Táo bón một khi đã trở thành mãn tính không chỉ gây ra sự khó chịu mà còn khiến cho cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày gặp nhiều phiền toái. Vậy nguồn cơn nào khiến cho bạn bị táo bón mãn tính và nên làm gì để khắc phục tại nhà, hãy chớ bỏ qua những thông tin mà chúng tôi chia sẻ ngay dưới đây.
12/03/2021 | Nguyên nhân chị em bị táo bón trước kỳ kinh và cách cải thiện 15/01/2021 | Nguyên nhân và giải pháp ngừa bệnh táo bón ở người lớn 02/12/2020 | Bệnh táo bón là gì - Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng tránh
1. Tại sao bị táo bón mãn tính?
1.1. Táo bón mãn tính là gì, có triệu chứng ra sao
Táo bón mãn tính là sự lặp lại thường xuyên trạng thái đi đại tiện phân khô cứng, mặc dù rất buồn đi nhưng khó hoặc không thể đi được và phải rặn rất mạnh, đôi khi bị đau và chảy máu trong lúc đi, phải mất khoảng thời gian lâu mới đi đại tiện được hoặc nhiều ngày mới đi đại tiện. Người bị táo bón mãn tính thường đi đại tiện ≦ 3 lần/ tuần.
Người bị táo bón mãn tính rất khó đi đại tiện
Người bị táo bón mãn tính thường có các triệu chứng sau:
- Đã đi đại tiện nhưng vẫn muốn đi tiếp.
- Phân thường có máu, phân khô cứng hơn bình thường.
- Cảm giác bị tắc nghẽn trực tràng và ruột.
- Đầy hơi hoặc đau bụng.
- Dù đã đại tiện nhưng vẫn có cảm giác đầy bụng.
1.2. Lý do nào dẫn đến táo bón mãn tính
Hầu hết các trường hợp bị táo bón mãn tính đều xuất phát từ những nguyên nhân:
- Chế độ ăn thường xuyên thiếu nước hoặc chất xơ.
- Thường xuyên uống sữa hoặc các loại thực phẩm bổ sung canxi.
- Dùng một số loại thuốc trong thời gian dài như: thuốc bổ sung sắt, thuốc kháng acid, thuốc trầm cảm, thuốc giảm đau,...
- Căng thẳng, stress tác động đến hệ thần kinh và ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa.
- Mắc một số bệnh lý mãn tính như: suy giáp, đa xơ cứng, hội chứng ruột kích thích,...
2. Những cách xử trí táo bón mãn tính ngay tại nhà
2.1. Nguyên tắc đối phó với bệnh táo bón mãn tính
Muốn đối phó với táo bón mãn tính một cách hiệu quả cần chú ý các nguyên tắc:
- Tìm ra nguyên nhân gây táo bón mãn tính để không bỏ qua một căn bệnh nghiêm trọng nào đó và sớm điều trị căn bệnh này.
- Điều trị táo bón từ với các phương pháp có ít nguy cơ gây hại nhất để bệnh không trở nên trầm trọng hơn, ngăn ngừa tổn thương cho đại tràng.
- Nếu đã thực hiện các phương pháp điều trị đơn giản nhưng không có hiệu quả thì cần tới bệnh viện chuyên khoa thăm khám ngay để tìm hướng điều trị tốt nhất.
2.2. Một số cách xử trí táo bón mãn tính tại nhà
- Tăng cường bổ sung chất xơ
Tăng cường chất xơ trong chế độ ăn cho người bị táo bón mãn tính là điều vô cùng cần thiết bởi nó giúp làm tăng khối lượng cũng như tốc độ di chuyển của phân. Rất đơn giản, hàng ngày bạn chỉ cần ăn nhiều hơn các loại rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt. Trong quá trình bổ sung chất xơ hay chú ý không tăng lượng chất xơ đột ngột vì nó dễ dẫn đến đầy bụng, đầy hơi. Hãy thay đổi dần dần và tăng lượng theo từng tuần.
Rau bina giàu chất xơ, giúp giảm táo bón hiệu quả
Rau bina là một loại thực phẩm giàu chất xơ được xem là có khả năng khắc phục táo bón mãn tính vô cùng hiệu quả. Loại rau này không chỉ có khả năng làm sạch mà còn giúp xây dựng lại và làm mới đường ruột. Muốn vậy mỗi ngày bạn nên uống 100ml nước ép rau bina để đào thải các chất độc có trong hệ tiêu hóa.
- Vận động thể thao đều đặn
Tập thể dục thể thao đều đặn hàng ngày không chỉ giúp kích thích hệ tiêu hóa hoạt động tốt mà còn khiến cho sức khỏe tổng thể được cải thiện. Mặt khác, các động tác thể dục cũng góp phần thúc đẩy chất rắn di chuyển trơn tru hơn hơn trong đường ruột nên dễ dàng tống ra ngoài hơn.
Các bạn có thể tham khảo một số tư thế yoga đơn giản giúp giảm táo bón mãn tính tại nhà như:
- Tư thế vặn mình Ardha Matsyendrasana
Tư thế này có thể tạo tác động tới ruột, gan, dạ dày, thận và lá lách từ đó kích thích đào thải độc tố ở đây, cải thiện chức năng hệ tiêu hóa. Để tập được tư thế Ardha Matsyendrasana bạn cần:
+ Chụm hai chân vào nhau, lưng thẳng rồi sau đó uốn cong chân trái sao cho gót chân chạm được vào hông phải.
+ Cong chân phải lên và đặt nó vào cạnh đầu gối trái.
+ Phần eo, cổ và vai cần được đưa về phía trước còn mắt thì luôn hướng về vai phải.
+ Đặt tay phải ra sau, tay trái chống lên đầu gối phải, giữ cột sống thẳng.
+ Giữ tư thế này khoảng 30 - 60 giây, thở chậm.
+ Thả lỏng tay, ngực và thắt lưng rồi trở lại vị trí ban đầu.
- Tư thế em bé Balasana
Đây là tư thế giúp thư giãn, làm dịu và giảm căng thẳng cho cơ thể trong đó có các cơ quan vùng bụng. Nhờ tập luyện đều đặn tư thế em bé Balasana mà cơ bụng được massage, chứng táo bón mãn tính được thuyên giảm.
Tư thế em bé Balasana hỗ trợ giảm táo bón mãn tính tại nhà
Thực hiện tư thế em bé Balasana như sau:
+ Quỳ trên thảm, đầu gối cách xa nhau nhưng các ngón chân phải chạm vào nhau.
+ Người gập về phía trước để phần thân trên chạm đùi.
+ Thở ra từ từ, tay duỗi về phía trước và đặt trước mặt sao cho thẳng với đầu gối.
+ Giữ như vậy 30 giây rồi trở về trạng thái ban đầu.
- Uống nhiều nước
Mỗi ngày uống 8 ly nước thật sự rất có lợi cho sức khỏe. Nước có vai trò bôi trơn đường ruột và làm ẩm thực phẩm mà bạn ăn. Vì thế nước giúp cho cơ thể đào thải cặn bã ra bên ngoài một cách dễ dàng.
- Ăn nhiều sữa chua
Trong sữa chua có chứa vi khuẩn Probiotic vốn là khuẩn tốt có lợi cho sức khỏe, khuẩn này sống tốt trong đường tiêu hóa. Loại vi khuẩn này cũng giúp thức ăn tiêu hóa nhanh hơn và tăng cường hoạt động cho hệ tiêu hóa.
- Ăn bưởi
Bưởi cũng là một loại quả được biết đến với tác dụng hỗ trợ nhuận tràng và chứa hàm lượng chất xơ tương đối cao. Để giảm chứng táo bón mãn tính tại nhà, hàng ngày bạn hãy thường xuyên ăn bưởi trước bữa ăn hàng ngày nhé.
Táo bón mãn tính thường xuyên gây ra sự khó chịu, đặc biệt khi đã nặng nó có thể phát triển thành các tình trạng nghiêm trọng hơn như trĩ, viêm mạch máu ở trực tràng, chảy máu trực tràng, rò hậu môn,... Với những chia sẻ trên đây chúng tôi hy vọng có thể giúp bạn tìm ra cách hỗ trợ xử trí với táo bón mãn tính tại nhà. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài mà không thuyên giảm hoặc kèm theo các hiện tượng như: đau bụng thường xuyên, sốt, nôn, chảy máu trực tràng, sút cân, đau thắt lưng,... thì cần đến gặp bác sĩ thật sớm.
Mọi thắc mắc hoặc cần tư vấn về hiện tượng này, bạn đọc có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56, các chuyên viên y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC luôn sẵn lòng lắng nghe để chia sẻ những thông tin hữu ích nhất, giúp bạn có hướng xử trí an toàn, hiệu quả.