Rối loạn tâm thần do rượu là hậu quả của quá trình lạm dụng rượu lâu năm, gây ra nhiều tổn hại trực tiếp lên não bộ. Bên cạnh đó, rối loạn tâm thần này cũng phát triển cùng các tổn thương cơ quan nội tạng và rối loạn chuyển hóa trong cơ thể, khiến bệnh phức tạp khó điều trị.
17/03/2022 | Nhận biết, xử trí ngộ độc rượu khẩn cấp và cách phòng chống ngộ độc 17/12/2021 | Những lợi ích của rượu vang đỏ và những lưu ý khi sử dụng 02/12/2021 | Đau mỏi khớp sau khi uống rượu nguy hiểm như thế nào - Cách phòng tránh
1. Rối loạn tâm thần do rượu xảy ra như thế nào?
Các chất trong rượu có thể gây ra rối loạn tâm thần ở các mức độ khác nhau, có thể là ngộ độc cấp tính hoặc mạn tính.
Rượu có thể gây ngộ độc, tổn thương tế bào thần kinh
Các rối loạn tâm thần do rượu thường gặp gồm:
1.1. Lệ thuộc và lạm dụng rượu
Đây là ảnh hưởng rối loạn tâm thần đầu tiên và nhẹ nhất do rượu gây ra nhưng ít người biết đến. Người uống có xu hướng lạm dụng rượu trong nhiều tình huống, sử dụng liên tục với tần suất tăng dần, sau đó sẽ tiến đến lệ thuộc rượu.
Lệ thuộc rượu khi người bệnh uống quá nhiều gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Các dạng lệ thuộc rượu thường gặp như:
-
Liên tục dùng lượng rượu nhiều.
-
Chỉ dùng nhiều rượu vào cuối tuần hoặc gặp trục trặc công việc, tình cảm.
-
Dùng nhiều rượu dài ngày xen kẽ trong các giai đoạn không uống rượu.
Dạng rối loạn tâm thần do rượu này là nhẹ nhất, điều trị cũng khá đơn giản với mục tiêu kéo dài thời gian ngưng rượu, giảm tần suất và lượng uống rượu. Có thể điều trị bằng nhận thức, tâm lý xã hội hoặc hóa dược trị liệu.
Người bệnh cần được giải thích về những tác hại nghiêm trọng của lạm dụng rượu với sức khỏe thể chất và tinh thần để tập dần thói quen giảm sử dụng rượu. Ở người lệ thuộc rượu, có thể cần sự hỗ trợ của thuốc để cai rượu dễ dàng hơn.
Nhiễm độc rượu xảy ra khi rượu làm ảnh hưởng hoạt động não bộ
1.2. Nhiễm độc rượu
Nhiễm độc rượu hay còn được gọi là say rượu, xảy ra khi một người uống lượng rượu đủ ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ, làm thay đổi suy nghĩ và hành vi. Say rượu được chia thành các dạng gồm:
Say rượu thông thường
Người bệnh gặp phải các rối loạn tâm thần như: lo âu, cáu giận, cảm xúc không ổn định, rối loạn hành vi,... đi kèm với triệu chứng thể chất của ngộ độc rượu. Say rượu thông thường không kéo dài, chỉ tổn tại trong thời gian rượu còn tác dụng dược lý, tùy theo lượng uống và loại rượu mà có thể là vài giờ hoặc nhiều hơn.
Say rượu bệnh lý
Say rượu bệnh lý là dạng rối loạn tâm thần cấp tính nặng hơn, thậm chí xuất hiện tình trạng loạn thần cấp. Khi đó, người bệnh có thể thực hiện nhiều hành vi nguy hiểm, mất ý thức kiểm soát hành vi như: chửi mắng, đánh đập, tự sát,... Tình trạng loạn thần cũng sẽ hết sau cơn say rượu bệnh lý.
Người say rượu có thể có các rối loạn tâm thần
Nhiễm độc rượu cùng các rối loạn tâm thần là nguyên nhân gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như: chấn thương, hoạt động phạm tội, tự sát, giết người, tai nạn xe cộ,...
