Trượt đốt sống lưng xảy ra do rất nhiều nguyên nhân khác nhau và diễn tiến âm thầm nên thường được phát hiện muộn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Bài viết dưới đây sẽ cùng bạn tìm hiểu kĩ hơn về căn bệnh này để kịp thời điều trị, tránh được biến chứng gây hại cho sức khỏe.
10/02/2022 | Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị thoái hóa đốt sống cổ 08/10/2021 | Nguyên nhân dẫn đến thoát vị đốt sống lưng ở trẻ vị thành niên
1. Trượt đốt sống lưng - nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết
1.1. Trượt đốt sống lưng là bệnh gì?
Trượt đốt sống lưng là thuật ngữ dùng để chỉ sự sai lệch vị trí của một đốt sống ở trên đốt sống khác. Bình thường, đốt sống có dạng hộp và chồng lên với nhau để tạo thành cột sống. Giữa các đốt sống sẽ có một đĩa đệm để tạo ra vùng đệm linh hoạt và đàn hồi cho cột sống. Tất cả sẽ được kết nối và bao quanh bởi hệ thống dây chằng và bao hoạt dịch. Ở người bị trượt đốt sống, những đốt sống sẽ di chuyển khỏi vị trí ban đầu theo hướng lệch ra trước hoặc ra sau so với đốt sống của thắt lưng dưới.
1.2. Vì sao bị trượt đốt sống lưng?
Nguyên nhân gây trượt đốt sống phổ biến nhất là do thoái hóa. Theo thời gian, tuổi tác, các mô của cơ thể trong đó có dây chằng, xương và khớp sẽ bị tổn thương khiến cho sự liên kết giữa các đốt sống bị ảnh hưởng. Nếu tổn thương mạn tính có thể gây mất vững cột sống. Mặt khác, khi các thay đổi thoái hóa tiến triển đến mức khớp và dây chằng không thể ở vị trí phù hợp của cột sống thì sẽ gây ra trượt đốt sống do thoái hóa.
Thoái hoá cột sống do tuổi tác là một trong các nguyên nhân gây ra trượt đốt sống
Một nguyên nhân nữa là sai sót ở xương cột sống cũng dễ dẫn đến trượt đốt sống hở eo. Bản thân tình trạng trượt đốt sống đã là sự bất thường trong liên kết giữa các đốt sống liền kề. Sai sót này chủ yếu là do sự tái diễn của các chấn thương nhỏ xảy ra khi còn trẻ. Nếu trượt đốt sống xảy ra tại 2 bên cột sống với một mức nhất định nó có thể làm cho cột sống mất vững và kết quả là trượt đốt sống hở eo.
Ngoài ra, trượt đốt sống còn có thể xuất phát từ: bất thường bẩm sinh từ cột sống, khối u, chấn thương hoặc phẫu thuật.
1.3. Dấu hiệu nhận biết bệnh trượt đốt sống
Các dấu hiệu trượt đốt sống thường diễn tiến âm thầm và chỉ thường phát hiện thông qua chụp X-quang hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) khi người bệnh cảm thấy đau lưng và đau chân dữ dội nên thăm khám. Một số người sẽ có cảm giác đau lưng ngắt quãng, nhất là khi gập lưng.
Dấu hiệu thần kinh có thể xảy ra khi tủy sống bị kẹt vì trượt đốt sống hoặc các sợi thần kinh đi ra từ tủy sống. Ngoài ra, có một số dấu hiệu thần kinh tương tự như thoát vị đĩa đệm cũng có thể xảy ra với người bệnh, như:
- Chân bị đau.
- Có cảm giác như bị sốc điện dọc xuống bàn chân.
- Cảm thấy như có kiến bò hoặc tê bì ở ngón chân và bàn chân.
- Chân bị yếu và liệt.
