Đi ngoài thấy phân sống kèm theo cảm giác đầy hơi, chướng bụng là vấn đề bất thường ở đường tiêu hóa. Tình trạng này có thể gặp cả ở trẻ em và người lớn. Những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân đi ngoài phân sống và gợi ý về một số cách khắc phục hiện tượng này.
03/04/2020 | Mẹ cần lưu ý gì khi xét nghiệm phân cho bé? 01/02/2020 | Những điều mẹ cần biết về xét nghiệm phân cho bé 11/01/2020 | Trước khi xét nghiệm phân tại nhà, bạn cần biết
1. Những nguyên nhân phổ biến gây ra đi ngoài phân sống
Đặc điểm phân sống rất dễ nhận biết. Đó là tình trạng phân nát, thường không thành khuôn, có mùi chua, lổn nhổn, thậm chỉ có thể quan sát được những sợi rau hay một số mẩu vụn thức ăn.
Nên cảnh giác khi phân sống kèm theo tình trạng đau bụng
Phân sống được hiểu là tình trạng thức ăn chưa được tiêu hóa hoàn toàn. Do đó, cơ thể sẽ không nhận được đầy đủ giá trị dinh dưỡng của những loại thực phẩm này mà dinh dưỡng sẽ theo phân ra ngoài.
Một số nguyên nhân dẫn đến hiện tượng phân sống có thể kể đến như:
- Nhiễm khuẩn đường ruột: Tình trạng này xảy ra khi bạn không may ăn phải một số loại đồ ăn tái, sống hoặc sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, có chứa nhiều loại giun, sán, virus như Adenovirus hay Rotavirus,…. Khi bị nhiễm khuẩn đường ruột, người bệnh không chỉ bị đi ngoài thấy phân sống mà còn bị đau bụng dữ dội và phải liên tục đi ngoài.
- Mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột: Hệ vi sinh đường bao gồm cả vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại. Vì một số lý do như sử dụng thuốc kháng sinh quá nhiều, gặp phải một số tác dụng phụ của thuốc điều trị, lạm dụng bia rượu,… sẽ khiến cho hại khuẩn có cơ hội phát triển và sinh sôi. Từ đó lấn át khuẩn có lợi, gây mất cân bằng hệ vi sinh và cuối cùng dẫn tới một số hiện tượng như đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu, táo bón và đi ngoài phân sống.
- Do ăn nhiều thức ăn có chứa dầu mỡ và thường xuyên uống bia rượu.
- Do một số bệnh lý: Trong trường hợp bạn thường xuyên đi ngoài phân sống và kèm theo những biểu hiện bất thường như đau bụng, phân lỏng,… thì rất có thể đây chính là những dấu hiệu cảnh báo về một số bệnh lý dưới đây:
+ Bệnh viêm loét dạ dày: Những bệnh nhân bị viêm loét dạ dày không chỉ có biểu hiện đi ngoài phân sống mà còn có thể gây ra một số triệu chứng bất thường khác như đau bụng thường xuyên; có cảm giác tức và khó chịu ở vùng bụng, nhất là sau khi ăn no; hay bị ợ hơi, ợ nóng và buồn nôn.
+ Bệnh viêm đại tràng: Đây cũng là căn bệnh khá phổ biến. Nếu bạn thấy xuất hiện tình trạng đi ngoài phân sống kèm theo những triệu chứng như khó tiêu, sôi bụng,… thì nên đi khám vì rất có thể đó chính là những dấu hiệu cảnh báo về tình trạng viêm đại tràng.
+ Hội chứng ruột kích thích: Biểu hiện thường gặp nhất của căn bệnh này là tình trạng bụng đau dữ dội, người bệnh có thể bị cả táo bón lẫn tiêu chảy, vừa đi ngoài xong lại muốn đi tiếp và kèm theo tình trạng phân sống.
