Các bệnh liên quan đến rối loạn nội tiết thường là những bệnh lý khó điều trị, tiến triển mạn tính và gây nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe. Điển hình các loại rối loạn nội tiết thường gặp như: suy tuyến yên, tiểu đường, suy tuyến thượng thận, suy tuyến sinh dục, viêm tuyến giáp,… Nếu không chẩn đoán và điều trị sớm, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với nhiều biến chứng sức khỏe nguy hiểm.
11/01/2022 | Xét nghiệm nội tiết tố nữ ở đâu, bao gồm những gì? 05/11/2021 | U thần kinh nội tiết - Những thông tin bạn cần biết! 10/10/2021 | Rối loạn nội tiết trong hội chứng buồng trứng đa nang gây triệu chứng gì?
Các tuyến nội tiết nằm rải rác ở khắp cơ thể, có nhiệm vụ sản xuất một vài loại hormone cụ thể với chức năng khác nhau giúp cơ thể hoạt động khỏe mạnh. Rối loạn nội tiết xảy ra khi tuyến nội tiết sản xuất quá nhiều hoặc quá ít hormone gây rối loạn chức năng tương ứng. Ngoài ra, tổn thương hoặc khối u xuất hiện cũng gây ra rối loạn nội tiết.
Rối loạn nội tiết có thể gây vấn đề sức khỏe nghiêm trọng
Dưới đây là các bệnh rối loạn nội tiết thường gặp:
1. Suy tuyến sinh dục - một trong các bệnh rối loạn nội tiết thường gặp
Tuyến sinh dục ở nam giới là tinh hoàn, ở nữ giới là buồng trứng. Đây là nơi sản xuất ra các tế bào sinh dục cùng hormone sinh dục kiểm soát sự phát triển của các đặc điểm giới tính cũng như chức năng sinh sản. Suy tuyến sinh sản sẽ gây giảm nghiêm trọng chức năng sinh sản, bao gồm:
Suy tuyến sinh dục ở nam: Đây là bệnh lý khá phổ biến, nhất là nam giới độ tuổi từ 40 trở lên. Đây cũng là hậu quả của sự lão hóa, khiến nam giới gặp phải các rối loạn tình dục như: không thể cương dương, khó xuất tinh, xuất tinh sớm,… Ngoài ra, nam giới suy tuyến sinh dục cũng khó đạt khoái cảm hơn khi quan hệ hoặc hoàn toàn không có hứng thú tình dục.
Suy tuyến sinh dục nam làm suy giảm chức năng tình dục
Suy tuyến sinh dục ở nữ: Đây là bệnh lý phức tạp do nhiều rối loạn nội tiết tố sinh dục gây ra, trong đó quan trọng nhất là sự giảm estrogen. Bệnh lý này thường xuất hiện ở giai đoạn tiền mạn tính và mãn kinh, gây giảm ham muốn, khô âm đạo, rối loạn rụng trứng, vô sinh,…
2. Bệnh tiểu đường
Tiểu đường là bệnh lý mạn tính thuộc nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa carbohydrate khi tuyến tụy không sản xuất đủ hormone insulin hoặc cơ thể giảm đáp ứng với hormone này. Đường huyết cao kéo dài sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: suy thận, mù mắt, nhồi máu cơ tim, hoại tử cơ quan, tai biến mạch máu não, giảm ham muốn tình dục,…
Bệnh nhân tiểu đường nặng, không điều trị tốt có nguy cơ biến chứng và tử vong cao. Thường không thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh rối loạn nội tiết tố này, người bệnh chỉ có thể kiểm soát bệnh bằng các thuốc tiểu đường dạng uống hoặc bằng cách tiêm insulin, thực hiện lối sống lành mạnh.
3. Bệnh tuyến giáp
Tuyến giáp là tuyến nội tiết lớn nhất, cũng có vai trò quan trọng nhất với cơ thể. Tuyến này nằm ngay phía trước cổ, các dạng rối loạn thường gặp gồm: suy giáp, cường giáp, viêm tuyến giáp,… Đặc biệt, viêm tuyến giáp thường do nhiễm trùng, nếu không điều trị tốt bệnh nhân có thể bị suy giáp hoặc cường giáp không hồi phục rất nguy hiểm.
Bệnh cường giáp xảy ra khi tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone
3.1. Bệnh cường giáp
Bệnh cường giáp là tình trạng tuyến giáp sản xuất hormone quá nhiều, khiến tim co bóp mạnh, nhanh hơn và từ đó làm suy kiệt tế bào cơ tim, lâu dài dẫn đến suy tim. Bệnh nhân cường giáp sẽ gặp phải nhiều triệu chứng sức khỏe và tinh thần như:
-
Dễ cáu gắt, khó ngủ, nguy cơ trầm cảm cao.
