Bệnh hắc võng mạc tương đối dễ gặp nhưng hầu hết các trường hợp không để lại di chứng nguy hiểm nếu được điều trị sớm. Người bị mắc bệnh thường có triệu chứng: thị lực giảm, mắt nhức mỏi, nhìn méo mó,... Dưới đây sẽ là những thông tin cơ bản để bạn hiểu rõ hơn về bệnh lý này.
26/11/2022 | Rách võng mạc: nguyên nhân và cách điều trị 15/09/2022 | Nguyên nhân gây viêm tắc tĩnh mạch võng mạc là gì? Bệnh có nguy hiểm không? 19/08/2021 | Xuất huyết võng mạc: nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa
1. Nguyên nhân và triệu chứng bệnh hắc võng mạc
1.1. Bệnh hắc võng mạc là như thế nào?
Bệnh hắc võng mạc là một dạng bệnh liên quan tới tổn thương biểu mô sắc tố gây tụ dịch ở phần trung tâm của võng mạc. Bệnh xảy ra khi có hiện tượng bong ra của thanh dịch võng mạc nhận cảm thần kinh vì hiện tượng rò rỉ dịch từ mạng mạch qua lớp biểu mô sắc tố của võng mạc.
Tụ dịch ở trung tâm võng mạc trong bệnh hắc võng mạc
Dựa trên biểu hiện lâm sàng, bệnh hắc võng mạc phân thành 2 loại: hắc võng mạc điển hình, hắc võng mạc không điển hình, biểu mô sắc tố lan tỏa và bong biểu mô sắc tố đơn thuần.
1.2. Tại sao mắc bệnh hắc võng mạc
Việc xác định nguyên nhân gây ra bệnh hắc võng mạc hiện tại vẫn rất khó. Bệnh lý này có liên quan tới rối loạn quá trình vận mạch và hàng rào máu trong võng mạc.
Những yếu tố như: bệnh lý toàn thân, lo lắng, stress, mất ngủ, viêm xoang, tiểu đường, hút thuốc,... làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý này.
1.3. Triệu chứng nhận biết bệnh hắc võng mạc
Người bị bệnh hắc võng mạc thường bị suy giảm thị lực, thi thoảng thấy trước mắt bị tối hoặc có đám mờ nên hình ảnh nhìn thấy bị khuyết. Ngoài ra, bệnh cũng gây nên một số triệu chứng như:
- Màu sắc rối loạn: nhìn thấy màu sắc khác với bình thường, nhất là đối với các màu vàng và sáng.
- Nhìn cạnh bị cong, biến dạng.
- Nhức hố mắt, đau đầu, căng thẳng, mất ngủ.
2. Chẩn đoán và điều trị bệnh hắc võng mạc
2.1. Tính chất nguy hiểm của bệnh hắc võng mạc
Sau một thời gian tiến triển khoảng 4 - 6 tháng, bệnh hắc võng mạc thường tự khỏi nên về cơ bản không quá nguy hiểm. Điều đáng nói là bệnh vẫn có những tình trạng tiến triển mạn tính, gây ra một số biến chứng trầm trọng như: võng mạc bị teo và mất chức năng. Mặt khác, đây là bệnh có khoảng 15% tỷ lệ người mắc bệnh sẽ tái phát thường xuyên nên cũng không nên chủ quan.
2.2. Chẩn đoán bệnh hắc võng mạc
Bệnh nhân đến thăm khám bệnh hắc võng mạc thường được bác sĩ hỏi về các yếu tố nguy cơ như đã kể đến ở trên và kiểm tra đáy mắt. Nếu mắc bệnh, đáy mắt của bệnh nhân sẽ có hoàng điểm sẫm màu, phần trung tâm gặp tình trạng giảm hoặc mất ánh sáng.
Hình ảnh chẩn đoán của bệnh nhân mắc bệnh hắc võng mạc
Thăm khám bằng sinh hiển vi nhận thấy võng mạc bị chia làm hai phần:
- Phần trong: mạch máu trong suốt và lồi về buồng dịch kính.
- Phần ngoài: có biểu mô sắc tố, phần giữa là lớp dịch đọng phía dưới võng mạc.
- Lắng cặn: thường có cặn sau khi mắc bệnh khoảng 3 - 4 tuần.
