Ngày nay có rất nhiều loại thuốc được bào chế dưới dạng viên sủi được dùng để điều trị bệnh, bên cạnh các thuốc được bào chế theo dạng viên nang, viên nén hay hỗn dịch,... Viên sủi được sử dụng nhiều nhất điển hình như paracetamol giúp giảm đau, hạ sốt. Tuy nhiên mỗi loại sẽ có những công dụng riêng mà khi sử dụng cần hết sức lưu ý để không gặp phải tác dụng phụ nguy hiểm.
05/01/2023 | Thuốc cảm gồm những loại nào? Bạn đã biết dùng đúng cách chưa? 12/08/2022 | Thắc mắc bà bầu uống C sủi được không và câu trả lời từ chuyên gia 22/12/2021 | Chuyên gia tư vấn: Bị cảm lạnh nên làm gì?
1. Khái niệm thuốc dạng viên sủi
Thuốc dạng viên sủi khác những những loại thuốc viên nang, viên nén thông thường, mỗi lần sử dụng bạn cần cho thuốc vào nước và đợi viên sủi tan hết vào trong nước, sau đó uống chỗ nước này. Viên sủi gồm các dạng như:
-
Viên sủi có thành phần là khoáng chất và vitamin được dùng để bổ sung vitamin và các khoáng chất, cải thiện sức khỏe;
-
Viên sủi chứa paracetamol giúp giảm đau, hạ sốt, điều trị các triệu chứng của cảm cúm, cảm lạnh, viêm đường hô hấp,... đặc biệt những thuốc này còn được thêm cả codein có tác dụng tăng hiệu quả giảm đau.
Viên sủi chứa paracetamol giúp giảm đau, hạ sốt
2. Thuốc dạng viên sủi có ưu và nhược điểm như thế nào?
Thuốc dạng viên sủi có một số lợi ích như sau:
-
Vì được hòa tan thành dung dịch trước khi sử dụng nên viên sủi sẽ dễ dàng được hấp thu vào dạ dày hơn, nhờ đó đem lại hiệu quả nhanh hơn;
-
Dạng thuốc này thích hợp sử dụng cho trẻ em, người lớn tuổi, bệnh nhân bị khó nuốt vì những đối tượng này thường gặp khó khăn khi dùng thuốc dạng viên nén. Đặc biệt viên sủi thường được thêm thắt hương liệu có mùi vị thơm ngon hấp dẫn trẻ em dễ uống hơn;
-
Cũng bởi vì được hòa tan trong nước nên thuốc sẽ được phân rã chứ không tích tụ tại một điểm cố định như dạng viên nén, từ đó giảm bớt kích ứng lên niêm mạc dạ dày.
Bên cạnh những ưu điểm nêu trên, viên sủi cũng tồn tại một số nhược điểm mà người bệnh cần hết sức lưu ý khi sử dụng:
-
Người mắc chứng cao huyết áp không nên sử dụng viên sủi: nguyên nhân là vì phần lớn các viên sủi đều chứa thành phần tá dược rã sinh khí, gồm rất nhiều muối kiềm (natri bicarbonat hoặc natri carbonat), có thể gây ra tác dụng phụ là tăng huyết áp nên không thích hợp cho người đang mắc bệnh lý này và người đang phải kiêng muối. Do đó nếu người cao tuổi muốn lựa chọn viên sủi để cho dễ nuốt thì cần phải lưu ý đến bệnh lý nền là cao huyết áp kèm theo;
-
Thuốc viên sủi thường được bào chế với hương vị hấp dẫn, thơm ngon, có bọt khí nên nhiều người còn sử dụng nó để làm nước giải khát. Một ví dụ điển hình là viên sủi vitamin C liều lượng cao (mỗi viên sủi chứa khoảng 1000mg vitamin C) rất được ưa chuộng, nhiều trường hợp dùng loại viên sủi này giống như một loại đồ uống giải khát hàng ngày và thậm chí là không để ý tới liều lượng. Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, mỗi ngày chúng ta chỉ nên bổ sung từ 60 - 100mg vitamin C, đối với viên sủi vitamin C thì chỉ nên dùng 1 viên/ngày là đã quá đủ. Do đó nhiều người vì dùng vitamin C quá liều chỉ để đã cơn khát nên đã gặp phải những triệu chứng như loét đường tiêu hóa, tiêu chảy, sỏi thận,...;
-
Thuốc dạng viên sủi cần phải được bảo quản trong môi trường thoáng mát, khô ráo, tránh ẩm. Tuy nhiên với điều kiện thời tiết khí hậu nóng ẩm như ở Việt Nam thì nhiều khi viên sủi không được bảo quản tốt, chỉ sử dụng được trong thời gian ngắn hạn. Nếu viên sủi bị biến chất sẽ dẫn đến các phản ứng hóa học làm giảm chất lượng dược tính của sản phẩm, đôi khi còn gây hại cho sức khỏe do loại thuốc này có đặc tính là hút ẩm. Vì vậy người tiêu dùng cần lưu ý bảo quản viên sủi đúng cách, không được bóc vỏ nhôm bao viên thuốc hoặc lọ đựng thuốc khi chưa dùng ngay. Ngoài ra hãy để thuốc ở xa tầm tay trẻ nhỏ.
