Thuốc giảm đau chính là một trong những phát minh quan trọng của ngành y học hiện đại. Nhờ có thuốc giảm đau chúng ta đã không còn phải chịu đựng những cơn đau thể xác do bệnh tật gây ra. Vậy có những loại thuốc giảm đau nào và cần phải lưu ý gì khi sử dụng các thuốc này?
13/04/2022 | Những loại thuốc giảm đau răng cấp tốc bạn nên biết và lưu ý khi sử dụng 31/03/2022 | Nguyên nhân gây nhức mỏi cơ bắp kéo dài và cách giảm đau hiệu quả 28/03/2022 | Đau thần kinh tọa kiêng ăn gì và nên ăn gì để giảm đau?
1. Tìm hiểu chung về thuốc giảm đau
Thuốc giảm đau thuộc nhóm dược phẩm được sản xuất ra với mục đích là làm dịu và giảm thiểu tác động của những cơn đau mang lại cho người bệnh.
Trong cuộc sống sinh hoạt, vận động hàng ngày sẽ không thể tránh khỏi những chấn thương (bao gồm cả tổn thương ngoài da, xương khớp và các phủ tạng). Khi đó các loại thuốc giảm đau sẽ được ứng dụng để giảm bớt cảm giác đau cho bệnh nhân. Phụ thuộc vào tính chất cơn đau sẽ có chỉ định dùng thuốc phù hợp nhất.
Tuy không thể phủ nhận hiệu quả mà thuốc giảm đau đem lại nhưng không phải trường hợp nào cũng cần sử dụng loại thuốc này. Nếu bạn gặp phải các tình trạng dưới đây thì nên sử dụng thuốc giảm đau:
-
Cảm cúm, cảm lạnh, đau nhức đầu;
-
Đau khớp, đau cơ, đau lưng do vấn đề ở xương sống, thoát vị đĩa đệm;
-
Sinh nở, phẫu thuật hay gặp phải các chấn thương vật lý.
Thuốc giảm đau giúp xoa dịu những cơn đau thể xác do bệnh tật gây ra
2. Phân loại các thuốc giảm đau phổ biến hiện nay
Phụ thuộc vào loại bệnh lý mà bệnh nhân gặp phải sẽ áp dụng thuốc giảm đau khác nhau sao cho phù hợp. Điều này giúp đảm bảo sự an toàn và hiệu quả của thuốc. Dưới đây là 2 nhóm thuốc giảm đau phổ biến bạn có thể tham khảo:
Thuốc giảm đau không kê theo đơn
Đây là những thuốc bạn có thể dễ dàng tìm mua ở các quầy thuốc bán lẻ trên thị trường mà không cần đơn kê của bác sĩ. Công dụng của các thuốc này là giúp hạ sốt, giảm đau đầu, trị cảm cúm, giảm đau bụng kinh, thậm chí là đau nhức răng,... Những thuốc giảm đau không kê đơn thường không gây buồn ngủ, không chứa chất gây nghiện.
Nhóm thuốc này gồm 2 loại chính:
-
Thuốc giảm đau chứa paracetamol: là một trong các nhóm thuốc giảm đau phổ biến nhất dùng trong xoa dịu các cơn đau từ mức độ nhẹ cho tới vừa, đồng thời còn giúp hạ sốt;
-
Thuốc giảm đau kháng viêm không steroid: hay còn được gọi là nhóm NSAID gồm aspirin, piroxicam, indomethacin, meloxicam, diclofenac,... thường được dùng để trị cảm lạnh, nhức đầu, hạ sốt, viêm xoang.
Thuốc giảm đau kê đơn
Các thuốc giảm đau theo đơn là cần có chỉ định của bác sĩ, phù hợp với những trường hợp bị đau do tổn thương nghiêm trọng. Cơ chế hoạt động của các thuốc này là tác động vào tủy sống, não bộ và ống tiêu hóa giúp bệnh nhân giảm thiểu được cảm giác đau một cách đáng kể. Sau đây là một số loại thuốc giảm đau kê đơn thường được bác sĩ chỉ định:
-
Oxycodone: sử dụng khi bệnh nhân bị đau mức độ từ vừa cho đến nặng;
-
Morphine: dùng trước và sau khi mổ;
-
Hydrocodone: thường dùng kèm với paracetamol, phù hợp với những trường hợp có cơn đau từ vừa đến nặng;
-
Codeine: thường được kết hợp cùng paracetamol, dùng cho bệnh nhân đau từ nhẹ đến vừa.
