Bệnh lao được tổ chức y tế thế giới xếp vào nhóm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm hiện nay. Thực hiện xét nghiệm lao sẽ giúp chẩn đoán bệnh sớm để có biện pháp phòng chống, điều trị hữu hiệu nhất. Bài viết dưới đây sẽ cùng bạn tìm hiểu về bệnh lao và các xét nghiệm liên quan đến căn bệnh này.
1. Tìm hiểu về bệnh lao
bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, được gây ra bởi tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis. Vi khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể và di chuyển khắp cơ thể, chúng có thể sinh sống ở hầu hết các cơ quan của cơ thể: hệ thần kinh, bạch huyết, ruột, gan, não, xương khớp, hệ sinh dục,… nhưng chúng phát triển tốt nhất chủ yếu ở phổi.
Lao là một bệnh lây truyền qua không khí, vi khuẩn lao được đào thải vào không khí khi bệnh nhân ho, hắt hơi và từ đó xâm nhập vào cơ thể người khoẻ mạnh rồi tiếp tục gây bệnh. Vi khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể không gây bệnh ngay mà trải qua một giai đoạn gọi là thời kỳ ủ bệnh. Thời kỳ này dài ngắn tùy thuộc vào sức đề kháng của mỗi người. Vi khuẩn sẽ tấn công khi hệ miễn dịch của người đó suy yếu (người bị HIV, người già, người hay đau ốm,… ). Khi đã gây bệnh thì vi khuẩn lao sẽ sinh sôi nảy nở và theo máu đi khắp cơ thể, gây nên nhiều triệu chứng ở các hệ cơ quan khác nhau.
Bệnh lao là bệnh nguy hiểm lây qua đường không khí
Chính vì mức độ nghiêm trọng như vậy nên bệnh lao cần được phát hiện sớm thông qua các xét nghiệm lao để có các biện pháp điều trị và phòng ngừa thích hợp.
2. Ai là người có nguy cơ mắc bệnh lao và nên tiến hành làm xét nghiệm lao?
Như đã nói ở trên, bệnh lao phát ra tùy thuộc vào hệ miễn dịch của mỗi người. Những đối tượng dưới đây thường dễ mắc bệnh lao:
-
Người bị nhiễm HIV hoặc các bệnh gây suy giảm miễn dịch.
-
Người sống chung, thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân lao.
-
Người ra ngoài không đeo khẩu trang, hay không sử dụng các biện pháp vệ sinh phòng lao và các bệnh truyền nhiễm khác.
-
Người sống ở những nơi có điều kiện y tế kém phát triển, vệ sinh không đảm bảo.
-
Người bị bệnh gan, bệnh phổi.
-
Người uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá.
-
Người có thói quen đi du lịch nhiều nơi trên thế giới cũng có nguy cơ cao lây nhiễm lao và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác.
3. Các xét nghiệm được tiến hành để chẩn đoán bệnh lao
Xét nghiệm lao là các biện pháp kỹ thuật giúp chẩn đoán bệnh lao. Dưới đây là các xét nghiệm được áp dụng phổ biến:
Chụp X - Quang tìm các hạch lao
Đây là phương pháp chẩn đoán bệnh lao nhanh và khá chính xác, được sử dụng rộng rãi trong y học.
Phương pháp chụp X - quang phát hiện lao phổi
Các xét nghiệm vi sinh vật học
- Soi tiêu bản đờm tìm vi khuẩn lao: Vi khuẩn lao có tính kháng acid, do đó người ta thực hiện phương pháp nhuộm acid để soi tìm vi khuẩn lao. Phương pháp này còn có tên gọi khác là phương pháp nhuộm Ziehl - Neelsen. Tuy nhiên, phương pháp này không phải chỉ phát hiện được vi khuẩn lao mà có thể phát hiện được tất cả các vi khuẩn có tính kháng acid. Do đó cần tiến hành các xét nghiệm kiểm tra để có kết quả chính xác hơn.
- Phương pháp nuôi cấy vi khuẩn lao MGIT: Nuôi cấy mẫu bệnh phẩm trong môi trường đặc giàu dinh dưỡng trong thời gian 3 - 6 tuần hoặc nuôi cấy trong môi trường lỏng trong thời gian khoảng 2 tuần. Phương pháp này có thể thực hiện kết hợp để làm kháng sinh đồ.
