Móng chân mọc ngược hay còn gọi là móng quặp là tình trạng khi móng chân phát triển dài ra thường chọc vào thịt khiến người bệnh đau đớn, có trường hợp còn bị chảy mủ và nhiễm trùng. Vậy có cách nào giúp khắc phục hiện tượng này không? Câu trả lời sẽ có trong bài viết dưới đây.
21/06/2022 | Xử lý ra sao khi móng chân mọc ngược - Đừng bỏ qua 5 cách sau! 14/06/2022 | Bị bật móng tay chân bao lâu thì khỏi? Cần xử lý vết thương như thế nào? 05/08/2021 | Cách điều trị dứt điểm nấm móng tay, móng chân đơn giản và hiệu quả
1. Thế nào là móng chân mọc ngược?
Móng chân mọc ngược xảy ra khi thân móng không mọc thẳng như bình thường mà thay vào đó là quặp lại cắm sâu vào phần thịt ở khóe ngón chân khiến người bệnh bị đau nhức rất khó chịu. Nếu không sớm giải quyết tình trạng này có thể cản trở việc di chuyển, vận động hàng ngày. Phần thịt bị móng chân đâm phải sẽ bị chảy máu, chảy mủ thậm chí là nhiễm trùng máu hoặc nhiễm trùng xương vô cùng nguy hiểm.
Có không ít trường hợp bị móng chân mọc ngược từ mức độ nhẹ đến nặng. Móng quặp không chỉ xuất hiện ở ngón chân mà có khi còn xảy ra ở móng tay.
Nếu phát hiện và xử lý sớm móng chân mọc ngược thì sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Tuy nhiên trên thực tế có những người khi gặp phải tình huống này thường chủ quan, đến khi bị nặng mới đi chữa trị dẫn tới biến chứng nhiễm trùng tại chỗ, nhiễm trùng lan đến xương và nghiêm trọng nhất là nhiễm trùng máu. Điều này gây nhiều khó khăn cho việc điều trị và có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được xử lý kịp thời và đúng cách.
Móng chân mọc ngược sẽ khiến phần móng của bệnh nhân bị sưng đau khó chịu
Ở những bệnh nhân bị đái tháo đường thì móng chân mọc ngược thực sự là nỗi ám ảnh bởi vì họ thường bị tổn thương dây thần kinh bàn chân nên mất cảm giác đau. Do đó họ sẽ khó phát hiện tình trạng móng quặp, nhiều khi nhìn bên ngoài chỉ như một vết sưng nhỏ nhưng rất có thể bên trong đã bị viêm và hoại tử nặng.
Người bị tiểu đường mạn tính chỉ cần trên chân xuất hiện một vết thương nhỏ cũng rất nguy hiểm. Nguyên nhân là vì tỷ lệ hoại tử mô, nhiễm trùng xương và máu cao hơn gấp nhiều lần so với người bình thường, có trường hợp thậm chí cần phải đoạn chi để ngăn ngừa nhiễm trùng lan rộng.
2. Móng chân mọc ngược là do đâu?
Tác động của nội lực và ngoại lực giúp móng chân phát triển một cách ổn định và cân bằng. Trong đó nội lực chính là lực từ dưới móng đẩy lên, còn ngoại lực là lực phía trên móng đẩy xuống (không có sự tác động của cơ thể). Ở nhiều trường hợp khi nội lực bị ngoại lực lấn át sẽ khiến móng bị cong xuống, khi dài ra sẽ chọc vào thịt khiến bệnh nhân đau nhức khó chịu.
Dưới đây là những nguyên nhân điển hình dẫn đến tình trạng móng quặp:
-
Cắt móng chân quá sâu, quá ngắn: cắt khóe sẽ khiến móng chân không mọc theo định hướng cũ, khi phần móng mới mọc lên sẽ đâm vào thịt;
-
Tái phát nhiều lần chấn thương nhỏ do tập luyện các bộ môn như khiêu vũ, bóng rổ, chạy bộ,...;
-
Mang giày dép quá chật không phù hợp với kích thước của bàn chân;
-
Bất thường về cấu trúc của ngón chân và bàn chân: ngón cái bị vẹo, ngón chân hình càng cua, bàn chân bẹt,...;
-
Do bệnh lý: bị mắc bệnh nấm móng, người có thể trạng béo phì, suy thận, suy tim, viêm khớp bàn ngón chân mạn tính, tiểu đường, bệnh lý mạch máu chi dưới,...;
-
Tác dụng phụ khi dùng thuốc điều trị ung thư.
3. Biểu hiện móng chân mọc ngược
Móng chân mọc ngược thường gây nhiều đau đớn cho người bệnh và theo từng giai đoạn triệu chứng của bệnh sẽ càng nghiêm trọng hơn. Ở giai đoạn đầu dấu hiệu móng chân mọc ngược sẽ bao gồm:
-
Cảm giác đau khi tì đè lên ngón chân;
-
Da ở khóe móng sẽ trở nên sưng, mềm hoặc cứng hơn;
-
Xung quanh ngón chân bị tụ dịch.
