Nhiễm virus viêm gan E tuy không phải là căn bệnh truyền nhiễm phổ biến nhưng nó lại có khả năng làm tổn thương gan nhanh chóng, có thể gây ra nhiều hệ lụy xấu cho sức khỏe. Vậy hệ lụy xấu là gì, làm sao để nhận biết và xử lý với căn bệnh này, bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp băn khoăn ấy.
17/11/2021 | Chuyên gia chỉ ra cách phân biệt viêm gan B với viêm gan E 28/06/2021 | Bạn nên biết: bệnh viêm gan E có lây qua đường gì không 05/06/2020 | Xét nghiệm anti HEV IgG có ý nghĩa gì trong bệnh viêm gan E?
1. Virus viêm gan E là gì, có lây truyền không
Virus viêm gan E (HEV) là tác nhân gây ra bệnh viêm gan E - một bệnh lý truyền nhiễm cấp tính được tìm thấy vào năm 1955 trong một đợt đại dịch ở New Delhi, thuộc Ấn Độ. Virus này chủ yếu lây qua đường phân và miệng. Nó được đào thải qua đường phân của người hay động vật nhiễm bệnh rồi qua đường ăn uống chứa mầm bệnh không được nấu chín để xâm nhập vào cơ thể và lây sang người khác.
Virus viêm gan E - tác nhân gây bệnh viêm gan E
Các con đường khác cũng có thể làm lây nhiễm virus viêm gan E gồm:
- Ăn thịt sống hoặc sản phẩm làm từ thịt sống.
- Máu hay chế phẩm máu của người bị viêm gan E truyền cho người khác.
- Mẹ truyền cho con trong thai kỳ.
2. Mức độ nguy hiểm và cách thức nhận biết nhiễm virus viêm gan E
2.1. Sự nguy hiểm do virus viêm gan E gây ra
Virus viêm gan E có thể gây ra những bệnh lý nguy hiểm như:
- Viêm gan E cấp
Hầu hết các trường hợp nhiễm virus viêm gan E không có triệu chứng đặc biệt và tự khỏi trong khoảng 4 - 6 tuần. Những trường hợp khác có thời gian ủ bệnh khoảng 15 - 60 ngày và có triệu chứng sau khoảng 40 ngày phơi nhiễm như: mệt mỏi, sốt, cơ khớp đau mỏi, chán ăn, buồn nôn, bị nôn.
Một số ít trường hợp bị viêm gan E cấp có triệu chứng vàng mắt, vàng da, đi ngoài phân màu màu, nước tiểu sẫm màu, da ngứa. Tuy tỷ lệ rất ít nhưng vẫn có trường hợp bị tiến triển nặng gây suy gan cấp. Đặc biệt, thai phụ bị viêm gan E có thể tỷ lệ tử vong khoảng 10 - 30%. Những người mắc bệnh gan mạn tính từ trước hoặc người đã ghép tạng đang phải điều trị thuốc ức chế miễn dịch thì nhiễm virus viêm gan E có thể thúc đẩy tiến triển suy gan, gây gan mất bù và dẫn đến tử vong.
- Viêm gan E mạn tính
Các trường hợp tiến triển viêm gan E cấp tính thành mạn tính chủ yếu xảy ra ở bệnh nhân được ghép tạng đặc, người phải điều trị thuốc ức chế miễn dịch.
Virus viêm gan E thường khiến cho tròng mắt người bệnh có màu vàng
- Có biểu hiện khác ngoài gan:
+ Biến chứng thần kinh: liệt dây VII ngoại biên, viêm não màng não cấp, bệnh teo cơ thần kinh, viêm tủy ngang cấp tính,...
+ Giảm sản tủy, huyết tán, giảm tiểu cầu,...
+ Viêm tụy cấp tính có liên quan đến HEV.
+ Bệnh lý rối loạn miễn dịch có liên quan tới nhiễm HEV như: viêm cầu thận, viêm mao mạch dị ứng, hội chứng cryoglobulin niệu,...
