Đờm được niêm mạc đường hô hấp tiết ra với mục đích duy trì độ ẩm và bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây bệnh xâm nhập. Nếu tình trạng viêm đường hô hấp xảy ra sẽ gây tiết ra nhiều đờm hơn, dẫn đến các triệu chứng ho có đờm, ngứa và đau họng. Nhiều loại thuốc long đờm đã được ra đời để giúp cải thiện triệu chứng này. Vậy thuốc long đờm gồm những loại nào? Khi dùng nhóm thuốc này bệnh nhân cần lưu ý những gì?
14/11/2022 | Trị ho bằng thuốc long đờm có hiệu quả không? Cần lưu ý gì khi dùng? 26/07/2022 | Các cách long đờm cho bé an toàn và đơn giản bố mẹ có thể tham khảo 19/07/2021 | Nếu sử dụng thuốc long đờm cho trẻ, bố mẹ nhất định phải biết
1. Tên các loại thuốc long đờm thường được sử dụng nhiều nhất hiện nay
Thuốc long đờm có công dụng chính là giúp làm loãng đờm, khiến kết cấu của các chất dịch do niêm mạc đường hô hấp tiết ra trở nên lỏng hơn và dễ được tống xuất ra ngoài cơ thể thông qua động tác ho và khạc nhổ.
Thuốc long đờm được chia thành 2 loại như sau:
1.1. Thuốc làm tăng tiết dịch
Cơ chế tăng tiết dịch của thuốc long đờm giúp cuốn trôi các tác nhân gây hại ra khỏi đường hô hấp. Cơ chế này tuân theo 2 loại như sau:
-
Trực tiếp kích thích các tế bào tiết dịch trong đường hô hấp: thuốc chứa các tinh dầu có tác dụng sát khuẩn, cụ thể là các chất như guaiacol, eucalyptol. Những chất này rất dễ bay hơi. Trong đó thuốc Guaiacol long đờm không dành cho trẻ dưới 30 tháng tuổi.
-
Gián tiếp tăng tiết dịch qua các phó giao cảm receptor phân bố ở dạ dày, từ đó tạo nên các phản xạ kích thích dịch nhầy tiết ra tại đường hô hấp. Các thuốc này bao gồm:
-
Natri benzoat: uống từ 1 - 4g/ngày. Cần chú ý đến thời gian dùng thuốc vì dùng lâu dài có thể gây tích tụ natri trong máu;
-
Natri iodid và Kali ioid: uống từ 1 - 2g/ngày. Nếu sử dụng kéo dài có thể làm tích tụ iod. Không phù hợp cho phụ nữ có thai, trẻ nhỏ và người bị bướu giáp;
-
Amoni acetat: liều dùng áp dụng từ 0,5 - 1g/ngày. Không dành cho bệnh nhân bị suy thận hoặc suy gan.
Bên cạnh công dụng nêu trên, thuốc long đờm cũng có thể gây ra các tác dụng không mong muốn như gây buồn nôn và đau dạ dày.
Các thuốc long đờm giúp làm loãng đờm để chất dịch nhầy này dễ tống xuất ra khỏi đường thở
1.2. Thuốc làm tiêu chất nhầy
Đây là nhóm thuốc long đờm giúp chia nhỏ cấu trúc của chất nhầy, đờm đặc nhờ các hoạt chất đặc biệt chứa trong thuốc. Tác dụng này hỗ trợ làm lỏng đờm nhớt, từ đó bệnh nhân sẽ dễ dàng ho khạc chúng ra ngoài. Sau đây là 2 loại điển hình của nhóm thuốc này:
Bromhexin
Tác dụng của Bromhexin là giúp tăng cường tổng hợp sialomucin (một chất giúp làm lỏng và thay đổi cấu trúc đờm nhất). Thuốc thường được dùng trong những trường hợp bị rối loạn hô hấp với biểu hiện là ho có đờm. Nếu bệnh nhân sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp thì thuốc Bromhexin sẽ hỗ trợ tăng hiệu quả đáp ứng với kháng sinh.
Thuốc long đờm Bromhexin được dùng theo cách sau:
-
Trong quá trình sử dụng cần tránh phối hợp Bromhexin với thuốc ho vì điều này có thể khiến dịch đờm dễ bị ứ đọng nhiều trong đường hô hấp;
-
Bromhexin nếu sử dụng theo dạng khí dung có thể gây ra phản ứng phụ là gây co thắt phế quản, gây ho nên không dành cho người có cơ địa nhạy cảm;
-
Bệnh nhân bị hen suyễn, có tiền sử suy gan, viêm loét dạ dày tá tràng, suy thận nặng,... cần hết sức thận trọng khi dùng thuốc long đờm Bromhexin;
-
Các tác dụng không mong muốn khác bao gồm: chóng mặt, tăng men gan nhẹ, phát ban ngoài da, rối loạn tiêu hoá, nhức đầu,...
