Giãn mao mạch là hiện tượng trên bề mặt da nổi lên các mạch máu li ti. Tình trạng này phần lớn không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng lại gây mất thẩm mỹ, nhất là khi giãn mao mạch xuất hiện trên gương mặt. Vậy nguyên nhân của hiện tượng này là gì và điều trị ra sao? Hãy cùng MEDLATEC tìm hiểu qua bài viết sau nhé!
03/04/2021 | Viêm mao mạch hoại tử có nguy hiểm không và lưu ý 19/02/2021 | Góc tư vấn: Bệnh viêm mao mạch dị ứng có chữa được không? 17/02/2021 | Bệnh viêm mao mạch có thể điều trị khỏi hoàn toàn không?
1. Nguyên nhân nào gây nên giãn mao mạch?
Giãn mao mạch xảy ra khi các mạch máu ngay phía dưới biểu bì da bị phình to và nổi lên với đặc điểm là có màu tím, xanh, đỏ. Chúng xuất hiện theo dạng các mạch máu nhỏ nhìn khá giống mạng nhện. Thông thường giãn mao mạch sẽ được nhận diện rõ nhất ở những vùng da mỏng trên cơ thể như hai gò má, vùng thái dương, mũi và chân,...
Giãn mao mạch còn được biết đến bằng nhiều tên gọi khác là nổi gân máu, suy giãn tĩnh mạch, giãn tĩnh mạch, giãn mạch máu dưới da, nổi mạch máu,...
Giãn mao mạch thường xuất hiện trên da mặt
Nguyên nhân của hiện tượng giãn mao mạch có thể là do:
-
Tính chất da và mạch máu: máu kém lưu thông, da có độ đàn hồi kém, da bị tổn thương do nhiều yếu tố, lão hóa da,...;
-
Do thời tiết thay đổi: khi thời tiết thay đổi đột ngột cũng có thể làm ảnh hưởng đến sự lưu thông máu trong cơ thể, lúc này các mao mạch dưới da sẽ nổi lên rõ hơn;
-
Tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời thường xuyên: tia cực tím trong ánh nắng mặt trời có thể khiến các mạch máu phình to hơn và chúng sẽ nổi rõ trên lớp da. Bên cạnh đó trong da có các thành phần là elastin và collagen giúp da có tính đàn hồi, sự liên kết, khi ánh nắng mặt trời chiếu rọi trực tiếp lên da sẽ làm hỏng kết cấu liên kết giữa các mô và giảm tính đàn hồi, làm nghiêm trọng hơn tình trạng giãn mao mạch;
-
Do di truyền: trong gia đình có người thân từng bị giãn mao mạch thì khả năng thế hệ sau cũng gặp phải tình trạng này là rất cao;
-
Rối loạn nội tiết tố: thường gặp ở phụ nữ, nhất là trong giai đoạn mang thai, sau sinh, tiền mãn kinh, rối loạn hormone cũng khiến các mạch máu dưới da bị ảnh hưởng gây giãn mao mạch;
-
Mắc bệnh Rosacea: đây là một hội chứng đỏ mặt, thường khiến mao mạch bị phình rộng và da bị ửng đỏ;
-
Lạm dụng rượu và chất kích thích: các hóa chất chứa trong rượu, chất kích thích có thể làm giãn mao mạch máu trong thời gian ngắn. Nếu bạn uống rượu thường xuyên sẽ khiến da mặt ngày càng trở nên mẩn đỏ và giãn mạch máu;
-
Môi trường ô nhiễm, hay phải tiếp xúc với hóa chất độc hại cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến làn da, trong đó có chứng giãn mao mạch;
-
Dùng nhiều sản phẩm chứa thành phần corticoid: thường là các loại mỹ phẩm làm đẹp, làm trắng da không rõ nguồn gốc, xuất xứ chứa nhiều corticoid dẫn đến các tác dụng phụ như teo da, bào mòn da, khiến da mỏng dần và làm lộ mạch máu dưới da.
