Bật móng tay chân có thể là do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên nhưng cho dù nguyên nhân đó là gì thì đều khiến người bệnh đau đớn và ám ảnh vô cùng. Chính vì vậy, các chuyên gia của MEDLATEC sẽ hướng dẫn cách sơ cứu và chăm sóc móng tay chân bị bật qua bài viết dưới đây.
10/12/2021 | Viêm quanh móng có nguy hiểm không? Cách điều trị như thế nào? 21/10/2021 | Giải pháp điều trị móng chọc thịt an toàn - hiệu quả 29/09/2021 | Có thể điều trị bệnh nấm móng dứt điểm hay không?
1. Những lý do khiến bạn bị bật móng tay chân
Trước tiên chúng ta nên tìm hiểu đôi chút về cấu tạo móng. Như các bạn đã biết thì móng là bộ phận được sinh ra để bảo vệ phần mô mềm và mạng lưới các dây thần kinh dày đặc ở đầu ngón tay chân. Gian bào là nhóm tế bào đặc biệt cấu tạo nên móng tay chân. Sở dĩ gọi đây là những tế bào đặc biệt bởi vì chúng không phải là tế bào sống nhưng lại có rất nhiều mạch máu và phân bố chủ yếu ở dưới quầng móng.
Sự phát triển của móng không bị chi phối bởi canxi vì cấu tạo của móng khác với xương. Móng có thể tăng 5cm chiều dài mỗi năm và sẽ tăng trưởng suốt đời. Tuổi càng lớn thì móng sẽ mọc chậm lại, nhưng có một sự thật thú vị là khi mang thai, móng tay chân của phụ nữ sẽ mọc nhanh hơn.
Bật móng tay chân là một cảm giác đau đớn và khó chịu vô cùng
Bật móng tay chân xảy ra khi có một lực bên ngoài tác động mạnh lên phần tay chân và móng. Điều này thường là do có vật nặng rơi trúng, chơi đùa, chơi thể thao, khiêng đồ vật, vấp ngã,... và khiến “khổ chủ" phải chịu cơn đau bất ngờ, nhức nhối.
2. Xử trí ra sao khi bị bật móng tay chân?
Cho dù là nguyên nhân gây bật móng tay chân là gì thì chúng ta sẽ đều cảm thấy rất đau. Cơn đau không biến mất ngay mà kéo dài dai dẳng và vô cùng khó chịu, gây cản trở nhiều đến các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Do đó cần phải biết xử lý vết thương đúng cách để tránh xảy ra tình trạng nhiễm trùng, giảm bớt sự đau đớn và giúp móng sớm được phục hồi.
Đối với những trường hợp bật móng nhẹ:
Nếu móng chỉ bị bật nhẹ hoặc trầy xước phần ngoài, bạn hãy rửa sạch, sát trùng vết thương và cắt sát phần móng bị bật. Sau đó, sát khuẩn lại vết thương và băng ép chặt để móng tự phục hồi.
Nếu móng bật nhiều, bật toàn bộ:
Đầu tiên, không được rút hoặc loại bỏ toàn bộ móng bởi vì sẽ làm nghiêm trọng thêm vết thương, nguy cơ nhiễm trùng cao và móng sẽ khó hồi phục. Hơn thế nữa, điều này sẽ khiến bạn cảm thấy đau đớn hơn rất nhiều.
Tiếp theo, bạn cần vệ sinh sạch sẽ phần móng bị bật bằng nước muối sinh lý và thuốc sát khuẩn betadine để sát trùng, tránh vi khuẩn xâm nhập. Sau đó bạn hãy dùng băng gạc để băng bó vết thương, đặt móng về vị trí cũ. Thực hiện điều này bằng động tác nhẹ nhàng để không làm tăng cơn đau. Sau khi băng xong hãy dùng túi chườm đá áp lên khu vực bị thương sẽ giúp cầm máu và bớt sưng, giảm đau.
Nếu cơn đau do bật móng tay chân quá sức chịu đựng của bạn, hãy tới bệnh viện hoặc cơ sở y tế để được khám lại và dùng thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm do bác sĩ kê đơn.
