và có thể nứt vỡ gây xuất huyết tiêu hoá. Tình trạng này thường gặp ở các bệnh nhân xơ gan, ung thư gan. Hiện tượng này xảy ra khi có cục máu đông chặn lưu lượng máu bình thường chảy tới gan hoặc trong gan có hình thành mô sẹo. Vốn những mạch máu nhỏ không thể tải được khối lượng lớn của các cục máu đông và chịu được áp lực lớn từ sự tắc nghẽn, do đó những mạch máu này có thể bị giãn, lâu ngày dẫn tới rò rỉ hoặc vỡ ra, gây chảy máu trầm trọng.
Cục máu đông chặn dòng chảy máu sẽ gây giãn tĩnh mạch thực quản
Một khi đã bị chảy máu thì nguy cơ tái phát là rất cao. Nếu người bệnh bị mất máu quá nhiều sẽ có khả năng bị sốc, thậm chí là tử vong. Chính vì vậy, người mắc các bệnh về gan cần phải đặc biệt lưu ý để tránh làm tổn thương gan, ngăn ngừa tình trạng giãn tĩnh mạch thực quản.
2. Nguyên nhân dẫn tới giãn tĩnh mạch thực quản là gì?
Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng này đó là xơ gan. Dòng máu chảy trong tĩnh mạch cửa (đây là tĩnh mạch chính có nhiệm vụ dẫn máu từ ruột và dạ dày về gan) sẽ bị ngăn cản bởi các vết mô sẹo ở gan. Điều này dẫn tới hiện tượng tăng áp tĩnh mạch cửa - xảy ra khi áp lực trong tĩnh mạch cửa và các tĩnh mạch lân cận gia tăng. Từ đó máu phải tìm đến những tĩnh mạch nhỏ hơn, ví dụ như tĩnh mạch dưới ở thực quản để di chuyển. Do đây là các tĩnh mạch có kích thước nhỏ, vách mỏng nên không chịu được áp lực cao, dần dần dễ bị phình to dẫn tới vỡ gây xuất huyết (chảy máu trong).
Nhìn chung, các yếu tố sau đây sẽ góp phần dẫn đến hiện tượng giãn tĩnh mạch thực quản:
-
Bệnh nhân xơ gan nặng, viêm gan, suy gan, gan nhiễm mỡ, bệnh gan do rượu, xơ gan ứ mật,...;
-
Tĩnh mạch bị giãn nặng;
-
Tăng áp lực tĩnh mạch cửa;
-
Có huyết khối hình thành (cục máu đông) lưu chuyển trong tĩnh mạch cửa hoặc các tĩnh mạch lách (là tĩnh mạch đổ vào tĩnh mạch cửa);
-
Nhiễm ký sinh trùng sán máng gây tổn thương các cơ quan như phổi, ruột, gan, bàng quang. Sán máng được tìm thấy rất nhiều ở châu Phi, Trung Đông, Nam Mỹ, vùng Caribean và Đông Nam Á.
3. Biểu hiện của người bị giãn tĩnh mạch thực quản
Khi mắc chứng giãn tĩnh mạch thực quản, bệnh nhân sẽ xuất hiện các dấu hiệu sau:
-
Thường xuyên có hiện tượng buồn nôn, nôn ói, thậm chí là nôn ra máu;
-
Đi ngoài thấy phân có màu đen như hắc ín;
-
Đầu óc choáng váng, cơ thể mất kiểm soát, nghiêm trọng hơn là bị mất ý thức;
-
Có thể bộc lộ những biểu hiện của bệnh lý về gan như trướng bụng, vàng da, vàng mắt, cổ trướng.
4. Mức độ nguy hiểm của các biến chứng do giãn tĩnh mạch thực quản
Biến chứng nguy hiểm nhất khi bị giãn tĩnh mạch thực quản đó là chảy máu. Khi tình trạng này xảy ra sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ khác, chẳng hạn như khi bệnh nhân bị xuất huyết quá nhiều sẽ dễ bị sốc và trong trường hợp không được cấp cứu, xử trí kịp thời thì tỷ lệ tử vong là rất cao.
