Bệnh chắp mắt thường tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, khi chắp mắt bị vỡ, cần phải xử trí vết mủ bị vỡ đúng cách để phòng tránh nguy cơ nhiễm trùng và một số vấn đề khác. Dưới đây là một số hướng dẫn của chuyên gia về cách xử trí an toàn.
04/03/2023 | Chắp mắt là gì? Cách điều trị như thế nào? 19/08/2021 | Chắp mắt ở trẻ: phương pháp điều trị và cách phòng ngừa 03/07/2021 | Lên chắp mắt tái đi tái lại nhiều lần do thói quen xấu
1. Chắp mắt là gì?
- Chắp mắt là bệnh phổ biến và được chia thành nhiều loại khác nhau:
+ Chắp ở vị trí ngoài mi mắt, nhỏ như hạt đậu và rắn chắc thì được gọi là chắp ngoài.
+ Chắp mọc ở trong mi mắt, ở phần kết mạc của mí mắt và cần phải lất mi lên mới nhìn thấy được đầu mủ có nhân trắng của chắp thì gọi là chắp trong.
Chắp mắt có thể xảy ra ở trẻ nhỏ và người lớn
+ Nhiều chắp cùng mọc trên mi mắt hoặc cả hai bên mắt thì được gọi là đa chắp.
- Khi bị chắp mắt, người bệnh sẽ có thể gặp phải một số triệu chứng như sau:
+ Mắt bị đau rát, đỏ hoặc sưng ở kết mạc và mi mắt.
+ Vài ngày sau, những triệu chứng này sẽ thuyên giảm, bệnh nhân sẽ bớt khó chịu, vùng sưng cũng xẹp xuống, trên mi mắt lúc này sẽ chỉ còn một hạt cứng.
Nếu người bệnh đảm bảo vệ sinh mắt cẩn thận thì chỉ sau một vài tháng, bệnh có thể tự khỏi. Với những trường hợp bị mọc chắp mắt không liên quan đến nhiễm khuẩn, người bệnh không cần dùng kháng sinh mà chỉ cần chườm ấm mắt và vệ sinh mắt sạch sẽ mỗi ngày.
Trường hợp chắp mắt to và lâu khỏi thì bác sĩ có thể chỉ định dùng corticoid hoặc tiến hành chích chắp để bệnh nhan khỏi hơn. Thông thường, khối chắp ở mi thường nằm sâu trong sụn, vì thế bác sĩ sẽ cần phải nạo sâu trong quá trình chích chắp, đảm bảo phải lấy hết những chất nhầy của chắp để phòng tránh tối đa nguy cơ tái phát bệnh.
Trường hợp bệnh tái phát nhiều lần, cần thực hiện xét nghiệm khối chắp mắt để chẩn đoán chính xác hơn về tình trạng của người bệnh và áp dụng các phương pháp điều trị hiệu quả hơn.
2. Chắp mắt bị vỡ có nguy hiểm không?
Trong quá trình bị bệnh, một số nguyên nhân như người bệnh dụi tay lên mắt nhiều, va chạm vào vùng bị chắp,… khiến cho chắp mắt bị vỡ. Thực chất, đây không phải là vấn đề nguy hiểm. Tuy nhiên, người bệnh cũng cần phải xử trí vết mủ bị vỡ đúng cách để tránh không để tình trạng bệnh nặng thêm và phòng ngừa một số biến chứng khác.
Chắp mắt bị vỡ cần được xử trí đúng cách
Nếu không xử trí đúng cách, tình trạng chắp mắt bị vỡ có thể gây ra những vấn đề như sau:
- Mủ bị chảy vào trong mắt gây viêm kết mạc mắt.
- Nếu không vệ sinh phần mủ bị vỡ có thể khiến chắp mắt mới to hơn và nghiêm trọng hơn.
- Vùng bị vỡ và những khu vực lân cận có thể bị viêm nhiễm.
