Nhiễm giun sán là bệnh rất thường gặp ở trẻ nhỏ do trẻ chưa biết cách giữ gìn vệ sinh, phòng ngừa bệnh tốt cũng như hệ tiêu hóa của trẻ còn chưa hoàn thiện. Cha mẹ cần có những kiến thức về một số bệnh giun sán hay gặp ở trẻ để nhận biết sớm và điều trị kịp thời, tránh gặp phải những biến chứng nguy hiểm.
20/10/2021 | Trẻ bao tuổi có thể tẩy giun và dấu hiệu trẻ bị nhiễm giun là gì? 20/10/2021 | Điểm danh các loại thuốc tẩy giun dành cho trẻ an toàn 31/10/2020 | Giun móc: Triệu chứng và cách phòng bệnh hiệu quả
1. Bác sĩ chỉ rõ một số bệnh giun sán hay gặp ở trẻ
Việt Nam là đất nước có tỷ lệ trẻ mắc bệnh giun sán cao trong nhóm các nước đang phát triển, có điều kiện khí hậu nhiệt đới. Một số loại giun sán phổ biến bao gồm: giun kim, giun đũa, giun móc, giun tóc,... Trẻ mắc các bệnh giun sán khác nhau sẽ có triệu chứng khác nhau, song đều có đặc điểm chung là gây đau bụng, ảnh hưởng đến tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng.
Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị nhiễm giun sán
Nhiều trường hợp trẻ mắc đồng thời nhiều bệnh giun sán khác nhau trong thời gian dài không được phát hiện dẫn đến gặp nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Dưới đây là thông tin về một số bệnh giun sán hay gặp ở trẻ nhỏ:
1.1. Nhiễm giun kim
Trẻ nhiễm giun kim nhiều nhất là ở độ tuổi từ 3 - 7 tuổi, khi trẻ bắt đầu đi nhà trẻ, mẫu giáo và thích đùa nghịch nhiều hơn. Trong quá trình chơi đùa hoặc tiếp xúc với trẻ khác, trẻ không may nuốt phải trứng giun kim sẽ nhiễm phải căn bệnh này.
Triệu chứng điển hình nhất khi trẻ nhiễm giun kim là ngứa vùng hậu môn vào ban đêm do thời điểm này giun kim sẽ di chuyển từ ruột ra rìa hậu môn để đẻ trứng. Nhiều trẻ khi ngủ do ngứa mà vô thức dùng tay gãi hoặc thậm chí mất ngủ, nếu không vệ sinh tốt trứng giun sẽ đi ngược trở lại khi trẻ đưa tay lên miệng và tiếp tục tái nhiễm.
Nhiễm giun kim khiến trẻ bị khó chịu
Ngoài triệu chứng trên, cha mẹ cũng có thể quan sát thấy trẻ nhiễm giun kim sẽ xuất hiện những chấm đỏ li ti quanh vùng rìa hậu môn. Đây là những vết cắn của giun kim để lại khi di chuyển tới vị trí này để đẻ trứng.
Để chẩn đoán nhiễm giun kim, bác sĩ sẽ dựa trên triệu chứng và có thể xét nghiệm tìm trứng giun trong phân.
1.2. Nhiễm giun đũa
Khác với giun kim, triệu chứng lâm sàng khi trẻ mắc giun đũa đa dạng và nguy hiểm hơn, nhiều trường hợp không có triệu chứng gì. Triệu chứng cụ thể bao gồm: ho dai dẳng, có thể thở khò khè, khó thở, sốt không thường xuyên, xuất hiện ấu trùng ở phế nang và phế quản dẫn đến viêm phổi, viêm phế quản nặng. Tổn thương này có thể được quan sát rõ khi chụp X-quang.
Giun đũa có kích thước lớn hoạt động trong hệ tiêu hóa của trẻ sẽ gây ra nhiều rối loạn với triệu chứng như: tiêu chảy, táo bón đan xen, đau bụng, buồn nôn và nôn mửa, khó tiêu,... Đôi khi trẻ còn có triệu chứng khác như nổi mẩn đỏ trên da, đau đầu, người xanh xao, chán ăn,...
Nếu không điều trị loại bỏ giun sớm, trẻ nhiễm giun sán có thể nguy hiểm đến sức khỏe khi lượng lớn giun sán cuộn lại thành búi gây tắc ruột hoặc chui vào ống mật gây viêm túi mật, tắc mật,... Khi có triệu chứng nghi ngờ, bác sĩ sẽ chẩn đoán bằng soi phân tìm trứng giun hoặc xét nghiệm máu.