3. Khi chăm sóc móng bị bật cần lưu ý những gì?
Trong quá trình chăm sóc móng tay chân bị bật, bạn cần lưu ý những điều sau:
-
Thường thì khi nằm ngủ sẽ không tránh khỏi việc chúng ta cử động chân tay, đôi khi vô tình đụng vào đồ vật nào đó khiến chỗ ngón tay hoặc chân bị bật móng trở nên đau điếng. Do đó khi đi ngủ, bạn hãy kê chân lên gối cao, đối với bên tay có móng bị bật thì hãy để cánh tay đó ở bên phía không giáp với người cùng giường để hạn chế tối đa nguy cơ va chạm trong khi đang ngủ;
-
Kiêng đụng nước ở ngón tay/chân bị bật móng trong vòng 1 - 2 ngày đầu bởi vì nếu dính nước thì vết thương sẽ rất khó lành;
-
Sau 2 ngày đầu, bạn nên rửa nước ấm cho vết thương khoảng 2 lần/ngày để loại bỏ bụi bẩn và thay băng mới;
-
Luôn băng móng chân bảo vệ và đi dép để vùng này được khô thoáng;
-
Đối với vùng móng xung quanh, hãy thoa vaseline để dưỡng ẩm và phục hồi;
-
Trong thời gian móng tay chân bị bật, nên hạn chế tham gia các hoạt động thể lực có thể làm ảnh hưởng tới vết thương cho đến khi lành hẳn.
Rút hết toàn bộ móng bị bật sẽ khiến vết thương trở nên nghiêm trọng hơn
Bên cạnh việc chăm sóc trực tiếp cho vết thương do bị bật móng tay chân, bạn cũng nên chú ý tới chế độ dinh dưỡng từ bên trong vì nếu cơ thể được bổ sung đủ chất dinh dưỡng cần thiết thì sẽ giúp móng phục hồi nhanh chóng hơn. Cụ thể:
-
Protein từ thịt cá, trứng (trừ những loại thịt dễ gây viêm và khiến vết thương để lại sẹo xấu như xúc xích, khô bò, dăm bông, thịt hun khói, thịt trâu,...);
-
Ăn nhiều rau xanh, củ quả tươi như thanh long, cam, quýt, đu đủ, bưởi, súp lơ xanh,...;
-
Thực phẩm chứa nhiều selen và kẽm có tác dụng chống nhiễm trùng cho móng chân của bạn như ngũ cốc nguyên hạt, cá biển, nấm, dầu olive, lòng đỏ trứng gà,...;
Nhìn chung bạn cần hết sức lưu ý về vấn đề chăm sóc, vệ sinh móng tay chân khi bị bật và chế độ dinh dưỡng trong giai đoạn này để đẩy nhanh quá trình phục hồi móng cũng như tránh nguy cơ nhiễm trùng khiến vết thương trở nên nghiêm trọng hơn.
4. Bật móng tay chân sau bao lâu thì lành?
Móng sẽ không thể mọc ra được nếu lớp gian bào dưới móng bị tổn thương nghiêm trọng. Nếu chỉ bị bật móng mức độ nhẹ, vẫn bảo tồn được lớp gian bào thì móng có thể khôi phục lại được sau một thời gian chăm sóc. Do vậy bật móng tay chân sau bao lâu thì lành còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: bật móng nặng hay nhẹ, chế độ chăm sóc móng ra sao, móng có bị nhiễm trùng hay không.
Thường bạn sẽ phải mất từ 6 - 9 tháng để móng phát triển lại nếu toán bộ móng bị tổn thương. trong trường hợp bật móng tay chân kèm theo biểu hiện nhiễm trùng thì tốc độ mọc lại của móng sẽ chậm đi rất nhiều. Hiện nay chỉ có thuốc hỗ trợ điều trị nhiễm trùng chứ chưa có loại thuốc nào giúp kích thích mọc móng.
Bạn nên thường xuyên cắt móng để tránh nguy cơ bị bật móng tay chân trong các hoạt động hàng ngày
Mong rằng với những chia sẻ trên đây, bạn đã biết sơ cứu bật móng tay chân đúng cách. Nếu tình trạng bật móng nghiêm trọng thì bạn hãy tìm đến bác sĩ để được xử trí, khắc phục tình trạng này và dùng thuốc theo chỉ định để giảm đau và tránh nhiễm trùng.
Quý bạn đọc nếu cần được giải đáp thêm các vấn đề về sức khỏe hoặc đặt lịch khám, hãy bấm số 1900 56 56 56 tổng đài viên của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC sẵn sàng tư vấn cho bạn.