Vùng cổ bị nổi hạch bất thường có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh nguy hiểm. Để chẩn đoán nguyên nhân chính xác, bác sĩ sẽ chỉ định làm sinh thiết hạch cổ. Vậy kỹ thuật này là gì và có xảy ra biến chứng không, hãy cùng chúng tôi theo dõi bài viết dưới đây để biết được câu trả lời nhé!
09/06/2020 | Nổi hạch cổ - nguyên nhân do đâu? Nên xử lý thế nào? 22/03/2020 | Siêu âm hạch cổ có ý nghĩa gì trong chẩn đoán, thăm khám bệnh 01/10/2019 | K tuyến giáp di căn hạch cổ và những điều cần biết
1. Tìm hiểu về hạch cổ
Trước khi nắm được kỹ thuật sinh thiết hạch cổ, bạn nên tìm hiểu về hạch cổ và vai trò của chúng trong cơ thể:
Là nơi lưu trữ và sản sinh ra các bạch cầu Lympho nên hạch là bộ phận đóng vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch, giúp cơ thể phát hiện tác nhân gây bệnh. Tại cổ có một lượng lớn hạch bạch huyết, tùy vào vị trí tồn tại mà được phân thành nhiều nhóm như: hạch dưới hàm, hạch dưới cằm, hạch má, hạch mang tai,… Tất cả các hạch này đều có nhiệm vụ loại bỏ các chất độc hại có trong máu ở vùng đầu mặt.
Bình thường các hạch cổ sẽ ẩn vào trong nên không thể sờ hoặc thấy rõ được. Chỉ đến khi có tình trạng viêm nhiễm hoặc các bệnh lý như lao hay ung thư,... thì chúng sẽ bắt đầu tăng sản xuất tế bào lympho để chống lại tác nhân gây bệnh. Lúc này, hạch cổ sẽ nổi lên giống như hạt đậu nhỏ, có dạng hình bầu dục hoặc tròn. Phần lớn bên trong hạch đều chứa dịch và chúng có thể gây đau hoặc không.
Tuy nhiên cũng có trường hợp, hạch cổ xuất hiện không rõ nguyên nhân, đây được xem là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm mà bạn không nên chủ quan.
Tại cổ có một lượng lớn hạch bạch huyết, tùy vào vị trí mà được phân thành nhiều nhóm như: hạch dưới hàm, hạch dưới cằm,…
2. Nguyên nhân gây nổi hạch cổ
Dưới đây là những nguyên nhân gây nổi hạch cổ phổ biến, bạn nên biết để có biện pháp xử lý phù hợp:
Nhiễm trùng:
Nếu mắc phải các bệnh lý như: sâu răng, viêm họng, viêm xoang, viêm amidan, nhiệt miệng,… thì hạch cổ sẽ nổi lên, sưng và đau. Lúc này hạch thường có kích thước nhỏ, mềm, di động được. Khi tình trạng viêm ổn định, hạch sẽ dần trở về trạng thái bình thường.
Nếu mắc phải các bệnh lý như: sâu răng, viêm họng, viêm xoang, viêm amidan, nhiệt miệng,… thì hạch cổ sẽ nổi lên, sưng và đau
Lao:
Ngoài lao phổi thì lao hạch cũng là bệnh rất phổ biến. Khi mắc bệnh cổ là vị trí xuất hiện các hạch nhỏ, không đau và tập trung lại thành từng chùm hoặc chuỗi. Ngoài nổi hạch, bạn có thể gặp phải các triệu chứng đi kèm như: cơ thể xanh xao, mệt mỏi, sốt về chiều, gầy, sụt cân nhanh,…
Bệnh lý ác tính:
Khi bị u lympho ác tính không Hodgkin, Hodgkin và một số bệnh ung thư di căn như: ung thư vòm họng, ung thư phổi,… bạn sẽ thấy hạch nổi to và cứng hơn bình thường. Không chỉ vậy, hạch ít di động và tồn tại riêng lẻ hoặc dính với nhau thành từng đám. Tùy theo từng giai đoạn của bệnh mà bạn có thể xuất hiện các triệu chứng sưng, đau xung quanh chỗ hạch.
Bệnh lành tính:
Hạch cổ có thể nổi lên khi mắc một số bệnh lành tính như: u mỡ, u bã đậu,… Mặc dù chúng chỉ là các khối u, nang lành tính nhưng bạn nên đến cơ sở y tế để thăm khám và chẩn đoán chính xác.
