Gây tê tủy sống có tác dụng giảm đau cho người bệnh và giúp quá trình phẫu thuật được thực hiện dễ dàng, thuận lợi. Tuy nhiên, thủ thuật phức tạp này cần được thực hiện bởi các bác sĩ gây mê có chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm.
08/05/2023 | Chụp MRI trong chẩn đoán u tủy sống 30/03/2022 | U tủy sống: Cần điều trị sớm để tránh nguy cơ tàn phế 11/03/2022 | U tủy sống nguyên phát nội tủy có phải vấn đề đáng lo ngại hay không?
1. Gây tê tủy sống được chỉ định với những trường hợp nào?
Gây tê tủy sống là thủ thuật tiêm thuốc gây tê(hoặc thuốc giảm đau) vào khoang dưới nhện, giúp người bệnh mất cảm giác đau đớn ở vị trí cần phẫu thuật.
Gây tê tủy sống được chỉ định với những trường hợp cần phẫu thuật vùng bụng dưới
Các bác sĩ có thể thực hiện gây tê tủy sống khi người bệnh tỉnh táo hoặc cũng có thể kết hợp với thuốc an thần và gây mê toàn thân. Ngoài ra, trong một số trường hợp cần thiết, phương pháp này cũng có thể được áp dụng sau phẫu thuật với mục đích giảm đau cho người bệnh.
Gây tê tủy sống được chỉ định trong:
- Phẫu thuật chi dưới.
- Phẫu thuật tiết niệu.
- Phẫu thuật sản phụ khoa.
- Phẫu thuật vùng bụng dưới như ruột thừa, trực tràng, hậu môn,.. Trong một số trường hợp, gây tê tủy sống cũng có thể được chỉ định với phẫu thuật vùng bụng trên nhưng dễ gây biến chứng và cần được kết hợp với gây mê toàn thân.
- Phẫu thuật khớp háng hay phẫu thuật cột sống vùng thắt lưng.
2. Gây tê tủy sống chống chỉ định trong những trường hợp nào?
- Các trường hợp tuyệt đối không được áp dụng phương pháp gây tê tủy sống bao gồm:
+ Trường hợp bệnh nhân không đồng ý thực hiện gây tê tủy sống.
+ Vùng da cần chọc kim bị nhiễm trùng hoặc bị nhiễm trùng toàn thân.
+ Các bệnh nhân bị lao cột sống.
+ Người bệnh bị sốc, giảm khối lượng tuần hoàn.
+ Huyết áp dưới 90mmHg và mạch đập chậm.
+ Các trường hợp bị cứng cột sống hay cột sống bị dị dạng.
+ Bệnh nhân rối loạn đông máu hoặc đang điều trị bằng các loại thuốc chống đông máu.
+ Người bệnh bị dị ứng với thuốc tê.
+ Bệnh nhân tâm thần, người bị động kinh hoặc mắc bệnh viêm đa rễ thần kinh.
+ Một số trường hợp mắc bệnh tim mạch ở mức độ nghiêm trọng, chẳng hạn như tình trạng suy tim, loạn nhịp tim,…
Người mắc bệnh tim mạch cần thận trọng với thủ thuật gây tê tủy sống
+ Nếu cơ sở y tế không có đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, dày dặn kinh nghiệm và không đủ các loại máy hiện đại, phương tiện cấp cứu thì không thực hiện thủ thuật phức tạp này.
- Các trường hợp chống chỉ định tương đối với gây tê tủy sống bao gồm: Bệnh nhân bị đau lưng, đau đầu; mắc viêm xương khớp, bị suy dinh dưỡng hay thiếu máu, bệnh mạch vành, xơ mạch máu não, nhồi máu cơ tim, hẹp van 2 lá, hẹp van động mạch chủ, huyết áp quá thấp hoặc bị tăng huyết áp nhưng chưa được điều trị ổn định, trẻ còn quá nhỏ,…
3. Người bệnh cần làm gì trước khi gây tê tủy sống?
Trước khi gây tê tủy sống, người bệnh cần cung cấp cho bác sĩ một số thông tin sau:
- Tiền sử dị ứng với một số loại thuốc.
