Tiêm vắc xin là biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tốt nhất các rủi ro có thể xảy ra trong trường hợp bị Covid-19. Tuy nhiên, sau khi tiêm vắc xin sẽ có một số người gặp tác dụng phụ trong đó có hiện tượng sốt. Vậy nguyên nhân đi tiêm Covid về bị sốt là do đâu và xử lý thế nào mới đúng?
03/02/2023 | Cho trẻ đi tiêm vaccine cần mang gì theo và một số điều nên nhớ 17/05/2022 | Tiêm vaccine an toàn - nhanh chóng - chi phí hợp lý tại MEDLATEC 27/04/2022 | Trước khi tiêm vaccine cần làm gì để đạt hiệu quả cao nhất?
1. Nguyên nhân gây sốt sau khi tiêm vắc xin Covid
Vắc xin Covid-19 được nghiên cứu và sản xuất nhằm mục đích ngăn ngừa sự lây lan với tốc độ khủng khiếp của dịch viêm đường hô hấp cấp gây ra bởi virus SARS-CoV-2. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng việc tiêm vắc xin không chỉ giúp phòng bệnh mà còn giảm các triệu chứng nặng cũng như tỷ lệ biến chứng và tử vong khi mắc bệnh. Có được hiệu quả này là do khi vào cơ thể, vắc xin sẽ giúp hệ miễn dịch tự sản sinh ra kháng thể chống lại virus gây bệnh.
Đi tiêm Covid về bị sốt là một trong các tác dụng phụ có thể gặp
WHO cho biết, tiêm vắc xin phòng Covid-19 có một tỷ lệ thấp sau tiêm xảy ra tác dụng phụ, tuy không nguy hiểm cho người được tiêm nhưng ở một chừng mực nhất định thì nó có thể khiến họ cảm thấy phiền toái. Đi tiêm Covid về bị sốt là một trong những tác dụng phụ như vậy.
Sau khi tiêm vắc xin Covid có thể gặp phải một số triệu chứng: mệt mỏi, sốt, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, ngủ khó,... Trong đó, triệu chứng sốt thường chỉ ở mức nhẹ (chỉ dưới 38.5 độ C) còn các triệu chứng khác đa phần sẽ thuyên giảm và sau khoảng vài ngày sẽ khỏi hoàn toàn mà không có di chứng.
Hiện tượng đi tiêm Covid về bị sốt được giải thích như sau:
- Sốt là một dấu hiệu y khoa đặc trưng bởi sự gia tăng nhiệt độ cao hơn so với khoảng dao động bình thường của nhiệt độ cơ thể: 36.5 - 37.5 độ C.
- Đa số trường hợp sốt chỉ là đáp ứng của cơ thể trước nhiễm trùng gây ra bởi virus, thường kéo dài trong 2 - 3 ngày.
- Sốt cũng có thể do các bệnh không nhiễm trùng khác, nhất là sau khi cơ thể tiếp xúc với chất lạ (cụ thể ở đây là kháng nguyên trong vắc xin Covid). Khi chất lạ xâm nhập, hệ thống miễn dịch của cơ thể tự nhận biết được và ngay lập tức sẽ gây ra phản ứng sốt nhằm tự ghi nhớ chất lạ và hình thành kháng thể để tiêu diệt kẻ lạ.
Yếu tố trực tiếp gây ra sốt là protein hình thành trong cơ thể (chất gây sốt nội sinh). Quá trình sốt bắt đầu xảy ra từ thời điểm tác nhân lạ xâm nhập vào và cơ thể sản sinh ra chất gây sốt ngoại sinh. Chính chất gây sốt ngoại sinh làm kích thích đại thực bào và bạch cầu trung tính để tiết ra chất gây sốt nội sinh.
Chất gây sốt nội sinh lại tác động đến trung tâm điều nhiệt của cơ thể, khiến cho acid arachidonic bị hoạt hóa và sản sinh ra monoamin làm thay đổi điểm đặt nhiệt ở vỏ não. Kết quả của quá trình này là tình trạng toàn thân tăng sản nhiệt và giảm thải nhiệt, nói đơn giản hơn chính là sốt.