Liều dùng khuyến cáo:
-
Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi: 1mg/lần, uống khoảng 3 lần/ngày;
-
Trẻ từ 2 - 5 tuổi: 4mg/lần, uống khoảng 4 lần/ngày.
-
Đối với trẻ trên 10 tuổi và người lớn: sử dụng từ 8 - 16mg/lần, chia thành 3 lần/ngày.
-
Tổng thời gian dùng Bromhexin để điều trị là không quá 8 - 10 ngày kể từ khi bắt đầu sử dụng.
Thuốc được bào chế theo nhiều dạng thức khác nhau như tiêm bắp, khí dung, tiêm tĩnh mạch chậm. Việc dùng thuốc cần tuân theo chỉ định của bác sĩ.
Khí dung là một trong những dạng bào chế của thuốc long đờm
N-acetylcystein:
Thuốc có cấu trúc thiol tự do và có khả năng làm phân rã các liên kết disulfide trong chất đờm đặc, giúp làm loãng các khối đờm này và hỗ trợ tống xuất chất đờm ra ngoài đường thở một cách dễ dàng.
Các lưu ý trong quá trình dùng thuốc:
-
Thuốc không chỉ định cho bệnh nhân có tiền sử hen suyễn (vì thuốc có khả năng kích thích bộc phát các cơn co thắt phế quản);
-
Không dùng thuốc đồng thời với các thuốc ức chế ho hoặc thuốc làm giảm tiết dịch phế quản;
-
Có thể gặp phải các tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, đau đầu và buồn ngủ.
Liều lượng khi dùng thuốc:
-
Đối với dạng khí dung: dùng theo hướng dẫn của bác sĩ. Có thể kết hợp thuốc với máy hỗ trợ hút đờm, nhất là trong trường hợp bệnh nhân không còn khả năng phản xạ ho, không tự loại bỏ đờm ra khỏi đường thở;
-
Đối với dạng viên uống:
-
Trẻ em từ 2 - 7 tuổi: 200mg/lần, uống 2 lần/ngày;
-
Người lớn: 200mg/lần, chia thành 3 lần/ngày. Trẻ trên 7 tuổi áp dụng liều dùng như người lớn.
Bên cạnh 2 loại thuốc nêu trên, các thuốc long đờm khác có cùng cơ chế tiêu nhầy bao gồm mucothiol, carbocysteine, mecysteine,... Ngày nay, ngoài acetylcystein và bromhexin là những thuốc đơn chất còn có các thuốc ho cũng được thêm sẵn có thành phần có tác dụng long đờm.
2. Một số lưu ý chung khi sử dụng thuốc long đờm
Trong quá trình sử dụng thuốc long đờm, bệnh nhân có thể gặp phải những tác dụng không mong muốn như sau:
-
Thuốc không phù hợp với bệnh nhân bị hen suyễn do các hợp chất chứa trong thuốc có thể gây khởi phát các cơn hen;
-
Thuốc có khả năng làm lỏng cấu trúc chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày, dẫn tới loét dạ dày. Do đó bệnh nhân bị viêm loét dạ dày - tá tràng nên tránh sử dụng.
Thuốc long đờm không phù hợp đối với những người bị hen suyễn
Trẻ em là đối tượng dễ bị cảm lạnh gây ra triệu chứng ho, trong đó bao gồm cả ho có đờm. Vì vậy khi trẻ bị cảm, cha mẹ nên chú ý giữ ấm cơ thể trẻ, tăng cường bổ sung vitamin thông qua việc cho trẻ uống nước thường xuyên và ăn uống đủ chất. Điều này có thể giúp trẻ tự khỏi ho và cảm lạnh sau thời gian ngắn mà không cần dùng thuốc.
Khi nhận thấy các dấu hiệu ho có đờm ở trẻ, cha mẹ không nên tự ý mua thuốc cho trẻ sử dụng. Nếu tình trạng trẻ ho có đờm không được cải thiện sau khi đã tích cực chăm sóc tại nhà, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để được hướng dẫn điều trị từ bác sĩ chuyên khoa.
Mong rằng những thông tin nêu trên đã giúp bạn có thêm một số kiến thức cơ bản về các loại thuốc long đờm. Tùy từng trường hợp cụ thể sẽ áp dụng loại thuốc phù hợp nhất.
Để được tư vấn kỹ lưỡng hơn về tình trạng ho có đờm hay các bệnh lý xảy ra tại đường hô hấp khác, bạn có thể liên hệ qua tổng đài 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Tổng đài viên sẽ hỗ trợ quý khách hàng đặt lịch khám cùng các chuyên gia.