Tình trạng giãn tĩnh mạch không chỉ khiến người bệnh mặc cảm, tự ti mà còn có thể gây đau nhức, mỏi và viêm nhiễm. Việc điều trị không triệt để cùng với chế độ ăn không phù hợp có thể làm tăng nguy cơ tái phát bệnh. Vậy người bệnh suy giãn tĩnh mạch nên ăn gì, kiêng gì và lưu ý những gì?
25/07/2022 | Gợi ý các bài tập suy giãn tĩnh mạch ở đa dạng tư thế 07/06/2021 | Phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch hiệu quả với các mẹo đơn giản 03/06/2021 | Tình trạng suy giãn tĩnh mạch có nguy hiểm không? 15/03/2021 | Điểm danh thuốc điều trị suy giãn tĩnh mạch chân có thể tham khảo trong điều trị
1. Bác sĩ tư vấn: Người mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch nên ăn gì?
Cùng với việc tuân thủ theo các phác đồ điều trị, người bệnh nên duy trì áp dụng những chế độ ăn khoa học và phù hợp với thể trạng sức khỏe. Dưới đây là lời giải đáp cụ thể đối với thắc mắc “người mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch nên ăn gì”?
Người bệnh nên tiêu thụ nhiều loại rau củ quả để bổ sung chất xơ cho cơ thể
- Người bệnh nên ưu tiên những loại thực phẩm có chứa nhiều chất xơ, có thể kể đến như các loại ngũ cốc, các loại rau củ và trái cây. Nhóm thực phẩm này vừa phổ biến, vừa dễ ăn lại mang đến nhiều lợi ích sức khỏe.
Những bệnh nhân mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch nên hạn chế tình trạng táo bón. Nguyên nhân là khi bị táo bón thì cơ bụng và cơ chân của người bệnh cần hoạt động nhiều và mạnh hơn. Điều này sẽ tác động lên tĩnh mạch vùng thấp và khiến chứng phải chịu áp lực nhiều hơn bình thường và cuối cùng tăng nguy cơ bị suy giãn.
Tác dụng của những thực phẩm giàu chất xơ chính là ngăn ngừa nguy cơ táo bón vì thế được xếp vào nhóm thực phẩm có lợi cho người bệnh. Hơn nữa, việc tăng cường các loại thực phẩm giàu chất xơ, đặc biệt là các loại rau củ quả còn có thể mang đến nhiều lợi ích khác đối với sức khỏe.
- Thực phẩm chứa flavonoid như rau bina, bông cải xanh, trái cây họ cam quýt, hành tây, tỏi, ớt chuông, trà xanh,… Tác dụng của hợp chất flavonoid là hỗ trợ lưu thông máu, làm bền thành mạch và giảm áp lực động mạch,... từ đó cải thiện triệu chứng bệnh hiệu quả. Hơn nữa, những thực phẩm chứa nhiều flavonoid còn có tác dụng giải độc và bảo vệ gan.
Hợp chất flavonoid trong rau bina có thể giúp máu lưu thông dễ dàng hơn
- Các loại thực phẩm có chứa nhiều kali và vitamin C, E
Những loại thực phẩm giàu kali như cá ngừ, đậu lăng, một số loại rau xanh,… có tác dụng hạn chế việc tích trữ nước trong cơ thể và cải thiện triệu chứng bệnh suy giãn tĩnh mạch.
Vitamin C giúp tăng cường sự đàn hồi và sự bền vững của thành mạch bằng cách hỗ trợ sản sinh ra collagen và elastin. Để bổ sung vitamin C cho cơ thể, bạn nên chọn một số loại thực phẩm như đu đủ, ớt chuông, dâu tây hay bưởi,….
Vitamin E có nhiều trong các loại dầu thực vật, quả bơ, hạnh nhân, hạt dẻ và rau bina,… Tác dụng của vitamin E đối với người bệnh là làm loãng máu tự nhiên và phòng ngừa hình thành cục máu đông. Do đó, loại thực phẩm có chứa nhiều vitamin E cũng rất tốt trong việc bảo vệ sức khỏe tim mạch.
- Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần phải bổ sung đủ nước cho cơ thể bằng cách uống nhiều nước lọc và tiêu thụ các loại thực phẩm có chứa nhiều nước. Có thể bổ sung một số thực phẩm có khả năng ngăn ngừa xơ vữa và giãn tĩnh mạch như hoa hòe hay một số loại rau xanh, trà xanh,…
2. Người bị suy giãn tĩnh mạch nên kiêng những loại thực phẩm nào?
Bên cạnh những thực phẩm cần bổ sung, người bệnh cũng cần kiêng một số loại thực phẩm sau đây để đẩy nhanh quá trình phục hồi sức khỏe:
- Người bệnh không nên ăn những thực phẩm có chứa nhiều tinh bột và đường: Nếu tiêu thụ nhiều loại thực phẩm này, có thể làm hạn chế khả năng hoạt động của những chất chống oxy hóa trong cơ thể.
Điều này sẽ tác động và khiến quá trình lão hóa xảy ra với tốc độ nhanh hơn bình thường và ảnh hưởng trực tiếp đến các tĩnh mạch đang bị suy giãn. Bên cạnh đó, việc ăn quá nhiều những thực phẩm có chứa nhiều tinh bột và đường còn có thể gây tăng cân, gây ảnh hưởng đến tĩnh mạch và sức khỏe nói chung.
Nếu bị suy giãn tĩnh mạch bạn không nên ăn nhiều muối
- Các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ và chứa nhiều muối: Đây là những loại thực phẩm có thể gây cản trở lưu thông máu và dẫn tới xơ vữa động mạch. Vì thế, bệnh nhân bị suy giãn tĩnh mạch không nên tiêu thụ những thực phẩm này.
- Rượu, bia: Đây là những loại đồ uống được cho là không tốt với sức khỏe, đặc biệt khi lạm dụng rượu bia còn có thể dẫn đến rối loạn tuần hoàn máu. Điều này đương nhiên sẽ khiến cho tình trạng suy giãn tĩnh mạch tiến triển nhanh hơn bình thường
3. Một số lưu ý quan trọng dành cho người bệnh
Để đẩy nhanh quá trình điều trị và phòng ngừa bệnh tái phát, bệnh nhân cũng nên thực hiện một số lưu ý quan trọng trong sinh hoạt hàng ngày như sau:
- Chăm chỉ vận động: Có thể lựa chọn những bài tập đơn giản có tác dụng làm giãn cơ. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng có thể lựa chọn một số bài tập như đi bộ, đạp xe và hãy chăm chỉ tập mỗi ngày để có được kết quả tốt nhất.
Thường xuyên đi lại nhẹ nhàng để cải thiện triệu chứng bệnh
- Nên duy trì cân nặng hợp lý. Nếu cơ thể có hiện tượng thừa cân thì cần khắc phục giảm cân sớm bằng những phương pháp khoa học.
- Tránh thói quen đứng quá lâu hay ngồi vắt chéo chân. Nên đi lại nhẹ nhàng để máu được lưu thông tốt.
- Lưu ý không nên ngâm chân trong nước ấm.
- Không nên đi giày cao gót hoặc mặc quần áo quá bó sát.
- Khi đi ngủ, người bệnh có thể gác chân cao.
- Tránh uống quá nhiều thuốc tránh thai.
- Có thể tham khảo bác sĩ về việc lựa chọn những loại tất y khoa phù hợp để giúp các hoạt động hàng ngày của người bệnh diễn ra thuận lợi hơn.
- Khám sức khỏe tim mạch định kỳ để theo dõi tình trạng bệnh và kịp thời xử trí nếu có biểu hiện bất thường.
Hi vọng, bài viết đã giúp bạn có thêm những thông tin hữu ích về chế độ ăn và sinh hoạt dành cho người bệnh suy giãn tĩnh mạch. Bạn có thể gọi đến tổng đài 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được giải đáp mọi thắc mắc và hỗ trợ đặt lịch khám sớm.