2. Xử lý khi đi tiêm Covid về bị sốt
2.1. Chăm sóc và theo dõi
- Theo dõi nhiệt độ cơ thể và thời gian sốt
Nếu đi tiêm Covid về bị sốt thì như đã nói ở trên, thường là sốt nhẹ và sẽ khỏi sau 1 - 2 ngày. Nếu nhiệt độ cơ thể cao vượt quá 38.5 độ C thì cần được theo dõi nhiệt độ thường xuyên và chú ý biểu hiện khác đi kèm.
Sau khi đi tiêm Covid về bị sốt có thể uống thuốc hạ sốt với liều phù hợp cân nặng và độ tuổi
Cụ thể nếu thấy sốt cao liên tục trong khoảng 38.5 - 39 độ C, đã dùng thuốc hạ sốt mà không đáp ứng, đau cơ, đau đầu dữ dội mà không do sang chấn gì, bị sốt kéo dài 3 - 4 ngày không có dấu hiệu cắt sốt thì cần đến bệnh viện ngay hoặc gọi bác sĩ xin tư vấn.
- Dùng thuốc hạ sốt
Đi tiêm Covid về bị sốt cao trên 38.5 độ C có thể uống thuốc hạ sốt paracetamol liều thông thường (không dùng thuốc chứa corticosteroid để tránh làm giảm tác dụng sinh miễn dịch của vắc xin). Hầu hết các trường hợp sốt sau tiêm vắc xin Covid đáp ứng tốt với thuốc hạ sốt nên chỉ cần tái dùng thuốc sau mỗi 6 - 8 tiếng là được. Ít khi gặp trường hợp phải uống thuốc hạ sốt nhiều lần vì sốt sẽ qua đi sau khoảng 24 - 48h.
- Uống nhiều nước
Bị sốt sau tiêm Covid cũng cần bổ sung nước nhưng nên uống nước từ từ và mỗi lần uống hãy chia thành lượng nhỏ. Có thể bổ sung một số loại nước hoa quả để nạp thêm vitamin cho cơ thể. Người bị sốt cũng cần được mặc quần áo thoáng, nhẹ để tránh bị nóng quá.
Hướng dẫn theo dõi và xử trí sau tiêm vắc xin Covid
2.2. Can thiệp y khoa
Nếu sau khi tiêm vắc xin Covid có các dấu hiệu bất thường sau đây thì cần nhanh chóng đến cơ sở y tế:
- Ở miệng cảm thấy tê xung quanh viền môi hoặc lưỡi.
- Ở da thấy có tình trạng phát ban, mẩn đỏ, đỏ hoặc tím tái, xuất huyết dưới da.
- Họng cảm thấy ngứa, căng cứng, nghẹn, nói khó.
- Có các triệu chứng thần kinh như: đau đầu dữ dội, li bì, ngủ gà, co giật, lú lẫn, hôn mê.
- Có dấu hiệu tim mạch: đau tức ngực, ngất, đánh trống ngực.
- Dấu hiệu đường tiêu hóa: đau quặn bụng, nôn, tiêu chảy.
- Dấu hiệu đường hô hấp: thở khò khè, thở rít, tím tái.
- Dấu hiệu toàn thân: choáng, chóng mặt, mệt bất thường, dễ bị ngã, sốt cao liên tục trên 39 độ C có dùng thuốc hạ sốt nhưng không có tác dụng,...
Người mới tiêm Covid về nhà cần có người bên cạnh theo dõi 24/24 trong suốt 3 ngày đầu sau tiêm. Bên cạnh việc theo dõi diễn biến của các phản ứng thì người mới tiêm vắc xin cũng cần bồi dưỡng sức khỏe theo hướng dẫn từ chuyên gia y tế.
Nói tóm lại, đi tiêm Covid về bị sốt nhẹ là phản ứng không đáng lo ngại, chỉ cần được trang bị kiến thức và kỹ năng xử trí đúng cách là sẽ đảm bảo được an toàn. Nếu cần thêm bất cứ thông tin nào về các phản ứng có thể gặp phải sau tiêm vắc xin, quý khách hàng có thể liên hệ số điện thoại 1900 56 56 56 để được Tổng đài viên của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC giải đáp và hướng dẫn cách xử trí đúng.