Trẻ sơ sinh thường gặp khá nhiều vấn đề về làn da, nguyên nhân do làn da nhạy cảm, dễ bị tổn thương và tác động từ nhiều yếu tố bên trong lẫn bên ngoài cơ thể. Trong đó có tình trạng vàng da do sữa mẹ, thường xảy ra ở trẻ bắt đầu bú mẹ 1 tuần tuổi và kéo dài đến 12 tuần tuổi. Ở một số trẻ, tình trạng vàng da do sữa mẹ có thể kéo dài hơn nhưng hầu hết không gây biến chứng nghiêm trọng.
19/03/2021 | Những bệnh lý có liên quan đến tình trạng vàng da và mắt 11/03/2021 | Tổng hợp các nguyên nhân gây vàng da ở trẻ sơ sinh 21/10/2020 | Bác sĩ hướng dẫn phân biệt vàng da sơ sinh sinh lý và bệnh lý
1. Tại sao trẻ bị vàng da do sữa mẹ?
Tình trạng vàng da do sữa mẹ xuất hiện ở khoảng 3% trẻ sơ sinh, nguyên nhân xuất phát từ phản ứng của cơ thể trẻ khi tiếp nhận nguồn dinh dưỡng ở mẹ. Ở trẻ sơ sinh, nồng độ Bilirubin trong máu quá cao do sự phát triển chưa hoàn thiện của gan - cơ quan tiếp nhận bilirubin và giải phóng vào đường ruột. Hơn nữa, sắc tố màu vàng này liên tục được cơ thể tạo ra do quá trình phá vỡ tế bào hồng cầu.
Trẻ sơ sinh có thể bị vàng da từ rất sớm
Vì thế, lượng Bilirubin dư thừa trong máu quá cao sẽ lắng đọng qua da, khiến da chuyển dần sang màu vàng. Nồng độ Bilirubin trong máu càng cao thì chứng vàng da càng nặng, hơn nữa cũng khiến mắt chuyển dần sang màu vàng.
Một nguyên nhân khác gây ra tình trạng vàng da do sữa mẹ ở trẻ sơ sinh là do tác dụng của một số chất có trong sữa mẹ. Những chất này ngăn chặn một số protein trong gan có vai trò phá vỡ Bilirubin, vì thế khiến chất này tích tụ trong máu nhiều hơn. Tình trạng này lý giải tại sao chứng vàng da do sữa mẹ thường gặp hơn ở những trẻ sơ sinh bú tốt.
Tình trạng này cũng liên quan đến yếu tố di truyền mặc dù các nhà khoa học chưa giải thích được cơ chế chính xác. Song trẻ sơ sinh có nguy cơ bị vàng da do sữa mẹ cao hơn nếu tiền sử gia đình từng mắc phải triệu chứng tương tự.
Vàng da ở trẻ là do tích tụ Bilirubin
Hầu hết tình trạng vàng da do sữa mẹ sẽ tự cải thiện và biến mất khi trẻ lớn lên do gan phát triển hoàn thiện hơn, khả năng tiếp nhận Bilirubin tốt hơn. Tuy nhiên ở trẻ gặp phải vấn đề về chức năng gan, tình trạng vàng da này có thể kéo dài kể cả khi trẻ đã ngừng bú mẹ.
2. Nhận biết và chẩn đoán vàng da do sữa mẹ
Nhận biết và chẩn đoán chứng vàng da do sữa mẹ khá đơn giản, song cần phân biệt với vàng da do bệnh lý. Vàng da do sữa mẹ không nguy hiểm nhưng vàng da bệnh lý cần được chẩn đoán và điều trị, nếu không có thể tiến triển nặng ảnh hưởng đến chức năng các cơ quan trong cơ thể.
2.1. Dấu hiệu trẻ bị vàng da do sữa mẹ
Triệu chứng dễ nhận biết nhất chứng vàng da do sữa mẹ ở trẻ đó là màu da và tròng trắng mắt chuyển dần sang màu vàng.
