Khi nói đến bệnh trĩ ở trẻ em chắc hẳn nhiều cha mẹ sẽ bất ngờ vì không nghĩ rằng trẻ lại có thể mắc bệnh lý này. Tuy nhiên, thực tế không thể phủ nhận là trẻ có thể bị trĩ giống như người lớn. Vậy dấu hiệu bệnh trĩ ở trẻ em là gì và cách điều trị như thế nào, bài viết sau sẽ cùng các bậc cha mẹ tìm hiểu về vấn đề ấy.
10/01/2022 | Giải đáp: Bệnh trĩ không nên ăn hoa quả gì và các thắc mắc không liên quan? 10/09/2021 | Các giai đoạn bệnh trĩ nội - dấu hiệu nhận biết cụ thể
1. Tại sao trẻ em bị trĩ?
Táo bón lâu ngày là một trong các nguyên nhân khiến cho trẻ bị trĩ
Sở dĩ trẻ em vẫn có thể mắc bệnh trĩ là bởi:
- Bị táo bón lâu ngày
Trẻ bị táo bón kéo dài vì không nạp đủ chất xơ sẽ có nguy cơ cao đối với bệnh trĩ. Điều này xảy ra khi trẻ không thích ăn rau củ và cha mẹ cũng không chú ý đến vấn đề này nên trong suốt một thời gian dài, trẻ bị thiếu chất xơ và kết quả là táo bón lâu ngày sinh ra trĩ.
- Thời gian ngồi bô quá lâu
Do ngồi bô quá lâu nên vô tình trẻ đã làm tăng áp lực lên các đám tĩnh mạch ở hậu môn và cản trở hồi lưu tĩnh mạch tạo điều kiện cho búi trĩ hình thành.
- Thể trạng
Có nhiều trẻ trong quá trình phát triển và hoàn thiện các bộ phận của cơ thể, do cơ hậu môn còn yếu và các tổ chức hoạt động còn lỏng lẻo, cộng với tình trạng dây chằng ở hậu môn trực tràng hoạt động chưa thật sự hiệu quả. Mặt khác, cấu trúc xương cùng và trực tràng lại nằm trên cùng một đường thẳng nên trực tràng dễ bị đẩy lên cao từ đó sinh ra bệnh trĩ ở trẻ em.
- Một số nguyên nhân khác
Ngoài những nguyên nhân phổ biến trên đây thì trẻ em còn có thể bị trĩ do:
+ Thời gian ngồi trên bề mặt cứng lâu.
+ Uống thiếu nước.
+ Thường xuyên quấy khóc dữ dội làm tăng áp lực ổ bụng, khiến cho máu dồn về vùng chậu, kết quả là ứ đọng máu ở trực tràng.
+ Di truyền: ngay từ những tuần đầu sau sinh, trẻ sẽ có dấu hiệu của bệnh trĩ.
+ Viêm ruột.
2. Dấu hiệu bệnh trĩ ở trẻ em và cách điều trị
2.1. Dấu hiệu cho thấy trẻ bị trĩ
Các dấu hiệu bệnh trĩ ở trẻ em phổ biến nhất là:
Trẻ bị bệnh trĩ thường ngồi bô rất lâu vì khó đi đại tiện
- Thường xuyên bị táo bón
Trẻ bị táo bón liên tục trong khoảng 5 - 7 ngày là lúc cha mẹ nên quan sát xem con có nguy cơ bị trĩ hay không. Lúc này, trẻ sẽ không đi đại tiện, nếu đi đại tiện sẽ thấy phân cứng rắn, vón thành cục nhỏ. Tình trạng này kéo dài sẽ tạo áp lực lớn lên hậu môn và tạo điều kiện cho búi trĩ hình thành.
- Thời gian đi đại tiện dài hơn bình thường
Trẻ đi đại tiện mất rất nhiều thời gian cũng là một trong các dấu hiệu bệnh trĩ ở trẻ em. Do ngồi lâu nên máu ở hậu môn khó lưu thông, dần dần khiến cho các búi trĩ hình thành.
- Mỗi khi đi đại tiện trẻ thường kêu đau rát
Khi trẻ đi đại tiện cảm thấy đau rát hậu môn tức là bệnh trĩ đang có dấu hiệu nghiêm trọng. Lúc này, búi trĩ đã xuất hiện và cọ xát với phân nên gây ra hiện tượng đau rát, có khi còn chảy máu.
