Sinh nhiều con, khoảng cách giữa các lần sinh quá ngắn, chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt không khoa học,… chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến sa tử cung khi mang thai. Căn bệnh này không thường gặp nhưng lại có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ bầu và thai nhi. Do đó, nếu có dấu hiệu của bệnh, thai phụ cần được điều trị sớm để bảo vệ sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi.
21/02/2022 | Sa tử cung là gì và một số lưu ý chị em không thể bỏ qua 17/02/2022 | Chuyên gia giải đáp: Phụ nữ bị bệnh sa tử cung có mang thai được không? 15/04/2021 | Sa tử cung có quan hệ được không, làm sao để giữ lửa hôn nhân? 30/01/2021 | Cùng tìm hiểu: Sa tử cung khi mang thai có nguy hiểm không?
1. Những dấu hiệu của bệnh sa tử cung khi mang thai
Sa tử cung có thể xảy ra ở mọi đối tượng phụ nữ, kể cả phụ nữ mang thai. Sa tử cung khi mang thai là tình trạng tử cung của thai phụ bị tụt xuống âm đạo do cơ dây chằng bị giãn hoặc yếu và không thể nâng đỡ được tử cung.
Sa tử cung được chia thành nhiều giai đoạn khác nhau:
+ Giai đoạn 1: Ở giai đoạn này, tử cung của bệnh nhân bị sa xuống nhưng vẫn nằm trong ống âm đạo.
+ Giai đoạn 2: Lúc này, tử cung đã tụt ra ngay mép ngoài của ngoài âm đạo nhưngkhó có thể quan sát bằng mắt thường.
+ Giai đoạn 3: Ở giai đoạn này, tử cung đã bị tụt hoàn toàn ra ngoài âm đạo và có thể quan sát bằng mắt thường.
Thai phụ bị sa tử cung cần được điều trị sớm
- Sa tử cung khi mang thai có thể xuất hiện những dấu hiệu sau:
+ Ở giai đoạn đầu của bệnh: Khi thai nhi còn nhỏ, thai phụ có cảm giác nặng tức phần bụng dưới, đồng thời âm đạo và âm hộ cũng cảm giác tức nặng, kèm theo đó là biểu hiện đau lưng thường xuyên. Tuy nhiên, những triệu chứng này giống với những biểu hiện thường gặp ở phụ nữ có thai, do đó, rất dễ bị nhầm lẫn.
+ Khi thai nhi càng lớn thì mức độ sa tử cung càng nghiêm trọng với một số biểu hiện như: Khó khăn khi đi đại tiện, cảm thấy buồn tiểu nhưng không tiểu được, có cảm giác như có thứ gì đó đang rơi ra khỏi âm đạo, xuất huyết âm đạo hay mất cảm giác với thai nhi trong bụng,… Với những biểu hiện nghiêm trọng này, bệnh nhân không nên chủ quan mà cần đi khám sớm để được chẩn đoán bệnh và điều trị kịp thời.
2. Những nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng sa tử cung khi mang thai
Dưới đây là một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng sa tử cung khi mang thai:
- Do thai nhi quá lớn hoặc bà mẹ mang đa thai khiến tử cung bị sa xuống.
- Thai phụ đã từng sinh nhiều lần trước đó, khoảng cách giữa những lần mang thai quá ngắn, đã từng nạo phá thai nhiều lần gây ảnh hưởng lớn đến tử cung,…
Thai quá lớn hoặc thai đôi làm tăng nguy cơ sa tử cung
- Ngoài những nguyên nhân kể trên thì một số nguyên nhân khác có thể khiến thai phụ phải đối mặt với tình trạng sa tử cung như: quá trình chuyển dạ kéo dài, thai phụ khó sinh, cổ tử cung dài hoặc phì đại, phụ nữ mang thai khi đã lớn tuổi, thai phụ bị thừa cân hoặc béo phì, cơ sàn chậu của chị em bị yếu bẩm sinh, bị tăng áp lực vùng ổ bụng, gặp chấn thương ở vùng chậu hoặc có khối u trong vùng chậu,…
3. Sa tử cung khi mang thai nguy hiểm như thế nào?
Sa tử cung khi mang thai có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ bầu và thai nhi. Cụ thể như sau:
- Đối với thai nhi: Tình trạng sa tử cung của mẹ làm tăng tỷ lệ sảy thai, sinh non, thậm chí có thể dẫn đến nguy cơ thai chết lưu.