Soi phân là phương pháp thường để chẩn đoán nhiễm giun sán
1.3. Nhiễm giun móc
Khác với các loại giun sán khác, giun móc xâm nhập vào cơ thể trẻ thông qua ấu trùng đi ngang qua da. Căn bệnh này được chia thành 3 thời kỳ diễn biến như sau:
-
Thời kỳ xâm nhập: Nhiễm ấu trùng qua da. Lúc này trẻ sẽ có những triệu chứng trên da như nốt vết sần đỏ, kích thước khoảng bằng đầu tim gây ngứa nhưng tự hết sau 3 - 4 ngày.
-
Thời kỳ chu du: Ấu trùng từ xâm nhập ở da sẽ đi vào phổi, quá trình này triệu chứng khá kín đáo. Một số trường hợp ấu trùng gây hại cho phổi gây triệu chứng ho khan, khàn tiếng, khó phát âm,...
-
Thời kỳ toàn phát: Lúc này ấu trùng sẽ trở thành giun móc, phát triển mạnh mẽ và gây rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng như: viêm tá tràng, táo bón, tiêu chảy kéo dài,... Trẻ nhiễm giun nặng bị thiếu máu, suy nhược cơ thể thấy rõ.
1.4. Nhiễm giun tóc
Nhiễm giun tóc thường không nguy hiểm và kéo dài như các loại bệnh giun sán khác. Nếu trẻ bị nhẹ hoặc mới nhiễm giun thường không có triệu chứng. Song vẫn có trường hợp nhiễm bệnh nặng với các triệu chứng: thiếu máu, sa trực tràng, tiêu chảy kéo dài không rõ nguyên do.
Tỷ lệ nhiễm giun ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ nước ta khá cao
Tỷ lệ nhiễm giun sán ở trẻ em hiện nay đang ở mức cao, do vậy cha mẹ cần tự trang bị kiến thức để giúp trẻ phòng ngừa, phát hiện sớm để điều trị ngay khi nhiễm bệnh. Để phòng bệnh hiệu quả, hãy cùng tìm hiểu những nguyên nhân có thể khiến trẻ nhiễm giun sán.
2. Nguyên nhân thường gặp khiến trẻ bị nhiễm giun sán
Có đến 70 - 80% trẻ em nhiễm giun sán ít nhất một lần trong thời gian thơ ấu, nhiều trẻ mắc tái đi tái lại nhiều lần do những nguyên nhân sau:
2.1. Ăn, uống không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Nếu trẻ ăn các thức ăn chưa được nấu chín, không được rửa sạch như các loại rau sống, món ăn tái,... có nguy cơ nhiễm ấu trùng giun sán. Ngoài những bệnh giun sán thường gặp trên, trẻ có thể mắc các loại ký sinh trùng nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao như: sán lá gan, sán dây bò, sán lợn,...
2.2. Không tẩy giun cho trẻ định kỳ
Trẻ nhỏ dễ nhiễm giun sán do hệ vi sinh đường ruột chưa hoàn thiện cũng như thói quen sinh hoạt, ăn uống chưa đảm bảo vệ sinh tốt. Vì vậy các chuyên gia khuyến cáo, nên tẩy giun định kỳ cho trẻ 6 tháng/lần, nhất là những trẻ đã có tiền sử nhiễm giun sán. Các thành viên trong gia đình cũng cần tẩy giun định kỳ để phòng ngừa lây lan bệnh cho trẻ.
2.3. Vệ sinh cá nhân không tốt
Giun sán không chỉ xâm nhập qua đường tiêu hóa mà còn qua những vết thương hoặc vùng da hở, do vậy giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ là rất quan trọng. Trẻ không rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, bảo vệ vùng da hở khi tiếp xúc với nguồn bệnh thì nguy cơ nhiễm giun sán rất cao. Đặc biệt cha mẹ cần dạy trẻ bỏ thói quen đưa tay lên miệng hoặc bất cứ vật gì dưới đất để ngậm.
Trẻ có thể nhiễm giun sán do thói quen đưa đồ vật lên miệng
2.4. Vệ sinh không gian sống quanh trẻ không tốt
Ngoài nguyên nhân từ trẻ, các vật dụng cá nhân, đồ chơi,... của trẻ không được vệ sinh tốt có thể là vật trung gian gây nhiễm giun sán ở trẻ. Ngoài ra, chơi đùa với thú nuôi cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ nhiễm giun sán từ vật nuôi nhiễm bệnh.
Nếu trẻ đang có những triệu chứng nghi ngờ nhiễm giun, hãy liên hệ qua hotline 1900 56 56 56 để được các chuyên gia Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC tư vấn.