Khi các tế bào của mô phổi hay trong đường hô hấp có tình trạng phân chia và phát triển bất thường sẽ hình thành nên u phổi. U phổi có nguy hiểm hay không còn tùy thuộc vào tính chất của khối u, nó có thể là lành tính hoặc ác tính. Vậy bệnh u phổi có chữa được không và điều trị bằng cách nào? Câu trả lời sẽ có trong bài viết sau đây.
30/08/2022 | U phổi lành tính có nguy hiểm không và điều trị như thế nào? 30/08/2022 | Bác sĩ giải đáp: U phổi có phải ung thư phổi không? 11/11/2020 | Kỹ thuật “vàng” phát hiện chính xác khối u phổi kích thước chỉ từ 1mm
1. Khái niệm về u phổi
1.1. U phổi lành tính
U phổi lành tính là khối u được hình thành và phát triển ở phổi, không xâm lấn tổ chức xung quanh và không di căn đến các cơ quan khác. Tốc độ tăng trưởng của u phổi lành tính thường chậm và ít gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
U phổi khác với nốt phổi. Trong đó nốt phổi giống như một điểm trên phổi, dễ phát hiện qua phim chụp X-quang hoặc chụp CT. Nó có thể đứng riêng lẻ một mình hoặc tập trung thành nhiều nốt cạnh nhau.
U phổi được chia thành 2 loại là u phổi lành tính và u phổi ác tính
1.2. U phổi ác tính
U phổi ác tính hay còn được gọi là ung thư phổi, xảy ra khi trong phổi xuất hiện một khối u mang tính chất ác tính, gia tăng nhanh về kích thước, có khả năng xâm lấn và chèn áp các mô lân cận, thậm chí là di căn đến các cơ quan khác ngoài phổi.
Khác với u phổi lành tính có thể kiểm soát được thì u phổi ác tính là một mối đe dọa lớn đối với sức khỏe và tính mạng người bệnh.
Ung thư phổi được chia thành 2 loại như sau:
-
Ung thư phổi tế bào nhỏ: tỷ lệ người mắc khoảng 15 - 20% và phần lớn gặp phải ở những người hút thuốc lá lâu năm;
-
Ung thư phổi không tế bào nhỏ: chiếm khoảng 80 - 85% các trường hợp ung thư phổi, bao gồm ung thư biểu mô tuyến, biểu mô tế bào vảy và biểu mô tế bào lớn.
2. Dấu hiệu nhận biết u phổi lành tính và ác tính
2.1. U phổi lành tính
Thực tế các khối u phổi lành tính không biểu hiện các triệu chứng rõ ràng, chỉ khi bệnh nhân thực hiện chụp X-quang phổi hay chụp CT thì mới phát hiện ra. Trong một số trường hợp, người bệnh sẽ có các dấu hiệu cơ bản như:
-
Ho kéo dài, có thể ho ra máu;
-
Khó thở, thở khò khè;
-
Sụt cân, cơ thể mệt mỏi;
-
Khàn tiếng;
-
Sốt, đặc biệt xuất hiện khi bị viêm phổi.
Nếu thấy bản thân có các triệu chứng kể trên, người bệnh nên đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt.
2.2. Ung thư phổi có triệu chứng gì?
Nhìn chung u phổi lành tính và ung thư phổi đều gây ra các biểu hiện tương tự nhau. Đối với u phổi ác tính giai đoạn đầu, triệu chứng có thể bao gồm:
-
Ho kéo dài, ho kèm đờm hoặc ho ra máu;
-
Hụt hơi, thở khò khè;
-
Khàn tiếng;
-
Đau ngực, cơn đau tăng nặng khi cười, thở sâu hoặc ho;
-
Chán ăn, cơ thể suy nhược, mệt mỏi;
-
Nhiễm trùng đường hô hấp và tình trạng này tái phát nhiều lần như viêm phổi, viêm phế quản.
Bệnh nhân bị ung thư phổi thường có triệu chứng đau ngực, nhất là khi ho, hắt hơi hoặc hít sâu
Sang đến giai đoạn tiến triển nặng hơn, khối u lúc này đã lan rộng, thậm chí là di căn và các triệu chứng xuất hiện sẽ dựa trên vị trí mà khối u mới hình thành, ví dụ nếu các khu vực sau đây là nơi khối u di căn đến:
-
Đỉnh phổi: ảnh hưởng đến hệ thống dây thần kinh mặt gây co đồng tử, sụp mí mắt, đau nhức vai, không đổ mồ hôi một bên mặt (còn gọi là hội chứng Horner);
-
Nếu khối u ác tính ở phổi đè vào tĩnh mạch lớn chuyên phụ trách vận chuyển máu giữa các cơ quan như tim, đầu và cánh tay sẽ dẫn đến hiện tượng sưng mặt, ngực trên, cổ và cánh tay;
-
Thực quản: bệnh nhân sẽ luôn có cảm giác khó nuốt, vướng ở cổ họng;
-
Não hay cột sống: chóng mặt, nhức đầu, khó giữ được thăng bằng hoặc thường xuyên bị tê chân tay;
-
Xương: đau xương, đặc biệt đau vùng xương sườn, lưng hoặc hông;
-
Hạch bạch huyết: bệnh nhân bị nổi u vùng xương đòn hoặc vùng cổ;
-
Gan: vàng mắt và vàng da.
Đặc biệt, đôi khi tế bào ung thư phổi còn kích thích sự sản sinh của một loại hormone gây ra hội chứng paraneoplastic với hàng loạt biểu hiện như: tăng huyết áp và đường huyết, cơ thể bị tích nước, yếu cơ, lú lẫn, buồn nôn và nôn, hôn mê, co giật,...
3. Bệnh u phổi có chữa được không?
Trường hợp bệnh nhân bị u phổi lành tính, nếu kích thước của khối u không có xu hướng gia tăng, chưa xuất hiện triệu chứng hay biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sức khỏe người bệnh thì có thể theo dõi định kỳ bằng chụp X-quang, đồng thời áp dụng biện pháp điều trị phù hợp. Nếu khối u gây chảy máu hoặc chèn ép phế quản lớn dẫn đến xẹp phổi thì cần tiến hành phẫu thuật ngay.
Đối với ung thư phổi thì việc điều trị gặp khó khăn hơn rất nhiều. Bởi vì bệnh thường tiến triển âm thầm, tốc độ phát triển nhanh, dễ di căn tới các cơ quan khác nếu phát hiện muộn và không được điều trị đúng cách, kịp thời. Do đó phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị tối ưu nhất:
-
Phẫu thuật: là phương pháp chính thường được áp dụng ở giai đoạn sớm của ung thư phổi, nhất là những trường hợp bị ung thư phổi không phải tế bào nhỏ. Phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng mà bác sĩ có thể lựa chọn cắt bỏ một phần, cắt thùy hoặc cắt toàn bộ một bên phổi;
-
Xạ trị: ở những người bị ung thư phổi giai đoạn 1, 2 không đủ điều kiện để thực hiện phẫu thuật thì phương pháp thay thế thường được chỉ định là xạ trị;
-
Hóa trị: đặc biệt nhạy đối với những trường hợp bị ung thư phổi không phải tế bào nhỏ, hóa trị giúp cải thiện triệu chứng của bệnh, đồng thời cũng hỗ trợ tiêu diệt tế bào ung thư sau phẫu thuật;
-
Điều trị nhắm mục tiêu: loại bỏ tế bào ung thư phổi bằng cách nhắm trúng những tế bào này mà không làm tổn hại đến các mô lành xung quanh;
-
Chiếu xạ sọ dự phòng: sử dụng bức xạ để ngăn chặn nguy cơ ung thư phổi di căn não nhưng chưa phát hiện ra qua chẩn đoán hình ảnh.
Nhìn chung bệnh ung thư phổi tiên lượng sống sẽ thấp hơn so với u phổi lành tính do tính chất phức tạp của tế bào ung thư. Phát hiện và điều trị bệnh càng sớm thì tỷ lệ sống sót sẽ càng cao. Nhờ có sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại ngày nay, người mắc bệnh u phổi có thể được chữa khỏi. Tuy nhiên bệnh u phổi có chữa được không còn phụ thuộc vào các yếu tố như loại u phổi mà người bệnh mắc là gì, giai đoạn tiến triển của bệnh, tuổi tác, bệnh lý nền kèm theo và phương pháp điều trị bệnh nhân có thể đáp ứng,...
Bệnh u phổi có chữa được không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau
Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC là địa chỉ thăm khám được nhiều khách hàng tin tưởng. Nếu bạn đang gặp phải các triệu chứng bất thường nghi ngờ bệnh u phổi thì hãy nhanh chóng đến MEDLATEC thăm khám để được các chuyên gia đầu ngành của MEDLATEC chẩn đoán và tư vấn phương án điều trị phù hợp.
Mọi thông tin chi tiết xin quý bạn đọc vui lòng liên hệ hotline 1900 56 56 56 để được tổng đài viên hỗ trợ giải đáp kỹ lưỡng hơn ngay hôm nay.