2. Giãn mao mạch có gây ảnh hưởng gì không?
Giãn mao mạch ở chân thường ít khi được phát hiện kịp thời do quần áo che đi. Nếu chỉ ở mức độ nhẹ thì bệnh không gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe. Tuy nhiên đối với những trường hợp giãn mao mạch nặng có thể dẫn đến viêm mao mạch chân, phù nề chân, tắc tĩnh mạch, nặng hơn là vỡ mao mạch.
Còn nếu người bệnh bị giãn mao mạch ở vùng da mặt tuy không gây ra vấn đề nào đáng lo ngại về sức khỏe nhưng sẽ khiến gương mặt thiếu đi tính thẩm mỹ, bạn sẽ cảm thấy mất tự tin hơn rất nhiều.
Tình trạng giãn mao mạch ở chân
3. Một số phương pháp giúp điều trị chứng giãn mao mạch
Sau đây là các biện pháp có tác dụng cải thiện và phục hồi vùng da bị giãn mao mạch:
-
Thuốc Retinoids dạng bôi: bên cạnh công dụng trị mụn, retinoids còn được bác sĩ da liễu chỉ định cho những người bị giãn mao mạch nhờ đặc tính giúp làm mờ các vết mao mạch nổi hằn trên da. Tuy nhiên thuốc cũng có thể để lại một số tác dụng phụ như kích ứng da, ngứa đỏ và làm khô da sau khi bôi;
-
Liệu pháp laser: phương pháp này sẽ vận dụng ánh sáng để phá hủy những tĩnh mạch đang nổi lên trên da. Tuy nhiên liệu pháp này sẽ khiến da bạn trở nên nhạy cảm hơn;
-
Chích xơ tĩnh mạch: bác sĩ sẽ tiêm vào các tĩnh mạch bị giãn một loại dung dịch thuốc có tác dụng gây xơ, nhờ đó những tĩnh mạch này sẽ dần biến mất sau một thời gian ngắn. Có một số trường hợp bệnh nhân khi áp dụng phương pháp này sẽ cảm thấy đau đớn nhưng tác dụng phụ sẽ biến mất trong vài ngày;
-
Công nghệ laser ánh sáng: là phương pháp trị liệu giãn mao mạch bằng cách chiếu loại ánh sáng đặc biệt thâm nhập vào các lớp da mà không gây tổn thương đến lớp da trên cùng. So với biện pháp laser nêu trên thì phương pháp này cho hiệu quả khả quan hơn nhờ công nghệ hiện đại hơn.
4. Các phương pháp giúp phòng ngừa tình trạng giãn mao mạch
Mặc dù có rất nhiều phương pháp giúp ngăn ngừa hiện tượng giãn mao mạch, nhưng mỗi người cũng nên áp dụng các cách giúp phòng tránh nguy cơ gặp phải tình trạng này:
-
Không nên dùng nước quá nóng để rửa mặt: vùng da mặt thường mang tính chất khá nhạy cảm nên nếu dùng nước quá nóng để rửa mặt sẽ dễ khiến cho các mao mạch bị vỡ dẫn tới giãn mao mạch. Do đó bạn nên dùng loại nước mát, nước ấm để rửa mặt, tắm giặt giúp da luôn an toàn và duy trì được tính đàn hồi;
-
Hạn chế tiếp xúc trực tiếp, thường xuyên với ánh nắng mặt trời. Nếu phải ra ngoài trời trong điều kiện thời tiết nắng nóng, bạn nên:
-
Thoa kem chống nắng ít nhất 30 phút trước khi ra ngoài, nên dùng loại có chỉ số SPF trên 30+;
-
Nhớ che chắn kỹ càng bằng áo khoáng, mũ, kính râm để tránh bị tia UV chiếu trực tiếp lên da;
-
Không nên tiếp xúc với ánh nắng trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều.
Giãn mao mạch mức độ nặng cần có sự can thiệp của các biện pháp y khoa
Đặc biệt nếu bạn cần thăm khám và điều trị tình trạng giãn mao mạch, hãy lựa chọn địa chỉ uy tín có nhiều bác sĩ dày dặn kinh nghiệm và chuyên môn cao.
Mọi thông tin chi tiết xin mời quý bạn đọc liên hệ qua hotline 1900 56 56 56 để được tổng đài viên của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC tư vấn kỹ lưỡng hơn.