- Tình trạng viêm hay nhiễm trùng.
- Tình trạng biến dạng cột sống.
- Đã từng phẫu thuật cột sống hay chưa.
- Nếu có rối loạn đông máu cũng cần thông báo với bác sĩ.
- Người bệnh có mắc các bệnh lý về tim mạch hay không.
- Các bệnh lý về thần kinh.
Nếu đang dùng thuốc điều trị cần thông báo với bác sĩ
- Cung cấp thông tin về một số loại thuốc đang sử dụng với bác sĩ để tránh trường hợp thuốc gây tê tương tác với các loại thuốc mà người bệnh đang điều trị dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
4. Gây tê tủy sống có thể gây ra những biến chứng gì?
Gây tê tủy sống có thể gây ra một số biến chứng như sau:
4.1. Biến chứng có thể xảy ra trong quá trình gây tê
- Không thể chọc được tủy sống vì cột sống bị cong vẹo, người bệnh bị gù, cột sống bị vôi hóa hoặc thoái hóa,... Bác sĩ có thể lựa chọn vị trí khác hoặc thủ thuật gây tê phù hợp hơn.
Nhiều trường hợp chọc tủy sống thất bại
- Chọc vào các rễ thần kinh khiến người bệnh đau nhói, giật một hoặc cả hai chân. Nếu xảy ra biến chứng này, cần rút kim và lựa chọn vị trí gây tê khác.
- Chọc vào mạch máu: Nếu xảy ra biến chứng này, cần đợi một lúc. Nếu máu loãng dần thì có thể thực hiện lại. Tuy nhiên, trường hợp máu vẫn tiếp tục chảy thì cần chọc kim ở vị trí khác.
4.2. Biến chứng có thể xảy ra sau khi gây tê tủy sống
- Tụt huyết áp: Thường gặp ở mẹ bầu, người bệnh có khối u, hoặc các bệnh nhân phản ứng với thuốc gây tê dẫn đến cường phó giao cảm. Nếu xảy ra biến chứng này, cần hồi sức tuần hoàn, dùng thuốc tăng huyết áp, co mạch và trợ tim nếu đã được bù khối lượng tuần hoàn đầy đủ nhưng huyết áp người bệnh vẫn thấp.
- Tê tủy sống toàn bộ: Nguyên nhân gây ra biến chứng này có thể là do liều lượng thuốc tê vào tủy sống quá nhiều hoặc thuốc lan lên qua cao. Đây là một biến chứng nghiêm trọng khiến người bệnh liệt toàn thân, ngưng thở, tụt huyết áp nặng, mất tri giác vì thuốc gây tê lan lên não. Người bệnh cần được cấp cứu ngay lập tức bằng hô hấp nhân tạo, truyền dịch, dùng thuốc trợ tim và thuốc co mạch,...
- Tai biến hô hấp bao gồm giảm thở, nhịp thở không đều, ngừng thở, cơ thể tím tái,… Các trường hợp này nên được đặt nội khí quản.
- Tai biến trên hệ thần kinh chẳng hạn như tình trạng đau lưng ngay sau khi chọc kim. Những tổn thương này có thể phục hồi sau khoảng 1 đến 12 tuần. Tuy nhiên, cũng có những tổn thương không thể phục hồi.
- Các biến chứng khác như ngộ độc thuốc, bí tiểu, buồn nôn, nhiễm trùng,… Tùy từng trường hợp, có thể khắc phục theo những cách khác nhau. Chẳng hạn, với những trường hợp bí tiểu, người bệnh cần được chườm nóng hoặc đặt ống thông,...
Có thể nói rằng, gây tê tủy sống là thủ thuật được áp dụng phổ biến với tỷ lệ thất bại thấp nhưng vẫn tồn tại những nguy cơ rủi ro. Chính vì thế, người bệnh cần phối hợp và nghe theo hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình gây tê để hạn chế tối đa rủi ro.
Nếu muốn tìm hiểu thêm về phương pháp gây tê tủy sống hoặc các vấn đề sức khỏe khác, mời quý khách hàng vui lòng liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC.