Trong suốt thai kỳ, bất kỳ vấn đề sức khỏe nào của thai phụ cũng không được chủ quan và nên khắc phục càng sớm càng tốt. Một trong số đó là tình trạng sa tử cung khi mang thai. Căn bệnh này là gì và có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe mẹ bầu và thai nhi. Hãy cùng tìm hiểu thông tin trong bài viết dưới đây.
28/01/2021 | Những dấu hiệu sa tử cung chị em nhất định không được bỏ qua 28/01/2021 | Bệnh sa tử cung và những kiến thức chị em không thể bỏ qua
1. Hiện tượng sa tử cung khi mang thai có phải là một bệnh không?
Các mô, cơ, dây chằng ở trong xương chậu có tác dụng nâng đỡ tử cung của thai phụ. Trong quá trình mang thai, các cơ và dây chằng này bị giãn hoặc yếu dẫn đến tình trạng tử cung bị tụt xuống âm đạo được gọi là sa tử cung.
Sa tử cung có thể xảy ra với phụ nữ mang thai
Bệnh được chia thành 3 cấp độ như sau:
Cấp độ 1: Tử cung bị tụt xuống nhưng vẫn nằm trong âm đạo. Đây là cấp độ nhẹ nhất và chưa có ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe thai phụ. Trường hợp này thường xảy ra ở những tháng cuối thai kỳ. Thời điểm này là lúc thai nhi phát triển nhanh và dễ dẫn tới việc dây chằng bị căng, quá tải, dễ bị giãn và dẫn tới sa tử cung.
Cấp độ 2: Là khi tử cung đã bị tụt hẳn xuống âm đạo và khiến cho người bệnh bắt đầu cảm nhận được những ảnh hưởng của bệnh gây ra. Đặc biệt, khi làm những việc nặng nhọc, đứng quá lâu thì những dấu hiệu bệnh sẽ càng trở nên rõ ràng hơn.
Cấp độ 3: Giai đoạn này được đánh giá là nguy hiểm nhất. Sa tử cung cấp độ 3 chính là khi tử cung đã tụt ra khỏi ngoài âm đạo, rất dễ dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử, nếu tử cung không có khả năng tự co lên thì có thể cần dùng đến phương pháp ngoại khoa.
2. Các triệu chứng của bệnh sa tử cung khi mang thai
Khi mang thai, nếu mắc phải bệnh sa tử cung, bạn có thể gặp phải những triệu chứng dưới đây:
Thai phụ có cảm giác nặng nề ở đáy bụng.
Luôn luôn cảm thấy đau tức, đồng thời có khó chịu ở vùng bụng dưới.
Dịch âm đạo có thể xuất hiện nhiều hơn một cách bất thường.
Khó khăn khi đi tiểu, đi nhiều lần, lượng tiểu mỗi lần rất ít, tiểu buốt.
Có thể có trường hợp một số mô thịt nhô ra khỏi âm đạo.
Thai phụ có cảm giác nặng nề ở đáy bụng
Ở giai đoạn đầu, những biểu hiện sẽ khá mơ hồ nhưng càng về những giai đoạn sau thì triệu chứng càng rõ ràng và nghiêm trọng hơn.
3. Nguyên nhân dẫn tới bệnh sa tử cung khi mang thai
Có rất nhiều yếu tố có thể dẫn tới tình trạng này. Cụ thể như sau:
Nguyên nhân từ phía thai nhi: Thai nhi quá lớn hoặc mẹ mang đa thai thì nguy cơ bị sa tử cung của mẹ bầu này sẽ cao hơn các trường hợp thai nhi có cân nặng trung bình và mẹ chỉ mang một thai.