Trong trường hợp ngón chân bị nhiễm trùng do móng mọc quặp thì sẽ kèm theo những biểu hiện nghiêm trọng hơn như:
Nhiều người đã phải đi khám vì bị móng chân mọc ngược
4. Làm thế nào để khắc phục tình trạng móng chân mọc ngược?
Phần lớn người bệnh có thể tự điều trị tình trạng này ngay tại nhà với các bước thực hiện như sau:
-
Ngâm chân trong nước muối ấm trong vòng 15 - 20 phút, duy trì thực hiện từ 3 - 4 lần/ngày sẽ có tác dụng giảm đau nhức và sưng tấy;
-
Dùng bông gòn thấm dung dịch sát trùng để đẩy da ra khỏi khóe móng chân;
-
Cắt triệt để phần móng chọc vào thịt;
-
Nếu bị chảy máu thì hãy dùng bông gạc để thấm bớt;
-
Dùng thuốc mỡ kháng sinh để bôi lên vùng bị tổn thương và băng bó lại;
-
Sử dụng dép hoặc giày hở mũi khi di chuyển cho tới khi lành hẳn;
-
Nếu cơn đau vượt quá ngưỡng chịu đựng, bạn có thể dùng thêm những loại thuốc giảm đau không kê đơn như naproxen, ibuprofen hay acetaminophen.
Nếu bạn không thể tự khắc phục tại nhà hoặc tình trạng móng chân mọc ngược đã có dấu hiệu nhiễm trùng, hãy đi khám để được bác sĩ xử lý. Sau đây là một số lựa chọn giúp bạn cải thiện hiện tượng móng mọc quặp:
-
Nâng móng: áp dụng trong trường hợp móng mọc ngược nhẹ (có đau và sưng đỏ nhưng không chảy mủ), bác sĩ sẽ nhấc phần móng này lên sau đó đặt bông, nẹp hoặc chỉ nha khoa xuống bên dưới móng. Thao tác này giúp định hình lại hướng phát triển của móng ngăn không cho nó chọc vào thịt. Bạn cần thay vật liệu này hàng ngày khi về điều trị tại nhà;
-
Cắt đi một phần móng: áp dụng đối với trường hợp móng mọc ngược nặng hơn (đau nhức, sưng đỏ và có mủ). Lúc này bác sĩ sẽ gây tê ngón chân tạm thời, sau đó tiến hành cắt bỏ phần móng chọc vào thịt;
-
Phẫu thuật móng: nếu móng chân mọc ngược tái phát nhiều lần, bác sĩ sẽ tư vấn phương án loại bỏ phần mô bên dưới cùng một phần móng chân bằng tia laser, hóa chất hoặc biện pháp khác. Cách này giúp ngăn cản móng chân mọc ngược trở lại;
-
Dùng thuốc kháng sinh nếu móng chân bị nhiễm trùng hoặc phòng ngừa nguy cơ nhiễm trùng.
5. Móng chân mọc ngược phòng tránh ra sao?
Để hạn chế hiện tượng móng chân mọc ngược, bạn có thể tham khảo những cách dưới đây:
-
Móng chân nên được cắt thẳng theo chiều ngang, không uốn cong bo góc sẽ dễ khiến móng đâm vào thịt khi mọc dài ra;
-
Độ dài móng chân nên ở mức vừa phải, không quá ngắn cũng không quá dài;
-
Mang giày dép bảo vệ chân khi đi lại, chạy nhảy;
-
Lựa chọn giày dép có kích cỡ vừa vặn với bàn chân của mình;
-
Thường xuyên kiểm tra bàn chân nhất là nếu bạn đang mắc bệnh tiểu đường để đảm bảo rằng chân của bạn không bị thương hoặc bị móng mọc ngược.
Thao tác cắt móng chân đúng cách
Móng chân mọc ngược là hiện tượng xảy ra khá phổ biến rất nhiều người mắc phải. Nó gây ra không ít khó chịu và phiền toái cho người bệnh. Mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng nếu bị nhẹ song tình trạng này hoàn toàn có thể gây ra biến chứng nặng nếu không được xử trí đúng cách và kịp thời, đặc biệt là đối với những trường hợp bị bệnh đái tháo đường. Do vậy nếu không thể tự điều trị tại nhà, bạn nên tìm tới sự trợ giúp của bác sĩ chuyên môn.
Liên hệ ngay đến tổng đài 1900 56 56 56 để được nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC hỗ trợ đặt lịch khám và tư vấn chi tiết về các dịch vụ tại viện ngay hôm nay.