Theo thống kê cho thấy có tới 50% những người bị xơ gan có kèm theo biến chứng giãn tĩnh mạch thực quản. Điều đáng lưu ý là con số này đang tiếp tục gia tăng với tỷ lệ từ 5 - 10% mỗi năm.
Choáng váng, mất dần ý thức là triệu chứng của giãn tĩnh mạch thực quản
Bệnh nhân giãn tĩnh mạch thực quản ở mức độ nặng thì tĩnh mạch có thể sẽ bị vỡ. Nếu không có bệnh xơ gan đi kèm thì nguy cơ tử vong là khoảng từ 5 - 10%. Nhưng nếu kèm theo xơ gan thì bệnh nhân có tiên lượng tử vong lên đến 40 - 70%. Trong số những người bị vỡ tĩnh mạch thực quản, có khoảng 40% số bệnh nhân tự ngưng chảy máu. Nhưng sẽ có 30% trường hợp chảy máu trở lại trong vòng 6 tuần và tỷ lệ người bị chảy máu tái phát trong vòng 1 năm chiếm đến 70%.
5. Phương pháp điều trị bệnh giãn tĩnh mạch thực quản
Các cách được áp dụng để giảm thiểu nguy cơ xuất huyết do giãn tĩnh mạch thực quản bao gồm:
-
Dùng thuốc có tác dụng hạ huyết áp: là thuốc chẹn thụ thể beta như nadolol và propranolol, với mục đích làm giảm áp lực trong tĩnh mạch cửa;
-
Nếu bệnh nhân gặp tình trạng giãn tĩnh mạch nghiêm trọng có nguy cơ xảy ra chảy máu thì bác sĩ có thể sẽ chỉ định thủ thuật thắt vòng chun. Đây là phương pháp ngăn ngừa chảy máu bằng cách thắt mạch máu, được thực hiện qua nội soi và dùng thun cao su để bọc các búi thực quản bị giãn lại. Tuy nhiên biện pháp này có thể để lại biến chứng đó là tạo nên sẹo thực quản.
Trong trường hợp thực quản đã bị chảy máu thì cần phải xử trí ngay lập tức để chấm dứt tình trạng chảy máu sớm nhất có thể. Mục tiêu cấp cứu là tránh việc bệnh nhân bị sốc và tử vong do mất máu với các biện pháp như sau:
-
Thắt tĩnh mạch bị chảy máu bằng vòng thun;
-
Dùng thuốc có tác dụng giảm cường độ lưu lượng máu chảy vào tĩnh mạch cửa. Người ta thường sử dụng thuốc octreotide kết hợp với nội soi nhằm giúp làm chậm dòng chảy của máu từ cơ quan khác đổ vào tĩnh mạch cửa. Cho bệnh nhân dùng thuốc này trong vòng 5 ngày liên tục sau khi chảy máu;
-
Truyền thêm máu để bồi hoàn thể tích máu. Ngoài ra tác động làm đông máu để cầm máu;
-
Trong trường hợp người bệnh đang phải chờ phẫu thuật ghép gan hoặc khi tất cả các biện pháp khác đều không mang lại hiệu quả thì bác sĩ có thể chỉ định tiến hành thông cửa chủ trong gan qua tĩnh mạch cảnh.
-
Thực hiện ghép gan: được chỉ định cho những bệnh nhân bị bệnh gan nặng hoặc tình trạng chảy máu do giãn tĩnh mạch thực quản đã tái phát nhiều lần. Phương pháp này có tỷ lệ thành công cao, tuy nhiên thực tế để nhận được gan ghép tương thích thường không dễ dàng;
-
Sử dụng thuốc kháng sinh ngăn ngừa hiện tượng nhiễm trùng khi chảy máu cho bệnh nhân.
Các bệnh về gan là nguyên nhân dễ dẫn tới tình trạng giãn tĩnh mạch thực quản
Mong rằng với những thông tin nêu trên bạn đã hiểu được giãn tĩnh mạch thực quản là gì và mức độ nguy hiểm của bệnh. Để được phát hiện sớm và chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh mà mình đang gặp phải, bạn có thể liên hệ với chúng tôi - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC qua tổng đài 1900 56 56 56 để tìm hiểu về các dịch vụ khám bệnh và đặt lịch hẹn với bác sĩ ngay hôm nay.