Thuốc Metronidazol là một loại thuốc kháng sinh thường được sử dụng khi cơ thể gặp phải một số vấn đề sức khỏe liên quan đến tình trạng nhiễm khuẩn. Vậy loại thuốc này có tác dụng như thế nào và có thể gây ra những tác dụng phụ ra sao? Dưới đây là những thông tin để bạn hiểu hơn về Metronidazol và sử dụng thuốc đúng cách.
16/11/2021 | Lưu ý khi sử dụng thuốc Metronidazol trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn
1. Thuốc Metronidazol mang đến những tác dụng gì?
Metronidazol có tác dụng điều trị các bệnh nhiễm trùng hoặc ký sinh trùng bằng cách ngăn chặn sự tăng trưởng của các loại vi khuẩn và tiêu diệt chúng. Cụ thể, một số loại vi khuẩn, ký sinh trùng mà Metronidazol có thể tác động đến là:
Metronidazol dùng cho các trường hợp nhiễm vi khuẩn kỵ khí và ký sinh trùng
- Trichomonas vaginalis: Đây là một loại ký sinh trùng có thể gây ra viêm nhiễm vùng kín ở cả hai giới. Con đường lây nhiễm của nó là tiếp xúc trực tiếp qua da hoặc niêm mạc khi quan hệ hoặc những trường hợp dùng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh như quần áo, khăn tắm,… cũng có thể dễ dàng bị lây nhiễm bệnh.
- Entamoeba histolytica(trùng kiết lỵ): Thông qua đường tiêu hóa, chúng có thể xâm nhập vào cơ thể. Trùng kiết lỵ thường bám vào niêm mạc ruột, tiết ra những loại men gây phá hủy các tế bào niêm mạc. Đây cũng chính là nguyên nhân gây ra các ổ viêm loét và tình trạng xuất huyết.
- Dientamoeba fragilis: Loại ký sinh trùng này thường sống trong đại tràng. Khi nhiễm phải, người bệnh sẽ có thể mắc một số triệu chứng như đau bụng, đau co thắt, tiêu chảy, chán ăn, buồn nôn và thường xuyên cảm thấy mệt mỏi,… Bên cạnh đó cũng có một số trường hợp không xuất hiện triệu chứng. Loại ký sinh trùng này có thể lây qua đường tiêu hóa.
Thuốc được bào chế theo nhiều dạng như viên nén, kem bôi,…
- Bacteroides fragilis: Loại vi khuẩn này có mặt trong hệ vi sinh của đại tràng. Chúng có thể phát triển mạnh nếu gặp điều kiện thuận lợi là vết thương nặng sau phẫu thuật hoặc vết thương nặng khi gặp chấn thương.
- Ngoài ra thuốc Metronidazol cũng có tác dụng trong việc điều trị một số loại vi khuẩn khác như Dracunculus medinensis( vi khuẩn gây ra bệnh giun rồng), Fusobacterium(vi khuẩn gây bệnh sâu răng) hay vi khuẩn Giardia lamblia(gây bệnh viêm ruột),…
2. Những vấn đề cần lưu ý khi sử dụng thuốc Metronidazol
Bệnh nhân có thể sử dụng thuốc Metronidazol bằng đường uống với các viên nén, truyền qua đường tĩnh mạch hoặc dùng thuốc dạng kem để bôi lên da. Tùy thuộc vào từng trường hợp bệnh nhân cụ thể, các bác sĩ sẽ hướng dẫn, chỉ định liều lượng thuốc, cũng như đường dùng thuốc phù hợp. Khi sử dụng thuốc, bạn cũng nên chú ý những điều sau:
2.1. Cần lưu ý về thể trạng sức khỏe trước khi dùng thuốc
- Đối với trẻ em: Trẻ em là đối tượng có sức đề kháng yếu, cơ thể chưa phát triển toàn diện nên dễ bị tổn thương. Do đó, cha mẹ cần lưu ý cho con sử dụng đúng với liều lượng của bác sĩ kê đơn. Khi sử dụng thuốc, nếu trẻ gặp phải bất cứ dấu hiệu bất thường nào cần báo ngay với bác sĩ điều trị để được xử trí kịp thời.