Các xét nghiệm sinh học phân tử:
- Xét nghiệm lao PCR (Polymerase Chain Reaction): Đây là phương pháp xét nghiệm dựa trên nguyên lý khuếch đại gen giúp tìm ra các đoạn gen của vi khuẩn lao. Phương pháp này có độ nhạy và độ đặc hiệu cao. Thời gian xét nghiệm khoảng 1 - 2 ngày sẽ cho kết quả, thực hiện được trên các loại mẫu bệnh phẩm: đờm, dịch phế quản, dịch màng phổi. Tuy nhiên phương pháp này có thể cho kết quả dương tính giả do không phân biệt được vi khuẩn sống hay chết, chỉ dựa vào sự có mặt của đoạn gen vi khuẩn và đòi hỏi trang thiết bị hiện đại nên chưa được sử dụng phổ biến ở nước ta.
Xét nghiệm lao bằng phương pháp PCR cho kết quả sau khoảng 1 - 2 ngày lấy mẫu
- Xét nghiệm lao Xpert - MTB: có độ nhạy và độ đặc hiệu tương tự hoặc cao hơn xét nghiệm PCR.
Các xét nghiệm lao miễn dịch:
- Phản ứng Mantoux: Dùng tuberculin tiêm trong da để đánh giá tình trạng mẫn cảm của các tế bào lympho với vi khuẩn lao. Đọc kết quả sau 48 - 72 giờ, đo đường kính và độ dày da tại vị trí tiêm, nếu da tăng mẫn cảm thì đó là kết quả dương tính. Tùy theo từng loại đối tượng mà đường kính quầng cho kết quả dương tính là khác nhau: ở người bị HIV, người mới tiếp xúc với bệnh nhân lao ( > 5mm); ở người mới nhập cư ở vùng nghi có dịch lưu hành ( > 10mm); ở người không có nguy cơ cao ( > 15 mm). Hiện nay phương pháp này hầu như không còn nơi nào sử dụng để chẩn đoán tình trạng nhiễm vi khuẩn lao.
- Xét nghiệm Quantiferon - TB (QFT): xét nghiệm này định lượng interferon - gamma hay IGRAs là xét nghiệm có thể biết sớm nhất sự có mặt của khuẩn lao. Phương pháp này chẩn đoán phân biệt giữa người nhiễm lao với người đã tiêm chủng phòng bệnh lao, đồng thời dự báo sự tái phát trở lại của người đã từng bị bệnh lao. Đây là một xét nghiệm có độ nhạy và độ đặc hiệu cao, thời gian thực hiện ngắn khoảng 1 ngày.
4. Phòng chống và điều trị lao hiệu quả như thế nào
Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, vì thế phòng ngừa bệnh lao là nhiệm vụ quan trọng của mỗi người. Để phòng chống sự lây nhiễm bệnh lao, mỗi người cần phải:
-
Chủ động tiêm phòng bệnh lao sớm.
-
Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bị bệnh, khi đi ra ngoài.
-
Rửa tay sạch sau khi tiếp xúc với người bệnh, dịch tiết của người bệnh.
-
Thói quen ăn uống, sinh hoạt lành mạnh.
Rửa tay thật sạch bằng xà phòng sau khi ra ngoài hoặc tiếp xúc với người bệnh là biện pháp hàng đầu giúp bảo vệ sức khỏe
Bệnh lao hoàn toàn có thể điều trị lành được nếu bạn có một ý thức tốt trong bảo vệ sức khoẻ:
-
Tuân thủ đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ về việc sử dụng thuốc.
-
Ăn uống điều độ, đầy đủ chất dinh dưỡng.
-
Không hút thuốc lá, uống rượu bia.
-
Tái khám đúng hẹn, báo ngay cho bác sĩ nếu thấy các bất thường về sức khỏe hay việc sử dụng thuốc.
-
Phòng chống lây lan cho người khác bằng cách giữ vệ sinh sạch sẽ, tiệt trùng chăn màn, dụng cụ, che miệng khi ho, hắt hơi,…
Bài viết trên đây cung cấp kiến thức về bệnh lao và các phương pháp xét nghiệm lao được áp dụng phổ biến hiện nay. Với các thông tin mà MEDLATEC đã chia sẻ, hy vọng độc giả đã hiểu được độ nguy hiểm của bệnh và mức độ quan trọng cần thiết phải tiến hành các xét nghiệm khi có các dấu hiệu bất thường. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, độc giả vui lòng liên hệ đến MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn miễn phí.