Viêm mao mạch đặc trưng là tình trạng nổi ban đỏ, mẩn đỏ trên da, thường khởi phát ở chân và lan dần đến các bộ phận khác của cơ thể. Trẻ nhỏ, đặc biệt trẻ dưới 5 tuổi là đối tượng nguy cơ cao. Bệnh không chỉ ảnh hưởng đến da mà còn gây rối loạn các bộ phận khác như: tiêu hóa, xương khớp,…
29/01/2021 | Viêm da mủ là bệnh gì, có nguy hiểm không? 28/01/2021 | Viêm da cơ địa ở trẻ: triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị 01/02/2020 | Xét nghiệm đường máu mao mạch giúp theo dõi bệnh đái tháo đường
1. Viêm mao mạch có nguy hiểm không?
Cơ thể người là một hệ thống mạch máu dày đặc với vai trò khác nhau trong hệ thống tuần hoàn máu chung. Trong đó, mao mạch là những mạch máu nhỏ nối giữa động mạch và tĩnh mạch, có vai trò trao đổi oxy, carbonic và các chất dinh dưỡng giữa máu với các mô xung quanh. Ngoài mao mạch máu, mao mạch bạch huyết giúp kết nối mạch bạch huyết lớn với các mô trong vi tuần hoàn.
Mao mạch là hệ thống mạch máu nhỏ nối giữa động mạch và tĩnh mạch
Viêm mao mạch là tình trạng tổn thương, viêm nhiễm lan tỏa ở hệ thống mao mạch nhiều cơ quan. Cơ chế gây bệnh là một dạng bệnh tự miễn dịch chưa xác định được nguyên nhân chính xác. Bất cứ mao mạch nào trong cơ thể cũng có thể bị tổn thương gây viêm, tuy nhiên mao mạch liên quan đến da, xương, ruột và thận là dễ chịu ảnh hưởng nhất.
Trẻ em là đối tượng dễ bị bệnh nhất, trong đó trẻ em từ 3 - 10 tuổi chiếm đến 75% trường hợp người bệnh. Đa phần các trường hợp viêm mao mạch không phải là nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên do ban đỏ xuất hiện nhiều, dày đặc gây mất thẩm mỹ. Một vài trường hợp nặng khi bệnh tiến triển có thể khiến xương khớp đau nhức, giảm khả năng vận động. Tổn thương viêm có thể bị lở loét, hoại tử nếu máu bị ngăn chặn không thể nuôi dưỡng tế bào trong thời gian dài.
Viêm mao mạch có thể làm tổn thương thận
Tiến triển không thuận lợi do viêm mao mạch gây ra là tổn thương thận, dù tỉ lệ tiến triển bệnh là rất thấp. Người bệnh lúc này sẽ bị phù nề cơ thể, tiểu tiện ra máu, cần can thiệp điều trị để phục hồi chức năng thận, những triệu chứng bệnh sẽ dần biến mất.
2. Triệu chứng bệnh viêm mao mạch
Bệnh có thể do nhiều nguyên nhân, phổ biến nhất là do dị ứng, xảy ra sau khi tiếp xúc với dị nguyên. Ban đầu, người bệnh thường có triệu chứng toàn thân như: sốt nhẹ, người mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa,… Song triệu chứng này khá nhẹ và dễ gây nhầm lẫn với các vấn đề sức khỏe khác nên ít người bệnh phát hiện và điều trị ở giai đoạn khởi phát này.
Sau đó, viêm mao mạch mới gây xuất hiện các ban đặc hiệu ở cơ quan chịu ảnh hưởng, bao gồm:
Viêm mao mạch trên da
Xuất huyết trên da là tình trạng gặp phải của khoảng 50% trường hợp viêm mao mạch giai đoạn tiến triển. Nó biểu hiện là các nốt xuất huyết đỏ dưới da, thường gặp nhất là ở mặt duỗi tay chân, vùng da mông, đùi, cánh tay hoặc quanh hai mắt cá chân. Đôi khi xuất huyết cũng gặp ở bộ phận sinh dục hoặc thân mình nhưng rất hiếm gặp, nếu có cũng xuất hiện muộn sau các khu vực da khác.