- Đối với phụ nữ mang thai và đang cho con bú: Loại thuốc kháng sinh này không được sử dụng đối với những trường hợp nữ giới đang mang thai trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Đối với những trường hợp bệnh nhân đang cho con bú cần phải ngừng việc cho con bú nếu muốn sử dụng thuốc.
Cần tuân thủ theo những chỉ dẫn của bác sĩ khi sử dụng thuốc
- Người già: Đây là nhóm đối tượng có sức đề kháng yếu và thường mắc bệnh nền chính vì thế, bệnh nhân cần lưu ý trình bày về tình trạng sức khỏe hiện tại, các bệnh lý nền đang mắc phải những bệnh lý đã từng mắc trước đây. Dựa vào những thông tin này kết hợp với quá trình khám sức khỏe tổng thể, các bác sĩ sẽ đưa ra liều lượng thuốc cho người bệnh.
- Các trường hợp mắc bệnh lý nền chẳng hạn như bệnh về máu, bệnh về thần kinh, trường hợp suy gan, suy thận cũng cần trình bày rõ với bác sĩ trước khi được kê đơn thuốc.
- Mẫn cảm: Những người bệnh có cơ địa nhạy cảm, cần phải lưu ý trước khi dùng thuốc. Để đảm bảo an toàn cho người bệnh, hạn chế những nguy cơ rủi ro không mong muốn, các bác sĩ có thể thực hiện test kháng sinh cho bệnh nhân trước khi dùng thuốc.
2.2. Metronidazol có thể gây ra những tác dụng phụ như thế nào?
Ngoài tác dụng tiêu diệt vi khuẩn, ký sinh trùng, thuốc kháng sinh Metronidazol còn có thể mang đến một số tác dụng phụ không mong muốn. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào cơ địa của người bệnh, mức độ phản ứng với thuốc ở mỗi trường hợp. Dưới đây là một số tác dụng phụ mà người bệnh có thể gặp phải:
Metronidazol có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn
- Bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa với một số biểu hiện như chán ăn, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy hay táo bón,…
- Người bệnh có cảm giác đau đầu, mệt mỏi khi sử dụng thuốc.
- Nước tiểu của người bệnh sẫm màu hơn bình thường. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do một phần của thuốc được thải trừ qua đường nước tiểu.
- Sau khi dùng thuốc, miệng bệnh nhân có cảm giác vị kim loại.
- Trên da của người bệnh xuất hiện một số triệu chứng bất thường như ngứa ngáy, mẩn đỏ,…
- Bên cạnh những tác dụng phụ trên, người bệnh còn có thể xuất hiện một số tác dụng phụ nghiêm trọng hơn như mất thăng bằng, chóng mặt, bệnh nhân lú lẫn, không tỉnh táo,… Những trường hợp này cần dừng thuốc và báo ngay tới bác sĩ để được xử trí kịp thời.
2.3. Lưu ý nếu bạn đang sử dụng thuốc điều trị
Đối với những trường hợp bệnh nhân đang mắc phải bệnh lý nền và đang sử dụng một số thuốc điều trị thì cần thông báo với bác sĩ về các loại thuốc mà bạn đang sử dụng. Các bác sĩ sẽ cân nhắc về việc có nên dùng thuốc hay không hoặc nếu dùng thì dùng liều lượng như thế nào là phù hợp. Đây là lưu ý cần được thực hiện để hạn chế tình trạng tương tác thuốc và ngăn ngừa một số phản ứng có thể gây hại cho sức khỏe.
Ngoài ra bạn nên dùng thuốc Metronidazol sau khi ăn để hạn chế các tác dụng phụ đường tiêu hóa. Trong quá trình dùng thuốc cũng không nên hút thuốc lá, uống rượu bia,… Bạn có thể liên hệ đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC theo tổng đài 1900 56 56 56 để được các bác sĩ tư vấn chi tiết hơn.