Viêm cân gan bàn chân là hiện tượng dải cơ dọc ở lòng bàn chân, có tác dụng kết nối xương gót với ngón chân bị viêm và tổn thương. Đây là một dạng bệnh lý mang lại cảm giác đau ở gót chân, khiến người bệnh đi lại khó khăn và không thể đứng vững. Đặc biệt nếu không được điều trị sớm có thể dẫn đến tình trạng đau mạn tính, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống.
15/11/2021 | Những điều cần biết về chụp X-quang bàn chân 18/08/2021 | Trẻ có bàn chân bẹt: nguyên nhân do đâu và cách khắc phục
1. Cơ cân gan bàn chân là gì?
Cơ cân gan bàn chân là dải cơ bám từ chỏm xương bàn chân đến gót, giúp cho bàn chân có độ nhún đồng thời cũng duy trì được độ cong sinh lý của bàn chân. Dải cơ này làm giảm tác động của trọng lực tác động lên bàn chân khi cơ thể vận động. Do đó nó giúp bảo vệ các khớp xương, việc đi lại cũng dễ dàng hơn,… nhưng nếu khi cân gan bàn chân bị viêm hay tổn thương sẽ gây nên cơn đau ở gót.
Cơ cân gan bàn chân được chia ra làm 3 phần khác nhau gồm phần ngoài, phần trung tâm và phần trong. Phần trung tâm là phần cơ rộng và dày nhất, còn 2 phần còn lại mỏng hơn. Cân gan bàn chân và gân gót phân bố vị trí bám khác nhau trên xương gót. Vì thế hai cấu trúc này không hề tác động đến nhau.
Cơ cân gan bàn chân liên kết gót chân với ngón chân
2. Như thế nào là viêm cân gan bàn chân?
Viêm cân gan bàn chân có tên khoa học là Plantar Fasciitis. Là dạng rối loạn và viêm của cơ gan, cơ này có chức năng liên kết xương gót chân với các ngón chân và là mô liên kết hỗ trợ vòm bàn chân.
Căn bệnh này gây ra những cơ đau nhói phức tạp ở vùng gót chân và phía dưới bàn chân. Cơn đau sẽ có mức độ tăng dần theo thời gian, đặc biệt mức độ tăng cao nhất khi người bệnh bước đi mỗi khi thức dậy sau giấc ngủ hay bước đi đột ngột. Có một số trường hợp bệnh nhân có thể bị đau ở cả hai bàn chân ảnh hưởng ít nhiều đến đời sống sinh hoạt, công việc.
Bệnh lý thường gặp ở những bệnh nhân bị thừa cân, vận động viên điền kinh, người thường xuyên mang những đôi giày đế cứng, diễn viên múa ba lê,… hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều được kiểm soát bằng phương pháp điều trị bảo tồn.
Bệnh xảy ra trong một thời gian dài hay bị chấn thương lập lại nhiều lần tại vùng xương gót từ đó có thể dẫn đến hiện tượng gai xương gót. Gai xương là xương nhọn hình thành từ bên dưới xương gót. Theo thống kê thì có 70% bệnh nhân mắc viêm cân gan bàn chân gặp tình trạng gai xương gót. Bệnh nếu không được điều trị sớm, đúng cách sẽ chuyển biến thành mạn tính, ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người bệnh.
Viêm cân gan bàn chân có thể chuyển sang mạn tính nếu không được điều trị
3. Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh
Cho đến nay các chuyên gia vẫn chưa thể xác định được đâu là nguyên nhân chính gây ra tình trạng này. Nhưng họ cũng chỉ ra rằng có một số yếu tố nguy cơ dẫn đến hình thành viêm cân gan bàn chân như sau:
-
Nữ giới có nguy mắc bệnh này do thường xuyên sử dụng giày cao gót, người bị thừa cân béo phì, người có tính chất công việc buộc phải đi lại nhiều hoặc đứng lâu một chỗ.
-
Những người đi bộ cường độ cao hoặc mang giày không phù hợp cho quá trình vận động cũng là yếu tố gây nên bệnh.