2. Xử trí với trượt đốt sống lưng như thế nào?
2.1. Cách thức chẩn đoán trượt đốt sống
Để chẩn đoán bệnh trượt đốt sống lưng người bệnh có thể sẽ được bác sĩ chỉ định thực hiện một số kiểm tra sau:
Hình ảnh trượt đốt sống phát hiện qua chụp X-quang
- Chụp X-quang cột sống: giúp chẩn đoán mức độ và vị trí trượt.
- Chụp CT cắt lớp vi tính cột sống: giúp đánh giá cấu trúc xương, xác định mức độ và vị trí trượt cùng với các tổn thương xảy ra ở eo, hẹp ống khớp, mấu khớp,...
- Chụp Cộng hưởng từ MRI: đánh giá tổn thương mô mềm cùng với sự chèn ép thần kinh.
2.2. Phương pháp điều trị cho người bị trượt đốt sống lưng
Điều trị nội khoa được áp dụng với đại đa số bệnh nhân bị trượt đốt sống lưng. Phương pháp điều trị này giúp cải thiện cơn đau một cách rõ rệt. Bệnh nhân ở tuổi thiếu niên thì chỉ cần nằm nghỉ kết hợp mặc áo cố định bên ngoài đồng thời hạn chế các hoạt động gây đau là triệu chứng trượt đốt sống lưng sẽ dần dần cải thiện.
Những bệnh nhân trưởng thành cần nằm nghỉ ngơi trong các đợt đau cấp kết hợp với dùng thuốc chống viêm và thuốc giảm đau. Ngoài ra, tuỳ từng trường hợp mà bác sĩ sẽ kết hợp thêm các phương pháp phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, hướng dẫn bài thể tập dục tăng cường kết hợp với thay đổi trong chế độ ăn uống.
Phương pháp phẫu thuật thường được áp dụng với những người bị: trượt đốt sống lưng có tổn thương ở rễ thần kinh; trượt đốt sống ngày càng nặng và người bị đau cột sống thắt lưng đã điều trị nội khoa nhưng không hiệu quả. Thông qua phẫu thuật ghép xương sẽ giúp cho xương được làm liền, độ vững chắc giữa các đốt sống được cải thiện, nhờ đó mà chuyển động bất thường giữa các đốt sống kém vững cũng được loại bỏ.
Trượt đốt sống càng được phát hiện và chữa trị sớm càng có kết quả tối ưu
Hiệu quả điều trị trượt đốt sống ở từng bệnh nhân sẽ khác nhau vì nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Yếu tố mang tính chất quyết định cao nhất đối với hiệu quả trị bệnh là thời gian thực hiện. Càng điều trị sớm thì hiệu quả càng cao và tránh được các biến chứng không tốt như: liệt chi, teo cơ, bí tiểu,... Càng để bệnh kéo dài thì mức độ trượt càng nghiêm trọng, việc điều trị càng khó và nguy cơ biến chứng càng cao.
Những trường hợp vừa bị trượt đốt sống lưng vừa có bệnh đi kèm như loãng xương thì điều trị phẫu thuật dễ thất bại vì bắc ốc không vững chắc, độ hàn xương thấp.
Hy vọng những thông tin được chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn đọc nhận diện sớm được bệnh trượt đốt sống để không bỏ lỡ thời điểm tốt nhất cho việc điều trị bệnh. Chuyên khoa Xương khớp - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC là địa chỉ uy tín trong khám và điều trị các bệnh lý cột sống. Tại đây các bác sĩ chuyên khoa đầu ngành sẽ trực tiếp kiểm tra, chỉ định thực hiện các chẩn đoán có liên quan dưới sự hỗ trợ của hệ thống thiết bị y khoa hiện đại giúp người bệnh sớm có được kết quả chính xác trong thời gian ngắn từ đó đưa ra định hướng điều trị hiệu quả.
Mọi vướng mắc có liên quan đến bệnh lý này, bạn đọc cũng có thể gọi đến số điện thoại 1900 56 56 56, Tổng đài viên của bệnh viện luôn sẵn lòng chia sẻ những thông tin cần thiết về vấn đề mà bạn quan tâm.