Nên theo dõi để kịp thời điều trị bệnh
Nguyên nhân từ phía mẹ bầu: Một số mẹ bầu cũng có nguy cơ bị sa tử cung cao hơn. Chẳng hạn như trường hợp mẹ bầu thừa cân, có khối u vùng chậu, từng sinh con quá lớn, sinh đẻ nhiều lần, mẹ bầu lớn tuổi, ổ bụng có tình trạng tụ dịch, nhau thai bất thường, tử cung của thai phụ từng trải qua phẫu thuật, thay đổi nội tiết khiến tử cung mềm hơn, thai phụ mắc một số bệnh lý như táo bón,…
4. Những nguy hiểm khi sa tử cung khi mang thai?
Sa tử cung ở những cấp độ khác nhau thì mức nguy hiểm cũng khác nhau. Nếu thai phụ không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách thì tình trạng bệnh sẽ ngày càng nghiêm trọng và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là một số biến chứng có thể gặp phải:
Sảy thai, thai chết lưu: Tình trạng tử cung bị tụt xuống sẽ khiến cho thai nhi không còn không gian để phát triển và nếu không được xử lý sớm sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng thai chết lưu và gây nguy hiểm cho mẹ bầu.
Sinh non, băng huyết sau sinh: Căn bệnh sa tử cung còn làm tăng nguy cơ sinh non, khi thai nhi chưa được phát triển toàn diện và điều này cũng khiến mẹ bầu dễ bị băng huyết, thậm chí tình trạng vỡ tử cung còn nguy hiểm tính mạng cho cả mẹ và bé.
Mất khả năng sinh con: Những trường hợp sa tử cung nghiêm trọng khiến gây ra tình trạng viêm loét, hoại tử, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật cắt bỏ tử cung và người phụ nữ sẽ không còn khả năng làm mẹ.
Viêm nhiễm các cơ quan liên quan khác: Nếu không được điều trị kịp thời thì sa tử cung còn kéo theo tình trạng sa trực tràng, bàng quang,… và gây nhiễm trùng.
Trên đây là những biến chứng có thể gặp phải đối với mẹ bầu bị sa tử cung. Tuy nhiên với những trường hợp bệnh nhẹ và được kịp thời xử trí thì mẹ bầu cũng không nên quá lo lắng.
5. Những cách phòng ngừa hiệu quả tình trạng sa tử cung khi mang thai
Để phòng ngừa nguy cơ mắc sa tử cung trong quá trình mang thai, mẹ bầu nên lưu ý những vấn đề dưới đây:
Nếu có ý định mang thai, bạn nên khám sức khỏe tổng thể để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh cho cả mẹ và bé.
Cần khám thai theo đúng lịch hẹn của bác sĩ, theo dõi sức khỏe thường xuyên cũng chính là cách tốt nhất để phát hiện bệnh sớm, đồng thời có biện pháp điều trị kịp thời.
Trường hợp các bà bầu bị ho hay viêm phế quản, hen suyễn,… nên điều trị càng sớm càng tốt.
Chị em phụ nữ tuyệt đối không nên làm các công việc nặng, quá sức.
Mang thai nhiều lần cũng là điều không nên làm đối với chị em.
Thăm khám, kiểm tra sức khỏe đặc biệt là sức khỏe sinh sản tại những cơ sở y tế uy tín.
Không lạm dụng thuốc.
Theo dõi cân nặng và không nên để tình trạng tăng cân quá mức.
Có thể tham khảo thực hiện các bài tập nhẹ nhàng để tăng dẻo dai của vùng cơ chậu.
Uống nhiều nước, tăng cường bổ sung các loại rau xanh, trái cây tươi mát trong bữa ăn hàng ngày và đồng thời tránh đồ ăn chế biến sẵn để hạn chế táo bón.
Nên tuân thủ tuyệt đối theo chỉ định của bác sĩ
Những thông tin trên cho thấy nếu không được điều trị sớm, sa tử cung khi mang thai có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và bé. Vì thế, tất cả mẹ bầu đều không nên chủ quan với vấn đề sức khỏe này.
Bạn có thể gọi đến số 1900 56 56 56 để được chuyên gia sản khoa của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC giải đáp mọi thắc mắc.