Sự xuất hiện của cơn đau nửa đầu bao giờ cũng gây ra những khó chịu nhất định, đó là chưa kể về sự ảnh hưởng của nó đến công việc và cuộc sống. Tết là dịp để nghỉ ngơi, sum vầy nên không ai muốn điều này xảy đến. Vậy làm cách nào để phòng tránh cơn đau nửa đầu ngày Tết, bài viết sau sẽ cùng bạn tham khảo một số biện pháp đơn giản mà vẫn mang lại hiệu quả đáng kể.
27/12/2022 | Hướng dẫn cách giảm cân hiệu quả và an toàn đón Tết 27/12/2022 | Phòng tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm vào dịp Tết 31/03/2022 | Tại sao nguy cơ đột quỵ ngày Tết lại cao hơn so bình thường
1. Đau nửa đầu là bệnh gì?
Đau nửa đầu (đau đầu Migraine) là tình trạng ở một bên đầu có cảm giác đau với những mức độ khác nhau: đau nhẹ hoặc đau nhói dữ dội, diễn ra và kết thúc nhanh chóng hoặc kéo dài nhiều giờ liền. Cơn đau nửa đầu có thể xuất hiện ở bất kỳ ai, không kể độ tuổi, tùy theo tính chất mà sẽ ảnh hưởng khác nhau đến hoạt động hàng ngày của người bệnh.
Cơn đau nửa đầu ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý và công việc của người bệnh
Các triệu chứng cảnh báo đau nửa đầu thường xuất hiện từ 1 - 2 ngày trước khi cơn đau khởi phát, như:
- Nhạy cảm với các loại tiếng ồn và ánh sáng.
- Tâm trạng dễ bị thay đổi thất thường: hưng phấn hoặc trầm cảm.
- Có cảm giác buồn nôn, có thể cảm thấy thèm ăn, vị giác bị thay đổi.
- Hay ngáp, mệt mỏi, uể oải.
Trước khi cơn đau nửa đầu xuất hiện khoảng 10 - 30 phút, người bệnh sẽ nhận thấy các rối loạn thoáng qua, chủ yếu là vấn đề về thị giác và thính giác như: thấy điểm đen, ánh sáng nhấp nháy, thấy vầng hào quang,...
2. Biện pháp phòng ngừa đau nửa đầu ngày Tết
Không khí tất bật chuẩn bị trang hoàng nhà cửa cùng nỗi lo và áp lực hoàn thành công việc, sự thay đổi của thời tiết là nguyên nhân chính gây ra tình trạng đau nửa đầu ngày Tết ở nhiều người. Để phòng tránh nguy cơ gặp phải cơn đau nửa đầu khó chịu vào dịp này, bạn nên:
2.1. Chú ý ngủ đủ giấc
Hầu hết các trường hợp bị đau nửa đầu là do thiếu ngủ. Vì thế, vào những ngày Tết bạn nên có cho mình một kế hoạch để ngủ đủ giấc. Điều này sẽ giúp bạn tránh được những hệ lụy kém vui do chứng đau nửa đầu gây ra.
Ngủ đủ giấc là cách để phòng ngừa nguy cơ bị đau nửa đầu ngày Tết
2.2. Tránh ăn một số thực phẩm
Có một số người sau khi ăn sản phẩm từ đậu nành, sôcôla, thực phẩm chứa nitrat, đồ ăn chứa chất tạo màu,... sẽ bị đau nửa đầu. Nếu lo lắng bị chứng đau nửa đầu ngày Tết thì bạn cũng nên tránh xa các loại thực phẩm này. Trường hợp bạn đang nghi ngờ một loại đồ ăn nào chứa thành phần như trên thì hãy thận trọng trong việc đưa ra quyết định sử dụng nó.
2.3. Kiểm soát tâm lý căng thẳng
Việc tránh hoàn toàn trạng thái tâm lý căng thẳng là không thể nhưng nếu cố gắng, bạn có thể kiểm soát nó. Tuy nhiên, nếu đã từng bị đau nửa đầu vì căng thẳng thì trong những ngày Tết bạn nên tránh các tác nhân khiến cho mình bị căng thẳng.