+ Không chỉ những bệnh về đường tiêu hóa mà cả những bệnh lý không liên quan đến đường tiêu hóa cũng có thể dẫn tới tình trạng phân sống, chẳng hạn như các bệnh về nội tiết, bệnh tiểu đường,…
2. Những đối tượng dễ bị đi ngoài phân sống
Tình trạng phân sống có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào. Tuy nhiên, những trường hợp sau thường có nguy cơ cao hơn:
- Trẻ em: Ở trẻ nhỏ, hệ tiêu hóa chưa được phát triển toàn diện hoặc chế độ ăn chưa cân bằng dưỡng chất chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến phân sống. Bố mẹ cần lưu ý, những trường hợp đi ngoài phân sống ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không được điều trị kịp thời có thể gây ra rối loạn tiêu hóa nặng, tình trạng suy dinh dưỡng và suy yếu hệ miễn dịch,… rất nguy hiểm.
Tình trạng phân sống thường xảy ra ở trẻ nhỏ
- Người thường xuyên uống rượu bia và một số chất kích thích khác.
- Những trường hợp mắc phải một số bệnh đường tiêu hóa.
- Các trường hợp dùng thuốc kháng sinh kéo dài.
3. Làm thế nào để khắc phục tình trạng đi ngoài phân sống?
Với một số trường hợp, việc khắc phục tình trạng phân sống tương đối dễ dàng. Người bệnh chỉ cần điều chỉnh lại chế độ dinh dưỡng. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp cần phải thực hiện thăm khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán bệnh, tìm nguyên nhân gây phân sống và kịp thời điều trị bằng những phương pháp phù hợp, phòng tránh những nguy hiểm về sức khỏe.
Tùy theo từng loại bệnh, các bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị phù hợp. Khi bệnh được điều trị khỏi thì hiện tượng phân sống cũng được cải thiện hoàn toàn. Dưới đây là một số biện pháp thường được chỉ định để điều trị triệu chứng cho bệnh nhân:
Thực hiện ăn chín uống sôi để hạn chế nguy cơ mắc bệnh
- Sử dụng thuốc Berberin: Tác dụng của loại thuốc này là kháng khuẩn, kháng tụ cầu hay liên cầu, giúp bệnh nhân giảm đau bụng, tiêu chảy, đầy hơi,… hiệu quả. Bên cạnh đó, loại thuốc này còn có thể tiêu diệt một số loại nấm men gây bệnh khác.
- Bổ sung men tiêu hóa với mục đích hỗ trợ quá trình tiêu hóa. Từ đó, tình trạng phân sống và một số triệu chứng khác sẽ được cải thiện và người bệnh dễ dàng hấp thụ các dưỡng chất từ thức ăn.
Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý, việc bổ sung men tiêu hóa hoặc dùng thuốc cần có sự chỉ định của bác sĩ. Không nên tự ý dùng thuốc để tránh phụ thuộc thuốc và những hậu quả nghiêm trọng khác.
Chú ý rửa tay trước bữa ăn để tránh nhiễm khuẩn
- Một số lưu ý khác:
+ Thường xuyên rửa tay, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
+ Nên ăn những loại thức ăn dạng lỏng như súp, cháo,…
+ Tăng cường bổ sung vitamin và các loại khoáng chất.
+ Đảm bảo ăn chín, uống sôi. Không nên ăn các loại thực phẩm tái sống như gỏi,…
+ Nên ăn những thực phẩm lành tính.
+ Hạn chế ăn những thực phẩm có chứa nhiều dầu mỡ, đồ ăn có tính cay nóng, các loại đồ uống như bia rượu, nước ngọt có gas.
+ Vệ sinh dụng cụ và rửa sạch thực phẩm trước khi chế biến.
Tuy phân sống là tình trạng không nguy hiểm nhưng nếu hiện tượng này kéo dài và kèm theo một số biểu hiện bất thường khác thì bệnh nhân nên đi khám sớm để tìm hiểu nguyên nhân và kịp thời xử trí hiệu quả. Để được giải đáp thắc mắc hoặc có nhu cầu thăm khám bệnh, mời bạn liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, các tổng đài viên của chúng tôi luôn sẵn sàng tư vấn và hướng dẫn chi tiết cho bạn.