Rất nhiều lý do khiến da bị cháy nắng, chẳng hạn như đi biển hoặc làm việc nhiều giờ dưới ánh nắng mặt trời. Tình trạng da cháy nắng không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của bạn. Do đó, không nên chủ quan mà cần nhanh chóng xử trí đúng cách để da sớm được phục hồi.
07/07/2021 | Bí quyết chăm sóc da cháy nắng hiệu quả dành cho các chị em 28/05/2019 | Mẹo nhỏ giúp bạn phục hồi da và cháy nắng ngày hè
1. Da bị cháy nắng nguy hiểm như thế nào?
Mùa hè là thời điểm làn da có nguy cơ cao bị cháy nắng, nhất là với những người nông dân, công nhân xây dựng,… thường xuyên phải làm việc dưới ánh nắng mặt trời. Vào những ngày nắng nóng đỉnh điểm giữa mùa hè, một số trường hợp dù đã sử dụng mũ nón và khăn nhưng da vẫn bị đỏ rát, bong tróc. Bên cạnh đó, khi đi du lịch biển dù đã sử dụng kem chống nắng nhưng nhiều phụ nữ cũng gặp phải hiện tượng cháy nắng.
Nhiều phụ nữ bị cháy nắng khi đi biển
Những dấu hiệu cháy nắng sẽ xuất hiện sau khoảng vài giờ khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và tình trạng này có thể kéo dài nhiều ngày sau đó. Dưới đây là một số triệu chứng phổ biến nhất:
-
Da bị đỏ ửng.
-
Khi sờ da sẽ cảm thấy nóng.
-
Da có hiện tượng đau, sưng nề và ngứa.
-
Có những bọng nước nhỏ xuất hiện trên bề mặt da.
-
Đối với những trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân có thể kèm theo hiện tượng đau đầu, sốt, nôn mửa,…
-
Lưu ý: Khi cơ thể tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thì bất cứ vùng da nào cũng có thể bị tổn thương, dù cả phần da đã được che chắn vì tia cực tím từ ánh nắng mặt trời có thể xuyên qua những chất liệu mỏng.
Theo các chuyên gia, khi làn da bị cháy nắng, người bệnh không những phải chịu đau rát, bất tiện trong sinh hoạt, gây mất thẩm mỹ mà còn có thể gặp phải những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Vùng da cháy nắng có thể bị tăng sắc tố sau viêm, dẫn đến sạm da và đẩy nhanh quá trình lão hóa.
Cháy nắng làm tăng nguy cơ ung thư da
Đáng lo ngại hơn, những trường hợp tiếp xúc với tia UV trong một thời gian dài có thể phải đối mặt với nguy cơ ung thư da. Cụ thể là tia UV có trong ánh nắng mặt trời có thể phá hủy các tế bào da, dẫn tới bệnh dày sừng ánh nắng và tăng nguy cơ phát triển thành ung thư tế bào gai.
Những trường hợp có cơ địa nhạy cảm với ánh nắng hoặc các đối tượng bệnh nhân đang phải dùng kháng sinh nhóm Cyclin, VIT A Acid… thì có nguy cơ cháy nắng cao hơn và đồng thời cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro về sức khỏe hơn khi bị cháy nắng.
2. Phải làm sao khi da bị cháy nắng?
Khi da bị cháy nắng, bạn cần xử trí vùng da bị tổn thương đúng cách và kịp thời. Dưới đây là một số gợi ý dành cho bạn:
- Để làm dịu làn da, giảm triệu chứng đau rát, ngứa như châm chích, bạn có thể tắm bằng nước mát, chườm khăn mát hoặc dùng điều hòa không khí để giữ nhiệt độ phòng luôn mát mẻ. Lưu ý không nên chà mạnh lên vùng da cháy nắng vì có thể khiến cho những tổn thương trên da trở nên trầm trọng hơn.
Thoa một lớp kem dưỡng ẩm lên da để làm dịu da
- Sau khi đã làm mát da, bạn có thể thoa một lớp kem dưỡng ẩm lên da, nên ưu tiên loại kem cho chiết xuất từ nha đam vì nó có thể làm mát da và giúp giảm đau hiệu quả. Có thể để kem trong tủ lạnh trước khi thoa lên da. Lưu ý không nên sử dụng mỡ, bơ, dầu để bôi lên vùng da cháy nắng.
- Bạn nên uống nhiều nước để ngăn ngừa tình trạng mất nước và khiến cho làn da bị tổn thương sẽ sớm được phục hồi.
- Không nên gãi, chà xát vào da.
- Trong quá trình điều trị, bạn nên tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Trong trường hợp bắt buộc phải ra ngoài thì cần mặc quần áo che nắng được làm từ chất liệu vải dày và đồng thời nên thoa kem chống nắng với chỉ số SPF 50.
Đối với những trường hợp cháy nắng nghiêm trọng hơn, đau đớn và khó chịu, bệnh nhân không nên chủ quan mà cần đi khám để bác sĩ chẩn đoán mức độ bệnh và chỉ định điều trị với một số loại thuốc chống viêm, giảm đau,... phù hợp.
Một số trường hợp bị bỏng nắng, vùng da bị tổn thương thường rất rộng và lan tỏa nhanh, da xuất hiện nhiều bọng nước và một số triệu chứng như buồn nôn, sốc nhiệt, mệt mỏi,… Tình trạng này nguy hiểm hơn cháy nắng và bệnh nhân cần được đưa đi cấp cứu càng sớm càng tốt, tránh để gặp phải những biến chứng nguy hiểm.
Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong khoảng thời gian từ 11 giờ trưa đến 16 giờ chiều
Cháy nắng không chỉ khiến da của bạn nhanh bị lão hóa mà còn làm tăng nguy cơ ung thư da, do đó, tốt nhất là đừng để cho làn da của bạn bị cháy nắng. Để giảm nguy cơ bị cháy nắng, bạn nên thực hiện một số lưu ý dưới đây:
+ Hạn chế ra ngoài trời trong khoảng thời gian từ 11 giờ trưa đến 16 giờ chiều vì đây là khoảng thời gian mà chỉ số tia cực tím trong ánh nắng mặt trời đạt mức cao nhất.
+ Trong trường hợp bạn bắt buộc phải làm việc hoặc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thì cần phải bôi kem chống nắng, mặc những trang phục bảo hộ dày dặn, nên đeo kính râm, đội mũ nón rộng vành. Sau khoảng 2 đến 3 tiếng thì nên bôi kem chống nắng một lần nữa, hoặc sau khi bơi hay sau khi ra mồ hôi cũng nên bôi kem chống nắng. Đối với phụ nữ, nên lựa chọn thêm một thỏi son dưỡng môi có chỉ số SPF cao.
+ Một số bệnh nhân phải sử dụng các loại thuốc khiến cho da có xu hướng nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời như tetracycline, sulfonamides, thiazide, thuốc tránh thai, thuốc trị tiểu đường, thuốc lợi tiểu,… thì có thể liên hệ với bác sĩ để lựa chọn loại thuốc phù hợp. Tuy nhiên, không nên tự ý dừng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Nếu có nhu cầu tư vấn về cách chăm sóc da, cách xử trí làn da khi bị cháy nắng hoặc muốn đặt lịch khám sớm, bạn có thể liên hệ đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC theo đường dây nóng 1900 56 56 56, các bác sĩ chuyên khoa Da liễu của chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn.