Hầu hết các bậc cha mẹ đều đã từng nghe đến hoặc có con gặp phải hiện tượng vàng da sơ sinh. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể là do sinh lý hoặc do bệnh lý. Trẻ có thể gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm khi mắc tình trạng vàng da bệnh lý. Chính vì vậy, việc hiểu rõ và phân biệt được vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý là rất quan trọng.
18/09/2020 | Tìm hiểu về vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh 23/06/2020 | Vàng da sinh lý có gì khác với vàng da bệnh lý ở trẻ sơ sinh? 04/02/2020 | Chỉ số Bilirubin vàng da ở trẻ sơ sinh cho biết điều gì?
1. Tìm hiểu về vàng da sơ sinh?
Vàng da (hay hoàng đản) là tình trạng trẻ có lượng Bilirubin trong máu vượt trên 17mmol/l gây ra nhiễm sắc tố vàng ở niêm mạc mắt và mô da. Thông thường, vàng da sơ sinh xuất hiện khi trẻ được 2 ngày tuổi và kéo dài từ 1 - 2 tuần sau đó.
Vàng da sơ sinh là hiện tượng thường gặp
Tình trạng này trước tiên sẽ bắt đầu với việc củng mạc mắt và vùng da mặt của bé có màu vàng, sau đó dần lan xuống ngực, bụng và có thể cả tay chân tùy vào mức độ bệnh. Cuối cùng là lòng bàn chân và lòng bàn tay.
2. Phân biệt vàng da sơ sinh sinh lý và bệnh lý
Dựa vào nguyên nhân gây bệnh, vàng da sơ sinh được chia thành 2 loại là vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý. Đối với vàng da sinh lý thường sẽ tự hết sau một thời gian ngắn và không gây nguy hiểm gì đến trẻ. Tuy nhiên, vàng da bệnh lý lại có khả năng gây nguy hiểm cho trẻ khiến trẻ bị co giật, hôn mê. Đó cũng là lý do mà cha mẹ cần nắm rõ kiến thức để phân biệt được 2 dạng vàng da sơ sinh này.
2.1. Vàng da sơ sinh sinh lý
Vàng da sinh lý thường gặp sau khi trẻ sinh được 24 giờ và sẽ tự khỏi trong thời gian ngắn dài tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và cơ địa của trẻ (thường ít hơn 1 tuần với trẻ đủ tháng hoặc thường ít 2 tuần với trẻ thiếu tháng).
Trẻ bị vàng da sinh lý chỉ có các biểu hiện vàng da đơn thuần mà không kèm theo triệu chứng nào khác bất thường (lừ đừ, thiếu máu, bỏ bú, gan lách to,...). Ngoài ra, nước tiểu của trẻ cũng có thể sẫm màu hoặc có màu vàng.
Vàng da sinh lý có thể tự khỏi và không gây nguy hiểm gì đối với trẻ
Nồng độ Bilirubin trong máu đối với trẻ sơ sinh được quy định là dưới 14mg đối với trẻ thiếu tháng và dưới 12mg đối với trẻ sinh đủ tháng. Bên cạnh đó, tốc độ tăng Bilirubin trong máu cũng không được vượt quá 5mg/24 giờ.
Khi các tế bào hồng cầu trong máu bị vỡ sẽ tạo ra Bilirubin. Trong giai đoạn đầu đời, khi chức năng gan của trẻ chưa phát triển hoàn thiện nên không loại bỏ được hết lượng Bilirubin thừa, vì vậy mà gây ra tình trạng vàng da sinh lý.
Tuy nhiên, khi gan của trẻ đã phát triển hơn (khoảng 2 tuần tuổi) và hoạt động lọc thải tốt hơn thì tình trạng này sẽ nhanh chóng biến mất.
Ngoài ra, có các nguyên nhân khác khiến trẻ bị vàng ra là vận chuyển Bilirubin vào gan giảm, quá trình kết hợp bilirubin tại gan hạn chế và bài biết Bilirubin giảm.
2.2. Vàng da sơ sinh do bệnh lý
Trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh, đối với một số trường hợp khác, vàng da sơ sinh có thể là dấu hiệu ban đầu của nhiều bệnh lý nguy hiểm.