- Hậu môn có dấu hiệu bất thường
Nếu trẻ có những dấu hiệu bất thường ở vùng hậu môn như sau thì cũng có nguy cơ bị trĩ:
+ Ngứa nóng ở hậu môn vì búi trĩ đã lòi ra ngoài, làm cho dịch hậu môn bị rỉ ra, vi khuẩn có điều kiện xâm nhập gây ra ngứa.
+ Sau khi đi đại tiện, hậu môn trẻ có xu hướng sưng nặng hơn.
+ Trẻ khó chịu, quấy khóc mỗi lần đi đại tiện.
2.2. Cách chữa bệnh trĩ ở trẻ em
Đối với trẻ nhỏ, nguyên nhân gây trĩ phổ biến nhất là táo bón nên khi tìm cách chữa bệnh trĩ ở trẻ em, trước tiên cha mẹ cần phải kiểm tra lại để thay đổi chế độ ăn cho trẻ. Những trẻ bú mẹ hoàn toàn rất hiếm khi bị táo bón nên nếu ở giai đoạn này trẻ bị trĩ thì khả năng cao là do di truyền.
Bệnh trĩ ở trẻ em cần được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và điều trị từ sớm để tránh những biến chứng không đáng có
Với những trẻ mới bắt đầu ăn dặm hoặc sử dụng sữa công thức thì khả năng bị táo bón cao hơn so với trẻ bú mẹ hoàn toàn. Những trẻ lớn hơn thì nguyên nhân chính gây táo bón chủ yếu do uống thiếu nước và ăn thiếu chất xơ.
Khi phát hiện trẻ bị bệnh trĩ, trước tiên, cha mẹ cần tăng cường chất xơ vào chế độ ăn hàng ngày của trẻ bằng cách bổ sung rau xay nhuyễn, trái cây, ngũ cốc nghiền nhuyễn vào trong bữa ăn hàng ngày. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên theo dõi lượng nước uống của con để đảm bảo bổ sung cho trẻ đủ lượng nước cần thiết.
Tạo cho trẻ có thói quen đi đại tiện vào đúng một khung giờ nhất định trong ngày cũng là cách trị bệnh trĩ ở trẻ em. Để làm được điều ấy, mỗi ngày, vào một khung giờ nhất định, cha mẹ hãy cho trẻ đi đại tiện, dần dần, trẻ sẽ hình thành được thói quen.
Chữa trị bệnh trĩ ở trẻ em hiện nay chủ yếu áp dụng phương pháp dùng thuốc Tây y. Tùy vào mức độ bệnh của từng trẻ mà bác sĩ sẽ chỉ định đơn thuốc phù hợp. Một số loại thuốc thường được bác sĩ sử dụng là:
- Kem bôi điều trị bệnh trĩ ở trẻ em thành phần không chứa Corticosteroid.
- Kem gây tê hoặc giảm đau cho trẻ dùng bôi trực tiếp vào búi trĩ.
- Thuốc giảm đau (dành cho những trường hợp có cơn đau nghiêm trọng do trĩ gây ra).
Bệnh trĩ ở trẻ nhỏ thường chỉ cần dùng thuốc Tây điều trị trong khoảng 1 - 2 tuần là sẽ có dấu hiệu cải thiện. Nếu vượt quá khoảng thời gian này mà bệnh không có chiều hướng tiến triển tốt hơn thì cha mẹ nên cho trẻ tái khám để bác sĩ tìm ra hướng hiệu quả hơn. Tùy vào tình trạng bệnh và thể trạng của từng trẻ mà khi ấy bác sĩ sẽ có phương án điều trị cụ thể.
Qua những chia sẻ trên đây hy vọng các bậc cha mẹ có thể nhận biết được dấu hiệu bệnh trĩ ở trẻ em và hướng xử trí đối với căn bệnh này. Mọi sự hỗ trợ về y tế, nếu cần, cha mẹ có thể liên hệ trực tiếp cho chuyên gia y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC qua Tổng đài 1900 56 56 56. Tại đây, các cha mẹ sẽ nhận được những chỉ dẫn phù hợp và chính xác nhất, đảm bảo an toàn cho sức khỏe của trẻ.