Viêm mao mạch gây nổi ban đỏ trên da
Viêm mao mạch trên da dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý về da, dị ứng song đặc điểm của các nốt phát ban này là nằm sâu dưới da, không gây ngứa. Các chấm phát ban ban đầu thường có màu tươi, sau thâm nhiễm và màu trở nên đậm hơn. Các trường hợp nặng ban xuất huyết có thể có bọng nước, bị hoại tử hoặc bầm máu.
Cần phân biệt ban do viêm mao mạch với các bệnh lý khác như: xuất huyết giảm tiểu cầu, viêm não mô cầu, lupus ban đỏ hệ thống,… Chẩn đoán chính xác bệnh sẽ giúp việc điều trị can thiệp hiệu quả hơn.
Viêm mao mạch ở khớp
Có đến 75% trường hợp viêm mao mạch có triệu chứng ở khớp. Cụ thể, người bệnh sẽ xuất hiện ban xuất huyết ở các vùng da gần kề khớp cổ chân, khuỷu tay, khớp gối,… Đôi khi cột sống hoặc khớp ngón chân cũng bị viêm mao mạch song ít gặp, nếu có cũng thường xuất hiện sau các vùng khớp khác.
Ngoài xuất hiện ban đỏ xuất huyết, viêm mao mạch ở khớp còn gây đau khớp, làm hạn chế cử động. Bên cạnh đó, khớp đau còn xuất hiện tình trạng phù, đau gân có tính đối xứng,…
Triệu chứng viêm mao mạch tiêu hóa
Ở khoảng 37 - 66% trường hợp viêm mao mạch có triệu chứng tiêu hóa xuất hiện sớm, đặc biệt là trẻ nhỏ. Biểu hiện thường là đau bụng vùng quanh rốn, đau liên tục và âm ỉ kéo dài. Nếu dùng lực ấn bụng, bệnh nhân sẽ thấy đau hơn.
Trẻ bị viêm mao mạch thường bị rối loạn tiêu hóa
Tình trạng đau này có thể kéo dài vài giờ đến vài ngày, không liên tục mà tái phát nhiều lần. Cùng với đau, bệnh còn gây rối loạn tiêu hóa với tình trạng: buồn nôn và nôn, nôn ra máu, phân đen hoặc phân kèm máu tươi,…
Biến chứng nghiêm trọng nhất của viêm mao mạch hệ tiêu hóa là tình trạng lồng ruột cấp, gặp phải ở khoảng 5% bệnh nhân.
Triệu chứng tổn thương thận
Tổn thương thận cũng xuất hiện khá phổ biến ở khoảng 25 - 50% trường hợp viêm mao mạch, thường ở giai đoạn cấp. Người bệnh sẽ có các biểu hiện như: đái ra máu, protein niệu, viêm cầu thận,… Đặc biệt những trẻ bị hội chứng viêm cầu thận tiến triển nhanh thì tiên lượng bệnh xấu, cần theo dõi và điều trị tích cực.
Ngoài ra, viêm mao mạch có thể có các triệu chứng ít gặp khác như: viêm tinh hoàn, viêm màng ngoài tim, viêm cơ tim,…
3. Viêm mao mạch có điều trị được không?
Viêm mao mạch nói riêng và các bệnh lý tự miễn nói chung hiện vẫn chưa tìm được biện pháp đặc trị, vì thế điều trị chủ yếu nhằm giảm thiểu triệu chứng, ngăn ngừa bệnh tiến triển và biến chứng. Trong điều trị bệnh, bệnh nhân chủ yếu được sử dụng thuốc chống viêm, giảm đau, giảm triệu chứng.
Truyền hồng cầu và chế phẩm máu sẽ giúp điều trị các biến chứng viêm mao mạch gây xuất huyết tiêu hóa hoặc triệu chứng ở thận. Nếu nguyên nhân do nhiễm khuẩn hoặc có dấu hiệu nhiễm khuẩn, điều trị bằng kháng sinh là cần thiết.
Trẻ bị viêm mao mạch chủ yếu được điều trị triệu chứng
Phương pháp lâu dài để phòng ngừa viêm mao mạch tái phát là chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi và vận động khoa học để tăng cường sức bền mạch máu.
Như vậy, viêm mao mạch thường không nguy hiểm song cần điều trị tích cực kết hợp với chăm sóc để nhanh chóng đẩy lùi bệnh. Đặc biệt nếu bệnh xuất hiện ở trẻ nhỏ với triệu chứng nặng, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan thì cha mẹ cần sớm đưa trẻ đi thăm khám điều trị.