Phân su là kết quả từ những gì thai nhi nuốt được lúc còn nằm trong bụng mẹ và sẽ thải ra trong vòng 24 giờ sau khi trẻ chào đời. Quan sát thời điểm xuất hiện và màu sắc của phân su sẽ giúp mẹ biết được tình trạng tiêu hóa của con mình, kịp thời có phương án xử trí với những bất thường để đảm bảo cho con có được sức khỏe tốt nhất.
09/03/2022 | Trẻ đi ngoài ra bọt: nguyên nhân, biểu hiện và cách xử trí 05/11/2021 | Trẻ đi ngoài phân có máu - Có nguy hiểm không?
1. Quá trình hình thành và tác dụng của phân su
1.1. Phân su hình thành như thế nào?
Phân su của thai nhi được tích lũy dần từ sau tuần 24 của thai kỳ và bắt đầu tích tụ từ đây. Khi thai nhi đã nuốt nước ối thuần thục, nước ối sẽ đi vào ruột non của thai nhi còn chất cặn bã sẽ ở trong ruột già rồi tích tụ dần thành loại chất nhầy dính gọi là phân su.
Phân su là sản phẩm của những gì thai nhi nuốt vào khi ở trong bụng mẹ
Sau khi sinh, trong ruột của mỗi trẻ sẽ chứa khoảng 60g - 150g phân su đặc quánh với thành phần chính gồm nitơ, chất mỡ, chất cặn bã do ruột tróc ra từ quá trình tiêu hóa nước ối và tế bào thượng bì và mucopolysaccharide. Khoảng 8 - 10 giờ đầu sau khi chào đời, phân su sẽ được thải ra, màu có thể là xanh đen hoặc đen đậm. 3 - 5 ngày sau đó, khi trẻ đã bú sữa mẹ đủ nhiều, phân của trẻ sẽ chuyển qua màu vàng.
1.2. Phân su có tác dụng gì?
Trong khoảng 24 giờ sau sinh, trẻ sẽ đi ngoài ra một loại phân có đen đậm hoặc màu xanh đen, không mùi, dính và khó làm sạch đó chính là phân su - kết quả của những gì bé nuốt vào lúc còn trong bụng mẹ. Đây cũng chính là dấu hiệu để mẹ biết được rằng đường ruột của bé đang bắt đầu hoạt động.
Vì thế, nếu trong ngày đầu tiên mà trẻ không đi ngoài ra phân su và sau khoảng 5 ngày mà phân của trẻ vẫn giữ màu sắc như phân su thì có thể xem đó là dấu hiệu bất thường cần được thăm khám ngay. Sự xuất hiện và màu sắc của phân su chính là dấu hiệu để mẹ quan sát, theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện bất thường ở trẻ.
2. Một số bệnh lý phân su thường gặp
2.1. Hít phân su
Đây là một dạng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh được sinh ra trong môi trường nước ối nhuộm phân su. Hội chứng hít phân su có thể xảy ra từ trước, trong hoặc sau sinh, là kết quả của việc trẻ hít phải nước ối có phân su khiến cho đường thở bị tắc nghẽn. Hội chứng này có thể khiến cho quá trình trao đổi khí bị rối loạn và trẻ sơ sinh bị suy hô hấp nặng.
Trẻ hít phải phân su có nguy cơ bị suy hô hấp nặng
Có khoảng 5% trẻ sơ sinh mắc hội chứng hít phân su trong đó có 50% trường hợp phải thở máy. Thai nhi mắc hội chứng này có thể phải chịu kích ứng hóa học do phân su dẫn đến dị tật bẩm sinh, nhiễm trùng bào thai, viêm phổi,...
Nguy cơ mắc hội chứng hít phân su chủ yếu gặp ở các thai nhi già tháng hoặc sinh đủ tháng. Thai phụ có thể yêu cầu bác sĩ theo dõi ngay khi phát hiện nước ối có màu bất thường hoặc bị vẩn đục để được chẩn đoán hội chứng này kịp thời. Về cơ bản, hầu hết các trường hợp thai nhi hít phải nước ối phân su sẽ được bác sĩ phát hiện và xử lý ngay, hiếm khi xảy ra biến chứng.