3. Hướng dẫn xử trí khi chắp mắt bị vỡ
Khi chắp mắt bị vỡ, người bệnh cần bình tĩnh xử trí đúng cách. Tùy thuộc vào mức độ vỡ của chắp mắt mà áp dụng các phương pháp xử trí phù hợp. Cụ thể như sau:
- Đối với những bệnh nhân bị vỡ chắp mắt nhưng có ít mủ, người bệnh sẽ đau ít hơn so với những trường hợp có mủ nhiều. Lúc này, bệnh nhân có thể xử trí theo cách sau:
Chườm ấm vùng mắt bằng khăn sạch để giảm đau
+ Dùng nước muối sinh lý để rửa sạch mắt. Mỗi ngày nên rửa khoảng 3 lần. Thực hiện rửa mắt liên tục trong khoảng 5 đến 7 ngày. Khi rửa mắt, cần phải dùng khăn sạch hoặc bông và lưu ý nhẹ tay để không gây ảnh hưởng đến vết thương.
+ Để giảm đau tự nhiên, người bệnh nên chườm khăn nóng. Có thể thực hiện chườm nóng trước hoặc sau khi rửa mắt. Thời gian chườm nóng là khoảng 3 đến 5 phút. Trong chườm hợp vẫn trong thời gian chườm nhưng khăn nguội, bạn nên làm ấm khăn để tiếp tục chườm đến khi đủ thời gian.
- Nếu chắp mắt to, nhiều mủ bị vỡ thì không nên chủ quan vì tình trạng này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tầm nhìn và công việc hàng ngày của người bệnh. Do đó, nên đi khám sớm để được các bác sĩ xử trí đúng cách. Một số phương pháp có thể được áp dụng bao gồm:
Người bệnh cần tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ
+ Dùng thuốc kháng sinh cho bệnh nhân để tránh nguy cơ nhiễm trùng, có thể dùng dạng uống hoặc dạng tra mắt mỡ.
+ Nếu chắp mắt bị vỡ, mủ đọng lại trong mắt của người bệnh, bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp chích lẹo để cạo sạch mủ.
+ Nếu vỡ chắp mắt gây đau nhiều, thuốc giảm đau sẽ có thể giúp người bệnh cảm thấy bớt đau và dễ chịu hơn.
4. Phòng tránh chắp mắt bằng cách nào?
Để phòng tránh chắp mắt, bạn cần thực hiện một số lưu ý như sau:
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nước sát khuẩn. Hạn chế chạm tay lên mắt. Chạm tay lên mắt, nhất là khi tay bẩn, bạn sẽ vô tình đưa vi khuẩn lên mắt và gây chắp mắt.
- Không nên đưa tay lên dụi mắt để tránh trường hợp vi khuẩn lây lan. Kể cả khi tay đã được sát khuẩn thì việc dụi tay lên mắt cũng có thể khiến mắt bị kích ứng và dẫn tới nhiều vấn đề nghiêm trọng khác.
- Không dùng chung đồ dùng cá nhân, chẳng hạn như khăn mặt, kính mắt, đồ trang điểm,… với người khác, nhất là khi đang bị chắp mắt.
- Sau khi dùng những đồ liên quan đến vùng mắt, cần vệ sinh sạch sẽ các đồ dùng này.
- Khi ra ngoài nắng hoặc thường xuyên làm việc trong môi trường ô nhiễm, bụi bẩn, thì cần bảo vệ mắt bằng việc đeo kính mắt, đeo mặt nạ bảo hộ.
- Chế độ ăn uống cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp phòng tránh bệnh chắp mắt và ngăn ngừa bệnh tái phát. Không nên ăn nhiều đồ ngọt, thực phẩm có chứa nhiều đạm, đồ nếp,… Thay vào đó, nên ăn nhiều chất xơ, thực phẩm có chứa nhiều vitamin C, sữa chua,…
- Những trường hợp chắp lẹo kinh niên, bác sĩ có thể tư vấn người bệnh thực hiện tiêm vắc xin chống tụ cầu.
Hi vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về chắp mắt và hướng xử trí khi chắp mắt bị vỡ an toàn. Để được tìm hiểu thêm hoặc có nhu cầu kiểm tra mắt, mời bạn liên hệ đến Chuyên khoa Mắt của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC theo đường dây nóng 1900 56 56 56.