Hen phế quản ở người lớn có thể kiểm soát nếu người bệnh ý thức được dấu hiệu cơn hen và xử trí kịp thời. Tuy nhiên, cũng không thể chủ quan vì nhiều trường hợp xuất hiện cơn hen phế quản nghiêm trọng vẫn có thể bị đe dọa đến tính mạng. Mời bạn cùng tham khảo một số cách điều trị hen phế quản ở người lớn trong bài viết sau.
15/12/2022 | Nguyên nhân hen phế quản là do đâu? Điều trị thế nào? 15/11/2022 | Hen phế quản và những kiến thức mọi người cần nắm rõ 07/02/2022 | Giải đáp thắc mắc: hen phế quản có nguy hiểm không? 27/01/2022 | Hen phế quản là bệnh gì, cách kiểm soát và phòng ngừa hiệu quả
1. Dấu hiệu nhận biết bệnh hen phế quản ở người lớn
Khi bị hen phế quản, người bệnh có thể xuất hiện những triệu chứng như sau:
- Người bệnh bị hắt hơi, sổ mũi, ngứa mắt, ho khan, buồn ngủ trước khi lên cơn hen.
- Sau những triệu chứng kể trên, cơn hen xuất hiện. Người bệnh thở khò khè, thở nhanh và ho liên tục.
Người bệnh hen phế quản bị ho liên tục
Trong trường hợp nhận biết sớm và kiểm soát bệnh kịp thời, những triệu chứng của bệnh nhân sẽ được cải thiện sau vài phút đến vài giờ. Ngược lại, khi những triệu chứng này không được khắc phục sớm thì người bệnh sẽ xuất hiện nhiều triệu chứng nghiêm trọng hơn, có thể kể đến như:
+ Đau ngực, nặng ngực.
+ Nói khó.
+ Có cảm giác bất an, lo lắng.
+ Da mặt nhợt nhạt.
+ Vã mồ hôi.
+ Môi và đầu ngón tay tím tái.
Khi những triệu chứng phía trên không được khắc phục kịp thời, bệnh nhân sẽ bị giảm oxy trong máu, thiếu máu não dẫn tới ngất, mất ý thức và có nguy cơ tử vong.
- Cơn khó thở: Lúc đầu, người bệnh có biểu hiện khó thở chậm, người đứng cạnh cũng có thể nghe được cơn cò cử. Sau đó, tình trạng khó thở tăng dần, kèm theo tình trạng vã mồ hôi, khó nói, người bệnh chỉ có thể nói từng từ hoặc ngắt quãng. Những cơn khó thở có thể kéo dài từ 5 đến 15 phút, thậm chí một số trường hợp con khó thở có thể kéo dài hàng giờ, hàng ngày. Tình trạng khó thở kết thúc bằng biểu hiện ho và khạc đờm.
2. Chẩn đoán bệnh hen phế quản ở người lớn
- Trước hết, người bệnh sẽ được khai thác thông tin về:
+ Tiền sử có cơn khó thở kiểu hen hay không.
+ Tiền sử bệnh bệnh của bản thân về tình trạng viêm mũi dị ứng, dị ứng với các loại thuốc, thức ăn hay viêm kết mạc dị ứng,...
+ Trong gia đình từng có người mắc hen phế quản hay các bệnh dị ứng hay không.
- Sau đó, các bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng để nhận biết rõ các biểu hiện của người bệnh.
Cơn khó thở chính là biểu hiện thường gặp của bệnh hen phế quản
- Tiếp theo các bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện một số phương pháp chẩn đoán như sau:
+ Đo hô hấp ký để có thể nhận biết được giới hạn luồng khí thở ra:
Nếu đo ngoài cơn: Chức năng thông khí phổi có kết quả bình thường.
Nếu đo trong cơn: Kết quả cho thấy có sự rối loạn thông khí và tình trạng này có thể được phục hồi bằng thuốc giãn phế quản.
