Ngày nay, nhiều người trẻ đang phải đối mặt với chứng rối loạn phân ly, điều này ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe tâm lý cũng như chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Chúng ta nên theo dõi và đi chữa bệnh Hysteria sớm để hạn chế những hậu quả khó lường. Vậy dấu hiệu nào cho biết bạn đang mắc bệnh?
06/04/2023 | Rối loạn thính giác là gì? Điều trị bằng cách nào? 28/02/2023 | Rối loạn phân định giới tính - Hội chứng loạn thần cần được lưu tâm 24/02/2023 | Rối loạn ám ảnh xã hội là gì? Tìm hiểu nguyên nhân và điều trị 23/02/2023 | Ám ảnh sợ xã hội và những rắc rối trong đời sống hàng ngày
1. Đôi nét về bệnh Hysteria
Bệnh Hysteria hay còn được biết đến với tên gọi khác là rối loạn phân ly. Theo nhiều nghiên cứu, chứng bệnh này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, giới tính. Song, phụ nữ trong độ tuổi là 14 - 25 là chiếm phần lớn trên tổng số bệnh nhân. Ngược lại, tỷ lệ người ngoài 45 tuổi mắc chứng rối loạn phân ly tương đối thấp. Như vậy, đây là một dạng bệnh thường gặp ở giới trẻ, bệnh nhân cần được theo dõi, chữa trị sớm.
Bệnh Hysteria thường xảy ra đối với các bạn nữ trẻ tuổi
Khi mắc căn bệnh này, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với tình trạng rối loạn tâm thần, dần dần họ rơi vào trạng thái mất kiểm soát cả về hành động lẫn cảm xúc. Thậm chí khi xúc động, một số người bệnh còn bị co giật hoặc bất tỉnh.
Trên thực tế, tâm lý lo âu, căng thẳng giữ trong người quá lâu là nguyên nhân chính gây rối loạn tâm thần. Điều này thường xảy ra đối với người trẻ, bởi vì họ đang phải sống trong xã hội xô bồ, quá nhiều áp lực về tinh thần. Trong đó, nhiều bệnh nhân rơi vào trạng thái trầm cảm, sợ hãi trong thời gian dài, không thể chia sẻ, bộc bạch cùng với bất cứ ai.
Bệnh Hysteria cũng có thể xảy ra với những người đã từng trải qua chấn thương về tâm lý, hay có suy nghĩ theo chiều hướng tiêu cực. Ngoài ra, nhiều bệnh nhân rối loạn phân ly không sở hữu ý chí, nghị lực mạnh mẽ, tinh thần chưa thực sự ổn định. Nếu chúng ta không quan tâm, chăm sóc sức khỏe tinh thần cẩn thận thì sẽ phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh rất cao.
2. Dấu hiệu nhận biết bệnh hysteria
Một trong những câu hỏi được quan tâm nhất là: người mắc bệnh Hysteria thường có dấu hiệu như thế nào? Bác sĩ cho biết tùy từng bệnh nhân, triệu chứng rối loạn phân ly sẽ khác nhau.
Bệnh nhân thường không kiểm soát được cảm xúc của bản thân
Co giật, cơ thể co cứng là một trong những dấu hiệu thường gặp ở bệnh nhân rối loạn phân ly. Triệu chứng này sẽ xuất hiện khi người bệnh đối mặt với những chấn thương tâm lý bất ngờ xảy đến. Mặc dù người bệnh tỉnh táo, song họ vẫn không ngừng hét, cơ thể phản ứng mạnh, đây có thể là cách khiến những người xung quanh chú ý tới bệnh nhân.
Cách thể hiện cảm xúc của người bệnh cũng khác so với người bình thường. Nếu để ý kỹ chúng ta sẽ thấy bệnh nhân dễ xúc động, khóc lóc, tức giận mà không có lý do nào. Một số biểu hiện đi kèm như: đau nhức đầu, cơ bụng co thắt, tức ngực hoặc nghiến răng,… Thậm chí, nhiều bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim hoặc co giật không thể kiểm soát trong những tình huống kể trên.
Nếu không chữa trị đúng cách, người mắc bệnh Hysteria có thể rơi vào trạng thái ảo giác, mắc bệnh ám thị hoặc tự ám thị. Đây là những vấn đề tâm lý hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần cũng như chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Không chỉ bị rối loạn cảm giác, vận động, người bệnh rất dễ bị rối loạn giác quan. Nhiều bệnh nhân đột nhiên mất thị giác, thính giác, tuy nhiên khi kiểm tra thì mắt, tai không hề gặp bất cứ tổn thương nào.