2.2. Cách thức nhận biết bị nhiễm virus viêm gan E
Tùy vào mức độ nhiễm virus viêm gan E mà người bệnh có thể có những dấu hiệu sau:
- Với trường hợp bị nhiễm trùng cấp tính
+ Da hoặc tròng mắt có màu vàng.
+ Buồn nôn, nôn khan.
+ Mệt mỏi.
+ Đau bụng nhiều ở phần bụng trên gan.
+ Nước tiểu sẫm màu.
+ Phân màu đất sét.
Hầu hết các trường hợp bị nhiễm virus viêm gan E cấp tính không có dấu hiệu ở giai đoạn ủ bệnh.
- Với trường hợp bị nhiễm trùng mạn tính
Đây là trường hợp ít khi xảy ra nhưng nếu người bệnh bị suy yếu hệ thống miễn dịch hoặc ghép nội tạng thì virus viêm gan E có thể gây ra một số dấu hiệu nghiêm trọng như: xơ gan, suy gan tối cấp.
3. Làm cách nào để chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa viêm gan E
3.1. Cách thức chẩn đoán
Về cơ bản thì virus viêm gan E không gây ra triệu chứng lâm sàng đặc hiệu nên rất dễ nhầm lẫn với các trường hợp viêm gan virus khác. Do đó, việc chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào xét nghiệm kháng thể kháng HEV-IgM trong huyết thanh và HEV ARN trong phân hoặc máu.
3.2. Phương pháp điều trị
Mục đích chính của việc điều trị viêm gan E là điều trị là loại bỏ virus ra khỏi cơ thể. Những trường hợp có hệ thống miễn dịch bình thường thì bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Đối với những trường hợp này bác sĩ sẽ tư vấn liệu pháp hỗ trợ như: bổ sung đủ nước cho cơ thể, không uống rượu bia, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, có chế độ nghỉ ngơi khoa học.
Xét nghiệm máu tìm HEV ARN góp phần chẩn đoán viêm gan E
Với những trường hợp bị virus viêm gan E mạn tính, bác sĩ có thể cân nhắc dùng thuốc kháng virus. Người bệnh bắt buộc phải tuân theo chỉ định của bác sĩ về việc dùng thuốc thì mới đạt được hiệu quả và đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Ngoài ra, bị viêm gan E mạn tính còn có thể áp dụng liệu pháp kìm hãm miễn dịch nhưng ảnh hưởng của thuốc ức chế miễn dịch tới bệnh lý này vẫn chưa được nghiên cứu kỹ. Theo đó, ở một số người được ghép tạng rắn, bằng cách giảm tạm thời mức độ kìm hãm miễn dịch có thể đào thải hoàn toàn virus ra khỏi cơ thể.
3.3. Biện pháp phòng ngừa virus viêm gan E
Như đã nói ở trên, virus viêm gan E có thể gây ra nhiễm trùng cấp tính và dẫn đến viêm gan. Để phòng ngừa tình trạng này, tốt nhất nên thực hiện các biện pháp sau:
- Tránh tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm hoặc các loại thực phẩm chưa được nấu chín.
- Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thường xuyên rửa tay bằng dung dịch diệt khuẩn.
Về cơ bản, đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị virus viêm gan E. Hầu hết các trường hợp điều trị bệnh được thực hiện bằng cách sử dụng thuốc ức chế virus phát triển kết hợp với việc nghỉ ngơi hợp lý và ăn uống đủ chất để kích thích cơ thể tăng sản sinh kháng thể chống lại sự tấn công của virus. Người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, không được tự ý dùng thuốc không có chỉ định hay bỏ ngang phác đồ điều trị.
Ngoài những thông tin được chia sẻ trên đây, nếu còn thắc mắc nào liên quan đến bệnh viêm gan E, bạn đọc có thể gọi trực tiếp tổng đài 1900 56 56 56. Tại đây, bạn sẽ được chuyên gia y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC giải đáp và chia sẻ đầy đủ những thông tin cần thiết và chính xác.