+ Các xét nghiệm khác:
- Bên cạnh đó, bác sĩ có thể áp dụng một số phương pháp để chẩn đoán phân biệt với một số bệnh lý khác như:
+ Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: Thường xảy ra ở những người hút thuốc lá và thuốc lào trong suốt một thời gian dài. Một số triệu chứng của bệnh như khó thở liên tục, ho và khạc đờm kéo dài.
+ Suy tim do tăng huyết áp hay hẹp van hai lá.
+ Một số triệu chứng bất thường ở đường hô hấp như bệnh nhuyễn sụn phế quản, hẹp khí phế quản, do dị vật, dị dạng quai động mạch chủ,...
+ Bệnh trào ngược dạ dày với một số biểu hiện thường gặp như khó thở, ho,... nhất là khi nằm hay cúi người về phía trước.
+ Bệnh rò thực quản - khí quản với một số biểu hiện điển hình như ho, khó thở, nhất là khi ăn uống.
+ Giãn phế quản: Đây là những trường hợp mà người bệnh bị ho có đờm từ nhiều năm, thậm chí có những đợt đờm nhầy mủ. Những trường hợp này cần chụp X-quang hoặc chụp CT để xác định bệnh.
3. Cách điều trị hen phế quản ở người lớn
Tình trạng co thắt phế quản không cố định, một số trường hợp có thể phục hồi tự nhiên hoặc cũng có thể được phục hồi sau khi dùng thuốc giãn phế quản. Chính vì thế, cần nhận biết sớm dấu hiệu của bệnh hay chính là những cơn khó thở để biết cách xử trí sớm. Nếu xử trí đúng cách và kịp thời, bệnh nhân có thể thoát khỏi cơn khó thở hoặc giảm bớt triệu chứng bệnh trước khi được đưa đến các cơ sở y tế để tiếp tục điều trị.
Dùng thuốc cắt cơn hen kịp thời
- Người bệnh cũng cần thực hiện theo đúng những chỉ dẫn của bác sĩ. Tránh xa những yếu tố gây khởi phát cơn hen như khói bụi hay các dị nguyên trong môi trường, các chất kích thích, một số loại thuốc, các loại thức ăn gây dị ứng,...
- Nên nghỉ ngơi hợp lý và đảm bảo môi trường sống luôn sạch sẽ. Bên cạnh đó, người bệnh cần chú ý luôn mang theo bình thuốc cắt cơn khó thở bên mình, dù ở bất cứ nơi đâu.
- Nếu thấy có những biểu hiện của cơn hen phế quản thì cần tìm nơi thông thoáng để ngồi và sau đó dùng thuốc để cắt cơn hen do bác sĩ đã chỉ định.
- Bệnh nhân nên áp dụng chế độ ăn đầy đủ, đa dạng dưỡng chất, nên đặc biệt ưu tiên trái cây và các loại rau xanh. Thực hiện lối sống khoa học chẳng hạn như ngủ đúng giờ, ngủ đủ giấc, kiểm soát căng thẳng và tập thể dục đều đặn mỗi ngày với cường độ tập phù hợp, tránh tập quá nhiều và tập với cường độ nặng,...
- Dù những triệu chứng bệnh đã thuyên giảm nhưng người bệnh vẫn cần tái khám để được các bác sĩ theo dõi, điều chỉnh phác đồ điều trị để đạt được hiệu quả cao nhất. Từ đó, kiểm soát bệnh tốt, đảm bảo người bệnh khỏe mạnh hơn, nâng cao chất lượng sống.
Nên tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ
Bệnh hen phế quản không lây lan mà thường liên quan đến cơ địa người bệnh và có thể mang tính di truyền. Bệnh thường khởi phát bởi những tác nhân gây dị ứng và nhiều yếu tố kích thích khác.
Trên đây là một số cách điều trị hen phế quản ở người lớn thường được áp dụng và mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, nếu có những dấu hiệu nghi ngờ bệnh, bạn nên đi khám để được bác sĩ hướng dẫn cách điều trị phù hợp.
Mọi thắc mắc và có nhu cầu đặt lịch khám sớm, mời bạn liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, đội ngũ tư vấn viên sẽ tư vấn chi tiết hơn cho bạn.