Nghiến răng khi ngủ là tật xấu mà nhiều trẻ nhỏ và người lớn gặp phải, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, hàm răng của người bệnh mà còn làm ảnh hưởng tới giấc ngủ của người bên cạnh. Người mắc chứng nghiến răng khi ngủ cần tìm cách để cải thiện chứng bệnh này, giúp họ có giấc ngủ ngon và khỏe mạnh hơn.
22/09/2022 | Chuyên gia giải thích lý do nên khổ răng khôn trước khi mang thai 19/09/2022 | Mọi điều cần biết về phương pháp nhổ răng bằng máy Piezotome 15/09/2022 | Thay răng sữa ở trẻ và những lưu ý quan trọng
1. Nguyên nhân khiến bạn nghiến răng khi ngủ
Khi tức giận hoặc khó chịu, mỗi người thường thực hiện một số hành động giải tỏa và nghiến răng là một trong những hành động như vậy. Tuy nhiên, nhiều người nghiến răng khi ngủ khi bản thân không hề ý thức được việc này, thậm chí nghiến răng một cách thường xuyên và kéo dài. Tiếng nghiến răng gây khó chịu rất nhiều cho người xung quanh, hơn nữa còn làm tổn thương hàm và gây nhiều biến chứng sức khỏe.
Tật nghiến răng khi ngủ ảnh hưởng lớn đến giấc ngủ của bạn và người xung quanh
Các nhà khoa học xếp chứng nghiến răng khi ngủ thường xuyên là tình trạng rối loạn vận động liên quan đến giấc ngủ, giấc như ngáy hay chứng ngưng thở khi ngủ. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này thường kết hợp từ nhiều yếu tố tâm lý, vật lý và di truyền như:
-
Cảm xúc tiêu cực trong cuộc sống hàng ngày không được giải tỏa như: stress, tức giận, thất vọng, căng thẳng,...
-
Chứng nhai kích động khi ngủ.
-
Thói quen nghiến răng khi quá tập trung hoặc tức giận.
Nghiến răng khi ngủ có thể do cảm xúc tiêu cực trong cuộc sống
Bên cạnh đó, chứng nghiến răng khi ngủ thường nặng hơn khi kết hợp với các yếu tố nguy cơ như:
Tuổi tác
Chứng nghiến răng khi ngủ khá phổ biến ở trẻ nhỏ do trẻ chưa làm chủ được cảm xúc của bản thân, chứng này thường được cải thiện khi trẻ lớn lên.
Stress
Khi lo lắng và stress quá mức không được giải tỏa, tình trạng nghiến răng khi ngủ sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.
Thuốc và chất kích thích
Các nhà khoa học đã chứng minh, các loại thuốc tác dụng đến thần kinh như thuốc điều trị tâm thần, thuốc chống trầm cảm,... có gây tác dụng phụ làm nặng chứng nghiến răng khi ngủ. Các thức uống chứa chất kích thích như rượu, bia, cà phê,... cũng có tác dụng tương tự.
Tính cách
Những người có tính cách mạnh mẽ, thích cạnh tranh, hay kích động có nguy cơ mắc chứng nghiến răng khi ngủ cao hơn so với những người có tính cách nhẹ nhàng.
Di truyền
Chứng nghiến răng khi ngủ có tính di truyền, nghĩa là bạn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nếu trong gia đình cũng có thành viên có chứng bệnh này.
Mắc hội chứng rối loạn khác
Tình trạng nghiến răng khi ngủ thường đi kèm với những người mắc chứng rối loạn tâm thần như: chứng mất trí, hội chứng rối loạn giấc ngủ, bệnh Parkinson, trào ngược dạ dày, động kinh,...
Nghiến răng khi ngủ thường gặp ở người bị rối loạn tâm thần
Để xác định nguyên nhân, hỗ trợ điều trị chứng nghiến răng khi ngủ hiệu quả, bác sĩ sẽ tìm hiểu thói quen sinh hoạt, thói quen ngủ, tính cách và sức khỏe của người bệnh.