-
Mắt lồi, ngón tay run, teo cơ, phì đại tuyến giáp, tiêu chảy, giảm cân nhanh, nhịp tim loạn và nhanh bất thường, chóng mặt, ngất,…
Cường giáp là bệnh rối loạn nội tiết nguy hiểm, nếu không kiểm soát tốt lượng hormone do tuyến này sản xuất ra được cơ thể sử dụng, người bệnh có thể suy kiệt nhanh chóng và tử vong.
3.2. Bệnh suy giáp
Ngược lại với cường giáp, rối loạn nội tiết tố, suy giáp xảy ra khi tuyến này sản xuất quá ít lượng hormone, khiến các hoạt động chuyển hóa bị trì trệ, gây tổn thương các mô và cơ quan. Nữ giới là đối tượng nguy cơ cao hơn mắc bệnh suy giáp.
Nếu không điều trị tốt, bệnh nhân suy giáp có thể phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm như:
-
Biến chứng thai kỳ: làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non, tiền sản giật.
-
Bệnh tim mạch: suy giáp làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch do khả năng co bóp của tim giảm, các cơ quan cũng nhận ít máu hơn nhu cầu.
-
Bướu cổ: Suy giáp khiến cơ thể tăng kích thích lên tuyến giáp nhằm yêu cầu cơ quan này sản xuất lượng hormone nhiều hơn, đây là nguyên nhân dẫn đến bướu cổ.
Bướu cổ là bệnh xảy ra ở tuyến giáp
-
Bệnh thần kinh ngoại biên: Tổn thương thần kinh ngoại biên do suy giáp gây ra triệu chứng đau, tê, ngứa cùng tình trạng teo cơ, mất kiểm soát cơ vận động.
-
Vô sinh: Nữ giới bị thiếu hụt hormone tuyến giáp lâu dài sẽ làm chậm sự rụng trứng, từ đó giảm khả năng sinh sản.
4. Suy tuyến thượng thận
Tuyến thượng thận là tuyến nội tiết nhỏ nằm trên thận, nơi sản xuất ra các hormone quan trọng với chức năng sống của cơ thể. Hai dạng suy tuyến thượng thận chính là dạng nguyên phát và thứ phát.
Tuyến thượng thận giảm tiết hormone sẽ gây ra những triệu chứng như: yếu cơ, mệt mỏi, sút cân, buồn nôn, nôn, ỉa chảy, tụt huyết áp nặng, chóng mặt, rối loạn kinh nguyệt,…
Ngoài ra, suy tuyến thượng thận nguyên phát còn khiến bệnh nhân sạm da nhiều hơn dù không tiếp xúc nhiều với ánh sáng, nhất là các vùng nếp gấp da, sẹo, niêm mạc hay đầu gối, khuỷu tay,…
5. Suy tuyến yên
Tuyến yên có vai trò sản xuất ra nhiều loại hormone quan trọng với cơ thể như: Hormone tăng trưởng GH, hormone hướng sinh dục LH và FSH, hormone hướng vỏ thượng thận, hormone kích thích tuyến giáp,…
Triệu chứng suy tuyến yên khá đa dạng do các hormone cơ quan này sản xuất liên quan đến hoạt động của nhiều bộ phận trong cơ thể. Cụ thể:
-
Thiếu hormone hướng sinh dục khiến bệnh nhân rụng dần lông trên cơ thể, giảm ham muốn tình dục, nữ thì vô kinh, nam giảm cường dương. Nếu thiếu hụt nghiêm trọng, bệnh nhân có nguy cơ vô sinh cao.
-
Thiếu hormone hướng sinh dục: mãn kinh sớm, khô âm đạo, cơ thể bốc hỏa, đau khi giao hợp.
-
Thiếu hormone kích thích vỏ thượng thận: mệt mỏi, sụt cân, yếu cơ, buồn nôn, huyết áp thấp, da xanh tái,…
-
Thiếu hormone kích thích tuyến giáp: cơ thể mệt mỏi, xanh xao, da khô dày, béo, chịu lạnh kém,…
Suy tuyến yên ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và khả năng sinh sản
Các loại rối loạn nội tiết thường gặp trên đều gây nhiều ảnh hưởng với sức khỏe của người bệnh, gây ra triệu chứng đa dạng tùy theo tuyến nội tiết. Nếu gặp phải các dấu hiệu trên, hãy đi khám sớm để xác định nguyên nhân bệnh lý, điều trị sớm đem lại hiệu quả tốt hơn và mất ít chi phí hơn.
Nếu cần tư vấn thêm, liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.