Ảo giác có thể xảy ra đối với người bị rối loạn phân ly
3. Có thể điều trị tình trạng rối loạn phân ly hay không?
Dựa vào các triệu chứng kể trên, có thể khẳng định rằng bệnh Hysteria là vấn đề sức khỏe khá nghiêm trọng. Liệu người bệnh có thể điều trị dứt điểm tình trạng này, cải thiện sức khỏe tâm lý hay không?
Trong chẩn đoán và điều trị chứng rối loạn phân ly, người bệnh cần đi kiểm tra thần kinh toàn diện, kết hợp khám nội khoa. Nhiều nghiên cứu cho thấy, bệnh nhân rối loạn phân ly có xu hướng mắc thêm các loại bệnh nội khoa, thần kinh khác.
Thông thường, bác sĩ sẽ điều trị cho bệnh nhân bằng liệu pháp ám thị, nhờ vậy họ sẽ nắm được tình hình sức khỏe tâm lý của bản thân, đồng thời cố gắng kiểm soát hành vi, cảm xúc của mình. Nếu kiên trì điều trị theo liệu pháp tâm lý này, sức khỏe tinh thần của bệnh nhân sẽ được cải thiện đáng kể. Đối với tình trạng bệnh Hysteria nặng, bác sĩ có thể cân nhắc, điều trị bằng cách thôi miên bệnh nhân trong giấc ngủ.
Song song với điều trị dựa theo liệu pháp ám thị, bệnh nhân có thể tham khảo và kết hợp các phương pháp khác, ví dụ như: châm cứu, xoa bóp hoặc bấm huyệt. Mục đích chính của việc điều trị là kiểm soát tình trạng rối loạn cảm giác hoặc rối loạn vận động. Đồng thời, bệnh nhân sẽ cảm thấy cơ thể thư thái, tinh thần thoải mái, dễ chịu.
Bệnh nhân nên kết hợp nhiều phương pháp điều trị khác nhau
Vận động, giải trí cũng là một cách giúp quá trình điều trị bệnh đạt hiệu quả cao hơn. Kể cả khi đã điều trị thành công, chúng ta vẫn nên giữ thói quen này để bảo vệ sức khỏe tinh thần cho bản thân mình.
4. Bí quyết phòng bệnh Hysteria
Trong những năm trở lại đây, số lượng người mắc bệnh Hysteria có xu hướng tăng nhanh, đây là vấn đề đáng báo động. Trước thực trạng này, chúng ta cần làm gì để duy trì sức khỏe tinh thần, hạn chế nguy cơ bị rối loạn phân ly?
Như đã phân tích ở trên, đa phần bệnh nhân là người trẻ, dễ nản chí và hay có suy nghĩ tiêu cực. Tốt nhất, cha mẹ và nhà trường nên rèn luyện, giáo dục người trẻ để họ có nghị lực và luôn cố gắng, không sợ bất cứ thử thách nào, biết cách kiềm chế cảm xúc cũng như hành động. Bên cạnh đó, gia đình, thầy cô cũng nên dành thời gian lắng nghe, chia sẻ, động viên giúp người trẻ vượt qua những khó khăn, thử thách đầu đời.
Để ngăn ngừa chứng rối loạn phân ly, chúng ta nên dành thời gian vui chơi, tham gia các hoạt động giải trí thay vì học hành, làm việc quá sức. Song song với đó, mỗi người nên xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, sinh hoạt khoa học để duy trì sức khỏe thể chất, tinh thần ở trạng thái tốt nhất.
Tham gia các hoạt động giải trí giúp bạn giải tỏa căng thẳng rất tốt
Trên đây là một số chia sẻ liên quan tới bệnh Hysteria, hy vọng rằng những thông tin này sẽ giúp bạn hiểu và cảnh giác hơn với chứng rối loạn phân ly. Khi phát hiện mắc bệnh, chúng ta không nên tự ti mà hãy chủ động đi khám, chữa trị bệnh kịp thời. Các bạn có thể thăm khám tại chuyên khoa Tâm thần thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC. Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng liên hệ hotline 1900 56 56 56.