2. Tại sao cần trị chứng nghiến răng khi ngủ?
Thực tế tình trạng nghiến răng khi ngủ thường không gây biến chứng nguy hiểm và nghiêm trọng, tuy nhiên vẫn cần điều trị cải thiện nếu ở mức độ nặng và thường xuyên. Một số tác hại có thể gặp do chứng nghiến răng khi ngủ bao gồm: rối loạn khớp thái dương hàm, đau nhức đầu, đau mặt, đau hàm nặng, biến dạng, răng nhạy cảm, phục hình răng thay đổi,...
Nếu chứng nghiến răng khi ngủ, bạn có thể tự trị tại nhà bằng cách thay đổi thói quen, hành vi và giải tỏa tâm lý cho bản thân. Tuy nhiên nếu mức độ bệnh nặng, thậm chí gây biến chứng thì bạn nên sớm tìm đến bác sĩ chuyên khoa để được khám và tư vấn cách khắc phục.
3. Biện pháp giúp trị chứng nghiến răng khi ngủ
Tùy vào nguyên nhân gây ra chứng nghiến răng khi ngủ mà biện pháp điều trị cũng khác nhau, mục tiêu chung là giảm dần tình trạng nghiến răng và khắc phục ảnh hưởng như: giảm đau, phục hình, giảm ảnh hưởng đến răng, khớp thái dương hàm,....
Chứng nghiến răng khi ngủ có thể gây đau, nhức hàm răng
Các biện pháp thường áp dụng để trị chứng nghiến răng khi ngủ bao gồm:
3.1. Kiểm soát stress
Căng thẳng tinh thần là yếu tố hàng đầu gây tình trạng nghiến răng khi ngủ cũng như các dạng rối loạn khác. Một số cách có thể giúp bạn kiểm soát stress bao gồm: tập thể dục, thư giãn tinh thần, đi ngủ đúng giờ và đủ thời gian, massage cơ mặt, hạn chế dùng chất kích thích, thay đổi môi trường ngủ dễ chịu thoáng mát,...
3.2. Sử dụng thuốc
Thực tế chứng nghiến răng khi ngủ không thể điều trị bằng thuốc để loại bỏ tật xấu này hoàn toàn mà chỉ có thể làm giảm tác hại đến răng và các cơ quan xung quanh. Thuốc thường được bác sĩ chỉ định dùng bao gồm:
-
Thuốc giãn cơ, thuốc giảm đau: Giảm sự căng cơ quá mức do nghiến răng không kiểm soát và đau đớn do nghiến răng khi ngủ gây ra.
-
Thuốc chống trầm cảm, giảm lo lắng trong thời gian ngắn: với mục đích giảm stress hay các cảm xúc tiêu cực gây chứng nghiến răng khi ngủ.
-
Tiêm botox với các trường hợp mắc chứng nghiến răng khi ngủ nặng, không đáp ứng với phương pháp điều trị khác.
3.3. Can thiệp nha khoa
Can thiệp nha khoa chủ yếu để bảo vệ răng, tránh tác hại của việc nghiến răng khi ngủ gây ra song cũng không thể loại bỏ hoàn toàn tật xấu này. Bác sĩ sẽ lấy khuôn răng và chế tạo máng chống nghiến, bảo vệ răng tránh mài mòn do nghiến răng khi ngủ.
Máng chống nghiến răng giúp bảo vệ răng khi bệnh nhân nghiến răng
Hiện nay có một số loại máng chống nghiến răng còn có tác dụng điều chỉnh thói quen vận động hàm dần dần, từ đó giảm tần suất nghiến răng. Nếu khớp cắn bị lệch, bác sĩ cũng có thể tư vấn điều chỉnh khớp cắn đúng vị trí để giảm ảnh hưởng đến cơ nhai và răng.
Như vậy qua bài viết này, có thể thấy chứng nghiến răng khi ngủ dù không nguy hiểm và gây biến chứng nặng nhưng ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe răng miệng và chất lượng giấc ngủ. Để điều trị, cần xác định được nguyên nhân và kiên trì theo phương pháp phù hợp.
Nếu cần tư vấn thêm, liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ hoàn toàn miễn phí từ chuyên gia.