Máy đo huyết áp hiện nay đã trở thành một trong những thiết bị y tế không thể thiếu với nhiều hộ gia đình. Tuy nhiên, cách sử dụng máy đo huyết áp tại nhà như thế nào cho hiệu quả lại là điều không hẳn ai cũng biết.
23/05/2023 | Huyết áp cao bao nhiêu thì phải uống thuốc? 22/05/2023 | Biến chứng tăng huyết áp - Những hiểm họa cần cảnh giác 19/05/2023 | Khám tăng huyết áp là khám những gì? Khi nào cần thực hiện?
1. Vai trò và sự cần thiết của việc đo huyết áp
Huyết áp là chỉ số thể hiện áp lực của dòng máu lên thành mạch và được đo bằng đơn vị mmHg. Chỉ số huyết áp gồm hai loại: tối đa (tâm thu) và tối thiểu (tâm trương). Với những người khỏe mạnh bình thường, hai chỉ số này ở mức 90 tới 130 mmHg với huyết áp tâm thu và 60 tới 89 mmHg với huyết áp tâm trương.
Chỉ số huyết áp là thông tin bắt buộc trong khám sức khỏe
Khi hai chỉ số này ở mức không bình thường, tức là tăng cao hơn hoặc giảm thấp xuống so với mức thông thường đều có thể dẫn tới những nguy hiểm cho sức khỏe con người.
-
Huyết áp thấp là khi mức tối đa chỉ khoảng 90 mmHg, tối thiểu trong khoảng 60 mmHg. Nếu không kịp thời phát hiện, có thể dẫn tới các hiện tượng như nhẹ thì choáng váng xây xẩm mặt mày, nặng thì ngất xỉu, ngã, có thể dẫn tới chấn thương, nặng hơn nữa là sốc, trụy tim, gây ảnh hưởng tới cả tính mạng.
-
Huyết áp cao là khi mức tối đa luôn vào khoảng 140 trở lên, tối thiểu luôn khoảng 90 trở lên. Khi bệnh không được kịp thời khắc phục, có thể dẫn tới những mối đe dọa lớn tới tính mạng con người, chẳng hạn: tai biến mạch máu não, mạch vành, suy tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ,...
Chính vì vậy, có thể nói, đo huyết áp là sự kiểm tra không thể thiếu trong quá trình khám, theo dõi sức khỏe. Đặc biệt, đối với những người huyết áp không bình thường, cao hoặc thấp thì việc theo dõi chỉ số này hàng ngày có thể giúp phát hiện và khắc phục những bất thường nhằm phòng tránh những mối nguy hiểm cho tính mạng, sức khỏe
2. Các loại máy đo huyết áp thường gặp
Hiện nay, máy đo huyết áp có nhiều loại khác nhau, trong đó phổ biến là:
Máy đo huyết áp cơ
Là kiểu truyền thống, có độ bền, độ chính xác cao. Máy gồm các phần: bóng bơm hơi, vòng quấn tay, đồng hồ. Khi đo, người bệnh sẽ được đặt một ống nghe trên bắp tay rồi quấn lại bằng vòng quấn. Nhân viên y tế sẽ bóp bóng bơm hơi cho vòng quấn căng lên, ép chặt vào tay sau đó mở van cho hơi nhả dần ra rồi lắng nghe tiếng mạch đập để xác định huyết áp.
Tuy nhiên, cách sử dụng máy đo huyết áp dạng này phức tạp và đòi hỏi kinh nghiệm, chuyên môn để đảm bảo cho kết quả được chính xác nên thường được các bác sĩ sử dụng tại cơ sở y tế.
Việc dùng máy cơ đòi hỏi chuyên môn, kinh nghiệm
Máy đo huyết áp thủy ngân
Hoạt động dựa trên trọng lực, độ bền cao, ít sai số song cách sử dụng cũng phức tạp, lại nặng, khó di chuyển nên cũng thường được đặt cố định trong các phòng khám, cơ sở y tế.
Máy đo huyết áp điện tử
Là loại có cách sử dụng đơn giản nhất, lại nhỏ gọn và tiện lợi nên thường được các cá nhân, hộ gia đình mua và đo huyết áp tại nhà, không cần có sự giám sát, giúp đỡ của bác sĩ.