Tình trạng vàng da của trẻ được cho là liên quan đến các yếu tố bệnh lý và cần được đặc biệt lưu ý nếu có các biểu hiện dưới đây:
- Tình trạng vàng da đậm xuất hiện sớm và không có dấu hiệu biến mất sau 1 - 2 tuần.
- Tình trạng vàng da xuất hiện toàn thân, từ lòng bàn tay, chân đến cả mắt.
- Co giật, lừ đừ, bỏ bú,...
- Nồng độ Bilirubin khi xét nghiệm tăng cao bất thường.
Không giống với vàng da sinh lý có thể tự khỏi, vàng da bệnh lý có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu trẻ không được điều trị kịp thời. Đặc biệt, trẻ có thể bị tổn thương não suốt đời, thậm chí tử vong nếu gặp phải biến chứng nhiễm độc thần kinh do Bilirubin không được đào thải thấm vào não.
Vàng da bệnh lý cần được điều trị kịp thời để tránh dẫn đến biến chứng nghiêm trọng
Một số bệnh lý có thể xuất hiện biểu hiện vàng da như: bệnh lý gan mật bẩm sinh (teo/ giãn đường mật), bệnh lý tan máu (nhiễm trùng, thiếu men G6PD, hồng cầu hình liềm), nhiễm virus bào thai, bất đồng nhóm máu giữa mẹ và bé, xuất huyết dưới da,...
Để đảm bảo tốt nhất cho sức khỏe của trẻ, cha mẹ không nên chủ quan khi thấy có các biểu hiện vàng da sơ sinh ở con trẻ sau khi sinh.
3. Vàng da sơ sinh thường gặp trong những trường hợp nào?
3.1. Trẻ sinh non
Theo thống kê cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh vàng da sinh lý ở trẻ sinh thiếu tháng (<37 tuần) cao hơn so với trẻ sinh đủ tháng. Lý do là bởi trẻ khi sinh non sẽ chưa phát triển hoàn thiện về mặt chức năng các cơ quan, cụ thể là gan. Do đó, lượng Bilirubin không được loại ra khỏi cơ thể, gây ra tình trạng vàng da sinh lý.
Trẻ sinh non có nguy cơ cao mắc bệnh vàng da hơn so với trẻ sinh đủ tháng
3.2. Trẻ dị ứng với sữa mẹ
Dị ứng sữa mẹ hay sữa mẹ có chứa quá nhiều vitamin A cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến vàng da ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, đây chỉ là trường hợp số ít, đồng thời lợi ích mà sữa mẹ mang lại cũng vượt trội hơn nhiều so với một vài bất lợi có thể xảy ra. Do đó, trẻ sơ sinh được khuyến cáo nên bú sữa mẹ ngay từ khi mới lọt lòng.
4. Vàng da ở trẻ sơ sinh nên được xử lý thế nào?
Để khắc phục tình trạng vàng da sinh lý mức độ nhẹ ở trẻ, chỉ cần áp dụng biện pháp tắm nắng cho trẻ mỗi ngày trong khoảng từ 7 giờ - 7 giờ 30 sáng. Đây là thời điểm rất tốt để giúp trẻ hấp thụ vitamin D chống còi xương, hơn nữa còn giúp tình trạng vàng da mau chóng biến mất.
Tắm nắng mỗi ngày để bổ sung vitamin D và giúp con nhanh chóng hết vàng da
Tuy nhiên, với trường hợp vàng da ở mức độ nghiêm trọng hơn thì cần có sự can thiệp của bác sĩ chuyên khoa. Thông thường bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp quang trị liệu như chiếu đèn thông thường hay điều trị sợi quang để giúp trẻ điều trị bệnh vàng da này.
Nói tóm lại, khi thấy trẻ có bất kỳ dấu hiệu nào nghi là vàng da sơ sinh thì cần đi khám bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nếu vẫn còn bất kỳ băn khoăn hay thắc mắc nào liên quan đến bệnh vàng da sơ sinh thì liên hệ ngay 1900 56 56 56, đội ngũ tư vấn viên của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC sẽ tận tình giải đáp cho bạn.