Vì được hòa tan thành dung dịch nên viên sủi sẽ đem lại hiệu quả nhanh hơn
3. Những lưu ý quan trọng trong quá trình dùng viên sủi
Cách sử dụng thuốc dạng viên sủi đó là đưa cả viên thuốc hoặc điều chỉnh lượng thích hợp, thả vào cốc nước sau đó đợi cho thuốc tan hết rồi uống. Không được bẻ vụn viên thuốc rồi nuốt uống như thuốc dạng viên nén, hoặc cho thuốc trực tiếp vào miệng để ngậm. Tránh uống các thuốc chứa thành phần là canxi, vitamin C vào cuối ngay vì có thể dẫn tới kích ứng nhẹ.
Đối với cách bảo quản: đậy nắp kín lọ thuốc, không làm rách bao phim thuốc để tránh hiện tượng thuốc tiếp xúc trực tiếp với không khí. Chỉ dùng thuốc khi còn hạn sử dụng, viên thuốc còn nguyên vẹn và hãy vứt bỏ thuốc khi chúng đã bị ẩm mốc.
Tuyệt đối không lạm dụng thuốc dạng viên sủi, bởi vì các thuốc bổ sung canxi hoặc vitamin C không phải là dạng thuốc bổ có thể tùy tiện sử dụng lúc nào cũng được. Như đã đề cập trước đó, nếu bổ sung thừa vitamin C có thể khiến bạn bị tiêu chảy, sỏi thận,... còn thừa canxi thì gây táo bón, đau xương, buồn nôn, tăng canxi máu,... Ngoài ra những viên sủi chứa paracetamol giúp giảm đau, hạ sốt cần phải được sử dụng dựa trên hướng dẫn từ bác sĩ chuyên khoa, cách 4 - 6 tiếng dùng 1 lần. Nếu dùng quá liều không đúng chỉ định viên sủi paracetamol có thể gây hại cho gan thận.
Sau đây là những đối tượng cần đặc biệt lưu ý khi dùng thuốc dạng viên sủi:
-
Bệnh nhân đang bị cao huyết áp, sỏi thận, hàm lượng canxi máu cao, trong nước tiểu có nhiều cặn sỏi không nên dùng viên sủi;
-
Người có tiền sử viêm loét - đau dạ dày tá tràng, hen suyễn, suy thận thì không nên dùng viên aspirin UPSA do thành phần hoạt chất aspirin chứa trong thuốc sẽ khiến những bệnh lý này nghiêm trọng hơn;
-
Phụ nữ có thai và cho con bú cần thận trọng khi dùng UPSA C;
-
Không dùng chung viên sủi hạ sốt với các thuốc khác chứa cùng thành phần, vì có thể dẫn đến quá liều paracetamol;
-
Khi thuốc hòa tan trong nước sẽ tạo ra nhiều bọt khí, dẫn đến cảm giác ậm ạch trong bụng, gây tiêu chảy hoặc táo bón. Do đó nếu bạn vừa uống các loại nước có gas xong thì không nên dùng viên sủi.
Đối với viên sủi vitamin C thì chỉ nên dùng 1 viên/ngày là đã quá đủ
Mong rằng với những thông tin mà MEDLATEC trên đây đã giúp bạn có được những kiến thức cơ bản về các loại thuốc dạng viên sủi, từ đó lưu ý hơn trong việc dùng thuốc sao cho hiệu quả và an toàn.