Sa tử cung khi mang thai có thể gây nguy cơ sinh non
- Đối với bà mẹ: Gây khó khăn cho cuộc chuyển dạ, gây rách cổ tử cung, đờ tử cung. Bên cạnh đó, sa tử cung trong quá trình mang thai không chỉ gây tổn thương cho tử cung mà cũng có thể làm ảnh hưởng đến một số cơ quan khác như bàng quang, trực tràng, dễ gây nhiễm trùng đường tiểu, trĩ, táo bón, nhiễm trùng hậu sản.
4. Phương pháp điều trị bệnh sa tử cung khi mang thai
Tùy theo từng trường hợp và mức độ sa tử cung, các bác sĩ sẽ điều trị theo những phương pháp phù hợp. Trong quá trình điều trị, thai phụ nên lưu ý những điều sau:
- Tuân thủ theo đúng hướng dẫn và phác đồ điều trị của bác sĩ.
- Luyện tập theo những bài tập mà bác sĩ hướng dẫn, không nên bỏ bất cứ buổi tập nào. Sau khi sinh con, chị em vẫn cần duy trì tập luyện để đạt hiệu quả tốt nhất, giúp vùng chậu nhanh chóng phục hồi.
- Thai phụ cần tránh vận động mạnh và không thực hiện những hành động gây áp lực lên vùng bụng.
- Cần vận động nhẹ nhàng và thực hiện chế độ nghỉ ngơi hợp lý, không nên làm việc quá sức.
- Chú ý đến chế độ ăn, nên bổ sung đầy đủ dưỡng chất để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé. Tuy nhiên, cần lưu ý chỉ ăn theo nhu cầu, không nên ăn quá nhiều để tránh gây tăng cân quá mức làm ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi và mẹ bầu.
- Đối với những trường hợp bị sa tử cung khi mang thai, việc vệ sinh vùng kín là rất quan trọng. Mẹ bầu cần vệ sinh cẩn thận và đúng cách để phần tử cung không bị viêm nhiễm.
5. Phải làm sao để phòng tránh tình trạng sa tử cung khi mang thai?
Để phòng tránh tình trạng sa tử cung trong quá trình mang thai, chị em có thể tham khảo một số phương pháp dưới đây:
- Mẹ bầu cần quan tâm đến sức khỏe, thường xuyên thăm khám sức khỏe để theo dõi tình trạng cơ thể, phát hiện sớm bất thường. Lưu ý khám thai định kỳ để theo dõi quá trình phát triển của thai nhi.
Thai phụ cần thăm khám thường xuyên để phát hiện sớm những vấn đề sức khỏe
- Những trường hợp mẹ bầu có biểu hiện ho hoặc viêm phế quản thì cần được điều trị càng sớm càng tốt.
- Khi mang thai, phụ nữ không nên làm những việc nặng, quá sức.
- Không nên mang thai nhiều lần và mỗi lần mang thai cần đảm bảo khoảng cách hợp lý.
- Phụ nữ không nên lạm dụng thuốc, không thực hiện nạo phá thai ở những cơ sở không an toàn.
- Không để tăng cân quá mức.
- Nên ăn nhiều rau xanh và trái cây để tránh bị táo bón.
Trong trường hợp xảy ra bất thường, có dấu hiệu nghi ngờ sa tử cung khi mang thai, người mẹ nên đi khám sớm để được bác sĩ tư vấn, điều trị kịp thời. Mẹ bầu có thể gọi đến Tổng đài 1900 56 56 56 để được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC tư vấn chi tiết.