3. Sinh thiết hạch cổ là gì?
Sinh thiết hạch cổ là kỹ thuật lấy một hay nhiều hạch vùng cổ để làm giải phẫu bệnh học. Thông qua phương pháp này, bác sĩ sẽ biết được cấu trúc của hạch cũng như hình dạng và sự phân bố của các tế bào bên trong đó.
Đối với trường hợp hạch cổ nổi bất thường hoặc có dấu hiệu nghi ngờ bệnh lao hạch, ung thư hạch, ung thư di căn hạch,… thì bác sĩ sẽ áp dụng sinh thiết hạch cổ để chẩn đoán bệnh. Tuy nhiên nếu bạn mắc các bệnh về rối loạn hô hấp, rối loạn đông máu, tim mạch cấp,… thì bạn sẽ không thực hiện kỹ thuật này.
Nếu mắc các bệnh về rối loạn hô hấp, rối loạn đông máu, tim mạch cấp,… thì bạn sẽ không được thực hiện sinh thiết hạch cổ
Quy trình thực hiện:
Trước khi thực hiện sinh thiết, bạn sẽ phải làm các xét nghiệm máu, nước tiểu,… để đảm bảo an toàn. Phương pháp này sẽ được tiến hành trong khoảng 20 phút, tại phòng thủ thuật của bệnh viện.
Để xác định chính xác hạch cổ, bác sĩ sẽ sử dụng máy siêu âm. Tiếp đó, bác sĩ sẽ sát trùng và gây tê cục bộ tại khu vực chứa hạch. Một phần hạch sẽ được lấy ra ngoài bằng kim nhỏ có lõi xuyên qua da. Hoặc bác sĩ sẽ rạch da để lấy toàn bộ hạch. Cuối cùng, vùng da vừa sinh thiết sẽ được khâu và băng cố định lại.
Mẫu vừa lấy sẽ được đưa đến khoa Giải phẫu bệnh để phân tích và cho ra kết quả từ 3 - 5 ngày. Sau khi thực hiện xong, bạn sẽ cảm thấy hơi tê và đau ở khu vực sinh thiết. Nếu cơn đau vượt quá sức chịu đựng, bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ về việc sử dụng thuốc giảm đau.
4. Sinh thiết hạch cổ có nguy hiểm không?
Vậy khi thực hiện sinh thiết hạch cổ có xảy ra nguy hiểm gì không? Mặc dù là một tiểu phẫu nhỏ, ít rủi ro nhưng bạn có thể gặp các biến chứng như:
-
Chỗ sinh thiết gần các mạch máu dễ bị chảy máu và tụ máu khi thực hiện bóc tách hạch.
-
Nhiễm trùng, tại chỗ sinh thiết có dấu hiệu sưng đỏ kéo dài, khi chạm vào thấy đau, ngoài ra bạn còn có thể bị sốt.
-
Các dây thần kinh xung quanh vùng sinh thiết bị tổn thương.
Sau khi sinh thiết hạch cổ, nếu xuất hiện tình trạng trên thì bạn nên nhanh chóng đến cơ sở y tế để có biện pháp xử lý kịp thời. Để hạn chế xảy ra biến chứng, bạn nên giữ vị trí sinh thiết khô ráo, sạch sẽ. Khi vết rạch bị chảy dịch, bạn nên rửa và thay băng hàng ngay theo hướng dẫn của bác sĩ.
Trong trường hợp hạch cổ nổi to và nằm sâu bên trong - nơi có nhiều mạch máu và dây thần kinh thì bác sĩ sẽ chỉ định bạn thực hiện phẫu thuật thay vì sinh thiết. Do đó, bạn cần nhập viện và nằm theo dõi sau khi hoàn tất quy trình.
Sau khi sinh thiết hạch cổ, nếu xuất hiện biến chứng thì bạn nên nhanh chóng tìm gặp bác sĩ để có biện pháp xử lý kịp thời
Hy vọng những thông tin mà chúng tôi vừa chia sẻ sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về phương pháp sinh thiết hạch cổ. Khi khu vực cổ bị nổi hạch bất thường, bạn nên đến cơ sở y tế để thăm khám và chẩn đoán nguyên nhân. Đây có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm như ung thư hạch, do đó bạn không nên chủ quan.
Sinh thiết là kỹ thuật khá phức tạp, do đó để đảm bảo an toàn bạn nên thực hiện tại địa chỉ uy tín, nơi có đội ngũ y bác sĩ giỏi như Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Nếu vẫn còn thắc mắc về kỹ thuật này, bạn có thể gọi đến đường dây nóng: 1900 56 56 56 để được tư vấn và giải đáp tận tình.