Giao mùa đông xuân là thời gian trẻ dễ bị nhiễm virus hợp bào hô hấp RSV. Những triệu chứng của bệnh rất dễ nhầm lẫn với nhiều căn bệnh cảm cúm thông thường khiến nhiều phụ huynh chủ quan, chỉ đưa con đến viện khi đã xảy ra biến chứng. Bài viết dưới đây sẽ giúp các bậc cha mẹ hiểu hơn về các triệu chứng, phương pháp điều trị nhiễm virus RSV và cách phòng ngừa bệnh hiệu quả.
28/10/2021 | Sốt virus kiêng gì và cách chăm sóc người bệnh sốt virus 27/10/2021 | Bác sĩ giải đáp: Trẻ sốt virus có tắm được không? 09/10/2021 | Từ tháng 8 đến tháng 11 - 3 nhóm đối tượng không nên chủ quan với virus hợp bào hô hấp (RSV) 26/09/2021 | Cách điều trị viêm da do virus Herpes hiệu quả
1. Các triệu chứng nhiễm virus hợp bào hô hấp RSV
1.1. Những đối tượng có nguy cơ cao nhiễm virus RSV
Virus hợp bào hô hấp RSV có thể lây lan dễ dàng khi tiếp xúc với dịch tiết hô hấp của người bệnh. Khi người bệnh ho, hắt hơi, lau tay vào mũi miệng, virus sẽ theo đó mà lây lan ra môi trường xung quanh. Loại virus này có thể sống nhiều giờ trên các vật dụng như bàn ghế, đồ chơi của trẻ nhỏ, tay nắm cửa,… Những trường hợp có nguy cơ cao bị nhiễm virus RSV là:
- Trẻ nhỏ, đặc biệt là những trường hợp trẻ dưới 6 tháng tuổi, trẻ sinh non, nhẹ cân hay trẻ bị mắc bệnh tim bẩm sinh,… Đây là những trường hợp có sức đề kháng kém, đồng thời cấu hình đường thở của trẻ chưa được hoàn thiện, do vậy, trẻ rất dễ bị các loại virus tấn công, trong đó có virus RSV.
Trẻ sinh non có nguy cơ cao bị nhiễm virus RSV
- Trẻ em hoặc người bị mắc bệnh hen tiếp xúc với khói thuốc sẽ có nguy cơ nhiễm virus hợp bào hô hấp cao hơn những đối tượng khác.
- Trẻ tiếp xúc với người bị nhiễm RSV, đến lớp học hoặc đến những khu vui chơi vào thời điểm virus hoạt động mạnh.
- Các trường hợp có bệnh lý nền như bệnh hen suyễn, suy tim sung huyết,… cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Những trường hợp bị suy giảm hệ miễn dịch cũng có nguy cơ cao nhiễm virus RSV.
1.2. Những triệu chứng cảnh báo nhiễm virus RSV
Khi bị nhiễm virus RSV, bệnh nhân có thể gặp phải những triệu chứng sau:
-
Bệnh nhân ho nhiều, ho có đờm xanh hoặc vàng, có tình trạng sổ mũi, nghẹt mũi.
-
Đau họng nhẹ, đau tai.
-
Có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao.
-
Khó thở.
Mẹ nên cảnh giác khi trẻ bị ho, khó thở
Trong đó, triệu chứng dễ nhận biết nhất khi nhiễm virus RSV là họng bệnh nhân có nhiều đờm, khiến cho đường hô hấp có thể bị bít tắc và gây ra hiện tượng khó thở. Nếu không được điều trị, trẻ sẽ ho nhiều hơn, đối với những trẻ có bệnh lý nền như trẻ bị tim bẩm sinh, trẻ sinh non, trẻ suy dinh dưỡng, trẻ bị loạn sản phổi,… thì bệnh có xu hướng tiến triển nặng hơn.
Khi bệnh nhân không được điều trị, bệnh sẽ biến chứng dẫn đến tình trạng viêm tiểu phế quản hay viêm phổi với một số triệu chứng như sau:
-
Bệnh nhân khó thở hoặc thở gấp, thở khò khè.
-
Ho dữ dội, ho ngày càng nhiều.