Máy cũng có một vòng quấn tay, kết nối với màn hình điện tử. Màn hình này sẽ hiển thị các chỉ số huyết áp tối đa, tối thiểu và có thể cả nhịp tim của người bệnh.
Máy điện tử có cách sử dụng rất đơn giản
3. Cách sử dụng máy đo huyết áp điện tử tại nhà
Như trên đã nói máy đo huyết áp điện tử rất phổ biến trong mỗi gia đình. Cách sử dụng máy đo huyết áp điện tử tại nhà cụ thể là:
Chọn thời điểm
Buổi sáng là thời điểm lý tưởng nhất song nếu muốn so sánh, theo dõi sự biến động, việc đo huyết áp có thể thực hiện nhiều lần trong ngày.
Cách thực hiện
Việc đo huyết áp bằng máy điện tử có thể thực hiện như sau:
-
Người bệnh tốt nhất là chọn tư thế ngồi lưng thẳng, tay thoải mái.
-
Có thể chọn vị trí đo tại cổ tay hoặc bắp tay. Nếu là bắp tay thì đặt cánh tay lên bàn theo hướng ngửa lòng bàn tay lên, ống nghe được đặt cách khủy tay 2cm bằng cách lấy ngón tay sờ trên mặt da thấy chỗ nào đập là chỗ có động mạch cánh tay, sau đó quấn là bằng vòng quấn. Nếu là cổ tay thì gập cánh tay lại sao cho cổ tay ngang tim.
-
Sau khi đã thực hiện đúng tư thế, người bệnh ngồi yên, bấm nút khởi động trên máy để thực hiện việc đo huyết áp. Trong quá trình đo, không được đi lại, đổi tư thế, chuyện trò, ăn uống.
-
Kết quả đo hiển thị trên màn hình sẽ cung cấp cho bạn thông tin về tình hình huyết áp của bản thân.
4. Cần lưu ý gì khi đo huyết áp tại nhà?
Có thể nói, cách sử dụng máy đo huyết áp điện tử tại nhà khá đơn giản và dễ dàng thực hiện song nhằm đảm bảo độ chính xác của kết quả, bạn cần lưu ý một số điều sau:
-
Trước khi tiến hành, không uống bia, rượu hay bất kỳ chất kích thích nào khác.
-
Nếu vừa vận động mạnh, leo cầu thang, bạn cần ngồi nghỉ ngơi từ 15 tới 20 phút để cơ thể được ổn định.
-
Không nên nhịn tiểu trong quá trình đo.
-
Các lần đo không nên quá gần nhau vì có thể khiến kết quả thiếu chính xác, nên đo vào cùng thời gian trong ngày.
-
Ngồi đúng tư thế, vòng bít cần được quấn vừa khít với tay, đúng vị trí.
-
Nếu chỉ số huyết áp cho thấy sự bất thường, cần báo cho bác sĩ đang điều trị hoặc đến cơ sở y tế để được kiểm tra.
Đối với những người vốn không bị bất thường về huyết áp song đột nhiên xuất hiện các dấu hiệu bất thường như: đau đầu, chóng mặt, choáng váng, xây xẩm, tim đập nhanh,... cũng cần kiểm tra huyết áp và tới các cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám.
Dù có thể tự đo huyết áp tại nhà, bạn vẫn nên đến cơ sở y tế định kỳ để bác sĩ khám, kiểm tra
Có thể nói, khám sức khỏe thường xuyên là điều cần thiết đối với tất cả mọi người. Đặc biệt, đối với những người mắc bệnh về huyết áp hoặc bệnh lý tim mạch, việc theo dõi lại càng trở nên cần thiết. Ngoài hoạt động tự đo huyết áp hàng ngày tại nhà, dùng thuốc điều chỉnh huyết áp thì định kỳ nên tới cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra, thăm khám.
Khi có nhu cầu được kiểm tra, tư vấn cách chăm sóc sức khỏe hoặc điều trị các bệnh liên quan tới huyết áp, quý khách có thể đến với Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC hoặc gọi tới số 1900 56 56 56 để được hướng dẫn cụ thể.