2.2. Tắc ruột phân su
Tình trạng tắc ruột phân su được xem là biểu hiện sớm nhất của bệnh xơ nang tụy. Do tụy bị xơ nên phân su đặc quánh và dính chặt vào niêm mạc ruột làm cho ruột bị tắc. Hiện tượng này có ngay trong tử cung nên rất dễ gây ra biến chứng xoắn, vỡ ruột ở tiểu khung của mẹ trước sinh để lại hậu quả là tình trạng viêm phúc mạc.
Trẻ sơ sinh sau khi chào đời nếu chậm đi ngoài ra phân su, bị chướng bụng, nôn,... có thể là biểu hiện của biến chứng nhiễm trùng, nhiễm độc. Trường hợp này phải can thiệp điều trị bằng cách cắt bỏ đoạn ruột bị tắc, chống nhiễm trùng, phục hồi lưu thông và bổ sung tinh chất tụy ngoại. Tiên lượng bệnh tương đối nặng.
Trường hợp phân su tắc nghẽn ở một đoạn của ruột non được gọi là hồi tràng. Trẻ sẽ có biểu hiện chướng bụng, nôn ra dịch màu xanh và không đi ngoài phân su. Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ chụp X-quang bụng để xem có phân su ở trong ruột của trẻ hay không. Nếu xác định trẻ bị tắc ruột do phân su thì bác sĩ sẽ đưa thức ăn vào cơ thể trẻ thông qua đường truyền tĩnh mạch. Ngoài ra cũng sẽ có một ống nhỏ được đưa từ mũi đến dạ dày để loại bỏ chất lỏng và khí dư thừa.
Mẹ nên theo dõi phân su của con trong những ngày đầu để phát hiện bất thường và có hướng xử trí kịp thời
Trẻ cũng sẽ được cho uống thuốc để cho phân su sổ ra ngoài. Khi can thiệp bằng cách này không thành công, bác sĩ sẽ thực hiện thủ thuật mở thông ruột để loại bỏ phân tắc. Sau phẫu thuật, nếu phát hiện ra trẻ có các hiện tượng sau, cha mẹ nên nhanh chóng cho trẻ đến bệnh viện:
- Sốt trên 38 độ C.
- Tiểu tiện ít.
- Không thể bú mẹ và bị nôn mửa.
- Bị sưng và chảy máu ở vết mổ.
2.3. Một số bệnh lý khác
- Teo ruột non
Tổn thương bẩm sinh này khiến cho sự liên tục của ruột bị gián đoạn. Thường thì trẻ sẽ gặp các triệu chứng như: chậm tiêu phân su, chướng bụng, nôn, không thể ra phân su mặc dù đã đặt sonde hậu môn,...
- Nút nhầy phân su
Do bị tắc phân su ở đại tràng nên xuất hiện nút nhầy khiến cho trẻ chậm đào thải phân su. Trẻ sẽ được điều trị loại bỏ nút nhầy bằng cách đặt sonde hậu môn.
- Hirschsprung
Hiểu đơn giản thì đây là tình trạng thiếu tế bào thần kinh cơ ruột già ở trẻ khiến cho đại tràng bị giãn ra và kết quả là tắc nghẽn ruột già. Tại phần ruột bị tắc nghẽn sẽ có hiện tượng phình lên làm cho trẻ bị chướng bụng, đại tiện bất thường.
Dấu hiệu nhận biết trẻ sơ sinh bị Hirschsprung là trên 24 giờ không đi phân su, bụng căng chướng, có dấu hiệu mất nước và nôn nhiều. Với trường hợp này, nếu dùng ống thông kích thích hậu môn, trẻ sẽ đi ngoài ra nhiều phân và hơi. Can thiệp điều trị cho trẻ bằng cách loại bỏ đoạn đại tràng vô hạch.
Nhìn chung, những hội chứng có liên quan đến phân su đều ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ. Vì thế, mẹ cần theo dõi dấu hiệu đại tiện của con trong ngày đầu tiên để kịp thời phát hiện bất thường, báo với bác sĩ nhằm có hướng xử trí tốt nhất. Đây chính là cách để mẹ tạo cho con có một nền tảng tốt về hệ tiêu hóa để đảm bảo điều kiện phát triển trong suốt thời gian về sau.