-
Trẻ mệt mỏi, chán ăn, thờ ơ với mọi thứ xung quanh.
Tùy thuộc vào lứa tuổi, thể trạng mà những biểu hiện của người bệnh sẽ ở mức khác nhau. Đối với những trẻ khỏe mạnh và người lớn, bệnh không có biểu hiện nghiêm trọng và có thể tự khỏi. Tuy nhiên, với những trường hợp trẻ dưới 1 tuổi hoặc trẻ sinh non, nhẹ cân sẽ có nguy cơ xảy ra biến chứng nặng chẳng hạn như viêm phổi, viêm tiểu phế quản, viêm tai giữa, suy hô hấp, xẹp phổi, ứ khí phổi,… Trẻ bị nhiễm virus hợp bào hô hấp có nguy cơ bị hen suyễn khi trưởng thành. Vì thế, ngay khi thấy trẻ có dấu hiệu bất thường, cha mẹ cần nhanh chóng đưa con đi khám để được các bác sĩ thăm khám và điều trị nhiễm virus RSV kịp thời.
2. Phương pháp điều trị nhiễm virus RSV như thế nào?
2.1. Một số phương pháp điều trị nhiễm virus RSV
Trước hết, để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng và chỉ định bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm như xét nghiệm máu, xét nghiệm dịch tiết hô hấp, nghe phổi để kiểm tra âm thanh bất thường của phổi, chụp X-quang kiểm tra viêm phổi.
Nhiều cha mẹ chủ quan khiến bệnh ở trẻ tiến triển nghiêm trọng
Phần lớn những trường hợp nhiễm RSV có thể tự khỏi sau khoảng 1 đến 2 tuần. Trong trường hợp cần thiết, cha mẹ có thể cho con dùng thuốc hạ sốt và thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ.
Khi bị nhiễm virus hợp bào hô hấp, bệnh nhân thường bị keo dính đường hô hấp dẫn đến nghẹt thở. Chính vì thế, phương pháp điều trị nhiễm virus RSV hiệu quả đó là rửa mũi và thường xuyên hút đờm dãi giúp thông thoáng đường thở.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần uống nhiều nước để giúp đờm loãng nhanh hơn. Bác sĩ cũng có thể kê đơn một số loại thuốc để giảm thiểu triệu chứng và phòng ngừa biến chứng bệnh. Một số trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân phải thở oxy hay phải đạt nội khí quản để thở máy.
2.2. Phòng ngừa lây nhiễm RSV bằng cách nào?
Đây là loại virus có thể lây lan rất mạnh, nếu không có những biện pháp phòng ngừa kịp thời, bệnh có thể bùng phát thành dịch. Dưới đây là một số lưu ý giúp ngăn ngừa hiệu quả sự lây nhiễm virus RSV:
- Nên thường xuyên rửa tay sạch sẽ, nhất là khi vừa tiếp xúc với những trường hợp có biểu hiện cảm cúm.
Nên giữ ấm cho trẻ và đeo khẩu trang cho trẻ khi ra ngoài
- Thường xuyên làm sạch, vô trùng một số dụng có nguy cơ tồn tại virus từ người bệnh.
- Bố mẹ nên hạn chế cho trẻ đến những nơi công cộng, tập trung đông người, nhất là khi giao mùa đông xuân- thời điểm dịch bệnh dễ bùng phát.
- Khi cho trẻ ra ngoài cần giữ ấm và đeo khẩu trang cho trẻ.
- Không để trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá.
- Cách ly trẻ với người bị bệnh. Hoặc nếu trẻ có biểu hiện khác thường cũng không nên đưa con đi học hoặc đến những nơi công cộng.
- Nên tắm nước ấm cho trẻ và tắm trong phòng kín gió.
- Nên cho trẻ bú sữa mẹ ít nhất trong 12 tháng đầu đời để tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
- Đối với những trẻ sinh non, trẻ mắc bệnh tim, phổi bẩm sinh thì cha mẹ cần chăm sóc con nhiều hơn. Nếu thấy trẻ có biểu hiện ho, sốt, khó thở, cần đưa con đi khám sớm.
Nếu các bậc phụ huynh còn thắc mắc về phương pháp điều trị nhiễm virus RSV, hãy liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 để được các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC tư vấn.