Ngoài thăm khám, một số biện pháp chẩn đoán hình ảnh sau đây cũng sẽ được bác sĩ chỉ định:
- Soi đáy mắt: chiếu sáng hoàng điểm khoảng 30 giây, tiến hành đo thị lực trước và sau khi soi để đánh giá. Người bình thường thì thị lực sẽ hồi phục về mức bình thường sau khi kiểm tra 30 - 50 giây nhưng người bị bệnh hắc võng mạc thì thị lực hồi phục chậm hơn 4 - 5 lần so với bình thường.
- Chụp CT cắt lớp quang học võng mạc: thấy rõ tổn thương như: bong biểu mô sắc tố, có dịch ở dưới võng mạc.
- Chụp mạch huỳnh quang: hình ảnh thu được là các điểm rò riêng rẽ hoặc kín đáo ở vùng tăng huỳnh quang không đều trong bệnh biểu mô sắc tố lan tỏa. Bệnh ở giai đoạn muộn sẽ có hình ảnh lấp đầy huỳnh quang của bong thanh dịch bên dưới võng mạc.
2.3. Điều trị bệnh hắc võng mạc
Vì chưa xác định được nguyên nhân gây nên bệnh hắc võng mạc nên hướng điều trị bệnh lý này chủ yếu là theo dõi và thực hiện các biện pháp hỗ trợ. Tiên lượng chung các trường hợp mắc bệnh là lành tính.
Thông thường, bác sĩ sẽ điều trị bằng thuốc giãn mạch để tăng dinh dưỡng cho mắt và giảm phù nề. Nếu bệnh kéo dài và thường xuyên tái phát sẽ được chỉ định chụp mạch huỳnh quang để tìm điểm rò kết hợp laser quang đông võng mạc đốt điểm rò rỉ với mục đích rút dịch võng mạc nhằm cải thiện thị lực. Hiệu quả điều trị chỉ có tác dụng với trường hợp điểm rò nằm ngoài vô mạch hoàng điểm.
Khám mắt định kỳ giúp phát hiện sớm bệnh hắc võng mạc
Điều trị laser vi sung dành cho trường hợp mới mắc bệnh nhưng đây không phải là phương pháp phổ biến.
Trong thời gian điều trị, người bị bệnh hắc võng mạc trung tâm cần tuyệt đối tránh tiếp xúc với các yếu tố tăng nguy cơ gây bệnh như: thuốc lá, bia rượu, căng thẳng,... để đạt được mục đích trị bệnh.
3. Có thể phòng ngừa bệnh hắc võng mạc không?
Không có biện pháp phòng ngừa đặc hiệu với bệnh hắc võng mạc. Tuy nhiên việc thực hiện các biện pháp bảo vệ mắt bằng cách thiết lập chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất tốt cho mắt vẫn là cần thiết.
Một số trường hợp đặc biệt như: dùng thuốc chống đông, có rối loạn máu tiềm ẩn,... cần tham khảo ý kiến bác sĩ về chế độ ăn uống vì có thể tác động đến yếu tố làm tăng nguy cơ bị bệnh hắc võng mạc.
Đại đa số trường hợp mắc bệnh lý này có thể khôi phục thị lực tốt dù không được điều trị nhưng cũng có trường hợp thị lực sẽ không tốt như trước khi mắc bệnh. Do tỷ lệ tái phát bệnh tương đối cao nên người đã bị bệnh hắc võng mạc cần chú ý khám mắt định kỳ để phát hiện sớm, tránh trường hợp tích tụ dịch lâu dài gây mất thị lực hoàn toàn.
Những thông tin cơ bản về bệnh hắc võng mạc trên đây hy vọng đã giúp quý khách nhận diện được căn bệnh này và biết cách khắc phục tốt nhất.
Trường hợp cần thăm khám để chẩn đoán bệnh, quý khách có thể đặt lịch khám cùng bác sĩ giỏi, giàu kinh nghiệm tại Chuyên khoa Mắt - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC qua số điện thoại 1900 56 56 56. Tại đây, dưới sự hỗ trợ của hệ thống thiết bị y tế trong Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh hiện đại bậc nhất, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra và có những kết luận chính xác để quý khách biết được tình trạng của mình và có biện pháp điều trị cụ thể.