1.3. Rối loạn loạn thần do rượu
Rối loạn loạn thần do rượu đặc trưng bởi triệu chứng ảo giác kéo dài, ảo thanh, không có mê sảng xuất hiện khoảng 2 ngày khi người lệ thuộc rượu ngưng uống rượu. Người bệnh có xu hướng tìm đến rượu để giải tỏa khi bị rối loạn loạn thần nhưng càng khiến bệnh cảnh nghiêm trọng hơn, có thể mạn tính giống tâm thần phân liệt.
Tình trạng rối loạn tâm thần này khá ít gặp, tỉ lệ cao hơn ở nam giới và chủ yếu ở những người có tiền sử uống rượu trên 10 năm.
1.4. Hội chứng cai rượu
Hội chứng cai rượu là một loạt các triệu chứng xảy ra khi một người nghiện rượu mạn tính bị thiếu hoặc ngưng uống rượu trong thời gian dài. Các triệu chứng thường gặp bao gồm: khó chịu, bồn chồn, bứt rứt trong người, lo âu, buồn bã, mất ngủ, sợ hãi, gặp ác mộng, rối loạn nhịp tim,...
Khi người bệnh được uống một lượng rượu nhỏ, các triệu chứng của hội chứng cai rượu sẽ nhanh chóng biến mất, tuy nhiên đây không phải là cách điều trị lâu dài. Thay vào đó, người bệnh cần được cai rượu tại nhà hoặc nhập viện, cùng với đó là sử dụng thuốc giảm triệu chứng như: thuốc an thần, truyền dịch tĩnh mạch, bổ sung vitamin thiết yếu,...
Rối loạn trí nhớ thường gặp ở người lạm dụng rượu lâu năm
1.5. Rối loạn trí nhớ
Rối loạn trí nhớ thường gặp ở người uống nhiều rượu trong thời gian dài làm tổn thương tế bào não gây ra bệnh não. Các bệnh thường gặp gồm:
-
Bệnh não Wernicke: xảy ra khi người bệnh nghiện rượu mạn tính thiếu Vitamin, có triệu chứng như lay giật nhãn cầu, lú lẫn toàn bộ, bịa chuyện, sảng nhẹ, mất ngủ, sợ bóng đêm,...
-
Hội chứng Korsakoff: xảy ra ở người nghiện rượu mạn tính bị thiếu thiamin, có biểu hiện quên thuận chiều và ngược nhiều, viêm đa dây thần kinh, rối loạn định hướng lực,...
2. Tác động của rượu với cơ thể
Các rối loạn tâm thần do rượu sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi bệnh kéo dài, kết hợp với những tổn thương của các cơ quan nội tạng, chức năng do độc tố của rượu gây ra. Một số ảnh hưởng tiêu cực của Ethanol có trong rượu với cơ thể gồm:
2.1. Ảnh hưởng đến não
Rượu có ảnh hưởng gây ức chế hệ thần kinh, gây dung nạp chéo. Nồng độ rượu có trong máu đạt khoảng 0.05% sẽ gây ảnh hưởng tới suy nghĩ và phán đoán, nặng hơn ảnh hưởng tới các cử động. Ngộ độc rượu sẽ xảy ra khi nồng độ rượu trong máu đạt tới 0.1 - 0.15%. Khi nồng độ này ở mức 0.4 - 0.5%, bệnh nhân rơi vào hôn mê do tế bào não bị tổn thương nặng.
Rối loạn tâm thần do rượu nặng hơn do các tổn thương đến nhiều cơ quan
2.2. Ảnh hưởng đến nhiều cơ quan
Lạm dụng rượu lâu dài hoặc dùng rượu lượng lớn gây ảnh hưởng đến rất nhiều cơ quan như: viêm gan, xơ gan, bệnh cơ tim, loét dạ dày, viêm dạ dày, viêm tụy, bệnh thần kinh ngoại biên, thoái hóa tiểu não, động kinh, teo não,... Người nghiện rượu mạn tính thường bị thiếu hụt Vitamin B12, thiamin, folate, acid nicotinic,... gây ra nhiều vấn đề sức khỏe.
Có thể thấy, rối loạn tâm thần do rượu có thể gây ra nhiều hậu quả nặng nề, khó lường với sức khỏe người bệnh và trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Vì thế, việc sử dụng rượu bia nên được kiểm soát, khi có dấu hiệu rối loạn tâm thần do rượu cần được khám và điều trị sớm.
Nếu cần tư vấn thêm, liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được các chuyên gia, bác sĩ đầu ngành hỗ trợ.