Có không ít người sau khi căng thẳng đã được giải quyết lại gặp phải cơn đau nửa đầu nghiêm trọng. Nếu bạn trong trường hợp này thì hãy chuẩn bị cho mình tâm lý sẵn sàng về cảm giác đau nửa đầu sẽ đến sau khi đã giải quyết các căng thẳng và cân nhắc về việc áp dụng phương pháp khắc phục đau đầu hậu căng thẳng như: tập yoga, nghe nhạc, thiền, trò chuyện với người thân,... hay bất cứ việc gì đem lại cảm giác thoải mái cho bạn.
2.4. Kiểm soát việc tiêu thụ cà phê
Cà phê cũng là yếu tố có vai trò không nhỏ đối với chứng đau nửa đầu. Ít ai biết rằng loại đồ uống này có thể kiểm soát và ngăn ngừa đau nửa đầu, nếu giảm lượng cà phê tiêu thụ dễ khiến cho cơn đau nửa đầu xuất hiện.
Duy trì uống cà phê đều với một lượng ổn định sẽ hạn chế được cơn đau nửa đầu
Vì thế, việc giữ ổn định lượng cà phê được tiêu thụ sẽ phòng tránh chứng đau nửa đầu ngày Tết tương đối hiệu quả. Tuy nhiên, cũng có một số người lại bị đau nửa đầu khi uống cà phê, trường hợp này cần tránh các loại đồ uống chứa chất kích thích, ca cao, sô cô la vì chúng thường chứa cà phê.
2.5. Tránh âm thanh khó chịu và nơi nhiều đèn sáng
Âm thanh to hoặc một vài loại âm thanh có thể dễ dàng làm kích hoạt chứng đau nửa đầu. Vì thế, nếu không muốn bị đau nửa đầu ngày Tết bạn hãy cố gắng giữ cho môi trường sống quanh mình có được sự yên tĩnh nhất định và tránh nơi có những âm thanh ồn ào.
Nếu bạn có thói quen đeo tai nghe hay giữ điện thoại trên tai một thời gian dài thì nên cân nhắc từ bỏ nó vì rất dễ gặp phải chứng đau nửa đầu. Thay vào đó, bạn hãy dùng loa để nghe, hạn chế các cuộc điện thoại kéo dài để phòng ngừa nguy cơ gặp phải cơn đau đầu.
Ánh đèn sáng quá mức cũng có thể tạo điều kiện kích hoạt cơn đau nửa đầu. Để tránh điều này, nếu bạn cảm thấy ánh sáng quanh mình đang gây ra sự khó chịu thì hãy đeo kính râm hoặc cố gắng làm mờ đèn.
3. Đôi điều người bị đau nửa đầu ngày Tết cần lưu ý
Ngoài những biện pháp trên đây thì việc giữ ấm vùng đầu khi đi ra ngoài trời lạnh, giảm đồ ăn ngọt, uống nước ấm, tăng thời gian nghỉ ngơi,... cũng giúp phòng ngừa chứng đau đầu ngày Tết. Các cơn đau nửa đầu thường chỉ xuất hiện trong khoảng 4 - 72 giờ hoặc kết thúc sớm hơn. Tuy nhiên cũng có người bị đau nửa đầu biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe, thậm chí còn đột quỵ hoặc tử vong.
Do đó, khi gặp các tình trạng sau, người bị đau nửa đầu cần đến gặp bác sĩ kiểm tra ngay:
- Khởi phát cơn đau đầu với tính chất dữ dội và đột ngột.
- Ở độ tuổi trên 50 và thường xuyên có cơn đau nửa đầu.
- Đau nửa đầu kèm triệu chứng: sốt, co giật, nôn khó kiểm soát, mờ mắt, hôn mê, mất ý thức,…
- Đau nửa đầu khi mang thai hoặc sau khi sinh xong mà trước đây chưa từng gặp bất cứ cơn đau nửa đầu nào.
- Bị đau nửa đầu nghiêm trọng hơn khi hắt hơi, ho, tập thể dục hoặc cúi người xuống.
- Đau nửa đầu sau khi bị chấn thương, tai nạn, va chạm ở phần đầu.
Chứng đau nửa đầu ngày Tết ở mỗi người không giống nhau về yếu tố thúc đẩy, tính chất và mức độ. Vì thế, để phòng ngừa tránh gặp phải cơn đau nửa đầu, cách tốt nhất là cần hiểu rõ về triệu chứng mình gặp phải và gặp bác sĩ chuyên khoa thăm khám để có được lời khuyên hữu ích.