-
Một số trường hợp, người bệnh có những bất thường về bàn chân như tật bẩm sinh ở bàn chân, vòm bàn chân cao, mất cân bằng chiều dài chân. Ngoài ra yếu tố tuổi tác cũng là một yếu tố cũng có thể được nhắc đến, vì bệnh thường gặp ở độ tuổi từ 40 đến 60 tuổi.
Thừa cân làm tăng trọng lượng cơ thể tác động lên bàn chân tăng nguy cơ mắc bệnh
4. Triệu chứng điển hình
Việc xác định được bạn có đang gặp phải tình trạng viêm cân gan bàn chân hay không có thể dựa vào một số triệu chứng sau đây:
-
Cơn đau thường có mức độ từ nhẹ đến nặng và thường sẽ càng tăng dần theo thời gian.
-
Có cảm giác đau nhói vùng gót chân và bên dưới bàn chân.
-
Cơn đau thường hay xảy ra ở một bên bàn chân, nhưng cũng sẽ có một số trường hợp đặc biệt xảy ra ở cả hai bên.
-
Cơn đau càng gay gắt sau mỗi khi ngủ dậy hay có thời gian nghỉ lâu và đột ngột bước đi.
-
Cơn đau sẽ có thể xuất hiện khi cố gắng co bàn chân hay duỗi chân hết cỡ. Các ngón chân duỗi hướng về phía ống quyển chân, đứng quá lâu hay đi lại sau khi ngồi.
-
Cơn đau sẽ có thể giảm bớt khi đi bộ nhẹ nhàng nhưng sẽ dẫn đến nặng hơn khi cố gắng tập luyện thể thao.
-
Ngoài ra cũng sẽ có một số triệu chứng hiếm khi xuất hiện như bàn chân bị ngứa râm ran, tê rần, sưng tấy, đau lan rộng.
-
Nếu bệnh nhân gặp những trường hợp bị đứt hay rách cơ cân gan thì sẽ gặp hiện tượng đau cấp tính, nghe có tiếng lách cách, sưng cục bộ.
5. Phương pháp điều trị viêm cân gan bàn chân
Để điều trị bệnh hiệu quả thì buộc bệnh nhân phải nghỉ ngơi, kéo dãn cơ cân gan, mang giày hay dép mềm, êm chân, sử dụng thuốc kháng viêm. Sử dụng một số các loại thuốc kháng viêm non - steroid như Ibuprofen, Aspirin, Naproxen Sodium,... Những thuốc này sẽ làm giảm triệu chứng viêm đau và thúc đẩy hồi phục mô tạm thời.
Ngoài ra, có thể sử dụng phương pháp vật lý trị liệu để cải thiện các triệu chứng viêm. Các chuyên gia vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn một số bài tập người bệnh tập luyện. Những bài tập này giúp kéo căng gân cơ, giảm đau, tăng cường sức bền của cơ. Đồng thời bệnh nhân có thể được hướng dẫn băng bó, để hỗ trợ bàn chân và tránh vết thương bị tác động trở lại.
Đặc biệt bệnh có tác được điều trị bằng phẫu thuật tuy nhiên đây sẽ là phương án cuối cùng cho người bệnh. Khi bệnh trở nặng mất đi khả năng phục hồi hoặc không có dấu hiệu chuyển biến tích cực sau 6 tháng điều trị bảo tồn. Bên cạnh đó việc sử dụng phương pháp nội soi hay phẫu thuật sẽ được quyết định vào tình trạng mức độ bệnh.
Phẫu thuật sẽ là phương pháp được áp dụng nếu bệnh chuyển nặng
Sau khi đã thực hiện phẫu thuật bệnh nhân sẽ được yêu cầu theo dõi và tái khám sau 2 tuần. Việc tái khám sẽ giúp bác sĩ đánh giá chính xác được khả năng phục hồi của cơ sau quá trình giải phẫu, và sẽ giải quyết các rủi ro không mong muốn gặp phải. Nếu như có xảy ra các rủi ro không mong muốn thì bệnh nhân sẽ được chuyển sang phương pháp điều trị phù hợp.
Qua những thông tin mà chúng tôi đã chia sẻ thì đã giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh viêm cân gan bàn chân. Nếu bạn còn những thắc mắc và mong muốn được giải đáp thì hãy đến trực tiếp Bệnh viện MEDLATEC hay thông qua số tổng đài 1900565656 để được hỗ trợ.