Hầu hết các triệu chứng toàn thân này xuất hiện khi chứng vàng da do sữa mẹ kéo dài nhiều tuần không thuyên giảm.
Hầu hết trường hợp vàng da do sữa mẹ không quá nghiêm trọng
Tình trạng vàng da do sữa mẹ không nguy hiểm, thường tự biến mất sau vài tuần song điều quan trọng là cần phân biệt với vàng da do bệnh lý hoặc do bú không đủ. Nếu vàng da do sữa mẹ, trẻ vẫn bú đúng cách và bú đủ lượng, thường sức khỏe không bị ảnh hưởng. Nếu trẻ bú ít, trẻ khó bú hoặc bú sai cách, cần theo dõi và đưa trẻ đi khám nếu cần thiết.
2.2. Chẩn đoán chứng vàng da ở trẻ sơ sinh
Dù vàng da do sữa mẹ hoặc do nguyên nhân khác đôi khi rất khó để phân biệt trên lâm sàng. Vì thế, dù do nguyên nhân nào, cha mẹ cũng nên đưa trẻ đi khám để kiểm tra trẻ có gặp phải vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nào không. Nhiều trường hợp vàng da bệnh lý nhưng cha mẹ không phát hiện sớm, gây ra những biến chứng nguy hiểm như: tổn thương não vĩnh viễn, mất thính giác,…
Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện xét nghiệm máu để đo hàm lượng bilirubin trong máu trẻ. Nồng độ chất này trong máu sẽ tiếp tục được theo dõi, nếu tăng cao bất thường sẽ phải can thiệp tránh nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ.
Trẻ nên được khám để tìm nguyên nhân chính xác gây vàng da
3. Điều trị, phòng ngừa chứng vàng da ở trẻ do sữa mẹ
Vàng da do sữa mẹ chỉ là tình trạng tạm thời do gan chưa đảm nhận tốt chức năng của nó, đến khoảng 1 tuổi thì triệu chứng sẽ dần biến mất hoàn toàn. Với những trẻ chỉ bị vàng da mức độ nhẹ hoặc trung bình, bác sĩ sẽ tư vấn để cha mẹ tự chăm sóc và theo dõi tại nhà. Có thể trẻ nên được uống thêm hoặc uống thường xuyên hơn các loại sữa công thức để bilirubin dễ đào thải qua phân, nước tiểu hơn.
Với trường hợp vàng da do sữa mẹ nặng, phương pháp điều trị thường chọn là liệu pháp ánh sáng. Một loại ánh sáng đặc biệt có khả năng làm thay đổi cấu trúc phân tử bilirubin, giúp cơ thể trẻ loại bỏ tốt hơn. Liệu pháp này thường thực hiện 1 - 2 ngày, tình trạng vàng da ở trẻ sẽ được cải thiện nhanh chóng.
Hầu hết trẻ bị vàng da do sữa mẹ sẽ cải thiện tình trạng bệnh sau khi được theo dõi và điều trị đúng cách. Song vẫn có trường hợp tình trạng này kéo dài sau nhiều tuần và không có dấu hiệu thuyên giảm, cần đưa trẻ đi khám để tìm nguyên nhân, có thể do bệnh lý tiềm ẩn nào đó đe dọa đến sức khỏe trẻ.
Thực tế vàng da do sữa mẹ có thể cải thiện và chờ khi gan của trẻ phát triển hoàn thiện hơn. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quan trọng cho trẻ, do đó mẹ vẫn nên tiếp tục cho con bú, không nên tự ngừng bú và sử dụng sữa ngoài. Cần duy trì cho trẻ bú sữa mẹ từ 8 - 12 lần mỗi ngày trong ít nhất 6 tháng đầu tiên của cuộc đời.
Trẻ bị vàng da do sữa mẹ vẫn cần được bú sữa hàng ngày
Nếu trẻ đang có dấu hiệu vàng da do sữa mẹ này, đừng quá lo lắng mà hãy đưa trẻ đi khám để được tư vấn điều trị tốt nhất.