Aspirin thuộc nhóm thuốc giảm đau kháng viêm không steroid
3. Một số lưu ý trong quá trình dùng thuốc giảm đau
Thuốc giảm đau là phương pháp giảm đau không thể thiếu trong cuộc sống. Tuy nhiên nếu dùng thuốc giảm đau quá liều hoặc không đúng cách có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng. Do đó trước khi dùng thuốc mỗi người nên chú ý những điều sau đây để không gặp phải sự cố ngoài ý muốn khi sử dụng thuốc giảm đau:
-
Đối với trẻ em: có một sự khác biệt khá lớn giữa cơ thể trẻ nhỏ và người lớn. Do đó khi chọn thuốc giảm đau bạn cần hết sức thận trọng. Chẳng hạn như aspirin không dành cho trẻ nhỏ dưới 16 tuổi vì có thể khiến trẻ mắc phải hội chứng Reye gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới gan và não;
-
Người lớn tuổi: việc dùng thuốc giảm đau ở người cao tuổi cũng cần được giám sát chặt chẽ bởi vì cơ thể người già cũng khác so với người trẻ tuổi. Họ dễ gặp phải nhiều tác dụng phụ hơn;
-
Phụ nữ có thai và các mẹ đang cho con bú: đây đều là những giai đoạn quan trọng và họ là những người có cơ địa nhạy cảm. Việc sử dụng bất kỳ loại thuốc nào (bao gồm cả thuốc giảm đau) đều sẽ ảnh hưởng đến cả mẹ và bé. Chính vì vậy trong thời kỳ này tốt nhất mẹ nên tránh dùng thuốc, nếu cần thiết phải sử dụng thì mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ trước nhé!
4. Thuốc giảm đau có thể gây ra những tác dụng phụ gì?
Bên cạnh tác dụng giảm đau hiệu quả, các thuốc giảm đau có thể gây ra những tác dụng phụ đi ngược lại lợi ích của chúng nếu bị dùng sai cách. Dưới đây là những tổn thương mà người bệnh có thể sẽ gặp phải khi dùng thuốc giảm đau:
-
Rối loạn tiêu hóa và viêm loét dạ dày: aspirin và nhóm thuốc NSAID nếu dùng với liều cao có thể làm tổn thương lớp niêm mạc trong của dạ dày, lâu ngày gây ra tình trạng viêm loét và xuất huyết dạ dày. Điều này xảy ra tương tự với các bộ phận khác của hệ tiêu hóa. Do đó nếu bạn đang bị viêm loét dạ dày hoặc có tiền sử gặp phải tình trạng này thì nên cẩn trọng khi dùng thuốc giảm đau. Tốt nhất bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng;
-
Tổn thương gan thận: nếu dùng paracetamol không đúng cách (quá liều, khoảng cách giữa các lần uống dày đặc,...) có thể gây suy gan thận, thậm chí nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời thì bệnh nhân có thể bị tử vong;
-
Các tác dụng phụ khác: thuốc giảm đau nhóm NSAID không phù hợp với những bệnh nhân hen suyễn, người dễ bị chảy máu, phụ nữ mang thai (nhất là thời kỳ 3 tháng cuối).
Cần hết sức lưu ý khi sử dụng các loại thuốc giảm đau
Trên đây là những thông tin giúp bạn hiểu rõ hơn về khái niệm, công dụng của một số loại thuốc giảm đau phổ biến hiện nay. Mặc dù đem lại ích lợi lớn trong y khoa nhưng thuốc giảm đau cũng tiềm ẩn một số rủi ro nhất định. Do đó bạn không nên tự kết hợp những thuốc này với các loại thuốc khác, đồng thời không được tự ý quyết định liều lượng để tránh nguy cơ gặp phải tác dụng phụ.
Nếu bạn đang gặp phải vấn đề sức khỏe nào đó, hãy liên hệ đặt lịch khám ngay qua tổng đài 1900 56 56 56 để tổng đài viên của MEDLATEC hỗ trợ tư vấn chi tiết hơn về dịch vụ tại viện.